KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 03/12/2021 - Lượt xem: 283
Bảo tồn ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam

Nước ta là một quốc gia đa dân tộc và đa ngôn ngữ. Ngoài tiếng Việt được sử dụng làm ngôn ngữ chung thì với 53 dân tộc thiểu số cũng đều có ngôn ngữ của riêng dân tộc mình. Tuy nhiên, do những điều kiện khác nhau mà có những ngôn ngữ được gìn giữ, bảo tồn, có những ngôn ngữ đã mai một và cũng có những ngôn ngữ đang có nguy cơ biến mất.  

Một giờ học ngôn ngữ dân tộc ở Trà Vinh.
Những nghiên cứu của các nhà khoa học Viện Hàn lâm khoa học xã hội và Khoa Ngôn ngữ học (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho thấy một số ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở nước ta có nguy cơ “biến mất” cao như tiếng Arem, Mã Liềng, Rục, Cơ Lao, Pa Dí, Thu Lao, Cuối, Pu Péo…
Đây hầu hết là các dân tộc có dân số rất ít hoặc ít người (từ vài trăm đến khoảng 1.000 người), đời sống xã hội rất khó khăn, không có năng lực tự bảo tồn và gìn giữ ngôn ngữ, tiếng nói của dân tộc mình.
Nghiên cứu cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mai một ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số.
Đó là dân số ít, số người biết, thường xuyên sử dụng ngôn ngữ dân tộc không nhiều, nếu không nói là rất ít; không có chữ viết, hoặc không được sử dụng thường xuyên, liên tục; việc sinh sống quá biệt lập hoặc giao thoa trong khu vực mà dân tộc thiểu số khác có dân số đông hơn, điều kiện kinh tế-xã hội phát triển hơn cũng rất dễ kéo theo nguy cơ làm mai một ngôn ngữ; vấn đề truyền dạy không được quan tâm, chú trọng; sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương chưa thật sự mang lại hiệu quả…
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội), vấn đề bảo tồn, gìn giữ ngôn ngữ các dân tộc thiểu số từ lâu đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Hiến pháp Việt Nam năm 2013 ghi rõ: "Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình" (Điều 5, Chương I).
Dưới Hiến pháp là rất nhiều văn bản nghị quyết, luật, quy định, hướng dẫn… và thành lập nhiều cơ quan, cơ sở nghiên cứu, đào tạo… cho mục tiêu nghiên cứu, bảo tồn và phát huy ngôn ngữ các dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta coi ngôn ngữ các dân tộc là một trong các thành tố làm nên bản sắc văn hóa dân tộc; bảo tồn, giữ gìn ngôn ngữ dân tộc là góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số ở nước ta.
Chủ trương và những quyết sách đúng đắn, đã mang lại cho một số ngôn ngữ dân tộc thiểu số những cơ hội không thể tốt hơn. Ở một số dân tộc thiểu số có số dân đông, cư trú tập trung, ngôn ngữ dân tộc đó được sử dụng làm ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Học sinh được truyền dạy bởi giáo viên và ngôn ngữ đó được sử dụng song song trong các hoạt động của nhà trường.
Ngoài ra, một số ngôn ngữ của các dân tộc đông người như Khmer, Ê Đê, Gia Rai, Ba Na, Chăm, H’Mông, Thái, Xê Đăng, Tày, Hà Nhì, Hrê, Cà Tu... cũng được lựa chọn sử dụng trên các đài tiếng nói, đài truyền hình, phát thanh Trung ương và địa phương. Một số cũng đã được sử dụng để in các tác phẩm văn học, văn nghệ; để biên soạn các từ điển đối chiếu song ngữ, các sách miêu tả ngữ pháp, các sách giáo khoa...
Đó là hiệu quả của chính sách đối với các dân tộc thiểu số có dân số đông, đời sống xã hội tương đối phát triển. Còn đối với ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số rất ít người, hiện đang có nguy cơ “biến mất” lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Người Arem, Mã Liềng, Rục, Cơ Lao, Pa Dí, Thu Lao, Cuối, Pu Péo cho đến nay, gần như không còn người có thể sử dụng thành thạo cả tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình.
Học sinh dân tộc thiểu số cần được học ngôn ngữ của dân tộc mình từ cấp tiểu học.
Một số dân tộc khác không có một người trẻ nào có thể nói được tiếng của dân tộc mình chứ chưa nói đến việc đọc chữ. Cũng có một số dân tộc không có chữ viết, chỉ còn rất ít người già là còn bập bõm được đôi ba câu tiếng nói của dân tộc mình. Đối với những dân tộc như vậy, việc ngôn ngữ của họ vốn đã từng có, sẽ nhanh chóng biến mất trong dòng chảy tự nhiên.
Đối với một số ngôn ngữ của dân tộc thiểu số có điều kiện để bảo tồn thì những chủ trương, chính sách của Nhà nước thực sự có ý nghĩa. Nhiều địa phương nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong cả nước như Nghệ An, Đăk Lăk, Gia Lai, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Sóc Trăng, Khánh Hòa… đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm khôi phục ngôn ngữ dân tộc thiểu số trong những hoạt động nội sinh của mỗi dân tộc.
Tiêu biểu như tỉnh Lào Cai. Từ năm 2019 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã mở 60 lớp dạy tiếng cho đồng bào dân tộc Phù Lá và Bố Y. Đã có gần 3.000 lượt người được ôn lại ngôn ngữ của dân tộc mình qua hình thức truyền khẩu. Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh ra mắt 2 chuyên trang tiếng H’Mông và tiếng Dao cho những người có nhu cầu giao lưu, học tập thông qua ngôn ngữ này. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cũng có nhiều nghiên cứu về ngôn ngữ dân tộc thiểu số thông qua các trang sách cổ còn lưu giữ tại bảo tàng tỉnh.
Những hoạt động nhằm bảo tồn, gìn giữ những giá trị của ngôn ngữ dân tộc được đồng bào dân tộc thiểu số hưởng ứng rất mạnh mẽ. Nhiều người già, nghệ nhân tự đứng ra mở lớp dạy tiếng, dạy chữ cho lớp trẻ chỉ để “bọn trẻ không quên tiếng mẹ đẻ của chúng”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng chương trình dạy song ngữ bằng 8 thứ tiếng dân tộc (gồm: Thái, H’Mông, Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng, Chăm, Khmer, Hoa, Ê Đê) cho các trường tiểu học, phổ thông dân tộc nội trú vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Dựa trên bộ tài liệu này, hiện nay cả nước có khoảng 30 tỉnh, thành phố đang tổ chức dạy học ngôn ngữ dân tộc thiểu số trong nhà trường.
Nhiều địa phương đã triển khai thực hiện dạy tiếng dân tộc cho học sinh trong trường phổ thông đạt kết quả tốt, như Sơn La, từ thành công bước đầu đã đặt kế hoạch mỗi năm mở khoảng 9 lớp với 400 học viên; Bình Thuận dạy tiếng Chăm cho học sinh tiểu học 4 tiết/tuần… Tỉnh Lào Cai cũng tổ chức dạy song ngữ (tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số) trong một số trường học trong tỉnh…
Mặc dù đã bước đầu có kết quả khả quan, nhưng trên tổng thể hiệu quả của công tác bảo tồn, gìn giữ ngôn ngữ dân tộc thiểu số chưa được như mong muốn. Nhiều địa phương mới chỉ dừng ở việc thử nghiệm thí điểm giảng dạy song ngữ chứ chưa thực hiện phổ cập tới nhiều trường nơi có đông học sinh dân tộc thiểu số; việc in ấn, phát hành sách báo, phát thanh, truyền hình có số lượng và thời lượng quá ít; nghiên cứu khoa học về ngôn ngữ dân tộc chưa nhiều; việc truyền dạy tại cộng đồng dân tộc cũng như cơ hội, điều kiện sử dụng ngôn ngữ trong cộng đồng chưa cao.
Đây có lẽ là yếu tố cơ bản quan trọng trong việc “hồi sinh” những ngôn ngữ dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một, bởi lẽ, nhân tố quan trọng nhất đem lại sức sống cho các ngôn ngữ là chúng được truyền dạy và có vai trò như thế nào trong đời sống xã hội.
Việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị ngôn ngữ dân tộc thiểu số cũng là bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Nguồn: https://nhandan.vn
Tin liên quan