1. Các cấp uỷ đảng chính quyền có trách nhiệm chỉ đạo, quản lý các nội dung hoạt động văn nghệ địa phương
Bao gồm:
- Tổ chức các loại hình sinh hoạt văn nghệ quần chúng
Nước ta có nhiều vùng, miền, nhiều dân tộc, mỗi một vùng quê đều có nét đặc thù của truyền thống văn hoá, mang sắc thái và vẻ đẹp riêng. Cho nên, công tác văn nghệ quần chúng đối với từng cấp uỷ Đảng chính quyền cũng cần có những hình thức tổ chức khác nhau để phù hợp với tâm lý, tình cảm của quần chúng nhân dân mỗi địa bàn khác nhau.
Trong các ngày lễ tết, lễ hội, lễ kỷ niệm của địa phương, người làm công tác văn nghệ ở cơ sở cần tổ chức các chương trình văn nghệ gọn nhẹ, có nội dung sâu sắc, sát thực phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của địa phương. Cần sử dụng các loại hình nghệ thuật tuyên truyền sân khấu mà địa phương có truyền thống như: tuồng, chèo, dân ca, kịch, tấu, múa rối nước... phối hợp với các chương trình ca múa nhạc.
Các hình thức sinh hoạt văn nghệ cũng cần phải da dạng. Với những địa phương có nhiều cán bộ hưu trí là trí thức, học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, nhi đồng ngoài các sinh hoạt văn nghệ mang tính cộng đồng cần tổ chức thêm các hình thức khác như: câu lạc bộ giới thiệu sách báo, câu lạc bộ thơ ca, tổ chức các cuộc thi kể chuyện, ngâm thơ, thi vẽ tranh, chụp ảnh nghệ thuật, sáng tác dân ca, âm nhạc...
Sinh hoạt văn nghệ dưới hình thức câu lạc bộ-chuyên đề số lượng quần chúng tham gia không nhất thiết phải đông mà đối tượng chủ yếu là người có khả năng, ham thích. Hiện nay hình thức câu lạc bộ văn nghệ phát triển mạnh ở nhiều nơi, được đông đảo quần chúng tham gia.
Nhiều địa phương hiện nay có nhà văn hoá-nơi sinh hoạt thường xuyên của cộng đồng dân cư. Các hình thức triển lãm (tranh, ảnh cổ động, giao lưu văn nghệ) cũng cần được tổ chức, khai thác. Thông qua đó tuyên truyền cho các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương thu hút đông đảo quần chúng, có tác dụng giáo dục trong cộng đồng. Nhiều địa phương đã sử dụng hình thức này để tuyên truyền cho các chương trình xã hội như ''Giáo dục toàn dân tham gia tháng an toàn giao thông”, ''Chương trình dân số kế hoạch hoá gia đình”, phòng chống các tệ nạn xã hội”, ''các chương trình khuyến nông'', ''bảo vệ rừng”, ''môi trường”…, đạt hiệu quả cao.
Ngoài ra cũng cần phải khai thác vốn văn nghệ dân gian mà hầu như ở làng quê nào cũng có. Công tác văn nghệ ở địa phương cần hiểu và khai thác thế mạnh đó ở địa phương mình, đây cũng là một biện pháp tích cực, chủ động trong chiến lược xã hội hoá văn hoá của Đảng và nhà nước ta.
- Chỉ đạo, quản lý tổ chức các chương trình tham gia hội diễn
Những năm gần đây, phong trào văn nghệ có chiều hướng phát triển. Ở các địa phương, (tỉnh, huyện) hằng năm cũng đều tổ chức nhiều hội diễn ở địa phương và khu vực. Những người phụ trách công tác văn nghệ có trách nhiệm tổ chức cho đơn vị mình những chương trình văn nghệ tham gia hội diễn.
Mỗi chương trình văn nghệ tham gia hội diễn cấp cơ sở thường gọn, nhẹ, thời gian không quá dài (30 phút), phải phù hợp với yêu cầu mục đích của hội diễn (nội dung, thể loại...). Số lượng diễn viên quần chúng tham gia không nhiều.
Trong quá trình xây dựng chương trình, tiết mục cần chú ý tới thế mạnh của phong trào văn nghệ của địa phương để tạo ấn tượng cho người xem. Nguồn kinh phí hoạt động cho các chương trình tham gia hội diễn ngoài việc đầu tư của chính quyền cơ sở, cần tận dụng những nguồn kinh phí khác (tài trợ, quyên góp của nhân dân, đoàn thể...).
- Chỉ đạo, quản lý, tổ chức khai thác sưu tầm vốn văn nghệ dân gian tại địa phương
Quần chúng nhân dân là người thưởng thức văn nghệ nhưng đồng thời họ cũng là người sáng tạo ra nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị, thường gọi là văn nghệ dân gian.
Vốn văn nghệ dân gian (ca dao, tục ngữ, truyền thuyết, trường ca, các làn điệu dân ca, múa...) ở nước ta đa dạng, phong phú sinh động. Nó được lưu truyền từ đời này qua đời khác qua trí nhớ, truyền miệng.
Một trong những nội dung của công tác văn nghệ địa phương là phải biết phát hiện, sưu tầm vốn văn nghệ dân gian. Đây là một việc làm cần thiết và cấp bách. Nếu không ý thức được công việc này sẽ làm mai một những giá trị văn hoá quý giá của cha ông để lại.
Có nhiều biện pháp để thực hiện khai thác sưu tầm vốn văn nghệ dân gian tại địa phương: phối hợp với nhà trường, đoàn thể tổ chức từng nhóm nhỏ để gặp gỡ các nghệ nhân ghi chép, ghi âm... tuyển chọn, giới thiệu.
- Chỉ đạo, quản lý các hoạt động văn nghệ chuyên nghiệp biểu diễn trên địa bàn và xã hội hoá các hoạt động văn nghệ tại địa phương
Các đội chiếu phim, các đoàn nghệ thuật về biểu diễn ở địa phương phục vụ nhân dân tại các tụ điểm văn hoá là một hoạt động thường xuyên, phổ biến. Người phụ trách công tác văn nghệ phải phối hợp chặt chẽ với phòng văn hoá thông tin của huyện để quản lý cho tốt các hoạt động này.
Yêu cầu đối với cán bộ phụ trách công tác chỉ đạo, quản lý công tác văn nghệ:
Để các hoạt động văn nghệ địa phương hiện nay có thể tồn tại, phát triển lâu bền cần nhanh chóng xã hội hoá, nhằm vận động sự tham gia rộng rãi của nhân dân địa phương và các đoàn thể, các tổ chức kinh tế để mọi tổ chức và mỗi người dân được tham gia một cách chủ động, bình đẳng vào sinh hoạt văn nghệ.
Để cho phong trào văn nghệ ở địa phương phát triển, các cấp uỷ Đảng, Chính quyền, người cán bộ làm công tác tuyên giáo cần:
- Nắm vững quan điểm của Đảng và các chính sách của nhà nước về văn hoá, văn nghệ theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII). Phải coi công tác văn nghệ quần chúng là một động lực, phương thức quan trọng trong công tác tuyên truyền tư tưởng phục vụ tích cực, hiệu quả cho nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
- Cần phải chọn đúng người, đúng việc tại cơ sở giao cho phụ trách công tác văn nghệ quần chúng. Ngoài năng lực, hiểu biết chuyên môn còn cần phải có nhiệt tình lòng ham thích công việc. Giao trách nhiệm cụ thể cho các đoàn thể có trách nhiệm với phong trào văn nghệ địa phương.
- Đối với những người tham gia các hoạt động văn nghệ quần chúng (quản lý, cộng tác viên), cần có chính sách hợp lý tạo điều kiện, động viên cho anh chị em bỏ công sức, thời gian tham gia các hoạt động văn nghệ.
2. Tổ chức đội ngũ cộng tác viên văn nghệ địa phương
Các hoạt động văn nghệ ở địa phương tuy không hoạt động thường xuyên nhưng trong công tác tuyên giáo và uỷ ban nhân dân các cấp cần phải có người phụ trách và phải có đội ngũ cộng tác viên.
- Tổ chức cộng tác viên
Người phụ trách công tác văn nghệ quần chúng tại địa bàn cần phải xây dựng một đội ngũ cộng tác viên không chuyên. Đó là nhữmg người có khả năng tham gia, hoạt động văn nghệ. Ở một số địa phương có truyền thống văn nghệ, những hạt nhân văn nghệ có khi tạo thành từng nhóm, thậm chí là người trong một gia đình, dòng họ...
Một đội văn nghệ tại địa phương số lượng không cần đông nhưng phải có một số diễn viên không chuyên làm nòng cốt, khả năng chuyên môn khá.
Cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và có chính sách tạo điều kiện để cho cộng tác viên văn nghệ có thời gian luyện tập biểu diễn. Nhiều địa phương có những hình thức thích ứng tạo điều kiện cho đội văn nghệ hoạt động (miễn giảm công ích xã hội, tạo quỹ đất cho đội văn nghệ sản xuất, mở rộng các dịch vụ kinh doanh... gây quỹ cho đội).
- Hình thức hoạt động của đội văn nghệ địa phương
Tổ chức các hoạt động văn nghệ vào dịp các ngày lễ, tết, phục vụ cho nhiệm vụ tuyên truyền chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội của địa phương.
Tổ chức sinh hoạt văn nghệ quần chúng dưới dạng các câu lạc bộ: như câu lạc bộ người yêu thơ, câu lạc bộ dân ca, câu lạc bộ báo chí... Hoạt động này thường diễn ra định kỳ hằng tháng, hằng quý. Số lượng người tham gia có chọn lọc hạn chế.
- Nguồn kinh phí hoạt độngcho công tác văn nghệ quần chúng
Căn cứ vào thực tế của địa phương, kinh phí cho các hoạt động văn nghệ quần chúng dựa vào các nguồn sau đây:
- Kinh phí do chính quyền địa phương tài trợ
- Kinh phí trích ra từ phúc lợi tập thể, có thu từ các hoạt động văn hoá, văn nghệ tại địa phương
- Vận động tài trợ của các nhà hảo tâm (tập thể, cá nhân)./.
Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương