Có người bằng khả năng và sức ảnh hưởng của mình trực tiếp đóng góp và kêu gọi sự chung tay của cộng đồng để hỗ trợ những hoàn cảnh gặp khó khăn. Họ đã góp phần lan tỏa những hành động nhân văn cao đẹp, minh chứng cho tinh thần đoàn kết tương thân tương ái của người Việt Nam trong đại dịch…
Tuy nhiên, bên cạnh những việc làm ý nghĩa, truyền cảm hứng cho cộng đồng, đáng buồn là vẫn còn không ít hành động thể hiện lối sống, cách hành xử thiếu chuẩn mực, gây tác động xấu đến cộng đồng của một bộ phận người nổi tiếng. Có thể kể tới một số vụ bê bối tình cảm gây bức xúc dư luận, cách sống buông thả, sẵn sàng vượt qua lằn ranh về đạo đức và pháp luật của không ít người nổi tiếng đã làm bộc lộ khoảng tối trong nhận thức, dẫn đến những việc làm khó có thể được chấp nhận.
Cùng với đó là những ồn ào liên quan một số "người của công chúng" sa vào tệ nạn xã hội như cờ bạc, lô đề, mại dâm; chụp ảnh phản cảm, khoe thân trá hình; sử dụng hình ảnh cá nhân tham gia quảng cáo những sản phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng; thậm chí quảng bá tiền ảo một cách bất hợp pháp… Không ít người hâm mộ thất vọng nhận ra đằng sau ánh hào quang của người nổi tiếng mà họ hâm mộ lại đang phơi bày sự lệch lạc về tư duy và hành động.
Đáng nói, những biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống bị công chúng bàn luận, lên án nhiều thời gian qua phần lớn rơi vào những người đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Bằng công nghệ lăng xê, không ít người trong số họ được nhào nặn trở thành những "ông hoàng", "bà hoàng", "nam thần", "nàng hậu"… trong khi mới chỉ có một vài dự án, hoạt động nghề nghiệp, thậm chí chưa được thẩm định sâu về chuyên môn. Sự nổi tiếng quá nhanh, quá dễ dãi với sự tung hô, săn đón quá đà của truyền thông và người hâm mộ khiến nhiều người ngộ nhận, ảo tưởng về tài năng, coi mình là trung tâm của vũ trụ. Thế nên mới có chuyện không ít "sao" tự cho mình quyền phát ngôn vô tội vạ mà chẳng cần để ý đến những tác động tiêu cực do "vạ miệng" gây ra, thậm chí đăng tải cả những thông tin giả, thông tin chưa được kiểm chứng lên trang cá nhân nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng.
Bên cạnh đó, môi trường mạng xã hội với khả năng tương tác, lan tỏa thông tin nhanh bị khai thác triệt để, trở thành môi trường diễn ra những cuộc "khẩu chiến"; những livestream phát vô tội vạ nhằm "bóc phốt" nhau, thậm chí xúc phạm, chửi bới, đe dọa, công kích người khác bằng những lời lẽ thô tục, vô văn hóa, không dựa trên bằng chứng xác thực chỉ để thỏa mãn sự ghen ghét, đố kị cá nhân. Hằng ngày trên không gian mạng xuất hiện nhan nhản những phát ngôn phản cảm, gây bức xức dư luận, như việc một nữ diễn viên lên tiếng "chúc mừng" người đã khuất vì đã "về với trời"; nữ diễn viên khác lại "cảm ơn cô Vy" vì giúp dân số thế giới bớt quá tải; có nam ca sĩ thì cho rằng mình là "vùng cấm" không ai có thể đụng vào…
Thật khó để liệt kê hết những phát ngôn gây sốc, thậm chí ngông cuồng của người nổi tiếng xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội cũng như ngoài đời thường. Đáng bàn là những phát ngôn chợ búa, giật gân không phải lúc nào cũng đơn giản chỉ xuất phát từ tật xấu hay sự vô ý, vô tâm, thiếu cẩn trọng, mà nhiều khi là cố tình tô vẽ, tạo ra xì-căng-đan để thu hút sự chú ý của nhiều người và đánh bóng bản thân. Nắm bắt tâm lý tò mò của một bộ phận dân chúng, các phát ngôn bạt mạng của một số người nổi tiếng liên tục được phát ra, và được chia sẻ lan truyền chóng mặt.
Thực tế người nổi tiếng luôn có sức hút, tầm ảnh hưởng mạnh mẽ với đám đông, thậm chí một số người còn được coi như thần tượng. Vì thế, sự xuống dốc về đạo đức, lối sống của một số người trong họ dù biểu hiện ở nhiều hình thức, mức độ khác nhau vẫn có nguy cơ không chỉ tạo nên sự hỗn loạn của những giá trị thật-ảo, gây ảnh hưởng đến uy tín của những người làm nghề chân chính mà nguy hiểm hơn còn tạo ra những tác động tiêu cực đến tâm lý, nhận thức của đám đông, đặc biệt là một bộ phận giới trẻ vốn dễ bị tác động, thích học và làm theo thần tượng. Những hành vi lệch chuẩn nếu xuất hiện một cách phổ biến mà không được cảnh tỉnh, chấn chỉnh kịp thời sẽ tiếp tục cổ súy cho những hành vi tương tự.
Sẽ nguy hại thế nào nếu một người đẹp chỉ nổi tiếng bằng cách khoe thân, phát ngôn gây sốc, cặp kè đại gia… cũng trở thành thần tượng của giới trẻ? Sẽ ảnh hưởng ra sao nếu người không mấy tài năng mà chỉ toàn tai tiếng cũng được tung hô, xưng tụng? Chúng ta đang nhìn thấy những cái giá quá đắt phải trả. Điều này lại càng nguy hiểm khi ngay cả những "giang hồ mạng" cũng trở thành những "idol" trên không gian ảo; bản sao của những kẻ chọn lối sống thực dụng, "đi tắt" bằng mọi giá để nổi tiếng, làm giàu nhanh chóng xuất hiện ngày càng nhiều…
Thời gian qua, với sự vào cuộc của lực lượng chức năng cùng các ban, ngành liên quan, nhiều người nổi tiếng có hành vi ứng xử vi phạm chuẩn mực đã bị xử lý nghiêm khắc. Tiêu biểu như một nữ MC từng đăng nội dung có dấu hiệu kích động, gây mâu thuẫn, hoang mang về công tác hỗ trợ chống dịch Covid-19 đã phải chịu xử phạt; một YouTuber nổi tiếng đã bị tuýt còi khi cung cấp, chia sẻ những thông tin nhảm nhí, độc hại, cổ súy mê tín dị đoan; một nam ca sĩ với những phát ngôn tục tĩu, vi phạm thuần phong mỹ tục đã bị cơ quan chức năng mời tới làm việc; một cựu người mẫu có biệt danh "thánh chửi" đã bị xử lý vi phạm… khá nhiều người nổi tiếng chia sẻ thông tin giả, chưa được kiểm chứng cũng đã bị phạt hành chính. Những động thái xử lý vi phạm này cho thấy dù chỉ là tư cách cá nhân cũng không có nghĩa là họ muốn phát biểu, đăng tải nội dung như thế nào cũng được mà cần phải tuân thủ luật pháp và đạo đức xã hội, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, hình thức xử phạt cho những vi phạm đạo đức trên môi trường mạng ở nước ta hiện vẫn còn quá nhẹ. Mức phạt hành chính là chủ yếu với mức chỉ vài triệu đồng, quá nhỏ so với mức thu nhập "khủng" của những người nổi tiếng nên hiệu quả răn đe không cao.
Nhìn sang một số quốc gia trong khu vực, dễ nhận ra cả nhà chức trách lẫn khán giả đều rất nghiêm khắc với những nghệ sĩ nổi tiếng nhưng có những lời nói, việc làm đi ngược đạo đức xã hội và các quy định của pháp luật. Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng thì thái độ phản đối, bài trừ quyết liệt đối với cá nhân có các hành vi thiếu chuẩn mực, vi phạm thuần phong mỹ tục cũng đã và đang phát huy tác dụng, góp phần tích cực trong việc chấn chỉnh những hành vi vi phạm đạo đức, văn hóa ở người nổi tiếng.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa qua đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Bên cạnh những quy tắc ứng xử chung, ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp, trong việc tham gia các hoạt động xã hội, ứng xử với đồng nghiệp, công chúng, văn bản còn đưa ra những quy định ứng xử trên không gian mạng, cụ thể như cần bình luận, nhận xét đúng mực, có văn hóa, có trách nhiệm, trung thực trong phát ngôn, bày tỏ và chia sẻ quan điểm đúng đắn, khách quan; không đăng tải, chia sẻ và lan truyền các nội dung vi phạm pháp luật, thông tin sai sự thật, vi phạm bản quyền, thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm danh dự, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân…
Trước đó, ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội với các quy tắc chung: tôn trọng, tuân thủ pháp luật; lành mạnh; an toàn, bảo mật thông tin; trách nhiệm. Đây là những quy tắc cần thiết giúp định hướng, điều chỉnh hành vi của người nổi tiếng theo phương châm lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận người nổi tiếng đã trở nên báo động, bên cạnh việc yêu cầu sự tự ý thức, tự thay đổi của từng cá nhân, cũng cần có thêm những chế tài xử lý đủ mạnh, đủ sức ngăn chặn những người có ý định vi phạm, hoặc tái phạm. Quan trọng không kém là cũng cần có những "bản án" nghiêm khắc từ dư luận. Sự lên án thẳng thắn, quyết liệt của công chúng với các hành vi phản cảm, từ chối tiếp nhận, tiêu thụ những sản phẩm, dự án, hoạt động có sự tham gia của những người tai tiếng sẽ tạo cơ hội để những người của công chúng thức tỉnh, nhìn nhận lại và điều chỉnh bản thân, hướng đến những hành vi đúng đắn, chuẩn mực, có những việc làm ý nghĩa đóng góp vào sự phát triển của xã hội.