Trước tình hình đó, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Hội nghị lần thứ VII (11/1940) họp tại Đình Bảng (Từ Sơn-Bắc Ninh) đã quyết định duy trì đội du kích Bắc Sơn và phát triển thành Cứu quốc quân Bắc Sơn để làm nòng cốt phát triển lực lượng vũ trang sau này.
Kỷ niệm 70 năm thành lập QĐNDVN:
Từ du kích Bắc Sơn đến đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân -
DẤU ẤN LỊCH SỬ !
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VI (11/1939) đánh dấu sự mở đầu chuyển hướng chỉ đạo đúng đắn về chiến lược cách mạng, mở đường đi tới thắng lợi Tháng Tám năm 1945. Cùng với hoàn chỉnh chuyển hướng chỉ đạo, Đảng ta đã rất coi trọng việc xây dựng lực lượng cách mạng cả về lực lượng chính trị đến lực lượng vũ trang – nhân tố quan trọng quyết định làm nên những thắng lợi lịch sử của dân tộc.
Trong giai đoạn 1941-1945, Trung ương Đảng, đứng đầu lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đặt những viên gạch nền móng cho việc xây dựng nòng cốt lực lượng vũ trang đầu tiên – tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay.
Bước phát triển của du kích Bắc Sơn thành các Trung đội Cứu quốc quân
Ngày 22/9/1940, Nhật cho quân vượt biên giới Việt - Trung đánh vào Lạng Sơn, đồng thời theo đường biển đổ bộ lên Đồ Sơn (Hải Phòng), chính thức xâm lược Đông Dương. Thực dân Pháp đã nhanh chóng đầu hàng và dâng Đông Dương cho Nhật; từ đây, dân tộc Việt Nam nói riêng cũng như toàn thể nhân dân Đông Dương nói chung sống rên xiết dưới ách thống trị của Nhật và Pháp.
Với những chính sách cai trị hà khắc của chúng, mâu thuẫn giữa nhân dân ta với đế quốc Pháp - Nhật càng trở nên gay gắt. Hơn bao giờ hết, ngọn lửa tinh thần cách mạng quật khởi của quân và dân ta đã bùng thổi với các cuộc khởi nghĩa của một thời kỳ đấu tranh mới – thời kỳ sử dụng hình thức bạo lực cách mạng, đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị; nổi dậy của quần chúng kết hợp với tiến công của các lực lượng vũ trang, nhằm đánh đổ đế quốc và phong kiến, giành độc lập, tự do.
Dưới sự lãnh đạo của đảng bộ địa phương, ngày 27/9/1940, nhân dân Bắc Sơn chặn đánh tàn quân Pháp, tước vũ khí của chúng và bao vây, đánh chiếm đồn Mỏ Nhài (châu lỵ Bắc Sơn). Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn nhanh chóng giành được thắng lợi: Viên tri châu Bắc Sơn bỏ trốn, chính quyền tay sai tan rã. Nhân dân đã làm chủ được châu lỵ. Nhưng ngay sau đó, Nhật - Pháp thỏa hiệp với nhau để thực dân Pháp quay trở lại chiếm Bắc Sơn và tiến hành khủng bố, đàn áp quân khởi nghĩa.
Trước tình hình đó, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Hội nghị lần thứ VII (11/1940) họp tại Đình Bảng (Từ Sơn-Bắc Ninh) đã quyết định duy trì đội du kích Bắc Sơn và phát triển thành Cứu quốc quân Bắc Sơn để làm nòng cốt phát triển lực lượng vũ trang sau này.
Ngày 14/2/1941, đội du kích Bắc Sơn chính thức được thành lập tại khu rừng Khuổi Nọi (thuộc xã Vũ Lễ, châu Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn). Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã thay mặt Trung ương Đảng công nhận, trao nhiệm vụ và lá Cờ đỏ sao vàng cho đơn vị vũ trang đầu tiên của Đảng gồm 32 chiến sĩ, do Chu Văn Tấn và Lương Văn Tri chỉ huy (1).
Sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII (5/1941), Ban Thường vụ Trung ương gồm các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, khi về xuôi đã dừng chân tại cơ quan bí mật ở Lâu Tây (Hữu Vĩnh-Bắc Sơn) và tranh thủ truyền đạt Nghị quyết Trung ương cho cán bộ địa phương ở đây. Đồng thời, Thường vụ Trung ương quyết định chuyển đội du kích Bắc Sơn thành Trung đội Cứu quốc quân thứ nhất và cử đồng chí Phùng Chí Kiên, Ủy viên Trung ương Đảng làm Chỉ huy trưởng, đồng chí Lương Văn Tri làm Chính trị viên.
Ngay sau khi đội du kích Bắc Sơn chuyển thành Trung đội Cứu quốc quân thứ nhất, Trung đội Cứu quốc quân thứ hai cũng được thành lập vào ngày 15/9/1941, tại rừng Khuôn Mánh (thôn Ngọc Mỹ, Tràng Xá, Vũ Nhai, Thái Nguyên), gồm 47 chiến sĩ, chia làm 5 tiểu đội cho Chu Văn Tấn chỉ huy.
Tiếp đó, Trung đội Cứu quốc quân thứ ba được thành lập ngày 25/2/1944, tại khu rừng Khuổi Kịch (Châu Sơn Dương, Tuyên Quang), gồm 24 chiến sĩ do Chu Văn Tấn chỉ huy.
Vừa mới ra đời, các Trung đội Cứu quốc quân đã tổ chức huấn luyện, tham gia các hoạt động quân sự nhằm bảo vệ căn cứ địa cách mạng và không ngừng phát triển lực lượng, duy trì sức đấu tranh của quần chúng.
Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập
Với sự thành lập của đội du kích và các Trung đội Cứu quốc quân, chứng tỏ, phong trào đấu tranh của quần chúng ngày càng dâng cao.
Bước sang năm 1944, chính quyền Mặt trận Việt Minh phát triển mạnh ở vùng Cao-Bắc-Lạng. Tuy vậy, dù đã có những đội du kích vũ trang, nhưng hoạt động tuyên truyền chính trị của cán bộ Việt Minh chưa hoàn toàn kết hợp được với hoạt động vũ trang, vẫn mang nặng tính địa phương, thiếu thống nhất, nên chưa phát huy tác dụng gây dựng cơ sở lan rộng, nhất là với những vùng nằm trong sự kiểm soát dù còn lỏng lẻo của người Pháp.
Trong bối cảnh đó, lãnh tụ Việt Minh Hồ Chí Minh nhận định nếu chỉ có tuyên truyền chính trị sẽ khó thành công, vì vậy, Người đã ra Chỉ thị thành lập một lực lượng vũ trang chủ lực, nòng cốt lấy từ các cán bộ chính trị, đội viên du kích năng nổ. Trong bản Chỉ thị, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền. Vì muốn hành động có kết quả, thì về quân sự, nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng. Cho nên, theo chỉ thị mới của đoàn thể, sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao-Bắc-Lạng số cán bộ, đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực…”. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã được Người giao trọng trách đảm nhiệm công việc thành lập lực lượng vũ trang tập trung.
Thực hiện sự chỉ đạo trên, ngày 22/12/1944, tại khu rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám (nay thuộc tỉnh Cao Bằng), đội Việt Nam Tuyên tuyền Giải phóng quân được thành lập với 34 chiến sĩ, gồm: 29 người dân tộc thiểu số (19 đồng chí dân tộc Tày, 8 đồng chí dân tộc Nùng, 1 đồng chí dân tộc Mông, 1 đồng chí dân tộc Dao), còn lại 5 đồng chí dân tộc Kinh.
Quân số ban đầu được chia thành 3 tiểu đội do Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy; trong đó, Hoàng Sâm (tức Trần Văn Kỳ) được chọn làm đội trưởng; Xích Thắng (tức Dương Mạc Thạch) làm chính trị viên, Hoàng Văn Thái (tức Hoàng Văn Xiêm) phụ trách tình báo và kế hoạch tác chiến; Lâm Kính (tức Lâm Cẩm Như) phụ trách công tác chính trị; Văn Tiên (tức Lộc Văn Lùng) làm quản lý. Vũ khí ban đầu chỉ có 2 súng thập (súng ngắn 10 viên), 17 súng trường và 14 súng kíp.
Với tinh thần “phải đánh thắng trận đầu”, ngay sau khi thành lập, đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập vào đồn Phai Khắt thuộc địa bàn xã Tam Lọng (nay là xã Tam Kim, Nguyên Bình, Cao Bằng) lúc 17 giờ chiều ngày 25/12/1944 và 7 giờ sáng ngày 26/12/1944 đột nhập đồn Nà Ngần (cách Phai Khắt 15km, nay thuộc xã Hoa Thám, Nguyên Bình, Cao Bằng) tiêu diệt gọn hai đồn địch, giết chết hai tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính địch trong hai đồn, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng.
Sau thắng lợi này, quân số tăng lên nhanh chóng, phát triển thành một đại đội gồm 3 trung đội, Hoàng Sâm làm đại đội trưởng, còn Xích Thắng làm chính trị viên. Trên đà đó, Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đẩy mạnh công tác tuyên truyền vũ trang và xây dựng cơ sở cách mạng.
Ngày 15/5/1945, tại Chợ Chu (Thái Nguyên), Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân hợp nhất với các Trung đội Cứu quốc quân và một số đơn vị du kích thành lực lượng quân sự thống nhất, lấy tên là Việt Nam giải phóng quân, trở thành lực lượng quân sự chủ yếu của Mặt trận Việt Minh khi tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám (1945) và là lực lượng nòng cốt làm nên những chiến công hiển hách liên tiếp sau đó của dân tộc Việt Nam.
Như vậy, trải qua hơn 4 năm vừa chiến đấu và xây dựng (1941-1945), dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là lãnh tụ Hồ Chí Minh, lực lượng vũ trang đã ra đời, trưởng thành nhanh chóng cả về số lượng và sức chiến đấu. Từ du kích Bắc Sơn đặt nền móng và phát triển ngày càng lớn mạnh thành các Trung đội Cứu quốc quân, đến đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập (22/12/1944), trong thời gian ngắn, dù mới ra đời nhưng đội quân vũ trang chính quy đầu tiên của Việt Nam đã đảm đương xuất sắc nhiệm vụ của mình và trở thành chỗ dựa vững chắc cho phong trào quần chúng, xứng đáng với lời dạy của Người: “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam…”.
Lê Thị Hiếu
(1): Từ tháng 6/1941 do Phùng Chí Kiên chỉ huy.