Phần thứ nhất
NHỮNG NÉT NỔI BẬT VỀ LỊCH SỬ, ĐỊA LÝ, KINH TẾ, VĂN HÓA, XÃ HỘI
1. Quá trình chia tách, sáp nhập
- Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xuất phát từ yêu cầu xây dựng LLVT cách mạng, ngày 31/10/1945, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà (nay là Cộng hoà XHCN Việt Nam) quyết định thành lập các Chiến khu. Trong phạm vi đồng bằng Bắc Bộ và phụ cận có các Chiến khu 2, 3 và 11; trong đó Chiến khu 2, Chiến khu 3 gồm hầu hết các tỉnh, thành trực thuộc Quân khu 3 hiện nay.
- Ngày 25/01/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 120/SL tổ chức lại các Chiến khu, trên địa bàn châu thổ Sông Hồng thành lập Liên khu 3 trên cơ sở hợp nhất Chiến khu 2, Chiến khu 3.
- Tháng 5/1952 Liên khu 3 tách thành khu 3 và khu Tả Ngạn; tháng 9/1957 trên cơ sở Khu 3 và Khu Tả Ngạn thành lập Quân khu Hữu Ngạn và Quân khu Tả Ngạn.
- Ngày 01/11/1963, Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 51/QĐ điều chỉnh địa giới Quân khu Tả Ngạn và Hữu Ngạn, tổ chức lại với tên gọi mới là Quân khu Đông Bắc và Quân khu 3.
- Ngày 27/3/1967, Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định (từ số 22 - 24/QĐ), theo đó, Quân khu 3 tách ra thành Quân khu Tả Ngạn và Quân khu Hữu Ngạn; hợp nhất Bộ Tư lệnh Hải quân và Quân khu Đông Bắc, lấy tên là Bộ Tư lệnh Hải quân kiêm Quân khu Đông Bắc.
- Ngày 02/2/1970, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 17/QP quyết định giải thể Quân khu Đông Bắc, Bộ Tư lệnh Hải quân thôi kiêm nhiệm Quân khu Đông Bắc; tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị trực thuộc Quân khu Đông Bắc được bàn giao về Quân khu Tả Ngạn.
- Ngày 29/5/1976, Chủ tịch nước ban hành Sắc lệnh số 45/LCT thành lập lại Quân khu 3 trên cơ sở hợp nhất Quân khu Tả Ngạn và Quân khu Hữu Ngạn; đồng thời điều chỉnh địa giới hành chính, tách tỉnh Thanh Hóa về thuộc Quân khu 4.
Mặc dù đã nhiều lần thay đổi tên gọi khác nhau nhưng ngày 31/10/1945 được xác định là Ngày thành lập, Ngày truyền thống của LLVT Quân khu 3.
2. Vị trí địa lý
- Trải qua nhiều lần chia tách, sáp nhập, đến nay, địa bàn Quân khu 3 gồm 9 tỉnh (thành phố) trực thuộc Trung ương: thành phố Hải Phòng, các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hòa Bình, Hưng Yên, Hải Dương. Trong đó, có 1 tỉnh biên giới (Quảng Ninh); 5 tỉnh ven biển (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình); có 94 quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (3 huyện, thành phố biên giới, 21 huyện miền núi, 14 huyện ven biển, 4 huyện đảo); 1.822 xã, phường, thị trấn (16 xã biên giới, 366 xã miền núi, 122 xã ven biển, 34 xã đảo).
- Diện tích tự nhiên của Quân khu là 20.150 km2, có hơn 118 km đường biên giới trên bộ với Trung Quốc, 516 km bờ biển với trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, án ngữ hướng biển Đông và Đông Bắc của Tổ quốc.
- Hệ thống giao thông bao gồm đường bộ, đường biển, đường sông, đường không, đường sắt nối liền trong nước và quốc tế như: QL1, QL5, QL6, QL10, QL18, QL21…
- Các cảng lớn: Hải Phòng, Cái Lân, Hòn Gai, Cẩm Phả (Quảng Ninh), Diêm Điền (Thái Bình); sân bay Cát Bi, Kiến An (Hải Phòng).
2. Lịch sử, văn hoá
- Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, địa bàn Quân khu 3 luôn có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và quốc phòng - an ninh của cả nước; là vùng đất giàu tiềm năng và thế mạnh; là vựa lúa của miền Bắc, một trong ba vùng kinh tế động lực của cả nước, nơi tập trung nhiều trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội, trong đó có 2 trung tâm lớn (Hải Phòng và Quảng Ninh) là 2 cực của tam giác tăng trưởng kinh tế miền Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh).
- Địa bàn có nhiều danh lam thắng cảnh như: Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) - hai lần được UNESCO công nhận di sản thiên nhiên thế giới, một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới; đảo Cát Bà (Hải Phòng) - Vùng dự trữ sinh quyển thế giới; Tràng An (Ninh Bình) - Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; nơi có nhiều hang động đẹp như: Tam Cốc, Bích Động, rừng Cúc Phương (Ninh Bình).
- Di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng: Chùa Dư Hàng (Hải Phòng); Chùa Keo (Thái Bình); Tháp Phổ Minh, Đền Trần thờ 14 đời vua Nhà Trần (Nam Định); Nhà thờ Đá (Phát Diệm), Chùa Bái Đính (Ninh Bình)...
- Có nhiều lễ hội văn hoá truyền thống độc đáo của nền văn minh lúa nước sông Hồng như: Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh); Hát đúm - Thuỷ Nguyên, Chọi Trâu - Đồ Sơn (Hải Phòng); Lễ hội Phủ Dầy và Lễ hội khai ấn - Đền Trần (Nam Định, Thái Bình)...
- Quân khu 3 cái nôi của nền văn minh sông Hồng, có truyền thống yêu nước, đấu tranh bất khuất, kiên cường với những chiến công còn vang vọng muôn đời gắn liền với tên tuổi của các anh hùng dân tộc: Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Nguyễn Huệ. Là nơi sinh ra những nhà văn hóa, khoa học lỗi lạc của dân tộc: Mạc Đĩnh Chi, Lê Hữu Trác (Hải Thượng Lãn Ông), Lê Quý Đôn, Lương Thế Vinh... và là quê hương của nhiều nhà hoạt động chính trị nổi tiếng như: Tổng bí thư Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Đức Cảnh...
3. Tổ chức biên chế
Quân khu 3 hiện nay có 28 đầu mối cơ quan, đơn vị trực thuộc, bao gồm:
- 4 cơ quan Quân khu: Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Hậu cần và Cục Kỹ thuật;
- Bộ CHQS 9 tỉnh, thành phố;
- 2 sư đoàn: f395 (đủ quân) và f350;
- 7 lữ đoàn (phòng không, pháo binh, công binh, thông tin, vận tải thủy…);
- Đoàn KT-QP 327;
- 4 nhà trường (Trường QSQK và 03 Trường Cao đẳng nghề);
- Công ty Duyên Hải.
Phần thứ hai
NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
CỦA QUÂN VÀ DÂN QUÂN KHU 3 TRONG 70 NĂM QUA
1. Quân và dân Quân khu 3 đoàn kết một lòng, chủ động, sáng tạo cùng cả nước đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các tổ chức bán vũ trang và vũ trang ở các khu công nghiệp: Hải Phòng, Nam Định; các đội "Tự vệ đỏ", "Tự vệ công nhân" và các căn cứ kháng chiến: Bãi Sậy (Hưng Yên), Kim Sơn (Hải Phòng), Chiến khu Quang Trung (Ninh Bình, Hoà Bình, Thanh Hoá), Chiến khu Trần Hưng Đạo (Đệ tứ chiến khu Đông Triều)... được hình thành và phát triển mạnh mẽ. Ở địa bàn nông thôn và nhiều vùng khác, các đội du kích lần lượt ra đời, anh dũng chiến đấu, chống càn, bảo vệ làng, xã, cơ sở và cán bộ cách mạng.
Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến, toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta…”, chỉ trong 7 ngày (từ 18 đến 24/8/1945), các tỉnh, thành phố thuộc đồng bằng Bắc bộ đã cùng với cả nước nổi dậy Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi.
Để bảo vệ chính quyền cách mạng, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xảy ra, theo chủ trương của Đảng, trên địa bàn Quân khu, lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích, tự vệ đã phát triển mạnh mẽ.
- Bộ đội chủ lực: trên cơ sở các đơn vị Giải phóng quân và Đội du kích ở các Chiến khu (Đông Triều, Quang Trung, Chiến khu 2, 3), rút các đơn vị tự vệ tập trung của các tỉnh, tuyển thêm tân binh hình thành các chi đội Vệ Quốc đoàn, đến tháng 9/1945 đổi thành các trung đoàn như: Trung đoàn 41, Trung đoàn 44, Trung đoàn 50, Trung đoàn 35, Trung đoàn 37…
- Bộ đội địa phương (bộ đội cảnh vệ): mỗi tỉnh có 1 đại đội, huyện có 1 trung đội.
- Lực lượng dân quân du kích, tự vệ: xã có dân quân du kích, khu phố, phường có tự vệ và tự vệ chiến đấu; ở mỗi huyện, thị được tổ chức lực lượng tự vệ tập trung từ cấp trung đội đến đại đội.
Ngày 20/11/1946, quân và dân thành phố Hải Phòng là nơi nổ súng đánh trả giặc Pháp xâm lược, mở đầu cho cuộc kháng chiến trên địa bàn Quân khu 3 và các tỉnh miền Bắc.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, với ý chí kiên cường, bất khuất, trên khắp địa bàn Quân khu đã tạo thành thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp ngăn chặn, vây hãm, tiến công tiêu diệt quân thù. Châu thổ sông Hồng là chiến trường nóng bỏng, là nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và địch.
Các trận đánh tiêu biểu đi vào lịch sử dân tộc như: trận tập kích sân bay Cát Bi - Hải Phòng, trận chống càn ở làng Phan Xá - Tống Xá - Hưng Yên, trận đánh mìn ở ga Phạm Xá - Kim Thành - Hải Dương, trận chống càn ở làng Vạn Thọ xã Nhân Nghĩa - Lý Nhân - Hà Nam, trận đánh 86 ngày đêm bảo vệ thành phố Nam Định.
Nhân dân và LLVT Liên khu 3 đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ lực của trên đánh hơn 78.600 trận lớn, nhỏ; loại khỏi vòng chiến đấu gần 400 ngàn tên địch, phá huỷ và thu hơn 42.000 súng các loại, phá hủy và bắn rơi 126 máy bay, đánh đổ 1.299 đầu tàu và toa xe lửa quân sự, đốt cháy và thu 2 triệu lít xăng và hàng trăm ngàn phương tiện chiến tranh.
Địa bàn Quân khu cũng là nơi diễn ra các cuộc "Chiến tranh du kích" điển hình của cả nước, ở các địa phương phát triển mạnh mẽ phong trào "Đắp luỹ, đào hào, xây dựng làng chiến đấu, biến mỗi thôn xóm thành một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ anh dũng, chiến đấu ngay trong lòng địch". Hàng trăm làng, thôn, xã vang dội những chiến công trên địa bàn Quân khu 3 làm cho địch phải khiếp vía kinh hoàng như: Nguyên Xá (Thái Bình), Liên Minh (Nam Định), Hùng Thắng (Hải Phòng), Tam Nông (Hưng Yên)... cùng với "Sấm đường 5", " Cát Bi rực lửa", "Đường 17", "Đường 10" quật khởi.... đã trở thành niềm tự hào của dân tộc.
2. Quân và dân Quân khu 3 nêu cao tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, sát cánh cùng cả nước, đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược và Nguỵ quyền tay sai, thống nhất Tổ quốc
Bất chấp hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, đế quốc Mỹ đã dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm và trực tiếp đưa quân vào miền Nam, tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới với quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, ác liệt và dã man tàn bạo nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ II. Trước vận mệnh đất nước, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với cả nước, quân và dân Quân khu 3 tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến chống lại tên đế quốc có tiềm lực kinh tế, quốc phòng mạnh nhất thế giới.
Từ cuối năm 1954 đến năm 1959, trên cơ sở quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng, quân và dân Quân khu 3 vừa tập trung khôi phục, củng cố chính quyền cách mạng ở các cấp, vừa chống trả lại có hiệu quả âm mưu chống phá thi hành Hiệp định đình chiến, nhất là xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng ta, đe dọa, dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam. LLVT Quân khu đã cùng với các tổ chức, đoàn thể cách mạng vận động hàng chục nghìn đồng bào các tỉnh: Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Hà Tây, Thái Bình… không mắc mưu kẻ địch, ở lại quê hương xây dựng cuộc sống mới.
Quân và dân Quân khu 3 còn đón 20 vạn đồng bào từ miền Nam ra Bắc tập kết, hoàn thành cải cách ruộng đất, tích cực chống giặc đói, giặc dốt, phát triển kinh tế xã hội và phát triển mạnh LLVT cả 3 thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ đồng thời coi trọng xây dựng lực lượng dự bị động viên.
Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ toàn quốc lần thứ III, nhiều phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ trên địa bàn Quân khu, như: phong trào “Sóng duyên hải” (từ nhà máy cơ khí Duyên Hải - Hải Phòng) và phong trào “Cờ 3 nhất” (nhất về huấn luyện quân sự, rèn luyện kỹ thuật; nhất về gương mẫu, kỷ luật và nhất về lao động và sản xuất) từ Đại đội 2 pháo binh thuộc Sư đoàn 304 - Đoàn Vinh Quang đã tạo thành cao trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn Quân khu.
Trong suốt những năm chiến tranh ác liệt, Quân khu 3 đã trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn với phương châm “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, quân và dân Quân khu đã không ngại gian khổ, hy sinh, vừa “Chiến đấu giỏi” vừa “Sản xuất giỏi”, với phong trào “Tay cày tay súng” “Tay búa tay súng” quyết tâm sản xuất nhiều lương thực, thực phẩm và sản phẩm để chi viện cho tiền tuyến; nhiều tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa, nhiều cánh đồng 5 tấn, 10 tấn ở các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên; nhà máy dệt Nam Định vào ca đêm dưới làn bom Mỹ; vùng mỏ kiên cường, bất khuất sản xuất ra nhiều vàng đen cho Tổ quốc.
Với phong trào “Toàn quân khu hướng ra tiền tuyến” từ đồng bằng sông Hồng, hơn 1 triệu cán bộ, chiến sỹ với 4 sư đoàn, 5 khung sư đoàn, 29 khung trung đoàn, 1.026 tiểu đoàn và 80 vạn thanh niên xung phong đã vào Nam chiến đấu và phục vụ chiến đấu, xây dựng chính quyền cách mạng ở miền Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào, Campuchia. Nuôi dưỡng hàng ngàn con em tập kết, đào tạo trở thành những cán bộ, chiến sĩ phục vụ sự nghiệp cách mạng; nuôi dưỡng 30 vạn thương binh, bệnh binh ở các chiến trường về hậu phương.
Trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ra miền Bắc, quân và dân Quân khu đã phối hợp chặt chẽ với Quân chủng Hải quân, phòng không - không quân tạo nên thế trận hiệp đồng vừa rộng khắp, vừa có trọng điểm, đánh địch nhiều tầng, nhiều hướng; đạt hiệu suất chiến đấu cao, đạt đến đỉnh cao về tính chất toàn dân, toàn diện; cùng với các lực lượng trên địa bàn đánh 39.450 trận, bắn rơi 1.526 máy bay Mỹ (trong tổng số 4.181 máy bay bị bắn rơi ở miền Bắc), trong đó có 10 máy bay B52, 2 máy bay F111, bắt sống nhiều giặc lái, bắn chìm, bắn cháy 75 tàu chiến các loại, tiêu diệt nhiều toán biệt kích Mỹ - ngụy, rà phá và tháo gỡ gần 69.000 quả bom, mìn, thủy lôi, phá tan chiến dịch phong tỏa đường biển vào cảng Hải Phòng, lần lượt đập tan các chiến dịch “Biển lửa”, “ Rồng biển” của địch.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Quân khu 3 là vùng đất giàu người, giàu của, giàu chiến công; chi viện chủ yếu sức người, sức của cho các chiến trường; có nhiều tấm gương chiến đấu anh dũng, những người con có mặt ở những thời điểm lịch sử trọng đại của dân tộc, tạo những mốc son chói lọi, làm rạng rỡ và tô thắm thêm truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam:
- Trong kháng chiến chống Pháp, có nữ du kích anh hùng đầu tiên Nguyễn Thị Chiên tay không bắt giặc; Tạ Quốc Luật người đại đội trưởng dẫn đầu tổ thọc sâu đánh chiếm sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, cắm cờ trên nắp hầm và bắt sống tướng Đờ-Cát; Nguyễn Hữu Tiến (Duy Tiên, Hà Nam) là người vẽ lá cờ đỏ sao vàng (xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23/11/1940, sau trở thành Quốc kỳ nước Việt Nam); nhạc sỹ Văn Cao (Vụ Bản, Nam Định) tác giả bài “Tiến quân ca”, sau này là Quốc ca của nước Việt Nam.
- Trong kháng chiến chống Mỹ có Vũ Ngọc Nhạ, người tình báo chiến lược, suốt 20 năm mưu trí dũng cảm, trụ vững trong lòng địch qua 4 đời Tổng thống Ngụy Sài Gòn; Bùi Quang Thận, người đại đội trưởng chỉ huy phân đội xe tăng húc đổ cánh cổng sắt và cắm cờ trên Dinh Độc lập; anh hùng Phạm Tuân, phi công dũng cảm, chiến đấu quật ngã pháo đài B52 của giặc Mỹ, là người Châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ.
3. Quân và dân Quân khu 3 thực hiện tốt 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đạt được những thành tựu to lớn trong giai đoạn cách mạng mới
- Qua tổng kết phong trào “Vươn ra biển để làm giàu đánh thắng” ở tỉnh Hà Nam Ninh, nhất là việc xây dựng phòng tuyến ven biển với quai đê lấn biển ở Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Hà Nam Ninh (nay thuộc tỉnh Ninh Bình), Quân khu đã phát động phong trào “Làm giàu, đánh thắng”. Từ đây, phong trào phát triển rộng khắp, trở thành khẩu hiệu hành động và là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm ở các đơn vị trong LLVT Quân khu; mang lại hiệu quả thiết thực như: xây dựng tuyến đường sắt Phả Lại - Chí Linh, làm đường Hải Phòng - Đình Vũ, quai đê lấn biển ở Kim Sơn - Ninh Bình… Đây là một nội dung mới, một cách làm sáng tạo, có tác động tích cực, có sức lan tỏa, lôi cuốn các đơn vị trong toàn quân.
- Từ năm 1978 đến năm 1984, Quân khu chi viện đắc lực về lực lượng, cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật cho các tuyến phòng thủ biên giới phía Bắc, Đông Bắc, biển và hải đảo của Tổ quốc. Các tỉnh, thành phố đã tổ chức 40 trung đoàn tự vệ, dân quân với 370.000 lượt người cùng các đơn vị chủ lực xây dựng các công trình quốc phòng; chi viện hàng ngàn tấn xi măng, hàng trăm tấn sắt thép, hàng trăm ngàn ngày công, hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ trong đội hình hàng chục sư đoàn, lữ đoàn và trung đoàn ra phái trước làm nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ biên giới.
- Trong chiến tranh biên giới tháng 02/1979, Quân khu đã khôi phục 10 tiểu đoàn quân dự nhiệm với hơn 10.000 quân để tăng cường cho các đơn vị; thành lập các trung đoàn, tiểu đoàn mới để mở rộng lực lượng theo yêu cầu chiến đấu; đưa 72.000 lao động đi xây dựng công trình quốc phòng trên tuyến biên giới. Quân và dân Quân khu đã chiến đấu liên tục, giành nhiều thắng lợi, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.
- Từ cuối năm 1979 đến hết năm 1985, LLVT Đặc khu Quảng Ninh phát hiện, đánh trả 430 vụ khiêu khích vũ trang, 459 vụ xâm nhập, tiêu diệt 355 tên, bắt sống hàng trăm tên.
- Năm 1988, trước diễn biến căng thẳng, phức tạp ở quần đảo Trường Sa, thực hiện mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, Quân khu đã tăng cường cho Trường Sa 36 cán bộ, 1.536 hạ sĩ quan, chiến sĩ. Tuy lệnh chi viện gấp nhưng do làm tốt công tác tư tưởng, cán bộ, chiến sĩ xác định tốt trách nhiệm, nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Trường Sa.
- Hàng năm, Quân khu tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho 600 - 800 lớp, với 70.000 - 80.000 người; giáo dục quốc phòng, an ninh cho trên 500.000 học sinh, sinh viên.
- Đăng ký quân nhân dự bị đạt 88,6%; khả năng động viên đạt trên 90%; đăng ký hơn 1.000.000 phương tiện kỹ thuật, sắp xếp đạt 100% chỉ tiêu.
- Củng cố trên 4.000 cơ sở dân quân tự vệ, đạt 100%; tỷ lệ dân quân tự vệ đạt trên 1,51% dân số; quân số huấn luyện hằng năm đạt trên 98,4%.
- Mỗi năm chỉ đạo 1-2 đơn vị cấp tỉnh, 20 - 25 đơn vị cấp huyện diễn tập KVPT; diễn tập chiến đấu trị an 316 - 364 đơn vị cấp xã và tương đương; diễn tập bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp 390 - 422 đơn vị tự vệ.
- Kết quả huấn luyện hằng năm 100% đạt yêu cầu, trong đó có 80% khá giỏi; 100% cán bộ huấn luyện được theo phân cấp, trong đó có 80% khá giỏi; hằng năm có 50% trở lên Trung, Lữ đoàn có quân đạt đơn vị huấn luyện giỏi, 95% trở lên cơ quan, đơn vị đạt VMTD.
- Mỗi năm tập huấn cán bộ 190 - 200 lớp, quân số trên 18.000 lượt người.
- Từ năm 2000 - 2014, tham gia 108 lần hội thi, hội thao do trên tổ chức, trong đó 54 lần giải Nhất, 28 lần giải Nhì, 25 lần giải Ba; tham gia Đại hội TDTT quốc phòng toàn quân luôn giành thứ hạng cao…
- Hiện nay, các đơn vị đủ quân cơ bản bảo đảm 100% nhu cầu rau xanh, 90-95% nhu cầu thịt, 30 - 40% nhu cầu cá, vượt chỉ tiêu trên giao 15 - 20%, giá thấp hơn thị trường và giá quy định 10 - 20%.
- Từ năm 2004 đến nay, đã triển khai thực hiện Quyết định 47, 290, 142, 62 của Thủ tướng Chính phủ cho 648.838 đối tượng, số tiền chi trả trên 2.413 tỷ đồng; giám định thương tật và cấp thẻ thương binh cho 12.746 đồng chí; đề nghị suy tôn 201 liệt sĩ; tìm kiếm, quy tập 69 hài cốt liệt sĩ.
- Kết quả Thực hiện phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2012 - 2014:
+ Giúp Nhân dân trên 604.128 ngày công, ủng hộ hơn 100 tỷ đồng, làm 276 km đường giao thông nông thôn, 422 km kênh mương nội đồng.
+ Đóng góp xây dựng 214 trường học, 132 trạm xá; lắp đặt 10.160m đường ống nước sạch; xây dựng 325 nhà vệ sinh; đào 243 giếng nước; tham gia xây dựng 20 cầu treo dân sinh cho đồng bào vùng cao.
+ Tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho 1.546 hộ; dạy nghề cho 16.148 người; hỗ trợ giống vốn, công cụ sản xuất cho 12.000 hộ dân; hướng dẫn mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình cho 480 hộ.
+ Xây dựng 171 nhà tình nghĩa, trị giá trên 10 tỷ đồng.
+ Thăm hỏi 8.326 đối tượng chính sách với trên 2 tỷ đồng; tặng 4.292 sổ tiết kiệm trị giá trên 4 tỷ đồng,...
- Là vùng đất chịu nhiều tổn thất trong các cuộc kháng chiến và trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, hiện nay trên địa bàn Quân khu có 223.823 liệt sỹ, 95.473 thương binh, 53.696 bệnh binh.
* Truyền thống vẻ vang:
- Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quân khu ủy đã khái quát truyền thống của LLVT Quân khu 3 là: “Đoàn kết, hy sinh, chiến thắng”. Đến Đại hội Đảng bộ Quân khu lần thứ V (tháng 11/2000), bổ sung cụm từ “chủ động, sáng tạo” vào truyền thống LLVT Quân khu thành “Đoàn kết, chủ động, sáng tạo, hy sinh, chiến thắng”.
- 70 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, LLVT Quân khu luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là Quân khu có vị trí chiến lược trọng yếu của cả nước; đã xây đắp và không ngừng tô thắm truyền thống vẻ vang: “Đoàn kết, chủ động, sáng tạo, hy sinh, chiến thắng”.
Với những chiến công và thành tích xuất sắc, LLVT Quân khu được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng nhiều phần thưởng cao quý:
- 2 Huân chương Sao vàng;
- 3 Huân chương Hồ Chí Minh;
- Huân chương Quân công hạng Nhất;
- Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc Lập cho 210 tập thể và cá nhân (5 lần tặng thưởng Huân chương Độc Lập cho LLVT Quân khu 3)...
- 803 tập thể được phong tặng; 292 cá nhân được phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân";
- 19.139 Bà Mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam Anh hùng”;
- LLVT Quân khu 3 nhiều lần được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng, các đồng chí Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về thăm, tặng lẵng hoa và gửi thư khen; cùng hàng ngàn lượt tập thể, cá nhân được tặng Huân, Huy chương các loại…
4. Truyền thống 68 năm LLVT Hưng Yên
Sự lớn mạnh trưởng thành và những chiến công hiển hách của LLVT Quân khu 3 trong 70 năm qua có sự đóng góp to lớn của cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Hưng Yên.
Để đáp ứng yêu cầu phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân. Ngay từ năm 1928 Chi bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội (Chi bộ Đông dương cộng sản Đảng đầu tiên của Hưng Yên) được thành lập tại Sài Thị (Khoái Châu), đến giữa năm 1938, tại Ngải Dương (Văn Lâm) đã tổ chức được "Tự vệ đội" gồm 30 đội viên, có nhiệm vụ canh gác thôn xóm, bảo vệ các cuộc hội họp, các cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân và bảo vệ cán bộ về công tác tại địa bàn; tuy tổ chức còn sơ khai và tồn tại không lâu, nhưng đây là một trong những tổ chức vũ trang cách mạng đầu tiên của Hưng Yên.
Năm 1944 “An toàn khu Bãi Sậy” được thành lập, đến đầu năm 1945, đã có trên 100 thôn có cơ sở cách mạng và xây dựng được lực lượng tự vệ, du kích, làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân các địa phương và đã cùng nhân dân tiến hành Tổng khởi nghĩa thắng lợi trên địa bàn toàn tỉnh. Tháng 4/1947 Ban chỉ huy tỉnh đội dân quân Hưng Yên được thành lập, đồng thời ở hầu khắp các địa phương đều đã thành lập được các Trung đội, Đại đội bộ đội địa phương và dân quân du kích với lực lượng lên tới hơn 50 ngàn người, đánh dấu bước trưởng thành cả về quy mô tổ chức, cả về lực lượng của lực lượng vũ trang tỉnh nhà.
Trong kháng chiến chống Pháp, quân và dân Hưng Yên luôn đoàn kết một lòng, chiến đấu mưu trí, sáng tạo, dũng cảm, ngoan cường, biến hậu phương của địch thành tiền phương của ta, đã chiến đấu trên 9 ngàn trận lớn nhỏ, tiêu diệt và bắt sống hơn 30 ngàn tên địch, bắn rơi 2 máy bay, bắn đắm 1 tầu chiến, 7 ca nô, phá huỷ và thu nhiều vũ khí đạn dược, phương tiện chiến tranh của địch. Nhiều trận đánh nổi tiếng của quân và dân Hưng Yên đã đi vào sử sách như trận đánh đồn Bần ngày 12/3/1945 được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá là "Trận đánh du kích kiểu mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ", trận chống càn ở Phan- Tống Xá, Long Cầu - Phú Mãn, Bạch binh Tam Đa (Phù Cừ); trận dùng đòn gánh đánh Tây ở chợ Từ Hồ, chợ Đông Tảo (Khoái Châu); rào làng kháng chiến ở thôn Tam Nông- Hưng Đạo (Tiên Lữ) và các trận chiến đấu mưu trí, dũng cảm, sáng tạo của lực lượng nữ du kích Hoàng Ngân tỉnh Hưng Yên.
Với những chiến công trên dường 5, đường sắt và vùng phụ cận, quân và dân Hưng Yên đã góp phần làm "Nổi sấm đường 5" vang dội, tiêu diệt hàng trăm đồn bốt, đánh trả hàng trăm cuộc vây càn của địch, bằng mọi thứ vũ khí có trong tay, đánh địch ở mọi lúc mọi nơi tạo lên một thiên la địa võng của chiến tranh du kích, là một trong những tỉnh có phong trào chiến tranh du kích phát triền mạnh ở đồng bằng Bắc bộ, được Bác Hồ tặng cờ "Đoàn kết nhân dân đánh thắng giặc Pháp".
Trong kháng chiến chống Mỹ, nhân dân và lực lượng vũ trang Hưng Yên vừa tích cực lao động sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu, đã phối hợp với các lực lượng phòng không trên địa bàn bắn máy bay Mỹ, góp phần cùng quân và dân miền Bắc đánh bại 2 cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, đồng thời đóng góp lương thực, thực phẩm lớn cho công cuộc xây dựng miền Bắc, giải phóng miền Nam, 88.037 người con của quê hương đã lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các chiến trường.
Từ sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nhất là từ ngày tái lập tỉnh (tháng 1/1997) đến nay dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ, Bộ Tư Lệnh Quân khu 3, trực tiếp là Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành của tỉnh và cấp uỷ, chính quyền các cấp; cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh đã cùng nhân dân các địa phương tích cực lao động sản xuất phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh, xây dựng quê hương ngày càng giầu đẹp, văn minh; đồng thời đã thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp uỷ Đảng, Chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, có hiệu quả các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương.
Với sự tham mưu tích cực của Đảng uỷ, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và của cơ quan quân sự các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn, công tác giáo dục quốc phòng toàn dân, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho cán bộ đảng viên hàng năm được triển khai thực hiện đúng kế hoạch, bảo đảm chất lượng, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Công tác Tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ được tổ chức thực hiện nghiêm túc, đảm bảo công bằng, dân chủ, công khai, đúng luật, 100% các huyện, thành phố luôn hoàn thành chỉ tiêu giao quân với chất lượng tốt. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa và việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả như: Vận động quyên góp xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ xoá đói giảm nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa tặng cho gia đình chính sách tiêu biểu, tặng sổ tiết kiệm, tặng giống vốn vật nuôi cho các gia đình thương binh, liệt sĩ , tổ chức thăm hỏi tặng quà, khám và chữa bệnh cho các đối tượng chính sách, đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong cán bộ và nhân dân các địa phương.
Lực lượng vũ trang tỉnh (Bao gồm cả lực lượng thường trực, lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên) được xây dựng đúng, đủ biên chế theo quy định, không ngừng được nâng cao về chất lượng, được tổ chức huấn luyện chu đáo, sẵn sàng chiến đấu cao, đủ khả năng hoàn thành các nhiệm vụ được giao, thực sự là lực lượng chính trị, đội quân chiến đấu trung thành, tin cậy bảo vệ Đảng, bảo vệ Chính quyền, bảo vệ nhân dân; xứng đáng với truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, truyền thống "Đoàn kết, chủ động, sáng tạo, hy sinh, chiến thắng" của lực lượng vũ trang Quân khu 3, truyền thống văn hiến, văn hoá và cách mạng của quê hương Hưng Yên.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong thời kỳ đổi mới, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Hưng Yên được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: có 81 đơn vị tập thể, 32 cá nhân được phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân", 1.994 bà mẹ được truy tặng, phong tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng" hàng chục vạn tập thể và cá nhân được tặng thưởng huân huy chương các loại; nhiều đồng chí phát triển thành các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, những tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp trong Quân đội, đó là niềm vinh dự to lớn, niềm tự hào của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang toàn tỉnh.
Phần thứ ba
MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 70 NĂM
NGÀY TRUYỀN THỐNG CỦA LLVT QUÂN KHU 3
1. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục
- Tổ chức gặp mặt cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, Quân đội và các địa phương trên địa bàn Quân khu phối hợp công tác tuyên truyền.
- Phát hành đề cương tuyên truyền 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của LLVT Quân khu.
- Tổ chức trại viết (văn, thơ, nhạc, …), lựa chọn những tác phẩm tiêu biểu biên tập, xuất bản kỉ niệm 70 năm truyền thống LLVT Quân khu: phát động từ tháng 4/2015, đến nay đã có 120 tác phẩm gửi tham gia dự thi ở các thể loại nhạc, thơ, văn…
- Xây dựng phim truyền thống “Quân khu 3 - 70 năm lịch sử và những chiến công”; các phóng sự chuyên đề tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Tổ chức thi tìm hiểu truyền thống LLVT Quân khu với chủ đề “Quân khu 3 - những chặng đường lịch sử”: hiện nay, Ban Tổ chức đã nhận được gần 2 triệu bài dự thi với đối tượng rất phong phú, gồm cán bộ, chiến sỹ, dân quân tự vệ, dự bị động viên; cán bộ công chức các cơ quan Nhà nước; hội viên, đoàn viên, cán bộ hưu trí, cựu chiến binh, giáo viên, học sinh, sinh viên... Đặc biệt, có những bài dự thi của người cao tuổi (86 tuổi), thương binh 1/4, một giáo viên ở Việt Trì - Phú Thọ viết thư xin được tham gia cuộc thi. Nhiều bài dự thi thể hiện được sự tâm huyết, đầu tư lớn cả về vật chất và tinh thần khi tham gia cuộc thi. Có thể nói, đây là một thành công trong công tác tuyên truyền của LLVT Quân khu.
2. Công tác thi đua, khen thưởng
- Ngày 04/3/2015, Chủ tịch nước ký Quyết định số 370/QĐ-CTN tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất cho LLVT Quân khu 3.
- Tổ chức tốt phong trào thi đua Quyết thắng trong năm 2015; hướng dẫn phát động đợt thi đua cao điểm: “Tháng hành động kiểu mẫu” chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống LLVT Quân khu.
3. Hoạt động văn hoá - văn nghệ, thể thao, hội thi, hội diễn
- Xây dựng chương trình nghệ thuật chào mừng 70 năm Ngày truyền thống LLVT Quân khu và biểu diễn phục vụ kỉ niệm tại một số địa phương.
- Tổ chức dạ hội thanh niên, liên hoan văn hóa, văn nghệ với chủ đề “Âm vang Sông Hồng” tại các đơn vị và cơ quan Quân khu.
- Thi ảnh báo chí với chủ đề: “70 năm - Người lính đồng bằng Sông Hồng”.
- Tổ chức trưng bày và hướng dẫn các đơn vị trưng bày sách, báo, ấn phẩm về hoạt động của LLVT Quân khu “70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành”.
- Đăng cai tổ chức thành công Liên hoan tuyên truyền viên trẻ toàn quân lần thứ V, được Ban Tổ chức, Thủ trưởng TCCT ghi nhận, đánh giá cao.
- Làm tốt mọi công tác chuẩn bị cho đăng cai tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng LLVT và thanh niên, sinh viên lần thứ VIII, năm 2015 (diễn ra từ 25/9 - 02/10) tại Đồ Sơn - Hải Phòng.
4. Hoạt động gặp mặt, đền ơn đáp nghĩa
- Từ cấp Trung đoàn và tương đương trở lên, tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống LLVT Quân khu; gặp mặt truyền thống lãnh đạo chỉ huy cấp mình và dưới một cấp.
- Tổng hợp, biên tập cuốn Át-lát “Chân dung các vị tướng đồng bằng Sông Hồng” nhân kỉ niệm 70 năm Ngày truyền thống LLVT Quân khu (đến tháng 7/2015, trên địa bàn Quân khu vinh dự được Đảng, Nhà nước thăng quân hàm cấp Tướng cho 516 đồng chí sĩ quan Quân đội).
- Triển khai xây dựng, bàn giao 70 “Nhà tình nghĩa”, “Nhà đồng đội”, “Nhà mái ấm công đoàn” cho các đối tượng chính sách.
- Mỗi cơ quan, đơn vị trực thuộc Quân khu, có từ 1 đến 2 công trình mới gắn biển chào mừng kỉ niệm 70 năm Ngày truyền thống LLVT Quân khu.
KẾT LUẬN
Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, quân và dân Quân khu 3 đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, vừa là hậu phương vững chắc, vừa là tiền tuyến lớn, đồng thời cũng là chiến trường ác liệt chống chiến tranh phá hoại của kẻ thù. LLVT Quân khu ngày càng trưởng thành và không ngừng lớn mạnh, có phẩm chất và bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, luôn nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng. Những phần thưởng cao quý rất đáng tự hào của quân và dân Quân khu trong 70 năm qua là những mốc son chói lọi, những trang sử vàng, mãi mãi ngời sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam./.