KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 28/01/2022 - Lượt xem: 3358
Đến với bài thơ hay “Ông đồ” của Vũ Đình Liên

Một tác giả nổi tiếng từng nói: “Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và khám phá về nội dung”. Còn nhà thơ Xuân Diệu cho rằng: “Thơ hay là hay cả hồn lẫn xác, hay cả bài như con gà ngon, ngon từ đầu cánh đến phao câu lúc lỉu”. Một bài thơ hay là một bài thơ đẹp cả nội dung lẫn hình thức nghệ thuật. Bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên, sáng tác năm 1936 là bài thơ như thế. Qua hình ảnh ông đồ, nhà thơ thể hiện niềm cảm thương sâu sắc đối với một lớp người đang trở nên lạc lõng và bị gạt ra ngoài lề cuộc đời; là niềm hoài cổ của tác giả với một nét đẹp truyền thống của dân tộc (thú chơi câu đối ngày Tết) bị tàn phai. Đó là cái hay, thú nhất ngày Tết xưa và cũng làm nên ý nghĩa nhân văn cao cả của bài thơ.
câu thơ mở đầu bài thơ:
“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay”
Hình ảnh ông đồ xưa hiện lên đẹp và lung linh quá! Chúng ta như được đắm chìm trong một không gian xưa với “Chén trà sương”, “Những chiếc ấm đất”, “Chữ người tử tù” của “Vang bóng một thời “ - Nguyễn Tuân với những nhà nho danh tiếng tài hoa “Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán”, “Thần Siêu”, “Thánh Quát” thửơ nào! Ở đây, qua hình ảnh ông đồ xưa trong thời kì huy hoàng, tác giả gửi gắm niềm kính trọng, ngưỡng mộ và nâng niu, trân trọng nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc “thú chơi chữ”.
Ông đồ xuất hiện bên phố phường đông đúc vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Không khí mùa xuân, hình ảnh “hoa đào nở” đã tươi thắm nay lại thêm “mực tàu giấy đỏ” làm mọi nét vẽ trong bức tranh tả cảnh ông đồ rõ nét, tươi vui, tràn đầy sức sống. Từ “lại” diễn tả sự xuất hiện đều đặn của ông đồ với mùa xuân cùng với công việc viết chữ Nho. Nét đẹp cổ kính và trang nghiêm của ngày Tết, kết hợp với hình ảnh ông đồ với chữ thánh hiền khiến cho bức tranh tạo được tình cảm kính trọng và gần gũi biết bao! Tác giả sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh cùng thành ngữ “Như phượng múa rồng bay” làm toát lên vẻ đẹp của nét chữ hào sảng, phóng khoáng, bay bổng,… Ông đồ trở thành tâm điểm chú ý của mọi người, là đối tượng của sự ngưỡng mộ. Ông nổi bật như một pho sử sống, tài hoa và đáng kính!
Hai khổ thơ tiếp theo tác giả vẽ lên bức tranh ông đồ thời nay, một kẻ sĩ lạc lõng, lẻ loi giữa giữa dòng đời xuôi ngược:
 “ Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu…
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay”
Thời gian vẫn tuần hoàn: Xuân - hạ - thu - đông; Mùa xuân cũng vậy chỉ có đời người là hữu hạn! “Vật  đổi sao dời”. Thế nhưng, mùa xuân đã đến, phố vẫn đông người qua nhưng ông đồ đã bị lãng quên từ bao giờ. Thật tàn nhẫn và xót xa! Khi văn hoá phương Tây thắng thế, nền Nho học bị thất sủng, người ta không còn quan tâm đến ông đồ, đến thú chơi chữ lâu đời của dân tộc. Câu hỏi tu từ “Người thuê viết nay đâu?” kết hợp với biện pháp nghệ thuật nhân hóa “Giấy đỏ buồn không thắm - Mực đọng trong nghiên sầu…”  lan tỏa nỗi buồn, thấm cả vào những vật vô tri vô giác. Tất cả như đồng cảm với nỗi niềm của ông đồ trước con người và thời thế. Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình “Lá vàng rơi trên giấy - Ngoài trời mưa bụi bay” gợi không gian buồn thảm, vắng lặng nhấn mạnh sự lẻ loi, bẽ bàng của ông đồ- chỉ còn là “cái di tích tiều tuỵ đáng thương của một thời tàn” (lời Vũ Đình Liên trên báo Tinh Hoa năm 1936). 
“Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”
Khổ kết bài thơ là một niềm hoài niệm, là nỗi nhớ thương. Phải chăng đây chính là tiếng khóc, nghẹn ngào của Vũ Đình Liên về một thời đã xa nay chỉ còn vang bóng! Câu hỏi tu từ, hỏi thời đại.
Bài thơ sử dụng nhiều biện pháp tu từ nghệ thuật, thể thơ ngũ ngôn gieo vần chân, lời thơ bình dị nhưng sâu lắng, cô đọng, kết cấu chặt chẽ. Hình ảnh thơ giản dị, ngôn ngữ thơ hàm súc, gợi hình, gợi cảm; giọng điệu hứng khởi, tự hào, khi thì trầm lắng, thiết tha; nhịp thơ rộn ràng, tươi vui, lúc khoan thai, chậm rãi, lúc ngập ngừng…, gieo vào lòng người niềm tiếc thương, day dứt khôn nguôi! 
Nhà thơ Nga Maiacopxki quan niệm về việc dùng từ trong văn học như sau: “Phải phí tốn ngàn câu quặng chữ - Mới thu về một chữ mà thôi - Nhưng chữ ấy làm cho rung động - Triệu trái tim trong triệu năm dài”. Bài thơ "Ông đồ" chứa chan tinh thần nhân đạo. "Theo đuổi nghề văn mà làm được một bài thơ như thế cũng đủ. Nghĩa là đủ lưu danh với người đời" (Hoài Thanh). “Ông đồ” - Vũ Đình Liên xứng đáng là một trong những bài thơ hay nhất trong phong trào Thơ Mới.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan