Nông thôn ở Việt Nam có diện tích rộng lớn, trải dài khắp các địa phương, vùng miền, với điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng, phong cảnh, ẩm thực, văn hóa đa dạng. Tài nguyên thiên nhiên gắn với du lịch nông thôn hiện nay thường là rừng, núi, sông, hồ, làng quê mênh mang ruộng lúa, vườn cây hoa trái, bên cạnh các đền chùa, đình làng cổ kính. Mỗi làng quê lại có sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật độc đáo, lễ hội dân gian truyền thống đậm màu sắc bản địa, các làng nghề nhiều sản phẩm đặc trưng tiêu biểu được làm ra bởi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân. Tính cách của người dân mỗi vùng miền cũng có nét riêng đặc biệt, nhưng điểm chung đều là sự cởi mở, thân thiện, chân tình, nhân hậu. Đây là tiền đề rất quan trọng để phát triển sản phẩm du lịch gắn với nông thôn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới cho biết, lượng khách du lịch tham gia các hình thức du lịch nông thôn và sinh thái chiếm khoảng 10% tổng lượng khách du lịch với doanh thu khoảng 30 tỷ USD/năm. Mỗi năm, tỷ lệ khách du lịch nông thôn tăng từ 10-30%, cao hơn các hình thức du lịch truyền thống khoảng 4%. Việt Nam cũng nằm trong xu thế ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước lựa chọn điểm đến là nông thôn để trải nghiệm, nhất là trong và sau thời kỳ bùng phát của đại dịch Covid-19, du khách có xu hướng tránh các đô thị ồn ã để đắm mình trong không gian yên tĩnh, trong lành của vùng quê.
Hiện nước ta có ba hình thức du lịch nông thôn là du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái. Cả nước có khoảng 365 điểm du lịch nông thôn ở 37 tỉnh, thành phố và hơn 2.000 làng nghề truyền thống có tiềm năng phát triển về du lịch. Theo thống kê của ngành du lịch, trong số 1.300 khu-điểm du lịch do các địa phương quản lý có đến 70% là điểm du lịch ở khu vực nông thôn. Thực tế tại nhiều địa phương ở khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long đã và đang làm rất tốt mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, tạo được nhiều công ăn việc làm cho nông dân, ít nhiều góp phần phát triển, làm thay đổi bộ mặt nhiều miền quê, đồng thời tiếp tục bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo đảm an sinh xã hội. Điều này cho thấy du lịch nông thôn đang có vai trò quan trọng trong tổng thể ngành du lịch ở Việt Nam, và có nhiều tiềm năng phát triển để trở thành một bộ phận không thể thiếu của ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch.
Nhìn trên tổng thể, có thể thấy dù có nguồn tài nguyên lớn song du lịch nông thôn ở nước ta hiện còn nhiều bất cập. Loại hình này hầu như mới chỉ phát triển với quy mô nhỏ lẻ, tự phát là chính, tính hệ thống và sự kết nối chưa cao. Phổ biến nhất hiện nay là các hình thức như: Chủ thể khai thác, cung ứng dịch vụ theo kiểu gia đình tự đầu tư kinh doanh homestay (khách có thể lưu trú tại gia đình và trải nghiệm nếp sống, văn hóa, ẩm thực cùng gia đình).
Tiếp đến là hình thức doanh nghiệp đầu tư với nhiều quy mô, và có tính chuyên nghiệp khác nhau. Ngoài ra là các hình thức: cộng đồng đầu tư làm du lịch theo kiểu hợp tác xã hay ban quản lý; tổ hợp tác, quản lý theo hướng dịch vụ kinh doanh phù hợp năng lực hạn chế của cộng đồng; hội quán du lịch cộng đồng với sự phối hợp của chính quyền địa phương và doanh nghiệp; câu lạc bộ du lịch gồm doanh nghiệp và cộng đồng cùng làm du lịch; đầu tư trang trại kết hợp dịch vụ du lịch. Mặt khác, vì phát triển tự phát nên du lịch nông thôn nói chung chưa hấp dẫn du khách để níu chân họ lưu trú dài ngày.
Các sản phẩm, dịch vụ còn khá đơn điệu, thiếu tính độc đáo, sáng tạo, vẫn là các cảnh quan như vườn cây, đồng lúa, ao sen, tham quan trải nghiệm ăn uống, mua trái cây hoặc sản phẩm làng nghề, và thường chỉ gói gọn trong một ngày là chính nên nguồn thu chưa lớn. Khách du lịch phần lớn đến từ trong nước, nguyên nhân chính là bởi các điểm du lịch thiếu sự đầu tư vào các khu nghỉ dưỡng với những dịch vụ ăn nghỉ đi kèm phù hợp nhiều đối tượng.
Thêm nữa, số lao động tham gia vào du lịch nông thôn còn hạn chế vì thu nhập chưa cao, mang tính mùa vụ (nhất là ở nông thôn miền bắc, nơi có mùa đông kéo dài). Mỗi tỉnh, thành phố hiện chỉ có số lao động khoảng 500 người đến 1.000 người tham gia vào lĩnh vực du lịch-một con số còn quá khiêm tốn; và đồng thời cho thấy du lịch nông thôn vẫn chưa hấp dẫn người lao động, nên ở nhiều địa phương có tiềm năng du lịch, người trong độ tuổi lao động vẫn di chuyển về các thành phố tìm việc làm. Đó là hệ quả trực tiếp của thực tế cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một chính sách tổng thể và cụ thể về phát triển du lịch nông thôn cấp quốc gia. Cơ bản vẫn là từng địa phương tự đề ra chính sách phát triển hoặc hỗ trợ riêng, chủ yếu là triển khai lồng ghép vào các chương trình đặc thù của địa phương. Một số tỉnh đang chủ động xây dựng các đề án, dự án, kế hoạch đồng bộ quy mô cho du lịch nông thôn như Lâm Đồng, Hà Nam, Đồng Tháp, Bến Tre... Chính vì thiếu một chính sách tổng thể cấp quốc gia nên các nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch nông thôn đang còn hạn chế.
Cuối năm 2021, tại hội thảo về định hướng và giải pháp phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, nhiều nhà chuyên môn đã chỉ ra những bất cập cơ bản trong du lịch nông thôn thời gian qua như các vấn đề liên quan quản lý đất đai, hạ tầng, mở rộng các cấp quản lý du lịch nông thôn, những chính sách hỗ trợ, quản lý lưu trú, liên kết chuỗi giá trị du lịch nông thôn. Trong đó nổi lên là vấn đề quản lý đất đai, khi du lịch tại nông thôn khách thường thích lưu trú, từ đây đặt ra vấn đề quản lý, chuyển đổi sử dụng đất cần có chính sách phù hợp, tránh những hệ lụy không mong muốn.
Để du lịch nông thôn thật sự trở thành một động lực trong xây dựng nông thôn mới, cần có một chiến lược quốc gia. Các chính sách cho du lịch nông thôn cần có một tầm nhìn với các khảo nghiệm chắc chắn, dựa trên thực tế tài nguyên khai thác của từng địa phương, vùng miền, tránh chung chung, dàn trải. Mỗi một khu vực nông thôn ở các vùng miền đều có lợi thế, đặc điểm riêng, do đó du lịch nông thôn cần hướng đến những sự khác biệt đó để sáng tạo ra sản phẩm phù hợp thị trường cũng như nhu cầu của du khách.
Việc khai thác chuỗi giá trị du lịch bằng cách liên kết các ngành nghề, dịch vụ liên quan sẽ thu hút du khách nhiều hơn khi trải nghiệm của họ được đáp ứng đa dạng. Ngoài ra, để phát triển du lịch bền vững, chúng ta không thể không tính đến yếu tố môi trường cũng như trách nhiệm giữ gìn bản sắc văn hóa vùng miền, địa phương. Vì thực tế cho thấy, nhiều địa phương nôn nóng phát triển du lịch nhưng lại chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của văn hóa truyền thống, do đó bỏ qua nhiều giá trị quý giá mà nhanh chóng “bê-tông hóa”, “đô thị hóa”, khiến du khách không có được những trải nghiệm riêng biệt, độc đáo, điều này là rất đáng tiếc. Thiết nghĩ, khi chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm và kiến thức về du lịch nông thôn, thì việc nên làm là tham khảo, học hỏi cách làm của các quốc gia thành công trong lĩnh vực này.
Một vấn đề nữa cần đề cập là trong thời kỳ khoa học-công nghệ rất phát triển, du lịch gắn với chuyển đổi số phải được xem là yêu cầu quan trọng, cấp bách. Bên cạnh những hoạt động quảng bá truyền thống, việc chú trọng ứng dụng công nghệ phục vụ du lịch nông thôn sẽ mang lại hiệu quả cao cho cả nhà cung cấp dịch vụ và du khách. Thông qua các ứng dụng công nghệ, việc quảng bá điểm đến, chào bán sản phẩm du lịch trở nên tiện lợi hơn, du khách cũng có nhiều trải nghiệm hữu ích hơn. Hiện Tổng cục Du lịch đã phát triển mô hình “Làng du lịch thông minh” (Smart Village) nhằm khai thác các giá trị văn hóa truyền thống bản địa, sức mạnh của cộng đồng,… hình thành các điểm đến có sản phẩm đặc trưng, chất lượng cao, được du khách trong nước và nước ngoài tin cậy truy cập, tìm kiếm qua các website, mạng xã hội, ứng dụng công nghệ.
Đề án “Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa xây dựng với mong muốn đưa du lịch nông thôn trở thành một lĩnh vực kinh tế mũi nhọn thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông thôn giai đoạn mới. Mục tiêu đề ra là đến năm 2025 phải hoàn thành quy hoạch mạng lưới điểm du lịch nông thôn, ít nhất có 200 dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch nông thôn được công nhận đã đạt tiêu chuẩn OCOP (tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm áp dụng cho 6 ngành hàng gắn với nông nghiệp trong đó có dịch vụ du lịch nông thôn) từ 3 “sao” trở lên, và có ít nhất 10% sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn 5 sao. Ngoài ra, phải có ít nhất 50% làng nghề truyền thống tham gia vào chuỗi giá trị du lịch nông thôn. Hy vọng thời gian tới với nỗ lực thay đổi về tư duy, chiến lược, cách làm, du lịch nông thôn sẽ có các bước đi ngoạn mục trong nâng cao thu nhập cho người dân, phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững