NHÌN LẠI DU LỊCH VIỆT NAM SAU 2 NĂM ĐẠI DỊCH COVID-19
Sau 35 năm đổi mới đất nước, ngành du lịch nước ta đã có bước phát triển nhanh cả về quy mô và chất lượng. Đội ngũ doanh nghiệp kinh doanh du lịch, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch ngày càng lớn mạnh. Hạ tầng du lịch được nhà nước, xã hội quan tâm đầu tư. Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn trên thế giới. Khách du lịch quốc tế, trong nước và doanh thu từ du lịch liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của đất nước. Du lịch đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, góp phần quảng bá hình ảnh và khẳng định vị thế của Việt Nam trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế. Du lịch cũng là một công cụ góp phần giảm tụt hậu, chênh lệch giàu nghèo cho những vùng xa xôi, còn ít điều kiện để phát triển, tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam xác định với nhiều tiềm năng, lợi thế, tới năm 2030 kỳ vọng lớn du lịch sẽ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, một động lực quan trọng tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Trước đại dịch COVID-19, số khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam tăng cao liên tục và con số mơ ước đạt được là 18 triệu người, tương đương với nhiều quốc gia có du lịch phát triển ở Đông Nam Á. Thời điểm đó, du lịch quốc tế chiếm tới 80% số lượng hành khách hàng không quốc tế ra vào Việt Nam. Ngành Du lịch đã đóng góp tới 9,2% tổng sản phẩm trong nước, tạo công ăn việc làm trực tiếp cho 2,5 triệu người và gián tiếp cho khoảng 2 triệu người trong các lĩnh vực gắn kết với du lịch.
Sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn tạm thời sự “cất cánh” của du lịch Việt Nam. Diễn biến phức tạp, kéo dài của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp, toàn diện đến các hoạt động kinh tế-xã hội, trong đó du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong lịch sử 61 năm, ngành Du lịch Việt Nam đã trải qua nhiều đợt khủng hoảng do dịch bệnh, thiên tai, suy thoái kinh tế, nhưng chưa bao giờ lại chịu thiệt hại nặng nề như cuộc khủng hoảng lần này do đại dịch COVID-19 gây ra. Từ đầu năm 2020 đến thời điểm hiện tại, du lịch quốc tế đóng cửa, du lịch nội địa cũng khó triển khai, khiến toàn bộ chuỗi cung ứng dịch vụ cho hoạt động du lịch ngưng trệ, “đóng băng” nhà hàng, khách sạn, vận chuyển, khu nghỉ dưỡng… Hướng dẫn viên du lịch, người lao động trực tiếp, gián tiếp trong ngành không có việc làm, không có thu nhập. Nhiều doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, lưu trú cạn kiệt nguồn lực phải giải thể…
Có thể điểm qua một vài con số để thấy được tổn thất này.
Theo Tổng Cục Du lịch Việt Nam, về lượng khách, doanh thu du lịch, cả năm 2020, lượng khách quốc tế chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với năm 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch năm 2020 đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 57,8% so với năm 2019. Năm 2021, phục vụ khoảng 40 triệu lượt khách du lịch nội địa, đón khoảng 3.800 lượt khách du lịch quốc tế, tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 180.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2020.
Đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến 2,5 triệu lao động trong ngành Du lịch với 800.000 lao động trực tiếp, trong đó đối tượng bị mất việc, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là hướng dẫn viên du lịch, nhân viên làm việc tại cơ sở lưu trú du lịch, khu điểm du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, tàu du lịch, doanh nghiệp du lịch khác.
Cho đến cuối năm 2021, trên 35% doanh nghiệp xin thu hồi giấy phép kinh doanh, chỉ còn khoảng hơn 2.000 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trên toàn quốc, trong đó nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa tạm thời hoặc dừng hoạt động. Trong khi đó, lĩnh vực kinh doanh lưu trú du lịch – lĩnh vực chiếm đến 46% trong cơ cấu doanh thu của ngành du lịch Việt Nam cũng phải đóng cửa khoảng 90% và hầu như không có khách trừ các cơ sở đón khách cách ly.
TỪNG BƯỚC PHỤC HỒI
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, phát triển dựa trên hệ thống dịch vụ công cộng, xã hội và trong mối tương quan với các ngành, lĩnh vực khác. Do đó, chỉ khi nào xã hội thực sự bình thường, các ngành dịch vụ hoạt động bình thường thì mới thực sự là điều kiện phát huy của du lịch. Cho nên sự phục hồi sẽ là từng bước cho đến khi đạt được kỳ vọng. Nhiều chuyên gia nhận định, phục hồi hoàn toàn ngành du lịch chỉ có thể xảy ra khi toàn thế giới đạt được “miễn dịch cộng đồng”, dự kiến nhanh nhất là vào năm 2023, khi ít nhất 70% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Việc Việt Nam tiến tới mốc mở cửa du lịch toàn diện vào tháng 3 này được coi là đúng thời điểm, tránh lỡ nhịp, bắt đúng cơ hội phục hồi, thu hút du khách, cạnh tranh khu vực, xây dựng thương hiệu và điểm đến trong cuộc đua mở cửa nền kinh tế với lộ trình, kế hoạch kỹ lưỡng.
Ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Nghị quyết số 155/NQ-CP Phiên họp thường kỳ tháng 11/2021, yêu cầu tiếp tục thúc đẩy các hoạt động du lịch nội địa và quốc tế gắn với an toàn dịch bệnh. Triển khai Nghị quyết, ngành Du lịch đã thực hiện các giải pháp chuyển trạng thái dần thích ứng với bối cảnh bình thường mới.
Đại dịch COVID-19 đã mở ra những xu hướng du lịch mới, giúp ngành Du lịch nhận diện lại tiềm năng và cơ hội. Quan điểm tập trung đẩy mạnh hoạt động kích cầu, phục hồi du lịch, lữ hành nội địa toàn quốc, coi đây là nội lực, nền tảng căn bản để phát triển du lịch bền vững là một hướng đi đúng. Từ cuối năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Chương trình về phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và triển khai đồng loạt trên cả nước với chủ đề “Du lịch an toàn – Trải nghiệm trọn vẹn”. Chương trình hướng đến 2 mục tiêu cơ bản là: 1) Phục hồi du lịch theo lộ trình từ thị trường nội tỉnh, nội vùng đến nội địa góp phần từng bước phục hồi ngành Du lịch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng của người dân; 2) Giới thiệu, quảng bá điểm đến, sản phẩm, trải nghiệm du lịch đa dạng, hấp dẫn, bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch, khôi phục niềm tin của thị trường về du lịch nội địa an toàn. Nhờ những biện pháp cụ thể như tập trung vào hoạt động trọng tâm gồm hướng dẫn đón và phục vụ khách du lịch an toàn và tổ chức truyền thông, quảng bá, xúc tiến mở lại du lịch nội địa; Tổng cục Du lịch tổ chức các hoạt động kết nối đến các điểm đến, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp và hàng không, xây dựng các chương trình du lịch trọn gói, có chất lượng, ưu đãi nhằm kích cầu du lịch. Các địa phương cũng tạo điều kiện, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như miễn, giảm phí/lệ phí tham quan tại các điểm đến do địa phương quản lý.
Sau một loạt biện pháp, lượng khách nội địa tháng 12/2021 ước đạt hơn 5 triệu lượt, gấp đôi tháng 11 (2,5 triệu lượt) và gấp hơn 6 lần con số của tháng 10 (750.000 lượt). Khách du lịch nội địa tăng nhanh chóng tại nhiều điểm du lịch khắp cả nước, đặc biệt là dịp cuối tuần, Tết Nguyên Đán như Khánh Hòa, Đà Lạt, Phú Quốc, Lào Cai… 9 ngày Tết Nguyên đán đã đón được 6,1 triệu khách du lịch nội địa.
Từng bước thí điểm mở cửa thị trường quốc tế với Chương trình thí điểm được tiến hành từ cuối năm 2021, theo Hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam với các giai đoạn cụ thể. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, từ khi thực hiện chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế (từ tháng 11/2021 - 8/2), Việt Nam đón hơn 8.900 khách du lịch quốc tế.
Dữ liệu phân tích từ công cụ Google Destination Insights cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam tăng mạnh từ đầu năm 2022. Lượng tìm kiếm đã tăng dần từ tháng 12-2021 và tăng mạnh từ cuối tháng 12-2021, đầu tháng 1-2022. Lượt tìm kiếm vào thời điểm ngày 1-1-2022 tăng 222% so với tháng trước và tăng 248% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là những tín hiệu khả quan về một sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch.
XU HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP KHI MỞ CỬA HOÀN TOÀN DU LỊCH
Theo các chuyên gia, COVID-19 tác động nặng nề đến ngành du lịch nhưng lại gián tiếp tạo nên các xu hướng du lịch mới cả trong ngắn hạn và dài hạn. Để kịp thời nắm bắt xu thế và thích ứng linh hoạt, cần nhận diện một số vấn đề đặt ra vài giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới.
Thứ nhất, đa dạng sản phẩm, phát huy nguồn tài nguyên văn hóa
Sản phẩm du lịch luôn là một trong những vấn đề then chốt để tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Du lịch Việt Nam cần định vị rõ thương hiệu và bản sắc của văn hóa, con người, đất nước Việt Nam để mang đến cho du khách trải nghiệm chân thực và độc đáo. Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) Zurab Pololikashvili nhận định, đại dịch đã chỉ ra một số xu hướng đang đi lên theo hướng du lịch trải nghiệm độc đáo và chân thực. Du lịch Việt Nam bộc lộ một số xu hướng là an toàn tránh dịch bệnh; ứng dụng công nghệ nhằm quản lý bảo đảm an toàn; du lịch theo nhóm nhỏ; du lịch ngắn ngày và dịch vụ cận ngày; lựa chọn các hoạt động nghỉ dưỡng, gần gũi với thiên nhiên, thưởng thức văn hóa, ẩm thực, trải nghiệm văn hóa bản địa.
Do đó, cần thực hiện các nhóm giải pháp khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế tài nguyên văn hóa, bảo tồn và phát triển môi trường du lịch bền vững. Coi bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa, di tích lịch sử gắn với phát triển hài hòa du lịch như một tiêu chí đánh giá chất lượng và hiệu quả du lịch. Bên cạnh đó, tạo ra sự thu hút, hấp dẫn bằng những hướng đi mới, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phát huy tính sáng tạo và lợi thế của từng địa phương.
Đa dạng sản phẩm du lịch cần theo hướng đáp ứng xu hướng mới của thị trường, phát triển, làm mới các sản phẩm du lịch hiện có phù hợp với nhu cầu đã thay đổi do tác động của COVID-19; phát triển các loại hình, hoạt động kinh tế đêm, góp phần tăng chi tiêu, nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch. Đối với các địa phương, việc xác định đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch theo chủ đề, trên cơ sở thế mạnh, tiềm năng sẵn có, mang tính khác biệt, tạo thành mạng lưới các sản phẩm đa dạng và bổ trợ cho nhau cũng là một hướng đi mới. Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang đề nghị các tỉnh, thành phố cố gắng làm mới, khu trú lại sản phẩm du lịch địa phương theo tinh thần một tỉnh phải có một sản phẩm du lịch tiêu biểu và kết nối an toàn cho du khách lựa chọn. Sản phẩm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách sau đại dịch: nhóm nhỏ, an toàn, trọn gói; hướng về di tích, danh lam.
Cầu Vàng (Đà Nẵng)
Thứ hai, tiếp cận xu hướng số hóa
Khảo sát du lịch mới nhất (ở 31 quốc gia và vùng lãnh thổ) từ nền tảng du lịch Booking.com cho thấy công nghệ sẽ đóng vai trò hỗ trợ quan trọng trong việc linh động thay đổi kế hoạch với nhiều lựa chọn hơn để đặt chỗ ngay trong chuyến đi và tự do điều chỉnh kế hoạch. Kết quả cũng cho thấy 70% khách du lịch Việt Nam đang tìm kiếm những cải tiến công nghệ mới nhất nhằm gợi ý những “từ khoá” hay những cơ hội bất ngờ dựa trên sở thích hoặc ngân sách trước đây của họ, giúp du khách có một trải nghiệm hoàn toàn mới và nắm bắt được mọi cơ hội dịch chuyển tiềm năng.
Có tới 79% du khách Việt Nam quan tâm đến một dịch vụ sáng tạo có khả năng dự đoán quốc gia nào sẽ an toàn để đi du lịch, hoặc tự động đề xuất các địa điểm du lịch dễ dàng dựa trên yêu cầu phòng chống dịch COVID-19 hiện tại của địa phương và quốc gia đó (82%).
Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp phải đẩy nhanh việc thích ứng với chuyển đổi số để tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng mới, thử sức với các sản phẩm, dịch vụ mới áp dụng công nghệ; đồng thời giải các bài toán đau đầu về nhân lực bên cạnh việc tính toán chi phí vận hành, tiết kiệm thời gian cũng như giới thiệu, quảng bá sản phẩm, đem đến cho du khách những trải nghiệm số hấp dẫn.
Chuyển đổi số là một hành trình không hề dễ dàng và phải bắt đầu từ yếu tố con người, chuyển đổi tư duy trước khi trang bị kỹ thuật số. Các doanh nghiệp du lịch cần có sự quyết tâm, đồng lòng, dốc sức triển khai; đồng thời tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin đồng bộ và hiện đại cùng đội ngũ nhân sự về công nghệ phục vụ cho các hoạt động quản trị, vận hành và kinh doanh… Khi dữ liệu tổng quan được số hóa và phổ cập toàn quốc, sẽ giúp cho các địa phương, doanh nghiệp thuận tiện trong việc nghiên cứu xu hướng du lịch mới, đánh giá thị hiếu du khách từng thị trường, để xây dựng sản phẩm và cách thức tiếp cận, phục vụ phù hợp…
Có nhiều tín hiệu tích cực cho thấy ngành Du lịch coi trọng đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, xây dựng kế hoạch phát triển du lịch số giai đoạn 2021-2025. Ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện số hóa các thông tin dữ liệu phục vụ quản lý các cơ sở lưu trú, các hãng lữ hành, hướng dẫn viên, điểm đến, các cơ sở dịch vụ du lịch; cơ sở dữ liệu phục vụ nghiên cứu thị trường, xúc tiến, quảng bá du lịch. Xây dựng nền tảng kết nối hỗ trợ kinh doanh du lịch, dần hình thành sàn kinh doanh điện tử đối với các dịch vụ du lịch quốc gia. Ngành cũng hướng tới xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình phục hồi, cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch, hỗ trợ trong định hướng thị trường, định hướng sản phẩm cũng như hỗ trợ xúc tiến, quảng bá điểm đến.
Thứ ba, chú trọng phát triển nguồn nhân lực
Vấn đề đứt gãy nguồn nhân lực của ngành Du lịch sau đại dịch là một “bài toán” đau đầu cho cả phục hồi trong ngắn hạn và dài hạn. Để phát triển du lịch bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh, rất cần có sự rà soát, đánh giá lại, đầu tư, đào tạo lại lao động nghề phục vụ hoạt động kinh doanh khách sạn, lữ hành, hướng dẫn viên, xúc tiến quảng bá du lịch; xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn bình thường mới. Bên cạnh đó, cũng có thể kỳ vọng khi du lịch từng bước phục hồi, các địa phương và doanh nghiệp cũng sẽ có các biện pháp thích hợp để dần dần khôi phục lại và phát triển nhân sự cho mình.
Thứ tư, coi trọng truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch
Để phục hồi nhanh, mạnh mẽ và hiệu quả, xúc tiến quảng bá đóng vai trò quan trọng. Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, hiện Tổng cục cũng đang làm việc sơ bộ với các cơ quan thông tấn quốc tế như CNN, CNBC, hướng tới thị trường cao cấp, trung lưu. Tổng cục cũng đề xuất với bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch về việc thí điểm thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Quốc gia. Xây dựng các chương trình truyền thông tấn công vào thị trường quốc tế cụ thể, nhiều tiềm năng là một giải pháp thiết thực là hướng đi đúng đắn.
Thứ năm, nhất quán và linh hoạt trong các biện pháp hỗ trợ phục hồi
Phục hồi du lịch có đúng là “thời cơ vàng” hay không còn tùy thuộc vào sự linh hoạt nhưng nhất quán trong chính sách của Nhà nước, cơ quan quản lý; sự quyết liệt của địa phương, doanh nghiệp. Về mặt chính sách, Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, lao động ngành du lịch vượt qua khó khăn hiện nay; chỉ đạo ban hành các cơ chế, chính sách mới, ưu tiên theo hướng tạo thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, trải nghiệm cộng đồng hướng tới phát triển bền vững.
Thứ sáu, mở cửa du lịch phải song hành với an toàn phòng dịch COVID-19
Thời cơ phục hồi của du lịch đã đến. Việt Nam là quốc gia hàng đầu trong việc phủ vaccine, tuy nhiên cũng còn nhiều thách thức như rủi ro về biến chủng mới; sự chênh lệch về mức độ bao phủ vaccine giữa các địa phương và giữa các độ tuổi. Do vậy, trong các giải pháp để phục hồi du lịch trong giai đoạn 2022-2023 phải luôn song hành với an toàn phòng dịch COVID-19. Công tác kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả và thích ứng an toàn là điều kiện tiên quyết để mở cửa du lịch an toàn. Điều kiện đón khách du lịch phải bám sát vào tiêu chuẩn về phòng chống dịch. Mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về "thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19".
Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã nhấn mạnh: “Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch”.