KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 24/11/2021 - Lượt xem: 120
Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Tạo bước ngoặt mới phát triển văn hóa, con người Việt Nam

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Đăng Khoa)
Đó là những quan điểm, nội dung nổi bật tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức ngày 24/11 theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu tại phòng họp Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội, Hà Nội đến các địa phương trong cả nước để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu ý kiến chỉ đạo. Dự hội nghị, có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; các đồng chí Ủy viên  Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành cơ quan Trung ương, các tổ chức chính trị xã hội, văn học, nghệ thuật, nghề nghiệp, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu…
Các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo hội nghị, chủ trì, điều hành hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhận thức của Đảng về văn hóa ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn. Đảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hoà với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.
Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, Tổng Bí thư đề nghị cần tập trung thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây: Một là, khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Hai là, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại,...
Ba là, phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa: Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ,..
Bốn là, phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, các dân tộc, các vùng, miền; phát triển các phong trào văn hóa sâu rộng, thực chất; cải thiện điều kiện, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, bảo đảm sự công bằng,... 
Năm là, chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh,...
Sáu là, xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh,...
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa trình bày báo cáo tóm tắt về việc “Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.
Báo cáo phân tích, làm nổi bật những nội dung cơ bản trong đường lối, quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa; thành tựu, hạn chế và những bài học kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra trong ngày 24/11 với nhiều nội dung quan trọng nhằm đưa ra những giải pháp chấn hưng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trong giai đoạn mới. 
Các tham luận trình bày tại hội nghị và 150 tham luận gửi tới Ban Tổ chức hội nghị góp phần làm sâu sắc hơn vị trí, vai trò của văn hóa, những thành tựu, hạn chế, bài học kinh nghiệm và giải pháp nhằm chấn hưng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trong giai đoạn mới.
Báo cáo và ý kiến thảo luận tại Hội nghị tập trung vào nhiều vấn đề về quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa và con người Việt Nam. Từ năm 1943, trong Đề cương Văn hóa Việt Nam, Đảng ta đã khẳng định 3 nguyên tắc vận động quần chúng xây dựng văn hóa là “Dân tộc hóa”; “Đại chúng hóa”; “Khoa học hóa”. Tính chất của nền văn hóa mới Việt Nam được xác định là “dân tộc về hình thức, tân dân chủ về nội dung”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ “Nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”; “Văn hóa liên lạc mật thiết với chính trị”. “Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân”; “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”… “Phải đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ”.
Trong tiến trình đổi mới đất nước, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về phát triển văn hóa và con người Việt Nam, xác định xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã đạt những kết quả quan trọng: Nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng tiếp tục được đổi mới; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước từng bước được nâng cao. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng nếp sống và văn hóa ứng xử nơi công cộng” có kết quả rõ rệt. Việc xây dựng văn hóa trong chính trị được triển khai gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xây dựng văn hóa trong kinh tế bước đầu có chuyển biến về nhận thức và hành động. Bản sắc, giá trị văn hóa, con người Việt Nam tiếp tục được kế thừa, phát huy cao độ khi đất nước gặp khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh, nhất là trong đại dịch Covid-19. Tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng hóa các hình thức văn hóa đối ngoại, thu được kết quả rõ rệt cả bề rộng lẫn chiều sâu, song phương và đa phương, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè thế giới, thúc đẩy hội nhập, giao lưu quốc tế về văn hóa.
Hội nghị cũng nêu rõ những hạn chế, yếu kém trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người qua 35 năm đổi mới. Cụ thể là việc quán triệt và thực hiện đường lối, quan điểm, nghị quyết của Đảng về văn hóa có lúc, có nơi chưa đạt yêu cầu đề ra. Thiếu chiến lược dài hạn quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ khoa học, chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Việc thể chế hóa đường lối, quan điểm, nghị quyết của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người chưa theo kịp yêu cầu. Nhiều nội dung trong các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam chậm được thể chế hóa, thiếu tính đồng bộ. Đầu tư của Nhà nước cho lĩnh vực văn hóa, văn nghệ còn thấp, chưa tương xứng với đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội. Việc thực hiện quy hoạch báo chí, xuất bản còn chậm, có mặt còn lúng túng. Việc xử lý, ngăn chặn thông tin giả, xấu độc trên internet tuy đạt một số kết quả nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng-văn hóa kết quả chưa như mong muốn. Môi trường văn hóa gia đình - nhà trường - xã hội có lúc, có nơi chưa lành mạnh, có mặt xuống cấp. Việc xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế tuy đã được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể triển khai, nhưng kết quả còn chưa tương xứng. Tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, biến chất trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cấp cao làm giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, mất dân chủ, thu vén lợi ích cá nhân, chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, học hàm, học vị, lợi ích nhóm... còn xảy ra ở khá nhiều nơi.
Các tham luận thống nhất với báo cáo nêu 6 bài học kinh nghiệm: (1) Không ngừng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. (2) Đẩy nhanh việc thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách và nguồn lực cụ thể, thiết thực, tạo môi trường pháp lý khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực xã hội xây dựng và phát triển văn hóa, con người. (2) Hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa theo hướng tăng cường tính hiệu quả, tính chi phối, không phát triển thiết chế theo một mô hình có sẵn mà phải căn cứ đặc điểm vùng, miền, dân tộc, tôn giáo, từng nhóm đối tượng, phù hợp với nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. (4) Chăm lo quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa ở các cấp có đức, có tài, có kinh nghiệm và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; xây dựng đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ khá, giỏi trong chuyên môn, có khả năng hội nhập quốc tế một cách chủ động, tích cực; chú ý đến việc phát hiện, đào tạo, sử dụng tài năng văn hóa, văn nghệ ở một số lĩnh vực, bộ môn có tính đặc thù, chất lượng cao, năng lực đặc biệt. (5) Việc xây dựng môi trường văn hóa phải được thực hiện đồng bộ trong gia đình, nhà trường và xã hội. Phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, thực hành dân chủ, tính năng động, sáng tạo, đoàn kết của các chủ thể văn hóa; xây dựng cơ chế phối hợp, phân cấp, phân quyết đấu tranh loại trừ cái xấu, cái ác, cái tiêu cực tha hóa con người, ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. (6) Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là xây dựng văn hóa trong chính trị, trong kinh tế, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; xây dựng các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội thực sự trong sạch, vững mạnh; cán bộ, đảng viên gương mẫu về mọi mặt, thực sự là tấm gương, là động lực, niềm tin để nhân dân học tập, noi theo; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hội nghị phân tích làm sâu sắc quan điểm của Đảng về văn hóa, khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, đoàn kết, dũng cảm, tài trí, cần cù, nhân ái, nghĩa tình, hòa hiếu, khoan dung. Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế. Xây dựng văn hóa trong Đảng, cơ quan Nhà nước và cả hệ thống chính trị để tạo động lực, niềm tin và lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân. Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.
Mục tiêu chung là xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn. Xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
 Hội nghị phân tích làm rõ thêm mười giải pháp trọng tâm mà báo cáo nêu. (1) Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững. (2) Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. (3) Hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa. (4) Phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, văn nghệ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý; cho các lĩnh vực then chốt, đặc thù. (5) Xây dựng văn hóa trong chính trị, trong kinh tế, đặc biệt là văn hóa trong Đảng trở thành tấm gương đạo đức cho xã hội; văn hóa doanh nghiệp trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế-xã hội. (6) Phát triển thị trường văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, hưởng thụ của người tiêu dùng và thị trường ngoài nước. (7) Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. (8) Phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xây dựng con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị. (9) Tập trung nguồn lực từ Nhà nước và các thành phần kinh tế khác đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng con người. (10) Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Đăng Khoa) 
Tại hội nghị, các đại biểu xem phim tài liệu và tham quan triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”; các tham luận của các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế;  Lê Hồng Quang, Bí thư Tỉnh ủy An Giang; đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; các đại biểu trí thức, văn nghệ sĩ: Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thúy Mùi… 
Nguồn: https://nhandan.vn

 

Tin liên quan