Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua Nghị quyết 46/91 về " Những nguyên tắc thuộc đạo lí đối với người cao tuổi" làm cơ sở để xây dựng mọi chương trình hành động quốc tế và từng quốc gia", đồng thời ra Nghị quyết số 45/106, lấy ngày 1 tháng 10 hàng năm là Ngày Quốc tế người cao tuổi, bắt đầu từ ngày 01 tháng 10 năm 1991.
I. Sự ra đời của Ngày Quốc tế người cao tuổi 01/10
Ý thức được tầm quan trọng của vấn đề già hoá dân số, tháng 10/1982 Liên hợp quốc tổ chức Đại hội thế giới lần đầu tiên trong lịch sử loài người về vấn đề NCT, tại thành phố Viên - Thủ đô nước Cộng hoà Áo. Hơn 3.000 đại biểu của tất cả các nước, các tổ chức phi chính phủ đã đến dự.
Sau khi phân tích sâu sắc mọi mặt tình hình NCT, Đại hội Viên đã chỉ ra những tiềm năng quý giá của NCT và khẳng định tuổi thọ tăng, NCT là một nhân tố quan trọng của sự phát triển, Đại hội đã trịnh trọng tuyên bố: “Cần bảo đảm không một hạn chế nào, mọi quyền lợi của NCT theo đúng Tuyên ngôn về Quyền con người của Liên hợp quốc”. Đại hội lịch sử này đã thông qua Chương trình hành động quốc tế dài hạn về NCT (Nghị quyết số 37/51); Phát động Năm Quốc tế NCT (1982); Thông qua biểu tượng "Cây đa" biểu trưng của người cao tuổi.
Sau 10 năm thực hiện Chương trình hành động Quốc tế dài hạn về người cao tuổi, năm 1991 Liên hiệp quốc thấy cần thiết phải rà soát về hiệu lực và tính khả thi của Chương trình, trên cơ sở đó, điều chỉnh bổ sung để xây dựng Chương trình cho 10 năm tiếp theo (1992 - 2001). Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua Nghị quyết 46/91 về " Những nguyên tắc thuộc đạo lí đối với người cao tuổi" làm cơ sở để xây dựng mọi chương trình hành động quốc tế và từng quốc gia", đồng thời ra Nghị quyết số 45/106, lấy ngày 1 tháng 10 hàng năm là Ngày Quốc tế người cao tuổi, bắt đầu từ ngày 01 tháng 10 năm 1991.
Đây là một quyết định có tầm quan trọng quốc tế, là biểu hiện sự quan tâm sâu sắc của toàn thể cộng đồng loài người đến một hiện tượng mới mẻ, đó là sự gia tăng nhanh chóng của dân số NCT, cần thống nhất hành động vì quyền lợi của NCT và cũng vì sự tiến bộ chung của nhân loại. Trong thông báo của Liên hợp quốc về quyết định này đã ghi rõ: “Bằng việc đề ra Ngày Quốc tế NCT, Liên hợp quốc mong muốn mọi người nhận thức rõ hơn thực tế về NCT, thấy rõ khả năng to lớn của họ đóng góp vào sự phát triển cộng đồng xã hội. Đồng thời cũng lưu ý mọi người trên thế giới về một hiện tượng rất mới mẻ, đó là già hoá dân số và trong tương lai không xa về kỷ nguyên của NCT”.
- Hội nghị quốc tế NCT lần thứ II họp tại Madrid - Tây Ban Nha từ ngày 8-12/ 4/2002 có hơn 5000 đại biểu của các nước, các tổ chức quốc tế dự. Tuyên bố chính trị của Hội nghị đã nhấn mạnh:“Tiềm năng của NCT là cơ sở vững chắc cho sự phát triển tương lai. Điều đó làm cho xã hội có thể tin cậy vào các kỹ năng, kinh nghiệm và trí tuệ ngày càng tăng của NCT, không chỉ giúp họ có cuộc sống tốt hơn mà còn tham gia tích cực vào việc nâng cao cuộc sống của toàn xã hội (Điều 10)”…
"Chúng tôi kêu gọi tất cả mọi người ở tất cả các quốc gia, thuộc bất cứ lĩnh vực nào của xã hội, cá nhân và tập thể, tham gia cống hiến cho mục tiêu bình đẳng cho con người ở mọi lứa tuổi (Điều 19)".
Hội nghị đã cam kết hành động ở tất cả các cấp, bao gồm các quốc gia và quốc tế theo 3 hướng ưu tiên:
- Người cao tuổi và phát triển;
- Nâng cao sức khoẻ và cuộc sống hạnh phúc cho tuổi già;
- Và đảm bảo môi trường hỗ trợ người cao tuổi.
II. Việt Nam với Ngày Quốc tế người cao tuổi (01/10)
1. Quyết định Ngày Quốc tế người cao tuổi, phù hợp với truyền thống “Kính lão trọng thọ” của dân tộc Việt Nam, tư tưởng của Bác Hồ, quan điểm của Đảng ta .
- "Kính lão trọng thọ" là một nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam; là sự thừa nhận công lao đóng góp của NCT đối với gia đình và xã hội, thể hiện lòng biết ơn của thế hệ sau với thế hệ trước, của lớp người trẻ tuổi đối với NCT, là thể hiện quan điểm "Uống nước nhớ nguồn", trọng nhân nghĩa của nhân dân ta.
Trong lịch sử dân tộc, truyền thống trọng lão có rất nhiều sự kiện, nhưng điển hình nhất đó là cuộc tụ hội các cụ phụ lão tại Điện Diên Hồng do Thái Thượng hoàng Trần Thánh Tông cùng Vua Trần Nhân Tông tổ chức năm 1284 để hỏi ý kiến các cụ nên đánh hay nên hoà khi quân Nguyên sang xâm lược nước ta lần 2. Quyết tâm chiến đấu của các cụ giúp cho triều đình nhà Trần vững tâm lãnh đạo, tổ chức nhân dân kháng chiến chống quân xâm lược giành thắng lợi.
- Truyền thống "Kính lão trọng thọ", được Bác Hồ, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và ngày càng phát triển
Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, tháng 02 năm 1941, đồng chí Nguyễn Aí Quốc đã trở về nước để trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam; Tháng 6 năm 1941, Người viết thư gửi tất cả các bậc phụ lão trong cả nước: “Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề …Nước nhà lo, các cụ cùng phải lo. Nước nhà vui, các cụ đều cùng được vui ”.
Trong thư gửi các vị phụ lão ngày 21-9-1945 (sau 19 ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đây tôi lấy danh nghĩa là một người già mà nói chuyện với các cụ. Tục ngữ có câu: “Lão lai tài tận", nghĩa là tuổi già thì tài hết, không làm được gì nữa. Mà thường các cụ phụ lão ta cũng tin như vậy. Gặp việc gì các cụ đều nói: “Lão giả an chi” (người già nên ở yên). Thôi mình tuổi hạc ngày càng cao, không bay nhảy gì được nữa. Việc đời để cho con cháu bày trẻ làm. Chúng ta gần đất xa trời rồi, không cần hoạt động nữa. Tôi không tán thành ý kiến đó. Xưa nay những người yêu nước không vì tuổi già mà ngồi không. Nước ta có những người như Lý Thường Kiệt, càng già càng quắc thước, càng già càng anh hùng”.
Người lại nói: “Chúng ta là bậc phụ lão, cần phải tinh thành đoàn kết trước để làm gương cho con cháu ta. Vậy tôi mong các vị phụ lão ở Hà thành ra xung phong tổ chức “Phụ lão cứu quốc Hội” để cho các phụ lão cả nước bắt chước và để hùn sức giữ gìn nền độc lập của nước nhà”.
Như vậy, ngay những ngày đầu về nước chỉ đạo trực tiếp cách mạng Việt Nam, lúc mới thành lập nước, cách mạng còn đang trong trứng nước, thù trong giặc ngoài đe doạ, Bác Hồ đã đánh giá cao tiềm năng và vai trò của NCT, đồng thời để khai thác tiềm năng phát huy vai trò NCT thì việc đầu tiên là phải đưa NCT vào sinh hoạt trong một tổ chức nhất định, lúc đó là “Phụ lão cứu quốc Hội”.
- Sau khi nhận được thông báo của Liên hợp quốc, ngày 1-10-1991, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước) Võ Chí Công đã ra lời kêu gọi đồng bào cả nước nhiệt liệt hưởng ứng quyết định của Đại hội đồng Liên hợp quốc và khẳng định“Chăm sóc NCT là một chính sách rất quan trọng của Đảng, Nhà nước ta”. Ngày 17-9-1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ra Chỉ thị số 332 về việc tổ chức Ngày Quốc tế NCT, đã chỉ ra những việc các ngành, các cấp, các cơ quan đoàn thể phải làm trong dịp Ngày Quốc tế NCT 1-10 hàng năm, trong đó đã xác định “Ngày Quốc tế NCT cần được tổ chức tốt, có sự chỉ đạo của các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, dưới sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng”.
Ngày nay, Đảng, Nhà nước coi người cao tuổi là lớp người có công sinh thành, nuôi dạy con cháu, là lớp người đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm quý về nhiều mặt, có uy tín, có vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội, "thật sự là một bộ phận hợp thành nguồn lực nội sinh quý giá của cả dân tộc" (1)
- Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành TW Đảng khóa IX (11/2002) đã chỉ rõ: “Xây dựng chính sách chăm sóc sức khoẻ, quan tâm hơn đến NCT về y tế, văn hoá, nhu cầu thông tin, phát huy khả năng tham gia đời sống chính trị của đất nước và hoạt động Hội, nêu gương tốt, giáo dục lý tưởng và truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công với nước, xây dựng chương trình hành động quốc gia về NCT, phát huy vai trò Hội NCT Việt Nam ”.
- Báo cáo chính trị tại Đại hội X của Đảng (4/2006) đã xác định 2 nội dung chăm sóc và phát huy NCT: “Đối với NCT, chăm sóc sức khoẻ, tạo điều kiện để hưởng thụ văn hoá, được thông tin, sống vui, sống khoẻ, sống hạnh phúc; phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động chiến đấu của NCT trong xã hội và gia đình, xây dựng gia đình ông, bà, cha, mẹ mẫu mực, con, cháu hiếu thảo”.
- Báo cáo Chính trị tại Đại hội XI của Đảng tiếp tục xác định: "Quan tâm chăm sóc sức khoẻ, tạo điều kiện để NCT sống vui, sống khoẻ, sống hạnh phúc; phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống trong xã hội và gia đình".
2. Tình hình người cao tuổi hiện nay, những chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người cao tuổi, Hội Người cao tuổi.
2.1. Tình hình người cao tuổi
a. Diễn biến qua các năm (Theo số liệu của Tổng cục Dân số-KHHGĐ)
- Năm 1979, Việt Nam có 3,71 triệu người trên 60 tuổi, chiếm 6,9% dân số cả nước. Năm 1989, người cao tuổi chiếm 7,2% dân số. Năm 1999, NCT chiếm 8,1% dân số. Năm 2009, NCT chiếm 8,68% dân số. Năm 2010, NCT chiếm 9,4% dân số. Năm 2011, NCT chiếm 9,9% dân số.
- Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ngày càng tăng. Trước năm 1945 là 32 tuổi, nay là 73,0 tuổi (2011).
Năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hoá dân số
2.2. Thời gian qua Đảng, Nhà nước đã ban hành 60 văn bản Luật, Nghị định Quyết định, Thông tư, Chỉ thị, Thông báo nhiều chế độ chính sách về NCT, liên quan đến NCT, trong đó văn bản quan trọng nhất: Luật Người cao tuổi.
- Ngày 24/9/1994, Phó Thủ tướng kí Quyết định số 523/1995/QĐ-TTg cho phép thành lập Hội NCT Việt Nam.. Ngày 10/5/1995, Đại hội lần thứ nhất Hội Người cao tuổi Việt Nam tại Thủ đô Hà Nội Quyết định thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam.
- Chỉ thị 59/CT-TW ngày 27/9/1995 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá VII) về “Chăm sóc người cao tuổi”.
- Chỉ thị 117/TTg ngày 27-2-1996 của Thủ tướng Chính phủ về "Chăm sóc NCT và hỗ trợ hoạt động cho Hội NCT Việt Nam".
- Đảng, Nhà nước đã đánh giá cao vai trò, vị trí của NCT, Hội NCTVN. Ban Chấp hành TW Đảng CSVN tặng Đại hội lần thứ hai Hội NCTVN năm 2001 bức trướng 18 chữ vàng "Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
- Ngày 21/10/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 121/2003/NĐ-CP quy
định chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, trong đó có Chủ tịch Hội NCT xã, phường, thị trấn là cán bộ không chuyên trách được hưởng chế độ phụ cấp hàng tháng. Quyết định số 30/2011/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2011 quy định mức phụ cấp của Chủ tịch Hội NCT xã, phường, thị trấn không quá 1,5 lần so với mức lương tối thiểu chung.
- Ngày 5/8/2004, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 141/2004/QĐ-TTg, thành lập Uỷ ban Quốc gia về NCT Việt Nam và Quyết định số 301/2005/QĐ-TTg ngày 21-5-2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình hành động quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2005-2010”.
- Ngày 13/4/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2007/NĐ-CP về Chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có khoản mục quy định những NCT đủ 85 tuổi trở lên không có lương hưu, không có trợ cấp xã hội khác thì hàng tháng được Nhà nước trợ cấp 120.000đ/tháng.
- Ngày 23/11/2009, Quốc hội khoá XII thông qua Luật NCT. Đây là niềm phấn khởi, tự hào của NCT Việt Nam, vì nhiều nước có điều kiện kinh tế và mức sống cao hơn nước ta, nhưng cũng chưa ban hành được Pháp lệnh và Luật về NCT.
Luật NCT đã quy định về quyền và nghĩa vụ của NCT, các chính sách của Nhà nước đối với NCT, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đối với việc chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò NCT.
Luật NCT ghi rõ nhiều chính sách mới với NCT, ví dụ: Điều 17 đã hạ độ tuổi trợ cấp NCT từ 85 tuổi xuống 80 tuổi, nếu không có lương hưu, không có trợ cấp xã hội khác thì mỗi tháng được Nhà nước trợ cấp 180.000đ/tháng.
Luật NCT cũng qui định lấy ngày 6/6 hàng năm là Ngày NCT Việt Nam, ngày “Toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò NCT”; đồng thời ngày này cũng
là Ngày truyền thống NCT Việt Nam. Luật NCT có hiệu lực thi hành từ 1/7/2010.
Sau khi Luật NCT được Quốc hội thông qua, Chính phủ có Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14/ 01/2011 "Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật NCT". Các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Y tế, Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Giao thông vận tải đã có Thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành Luật NCT:
- Ngày 03/02/2010, Ban Bí thư Trung ương thông báo Kết luận số 305-TB/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 59-CT/TW ngày 27/9/1995 của Ban Bí thư (khóa VII) về chăm sóc NCT.
- Ngày 2/6/2010, tại Đại hội thi đua yêu nước "Tuổi cao- Gương sáng" toàn quốc lần thứ II, Chủ tịch nước đã tặng Huân Chương sao vàng (Huân chương cao nhất của Nhà nước) cho các thế hệ NCT Việt Nam.
- Ngày 01/11/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg công nhận Hội NCT Việt Nam là Hội "có tính chất đặc thù, hoạt động trong phạm vi cả nước".
- Ngày 22/11/2012, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số: 1781/2012/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012 - 2020".
- Ngày 28 tháng 11 năm 2013, Quốc hội khoá XIII, nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã biểu quyết thông qua bản Hiến pháp mới, Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hiến pháp năm 2013). Hiến pháp gồn 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương, 27 điều so với Hiến pháp năm 1992).
Về vị trí, vai trò và chính sách đối với người cao tuổi, khoản 3, Điều 37 Hiến pháp 2013 nêu rõ: "Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" và khoản 2, điều 59 quy định: " Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác".
Hội NCT Việt Nam do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, Nhà nước quản lý, hoạt động theo Điều lệ phù hợp với Hiến pháp và Pháp luật, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Luật NCT Việt Nam đã xác định rõ Hội NCT Việt Nam có nhiệm vụ làm nòng cốt trong phong trào "Toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò NCT".
3. Kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được trong thời gian qua, Đại hội lần thứ IV Hội NCT Việt Nam (ngày 11/11/2011) đã xác định: "Xây dựng Hội vững mạnh, làm nòng cốt trong phong trào toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò người cao tuổi, góp phần đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Đại hội nhấn mạnh: Nhiệm kì IV cần dồn sức thực hiện 3 nhiệm vụ trọng
tâm, đột phá và hai chương trình lớn sau:
- Ba nhiệm vụ trọng tâm đột phá:
1) Lấy hội viên làm trung tâm; lấy chi hội, tổ hội, câu lạc bộ để tổ chức các hoạt động của Hội; lấy nội dung thi đua yêu nước "Tuổi cao - Gương sáng" làm mục tiêu phấn đấu.
2) Ổn định và nâng cao chất lượng các hoạt động chăm sóc, phụng dưỡng gắn với định hình các hoạt động phát huy vai trò NCT, có sự lựa chọn phù hợp, giúp cho NCT sống vui, sống khoẻ, sống hạnh phúc, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
3) Tập trung khai thác, phát huy các nguồn lực NCT, Hội NCT; nguồn lực Nhà nước; nguồn lực xã hội và quốc tế; tạo ra sức mạnh tổng hợp, động lực thúc
đẩy xây dựng và phát triển Hội vững mạnh trong giai đoạn mới.
- Hai chương trình lớn gồm: Mắt sáng cho người cao tuổi; Người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới".
Nhân Ngày Quốc tế NCT năm nay, Hội NCT các địa phương phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo đẩy mạnh phong trào thi đua "Tuổi cao -Gương sáng" phù hợp với thực tế của địa phương và đơn vị, phấn đấu hoàn thành tốt Nghị quyết BCH Trung ương Hội lần thứ năm (19/12/2014) về nhiệm vụ công tác Hội năm 2015, đặc biệt ngày 25/4/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 544/QĐ -TTg lấy tháng 10 hàng năm là Tháng hành động vì NCT Việt Nam. Đây là quyết định rất đúng đắn và có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, phù hợp với nguyện vọng của NCT cả nước, nhằm phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Kính lão trọng thọ”; thu hút sự quan tâm của mọi tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia chăm sóc, phát huy vai trò NCT. Để công tác tuyên truyền kỉ niệm 24 năm Ngày Quốc tế NCT (01/10/1991- 01/10/2015) và Tháng hành động vì NCT đạt kết quả thiết thực, Ban Thường vụ TW Hội đề nghị Hội NCT các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các hội nghị, hội thảo, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao làm chuyển biến và nâng cao nhận thức của NCT, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội về mục đích, ý nghĩa Ngày Quốc tế NCT và Tháng hành động vì NCT Việt Nam; Hướng dẫn Hội NCT cơ sở xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động kỉ niệm cụ thể, kết hợp tổ chức tuyên truyền kỉ niệm Ngày Quốc tế NCT với việc vận động nguồn lực cho Tháng hành động vì NCT; Tham mưu với cấp ủy, chính quyền, phối hợp với các cơ quan đoàn thể tổ chức các hoạt động tập trung hưởng ứng Tháng hành động vì NCT; tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho NCT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn./.