KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 12/03/2022 - Lượt xem: 149
Linh hoạt trong tổ chức sự kiện nhằm kích cầu du lịch

Cùng với chủ trương mở cửa trở lại các hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới của Trung ương, các tỉnh đã có kế hoạch tổ chức sự kiện khai trương, kỷ niệm kết hợp với quảng bá, kích cầu du lịch địa phương.

Nghệ thuật Xòe Thái. (Ảnh: TTXVN)
Đây là việc làm cần thiết bởi sau hai năm “đóng băng” do đại dịch Covid, ngành du lịch đã chịu nhiều tổn thất nặng nề, hoạt động quảng bá, tiếp thị sản phẩm của doanh nghiệp bị hủy bỏ, cắt giảm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Kết hợp tổ chức sự kiện kích cầu du lịch cùng với các hoạt động kỷ niệm, lễ hội của địa phương sẽ giúp cả doanh nghiệp lẫn chính quyền địa phương đạt được nhiều lợi ích.
Mới đây, tỉnh Lào Cai đã quyết định tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh với hình thức đơn giản, gọn nhẹ, tiết kiệm để ứng phó với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp với nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tương tự, tỉnh Yên Bái cũng đã lùi các hoạt động khai trương, khánh thành đến cuối năm để tránh “đỉnh dịch” và quan trọng hơn là tập trung nguồn lực tổ chức Lễ hội Mường Lò, đón nhận bằng công nhận của UNESCO cho Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại-Nghệ thuật Xòe Thái. Đây là hai tỉnh có nhiều danh lam thắng cảnh và lễ hội nổi tiếng thu hút đông đảo khách du lịch.
Trước khi diễn ra đại dịch Covid-19, hiện tượng “nóng cục bộ” do quá tải số lượng khách du lịch đến tham gia sự kiện diễn ra rất phổ biến ở nhiều địa phương, đặc biệt là những tỉnh có nhiều danh thắng. Do vậỵ, việc điều tiết các sự kiện kích cầu du lịch rải rác suốt trong năm trên nhiều huyện sẽ duy trì được số lượng du khách ổn định, giúp địa phương cũng như doanh nghiệp đạt được những mục tiêu phát triển hiệu quả. Có nhiều địa phương rất khéo léo kết hợp hoạt động của Đảng bộ, chính quyền với sự kiện kích cầu du lịch.
Còn nhớ, khi tham dự Đại hội Đảng bộ xã Mường Lống, thuộc huyện 30a Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, nhiều đại biểu đã rất thích thú với những hoạt động hội chợ, triển lãm chào mừng Đại hội Đảng bộ xã. Người dân cũng ghi nhận số lượng khách tham quan tăng đột biến trong dịp diễn ra đại hội, và đây cũng là cơ sở để nhiều mô hình, sản phẩm du lịch, dịch vụ được kiểm nghiệm. Qua đó có thể thấy rằng bất cứ hoạt động bề nổi nào của địa phương nếu biết tận dụng, phát huy đều sẽ trở thành sự kiện kích cầu du lịch, đem lại lợi ích cho người dân và chính quyền địa phương.
Sau bốn tháng thí điểm đón khách quốc tế, các địa phương tham gia chương trình thí điểm đều có phản hồi tích cực. Du khách bày tỏ sự hài lòng và tin tưởng đối với các biện pháp phòng, chống dịch của Việt Nam. Trung ương đã nhất trí với nội dung kế hoạch mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới do các bộ, ngành đưa ra. Theo đó, địa phương, doanh nghiệp và du khách phải thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, thực hiện 5K ở mọi nơi, mọi lúc, mọi khâu. Khách du lịch quốc tế khi đến Việt Nam chỉ cần đáp ứng đầy đủ các quy định của Bộ Y tế.
Việc mở cửa lại hoạt động du lịch là cơ hội giúp các địa phương thực hiện “mục tiêu kép” một cách hiệu quả hơn, song đây cũng là thách thức đối với công tác phòng, chống dịch, nhất là các tỉnh đang có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Do đó, trên tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, các địa phương, cơ quan, đơn vị và nhất là người đứng đầu cấp ủy càng cần sâu sát bám nắm tình hình; quyết đoán, tỉnh táo trong nắm bắt thời cơ; linh hoạt, chủ động và sáng tạo trong biện pháp thực hiện nhằm xử lý một cách hài hòa giữa chủ trương chung và tình hình riêng của địa phương mình.
Còn nhớ vào giữa năm ngoái khi đại dịch Covid-19 diễn ra trầm trọng tại các tỉnh phía nam, trong cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 với 63 tỉnh, thành phố, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các địa phương khoanh vùng dịch ở quy mô hẹp nhất có thể, bảo đảm nhiệm vụ phát triển kinh tế và tránh khuynh hướng hốt hoảng. Thực tế đã có thời điểm nhiều địa phương do quá hoảng hốt nên đã chỉ đạo cách ly trên diện rộng dẫn đến bỏ lỡ cơ hội phát triển kinh tế. Ngẫm ra, sự hốt hoảng này phần lớn xuất phát từ sự bám nắm chưa sâu, sát với tình hình thực tế của người đứng đầu cấp ủy.
Ở một số tỉnh, thành phố, số ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng có thể còn nhiều, nhưng mức độ nghiêm trọng là không giống nhau. Do đó, việc nắm bắt thời điểm, khởi động lại trạng thái mở cửa du lịch đòi hỏi người lãnh đạo, chỉ đạo phải có sự nhạy bén. Cách ấn định thời gian tổ chức sự kiện theo “chế độ mở”, bất cứ lúc nào cũng có thể linh hoạt thay đổi như cách làm của một số địa phương vừa đúng với chủ trương ở trên vừa trúng lòng dân ở dưới, là đáng làm.
Nguồn: https://nhandan.vn
Tin liên quan