1. Xây dựng con người mới
Nói đến văn hóa là nói đến con người, xã hội và trình độ phát triển của họ. Vì vậy, nhiệm vụ hàng đầu của công tác văn hóa là nhằm bồi dưỡng, đào tạo, xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới. Nhiệm vụ này thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng ta coi trọng con người là nguồn lực cơ bản, quyết định sự phát triển của xã hội, đồng thời là mục tiêu nhằm đạt tới của các lĩnh vực kinh tế- xã hội.
Những đức tính cần xây dựng, bồi dưỡng cho con người Việt Nam trong giai đoạn mới là:
- Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa đất nước sớm thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu; đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.
- Có ý thức tập thể, đoàn kết phấn đấu vì lợi ích chung.
- Có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương, phép nước, quy ước của cộng đồng, có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường văn hóa, sinh thái.
- Lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật sáng tạo, năng suất cao, vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội.
- Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực.
Trong các đức tính nói trên, tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm phấn đấu cho lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là những đức tính cơ bản và cốt lõi.
2. Xây dựng môi trường văn hóa
Môi trường văn hóa chứa đựng những giá trị văn hóa, nơi con người và cộng đồng thực hiện các hoạt động sáng tạo, bảo tồn, giao lưu và hưởng thụ văn hóa. Môi trường văn hóa do con người sáng tạo ra qua nhiều giai đoạn phát triển. Đây là một trong những điều kiện sống của con người và cộng đồng. Xây dựng môi trường văn hóa bao gồm:
- Xây dựng gia đình văn hóa, làm cho mọi gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi người. Gia đình văn hóa phải đảm bảo các yêu cầu: kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, công bằng, dân chủ, bình đẳng cho mọi thành viên, vợ chồng hòa thuận, con cháu hiếu thảo, đoàn kết và quan hệ tốt với xung quanh, tuân thủ pháp luật và các quy ước của cộng đồng, giữ gìn trật tự trị an, bài trừ các hủ tục, các tệ nạn xã hội, thực hiện tốt các chính sách dân số- kế hoạch hóa gia đình.
- Xây dựng làng, bản, thôn, ấp, xã, phường văn hóa. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã và đang được toàn dân hưởng ứng. Nội dung cuộc vận động này chủ yếu là để xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, hình thành các làng, bản, thôn, ấp, xã, phường văn hóa với những tiêu chuẩn cụ thể:
+ Phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, thực hiện xóa đói giảm nghèo, giúp nhau làm giàu chính đáng.
+ Giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nhân dân có đời sống chính trị lành mạnh, đạo đức lối sống văn minh, lịch sự; tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật.
+ Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng các quan hệ xã hội lành mạnh.
+ Xây dựng, giữ gìn môi trường tự nhiên xanh, sạch, đẹp, an toàn.
+ Xây dựng và thực hiện tốt các thể chế, thiết chế văn hóa, thể dục, thể thao phù hợp có hiệu quả, có chất lượng cao.
+ Xây dựng các hương ước, quy ước làng, xã, quy chế hoạt động của cơ quan, đơn vị… trên các lĩnh vực của đời sống dân cư phù hợp với luật pháp và giữ gìn được các phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương cơ sở.
- Xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa theo các tiêu chí sau:
+ Xây dựng cơ quan an toàn về chính trị, tư tưởng, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân và của Nhà nước.
+ Thực hiện tốt nội quy, kỷ luật lao động, tôn trọng và bảo vệ pháp luật, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước và mọi quy định, quy chế của cơ quan, đơn vị.
+ Thực hiện tốt quy chế dân chủ trong cơ quan, đơn vị.
+ Phát triển phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị. Mọi thành viên có đời sống vật chất và tinh thần phong phú, ham học hỏi, yêu thích hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao.
3. Xây dựng thiết chế, thể chế văn hóa ở cơ sở
- Phát triển và nâng cao chất lượng các thiết chế văn hóa.
Thiết chế văn hóa bao gồm các cơ sở vật chất dành cho hoạt động văn hóa. Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bước đầu các cơ sở đều đã có các thiết chế văn hóa. Tuy nhiên, việc bảo đảm các điều kiện vật chất, trang thiết bị, nội quy và các quy chế hoạt động của các cơ sở này ở nhiều nơi còn gặp khó khăn. Việc củng cố, nâng cấp các thiết chế đã có, việc xây dựng các thiết chế mới đi đôi với hoàn thiện phương thức hoạt động để phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa là những công việc cần thiết phải làm ở cơ sở. Phấn đấu các đơn vị cơ sở phải có các thiết chế văn hóa (nhà văn hóa, câu lạc bộ, thư viện, nhà truyền thống, bưu điện văn hóa xã, sân thể thao, các đội văn nghệ quần chúng, hệ thống truyền thanh, các tổ, đội tuyên truyền lưu động, các thiết bị cho tuyên truyền, cổ động…). Điều cần chú ý là vừa phát triển, vừa nâng cao chất lượng các thiết chế văn hóa để sử dụng có hiệu quả thiết thực, tránh phô trương hình thức. Thiết chế văn hóa ở cơ sở phải có nội dung và phương thức hoạt động thích hợp, thu hút được đông đảo nhân dân tham gia.
- Củng cố, xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hóa.
Thể chế văn hóa văn hóa là một hệ thống quy định về việc quản lý, xây dựng, phát triển văn hóa cơ sở bao gồm:
+ Hệ thống tổ chức, bộ máy cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở.
+ Cơ chế hoạt động và phối hợp của các tổ chức, các bộ phận trong ngành và quan hệ với ngành khác.
+ Hệ thống các phép tắc, quy tắc, chuẩn mực, nội dung, quy ước, quy định hoạt động văn hóa, các hành vi văn hóa của mỗi cá nhân trong cộng đồng.
+ Các chính sách, chế độ trong hoạt động văn hóa, kể cả các điều kiện, phương tiện làm việc, khen thưởng, xử lý kỷ luật, kinh phí hoạt động,...
Trên đây là những nhiệm vụ chung, chủ yếu của công tác văn hóa ở cơ sở. Tùy hoàn cảnh cụ thể, có thể có những nhiệm vụ riêng, phù hợp với yêu cầu phát triển và truyền thống của địa phương.
Theo "Công tác tuyên giáo ở cơ sở" của Ban Tuyên giáo Trung ương