KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Di tích lịch sử văn hóa
Đăng ngày: 11/12/2018 - Lượt xem: 988
Như Quỳnh – “Tiểu Kinh Bắc” trong lòng xứ Nhãn

Có thể nói, mảnh đất Hưng Yên là hợp lưu của các vùng văn hóa xứ Bắc, xứ Đông và xứ Nam. Trong đó, các huyện Phù Cừ, Tiên Lữ, Kim Động, Khoái Châu nằm trong tiểu vùng văn hóa xứ Nam; các huyện Mỹ Hào, Ân Thi lại mang nhiều đặc điểm của tiểu vùng văn hóa xứ Đông. Các huyện Văn Giang, Văn Lâm xưa vốn thuộc tỉnh Bắc Ninh, với những nét văn hóa trấn Kinh Bắc đặc sắc như hội hè, đình đám, quan họ, trống quân… Trong khu vực ấy, thì làng Như Quỳnh xưa (hiện là địa bàn thị trấn Như Quỳnh) là một vùng đất cổ, có thể coi như một “tiểu Kinh Bắc” trong lòng miền quê Nhãn văn hiến và cách mạng hôm nay…

1. Một miền đất cổ

Nằm trên địa phận tổng Như Quỳnh (còn gọi là Ghênh) xưa, thị trấn Như Quỳnh là trung tâm hành chính đồng thời là cửa ngõ phía Tây Bắc của huyện Văn Lâm, Hưng Yên; phía bắc giáp các xã Dương Xá, Dương Quang (huyện Gia Lâm, Hà Nội); phía nam giáp xã Đình Dù; phía đông giáp xã Lạc Đạo; phía tây giáp xã Tân Quang cùng huyện Văn Lâm. Cùng với sự hình thành và phát triển của châu thổ Bắc Bộ, Văn Lâm là vùng đất có lịch sử lâu đời. Điều đó được chứng minh bởi các hiện vật khảo cổ được tìm thấy trên vùng đất này, trong đó, có những hiện vật từ thời Đông Sơn. Đó là trống đồng Giảo Tất được Viễn đông Bác cổ mua năm 1918, do ông Phạm Nhượng, người Văn Lâm, đào ao tìm thấy; đó là thạp đồng, thau đồng được tìm thấy trong giai đoạn xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa hiện còn lưu giữ ở Bảo tàng Hưng Yên… Qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, Văn Lâm cũng có những biến động lịch sử trong việc thay đổi tên huyện, làng và địa giới hành chính.

Ở trong một huyện như thế, vùng đất Như Quỳnh (bao gồm thị trấn Như Quỳnh ngày nay và các địa phương lân cận) cũng có những tên gọi khác nhau và trực thuộc nhiều đơn vị hành chính khác nhau. Thời Hùng Vương, vùng đất này thuộc quận Dương Tuyền. Trong thời kỳ Bắc thuộc, Như Quỳnh thuộc quận Giao Chỉ. Qua những thăng trầm của lịch sử, đến thời Lý, Như Quỳnh có tên là trang Thổ Lỗi, hương Siêu Loại. Đến thời Trần, vùng đất này thuộc huyện Tế Giang phủ Kiến Xương. Sang thời Lê, thuộc huyện Tế Giang (cuối thời Lê- Trịnh đổi là Văn Giang), phủ Thuận An trấn Kinh Bắc. Đất Kinh Bắc từ xa xưa đã được ghi nhận “mạch đất tốt tụ vào đấy nên càng nhiều chỗ có dấu tích đẹp; tinh hoa họp vào đấy, nên sinh ra nhiều danh thần”. Nằm trong vùng văn hoá Kinh Bắc, gần với Luy Lâu và kinh thành Thăng Long, lại án ngữ con đường thượng kinh của các tỉnh xứ Đông (cả đường thuỷ và đường bộ), vì thế Như Quỳnh có nhiều cơ hội tiếp xúc, giao lưu với nhiều vùng văn hoá trong khu vực Bắc Bộ.

Truyền thuyết kể rằng, vùng đất này là một quý địa, có nhiều huyệt đất tốt, nếu đặt đúng sẽ sinh nhân kiệt. Ngay từ thời Lý, Thánh Tông đã ngoài 40 vẫn chưa có con trai, bèn đi du ngoạn và lễ bái nhiều nơi. Một hôm vua qua vùng Thổ Lỗi, dân hai bên đường đổ xô ra đón. Tuy vậy, trong nương dâu, có một thôn nữ không thèm để ý chuyện đó, vẫn mải miết làm việc và véo von hát. Thấy lạ, vua bèn đích thân đến hỏi, thì người con gái mới dừng tay hái dâu, dựa vào gốc lan để tiếp chuyện vua. Hỏi rõ tên khu vực đang đứng, vua bèn thử tài cô gái, ra một vế đối:

Lất phất mưa bay miền Tự Vũ

Cô gái không ngần ngại đáp ngay:

Ầm ầm sấm động đất Dương Lôi.

Tự Vũ là nơi vua đang đứng tại cánh đồng làng Ghênh. Dương Lôi là đất thang mộc của nhà Lý.

Nhà vua lại vờ như buột miệng:

Gạo trắng, nước trong, mến cảnh, mến người thêm mến cả

Cô gái cũng rất tự nhiên:

Gió bụi, cát lầm, lo đời, lo đủ sẽ lo cho

Qua chuyện trò, thấy tâm đầu ý hợp, vua bèn mang nàng thôn nữ hái dâu đó về cung làm vợ và đặt tên là Ỷ Lan.

Trong dân gian, Ỷ Lan được gán cho là hiện thân của cô Tấm cổ tích. Tên thật của bà lần đầu tiên được biết đến trên văn bản cũng bởi chính người con quê hương Thổ Lỗi của bà, một cung nữ thời Lê- Trịnh, là Trương Thị Ngọc Trong, tác giả của Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan- sự tích diễn ca. Theo diễn ca, Ỷ Lan tên thật là Lê Thị Khiết. Sau hai lần nhiếp chính, khi về già, Ỷ Lan lui về quê an dưỡng và tu tại gia. Ở đó, bà đã cho xây một toà cung điện, trên một đại thổ hình Kim Quy, hậu trẩm là miếng đất trán rồng, hai bên có hai miếng đất hình con hoả là long my, nằm sát hai bên my rồng là 2 ao mắt rồng. Toà lâu đài được dựng lên bên bờ Nguyệt Đức có vẻ đẹp nguy nga nên dân gian quên mất cái tên Cung Thái Hậu mà đặt cho là toà Thuỷ lâu đài. Hiện Thuỷ lâu đài đó vẫn còn, trở thành đền thờ Ỷ Lan, còn có tên là đền Ghênh [44, tr.15]. Đền Ghênh cùng với đền bà Tấm (ở Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội) là nơi chính thờ Ỷ Lan ngay tại quê hương của bà. Ngoài ra, trên  địa bàn Văn Lâm vẫn còn nhiều ngôi chùa khác thờ Ỷ Lan. Và, có rất nhiều truyền tích và địa danh liên quan đến Ỷ Lan còn lưu truyền tại các xã lân cận như: sự tích Đống Mối, Bãi Rùa, Dộc Mèo, Chợ Cơm…

Cũng theo dân gian, Thái uý Lý Thường Kiệt, vị tướng lừng danh của dân tộc (và là cận thần tâm phúc của Ỷ Lan) cũng được táng ở vùng đất này.

Dưới thời Lê- Trịnh, do khu vực Ghênh (thuộc tổng Gia Lâm, phủ Thuận An) đông đúc, sầm uất, trên bến dưới thuyền và được các Chúa Trịnh nhiều lần lui tới nên được đặt tên là Như Kinh (giống như Kinh thành). Đến thời Nguyễn, do sợ phạm huý một bà phi của vua Minh Mạng, nên tổng này được đổi thành Như Quỳnh, thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1947, theo Nghị định số 167 NV- QP/NĐ, cùng với các xã khác của huyện Văn Lâm, Như Quỳnh chuyển về là một đơn vị hành chính thuộc tỉnh Hưng Yên. Hiện nay, Như Quỳnh là thị trấn thủ phủ của huyện Văn Lâm, có địa bàn nằm hai bên quốc lộ 5A và tuyến đường sắt Hà Nội- Hải Phòng, có chợ Ghênh khá nổi tiếng và khu công nghiệp Như Quỳnh- một khu công nghiệp lớn của tỉnh Hưng Yên. Diện tích tự nhiên toàn thị trấn là 651,6ha (1.810 mẫu 10 thước Bắc Bộ). Diện tích canh tác là 396,93ha. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, xã Như Quỳnh chỉ có 1.100 hộ dân với khoảng 3.200 nhân khẩu. Tổng Như Quỳnh xưa gồm 5 làng/xã là: Làng Như Quỳnh có 4 thôn: Ngọc Quỳnh, Lê Xá, Đường Cố và Trung Lê; Làng Ngô Xuyên có 5 xóm: Đình, Đoài, Gạo, xóm To và xóm Buộm; Làng An Xuyên có 2 xóm: xóm Vỏ và xóm Dinh; Làng Ngọ Cầu có 3 xóm: xóm Trên, xóm Nhãn, xóm Đình; Làng Hành Lạc có 4 xóm: xóm Lưu Xá, xóm Vườn Quan, xóm Ngõ Cả, xóm Ngô Hoàn.

Có vị trí thuận lợi, lại có 2 con sông là sông Ghênh (sông Nguyệt Đức) và sông Khoai (sông Lăng) thông từ sông Đuống (sông Thiên Đức) sang sông Nghĩa Trụ (sông Kim Ngưu) nên việc giao lưu, buôn bán rất thuận tiện. Chợ Ghênh, vì thế, được hình thành rất sớm, lập tại cửa đền Ghênh, năm 1940 được chuyển ra đầu cầu Ghênh, là một trung tâm buôn bán lớn vùng Kinh Bắc, trên bến dưới thuyền, rất sầm uất. Theo một giai thoại, việc di chuyển chợ đến địa điểm hiện nay nguyên uỷ là do sự bức xúc của dân làng Lê Xá (có tên nôm là làng Nợ). Khi chợ ở cửa đền Ghênh, tuy vẫn thuộc địa bàn làng Lê Xá, nhưng dân làng Ngọc Quỳnh lại được thu thuế, vì thế dân gian có câu “đất làng Nợ, chợ làng Ghênh”. Bức xúc trước tình trạng ấy, đến khi cụ Lê Văn Hội, người làng Nợ, lên Chánh tổng, đã chuyển chợ về sau chùa Lá, là địa điểm hiện nay. Phố Như Quỳnh bên chợ Ghênh được hình thành từ năm 1948. Từ xa xưa, Như Quỳnh đã là một làng quê trù phú.

2. Một tiểu vùng văn hóa quan họ

          Với bề dày lịch sử như thế, nên kho tàng văn hoá dân gian ở Như Quỳnh khá phong phú. Về văn học dân gian, có thể sưu tầm được hàng chục đơn vị bản kể truyền thuyết, giai thoại, hàng trăm đơn vị ca dao, tục ngữ, câu đố… về làng. Đặc biệt, nghệ thuật diễn xướng ở đây rất phát triển. Như trên đã nói, Như Quỳnh trước đây thuộc Kinh Bắc, nên Quan họ là một trong những điệu dân ca quen thuộc của nhân dân nơi đây. Thậm chí, theo một giai thoại, Như Quỳnh, Siêu Loại chính là quê hương của Quan họ bởi nó gắn liền với cuộc gặp gỡ của Lý Thánh Tông với Ỷ Lan, lời hát mà Ỷ Lan hát trong lúc hái dâu chính là Quan họ [36, tr.58]. Ở Như Quỳnh và các làng lân cận vẫn còn truyền nhau câu hát:

Í ai thì mặc í ai

Làng Ghênh nghe hát, làng Khoai trả tiền

Chuyện kể rằng, khi về nghỉ dưỡng già ở quê, Thái hậu Ỷ Lan đã cấp cho các làng Khoai (làng Minh Khai, gồm thôn An Xuyên và Ngọ Cầu), Ngô Xuyên, Hành Lạc, Giang Cao mỗi thôn một trăm mẫu ruộng, một mâm vàng, một mâm bạc làm vốn sản xuất. Hoàng thái hậu còn lập ra một trang trại gồm 18 mẫu ruộng chuyên trồng dâu nuôi tằm để dệt lụa tự túc quần áo. Mười tám mẫu điền trang màu mỡ này, Thái hậu giao cho làng Khoai trông nom. Làng Khoai cũng không phải đóng thuế cho triều đình nhưng mỗi năm phải tổ chức và chịu kinh phí cho một đêm hát tại làng Ghênh, trước cửa Thuỷ lâu đài (đền Ghênh bây giờ) cho toàn dân xem.

Thời Pháp thuộc, do địa thế gần thủ đô, lại nằm án ngữ đường cả đường sắt và đường bộ tuyến Hà Nội- Hải Phòng, Như Quỳnh đã có cơ hội tiếp thu văn hoá Tây phương một cách nhanh chóng. Có những danh sỹ đương thời đã đến Như Quỳnh cư trú một thời gian dài như cụ Phạm Quỳnh. Nhiều người Như Quỳnh đã đi theo con đường nghệ thuật hiện đại và thành danh trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, có nhạc sỹ Xuân Giao. Đặc biệt, Như Quỳnh còn có những gánh cải lương, tuồng, chèo khá chuyên nghiệp, nổi tiếng trước Cách mạng tháng Tám, đi biểu diễn dọc ngang đất nước. Một số nghệ nhân có tiếng tăm trong vùng đến bây giờ vẫn được nhắc như các cụ Nguyễn Văn Tất, Trương Văn Nhã, cụ Lê Văn Nhạc, cụ Trương Văn Rằng, cụ Trương Thị Sử…

Như trên đã nói, Như Quỳnh là một vùng đất cổ, nhiều phong tục, tập quán đã hình thành và phát triển từ thời Lý. Tuy vậy, nơi đây cũng gần với các trung tâm văn hoá lớn như Luy Lâu, Thăng Long và là cửa ngõ đi các tỉnh phía đông của kinh thành Thăng Long nên ảnh hưởng của các vùng văn hoá khác nhau. Về tổ chức xã hội làng/xã, cơ bản Như Quỳnh cũng giống cơ cấu tổ chức làng/xã khác ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Theo Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Như Quỳnh thì nét nổi bật tạo nên truyền thống của nhân dân Như Quỳnh là: có tinh thần cố kết cộng đồng, lao động cần cù sáng tạo để chống chọi với thiên nhiên; có tinh thần tương thân tương ái, sống với nhau có nghĩa, có tình; có tinh thần yêu quê hương, đất nước, kiên cường, bất khuất chống giặc, cứu nước…. Về tinh thần yêu nước, ngoài các câu chuyện khác, người dân Như Quỳnh vẫn truyền nhau những câu chuyện về nhân dân thôn Trung Lê bảo vệ tướng quân Lê Thận, chuyện tổ phụ họ Trương bảo vệ ải Chi Lăng và các câu chuyện về con dân quê hương tham gia cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy của Đinh Gia Quế, Nguyễn Thiện Thuật. Riêng trong cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, làng đã có những vị tướng anh dũng, được các vị chỉ huy Tuần Vân, Đốc Tít tin dùng như cụ Bang Chu, Quản Chén, Trương Đình Tuyển, cụ Mậu, cụ Thôn, cụ Sớm…

Hội làng Như Quỳnh cũng có những khác biệt so với hội các làng/xã khác trong khu vực. Đó chính là hội đền Ghênh nổi tiếng:

Đồn rằng hội Gióng vui thay

Vui thì vui thật chẳng tày hội Ghênh

Hội Ghênh có đá “Thạch sàng”

Có sông tắm mát có quan trảy về”

                                      (Ca dao sưu tầm được ở huyện Văn Lâm)

 Trước đây, làng mở hội chung với Dương Xá, Dương Quang (Gia Lâm, Hà Nội). Tuy nhiên, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, khi quân đội thực dân xây bốt, phá cả đền Ghênh, các cụ thôn Ngọc Quỳnh phải đem toàn bộ tượng thờ và sắc phong sang Dương Xá gửi. Đến khi hoà bình lập lại, do người còn, người mất, việc trả lại đồ thờ đã khiến hai làng xích mích, từ đó hội được mở riêng. Ngoài các ngày sóc, vọng, xuân thu nhị kỳ…, vào ngày 10/3 làng tổ chức Hội lớn để kỷ niệm ngày sinh của Nguyên phi Ỷ Lan. Ngày 25/7, tương truyền là ngày giỗ của bà, làng cũng tổ chức tế tại đền.

Khu vực Như Quỳnh nằm trong vùng văn hoá thờ Tứ Pháp với các đền chính Pháp Vân (Lạc Đạo), Pháp Vũ (Thái Lạc), Pháp Điện (Lạc Hồng), Pháp Lôi (Lạc Hồng) và hàng chục đền Tứ Pháp khác trong vùng nên tục rước nước hội đền Ghênh cũng mang nhiều màu sắc của các cuộc rước nước cầu mưa chứ không đơn thuần để bao sái đồ thờ như nhiều hội khác.

Theo Bắc Ninh dư địa chí của Đỗ Trọng Vĩ, (mục cổ tích) khi nói về miếu Lý Thái hậu có nhắc đến chi tiết: “Người con gái làng Dương Xá hái dâu trong nương. Có một ông lão bán dầu trông thấy trên đầu cô có đám mây tía liền đến bảo cô ta đi gặp vua. Người con gái từ chối nói: "Mẹ tôi sai tôi đi hái dâu chứ không sai đi xem vua" .

Ông lão nài thêm: "Sau này nếu quả cô được quí hiển thì cho tôi võng lọng đi trước". Đến lúc đó, cô gái mới chịu nghe theo ông lão đến chỗ vua ngự... Lý Nhân Tông lên ngôi, tôn cô làm hoàng thái hậu. Nhớ lời, mỗi khi ngự giá Ỷ Lan lại cho một kiệu và võng lọng của ông bán dầu đi trước. Về sau, dân làng Ghênh vẫn giữ lệ cũ. Hàng năm ngày nhập tịch mở hội, vẫn rước một cái kiệu đỏ để không và một đôi lọng xanh đi trước kiệu thần, không dám thay đổi. Ngày 20/2 hội cũng bắt đầu bằng những cuộc rước. Song lần này là rước Thành hoàng và lễ vật của các thôn ăn lộc ruộng của đền bái vọng dâng lễ.

Mỗi năm hội đều có phường hát ở các nơi đến đăng cai hát giữ cửa đền, suốt từ 9/3 đến hết hội. Thường thường các phường hát đến xin, địa phương tín nhiệm phường nào thì cho phép họ tới hát giữ cửa đền cho đến khi rã đám thì làng Khoai thanh toán tiền cho họ. Ngoài ra các phường chèo, tuồng khác cũng đến góp vui cho hội thêm sôi nổi.

Trong hội còn có các trò chơi khác như tổ tôm điếm, đấu vật, chọi gà, đốt pháo và thời pháp thuộc có cả hát cô đầu... Cứ như vậy lễ hội đền Ghênh kéo dài cho đến hết ngày 12/3 âm lịch. Ngày 12/3 là ngày tế rã đám và kết thúc hội, cũng vào ngày đó các giải vật, giải cờ mới phân ngôi nhất nhì và làm lễ trao giải.

Làng Như Quỳnh cũng là một làng có truyền thống hiếu học, khoa bảng và có nhiều danh tướng, danh thần mà điển hình là gia đình cụ Trương Dự với các con là Trương Nhưng, Trương Nhiêu đều làm quan tới chức Quận công và được sử ghi là có đức tính đôn hậu, thuần khiết, giản dị, thương dân. Viết về Trương Nhưng, sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục có đoạn: “Trương Nhưng, em ruột Trương thái phi. Nhưng dầu là người có công và ngoại thích, mà lúc nào cũng ôn hòa và giản dị, giao du với ai không làm cho người ta trái ý”

Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, Như Quỳnh là địa bàn hoạt động của nhiều bậc tiền bối cách mạng như Tô Hiệu, Hoàng Quốc Việt, Mai Vi… ở đây cũng có nhiều cơ sở cách mạng và là quê hương của đồng chí Tạ Lương- nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Hưng Yên.

Theo nhà báo, nhà thơ Lê Minh Hợi, Như Quỳnh cũng là nơi nhà văn Thạch Lam của Tự Lực Văn Đoàn hay lui tới. Ông giáo Tất, con cụ Tú Kép, một hậu duệ của dòng họ Trương, là bạn học với Thạch Lam nên thường mời nhà văn đến nhà mình chơi. Lấy cảm hứng từ khu vườn và khung cảnh nhà cụ Tú Kép trong khuôn viên của cung Chí Nguyên, Thạch Lam đã viết truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan nổi tiếng?

Hiện ở làng Như Quỳnh, bên cạnh đền Ghênh, Từ vũ họ Trương, cung Chí Nguyên, còn có nhiều di tích khác đã được Nhà nước và tỉnh Hưng Yên công nhận là di tích lịch sử, văn hoá như: đình Lê Xá, đình Ngô Xuyên, chùa Từ Kính. Ngoài ra, còn có dấu tích của chùa Lá, một ngôi chùa lớn, nổi tiếng khắp vùng trước Cách mạng tháng Tám và Văn miếu Như Quỳnh.

*

Lịch sử mỗi vùng đất luôn gắn liền với lịch sử của dân tộc, là một mô hình thu nhỏ của dân tộc. Điều đó lại càng đúng với một đất nước mà suốt dặm dài lịch sử đều dựa trên chế độ phong kiến tập quyền, tuy thống nhất về mặt chính trị nhưng lại dựa vào chế độ công xã tự quản của các làng/xã. Làng Như Quỳnh, với vị thế địa chính trị quan trọng của mình, thời nào cũng có những cá nhân để lại dấu ấn trong lịch sử dân tộc. Những con người ấy, cùng với nhân dân sinh tụ trên vùng đất ấy, đã tạo nên một nét đặc sắc về văn hóa. Để mỗi ai khi nhắc đến vùng đất này, đều chỉ có thể trân trọng mà nói rằng, đó là địa danh “địa linh nhân kiệt”

PMH

 

 

Tin liên quan