Phần I. Khái niệm văn hóa, văn nghệ, công tác văn hóa, văn nghệ
1.1 Văn hoá là một lĩnh vực rất rộng lớn, vô cùng phong phú và đa dạng, có mặt và thấm sâu trong toàn bộ đời sống xã hội và đời sống con người, vì thế có rất nhiều định nghĩa, cách hiểu và khai thác khác nhau về văn hóa. Trong quá trình đi tìm định nghĩa và xác định nội hàm của văn hóa, đã có những tìm tòi khoa học có giá trị sâu sắc, tiếp sức nhau đạt tới những nhận thức ngày càng hoàn chỉnh hơn của con người về một lĩnh vực rất độc đáo do chính con người và chỉ có con người sáng tạo nên, đó là văn hóa.
Pufendorf - nhà khoa học Đức, người đầu tiên sử dụng từ văn hóa đã cho rằng, văn hóa là toàn bộ những gì được tạo ra do hoạt động xã hội, nghĩa là văn hóa đối lập với trạng thái tự nhiên. Tiếp tục ý tưởng đó, nhà triết học Đức Herder (1744 - 1803) cho rằng, văn hóa là sự hình thành lần thứ hai của con người, nghĩa là, lần thứ, nhất con người xuất hiện với tư cách một thực thể tự nhiên, đến lần thứ hai, con người hình thành và phát triển với tư cách một thực thể xã hội, tức là một nhân cách văn hóa.
Năm 1871, E.B Tylor - người góp phần khẳng định ngành văn hóa học như một khoa học, đã đưa ra định nghĩa: văn hóa là phức thể bao gồm kiến thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp; tập quán và mọi khả năng, thói quen mà con người với tư cách là thành viên xã hội, đạt được.
Sau nhiều năm tìm tòi theo các hướng, các cách tiếp cận khác nhau, đến những năm 70 của thế kỷ XX, cách hiểu phổ biến và gặp nhau nhiều nhất là ở quan niệm coi văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác dân tộc khác từ những sản phẩm tinh vi, hiện đại nhất đến tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống và lao động. Năm 1982, tại Mêhicô, Hội nghị thế giới về chính sách văn hóa vì sự phát triển đã thông qua Tuyên bố Mêhicô ngày 6 tháng 8 cho rằng: Theo nghĩa rộng, ngày nay văn hóa có thể được coi là toàn bộ các đặc tính đặc biệt về tâm hồn, vật chất, trí tuệ và tình cảm đặc trưng cho một xã hội hay một nhóm xã hội. Nó không chỉ bao gồm nghệ thuật và văn học, mà cả lối sống, các quyền cơ bản của nhân loại, các hệ thống giá trị, truyền thống và tín ngưỡng1.
Như vậy, theo nghĩa vừa rộng lớn, vừa bản chất, văn hóa là toàn bộ hoạt động tinh thần - sáng tạo, tác động vào tự nhiên, xã hội và con người nhằm tạo ra các giá trị vật chất và tinh thần ngày càng cao hơn để vươn tới sự hoàn thiện theo khát vọng chân, thiện, mỹ và góp phần thúc đẩy sự tiến bộ, phát triển không ngừng của đời sống xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”2.
Phạm vi của văn hóa là hết sức rộng lớn, có mặt trong toàn bộ hoạt động của đời sống xã hội và đời sống con người, nhưng quan trọng hơn cả, nó là những giá trị do hoạt động tinh thần - sáng tạo của con người tạo ra, biểu hiện trình độ hiểu biết, năng lực và phẩm giá của cả cộng đồng và từng cá thể, là thước đo trình độ phát triển và sức vươn lên tự hoàn thiện của con người theo lý tưởng chân, thiện, mỹ, đồng thời nó góp phần trực tiếp cho quá trình vươn lên đó của con người.
Theo hướng tiếp cận này, Phạm Văn Đồng, nhà văn hóa lớn của đất nước ta ở thế kỷ XX, cho rằng: Nói tới văn hóa là nói tới một lĩnh vực vô cùng phong phú và rộng lớn bao gồm tất cả những gì không phải là thiên nhiên mà có liên quan đến con người trong một quá trình tồn tại, phát triển, quá trình con người làm nên lịch sử3 . . . "Cốt lõi của sức sống dân tộc là văn hóa với nghĩa bao quát và cao đẹp nhất của nó, bao gồm cả một hệ thống giá trị: tư tưởng và tình cảm, đạo đức và phẩm chất, trí tuệ và tài năng, sức nhạy cảm tiếp thu cái mới từ bên ngoài, ý thức bảo vệ bản lĩnh và bản sắc của cộng đồng dân tộc, sức đề kháng và sức chiến đấu để tự bảo vệ mình và không ngừng lớn mạnh”4.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VIII) "Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" đã tiếp cận và đề cập đến vấn đề văn hóa theo nghĩa rộng lớn và bao quát, đồng thời chỉ ra các lĩnh vực cụ thể của văn hóa trong đời sống và cấu trúc xã hội, nhấn mạnh một số mặt quan trọng cần đặc biệt quan tâm. Từ đó, Nghị quyết đã nhấn mạnh một phương hướng cực kỳ quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước: "làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, tạo ra trên đất nước ta đời sống tinh thần cao đẹp, trình độ dân trí cao, khoa học phát triển, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, tiến bước vững chắc lên chủ nghĩa xã hội"5.
I.2. Khi đặt văn hóa trong một giai đoạn cụ thể của đời sống xã hội, và nhìn đời sống ấy bao gồm các lĩnh vực khác nhau, có quan hệ chặt chẽ với nhau thì văn hóa hiểu theo nghĩa cụ thể và các quan hệ cụ thể, là một trong các lĩnh vực chính, giữ vị trí rất quan trọng, cùng với chính trị, kinh tế và xã hội tạo nên diện mạo, trình độ, chất lượng và đặc điểm của xã hội trong một giai đoạn phát triển nhất định Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định điều đó khi cho rằng, trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cũng phải coi trọng ngang nhau là chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Tám lĩnh vực cụ thể của văn hóa mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) đề cập đến chính là chỉ ra nội hàm của văn hóa trong các mối quan hệ với kinh tế, chính trị, xã hội và cùng với các lĩnh vực trên, tạo nên sự phát triển toàn diện của xã hội mà chúng ta đang xây dựng “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Theo cách hiểu hẹp hơn và được sử dựng thông thường và khá phổ biến, văn hóa còn được coi chủ yếu là các loại hình hoạt động cụ thể của ngành văn hóa như bảo tồn, bảo tàng, thư viện, xuất bản, báo chí, đời sống văn hóa cơ sở, lễ hội, phong tục, tập quán, tín nguỡng… và các loại hình sáng tạo văn học, nghệ thuật - một lĩnh vực được coi là tinh tế nhất, mang tính sáng tạo đậm đặc và là bước phát triển cao của văn hóa. Ý nghĩa thực tiễn của cách hiểu này là để làm cơ sở xác định chức năng, nhiệm vụ cụ thể của ngành văn hóa ở nước ta hiện nay từ Trung ương đến cơ sở. Khi nói công tác văn hóa - văn nghệ thường được hiểu cụ thể theo các phạm vi, nội dung trên.
Nguồn Tài liệu nghiệp vụ công tác văn hóa, văn nghệ của Ban Tuyên giáo Trung ương
1 Xem Nguyễn Khoa Điềm (Chủ biên): Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, trang 14-16.
2 Hồ Chí Minh: Toàn Tập, Nxb, Chính Trị quốc gia, Hà Nội, 2000, T.3, trang 431
3 Xem Phạm Văn Đồng: Văn hóa và Đổi mới, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, trang 9.
4 Phạm Văn Đồng: Sđd, trang 18.
5 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, trang 54.