KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Chỉ đạo - Hướng dẫn - Nghiệp vụ
Đăng ngày: 20/01/2015 - Lượt xem: 202
NỘI DUNG VĂN HÓA VÀ CÔNG TÁC THAM MƯU CỦA BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY, THÀNH ỦY TRÊN LĨNH VỰC VĂN HÓA

Văn hoá là thiên nhiên thứ hai, nền tảng tinh thần của xã hội, có vai trò quan trọng phát triển nguồn nhân lực, ổn định an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội, là một bộ phận của công tác tư tưởng. Hiện nay, hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh, thành phố, bên cạnh nhiều mặt tích cực cũng bộc lộ những tiêu cực, hạn chế, yếu kém, cản trở sự phát triển.
Với phương châm "lấy cái đẹp, dẹp cái xấu” , "lấy các tích cực đẩy lùi cái tiêu”, công tác tham mưu của Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ, thành uỷ trên lĩnh vực văn hoá đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tư tưởng, nhằm phát huy vai trò của văn hoá đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển ở các địa phương.
Lĩnh vực văn hoá trong chuyên đề này được hiểu theo nghĩa hẹp là các hoạt động tổ chức, quản lý văn hoá ngoài lĩnh vực nghiên cứu, sáng tạo, phổ biến văn học, nghệ thuật, gọi tắt là lĩnh vực văn nghệ.
Phần I. Khái niệm về văn hóa, đặc trưng, một số lĩnh vực chủ yếu
I.1. Khái niệm văn hoá
Văn hoá là một thuật ngữ khoa học, tiếng pháp là "culture", nghĩa ban đầu là vun trồng gieo cấy, sau đó chuyển nghĩa là gieo trồng trí tuệ, hình thành nhân cách, vốn kiến thức của mỗi người và mỗi nhóm người trong xã hội. Trong thực tiễn sử dụng, tuỳ từng ngữ cảnh cụ thể văn hoá được hiểu theo nghĩa rộng hoặc nghĩa hẹp. Đến nay, tuỳ vào góc độ tiếp cận khác nhau, giới nghiên cứu đã nêu ra trên 500 định nghĩa văn hoá. Thông qua các định nghĩa này, có thể hiểu khái niệm văn hoá có 3 nội dung chủ yếu như sau:
Một là, văn hoá là tài sản sáng tạo của con người, ở đó chứa đựng một hệ thống các giá trị, các truyền thống và các thị hiếu, "Văn hoá là tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo trong quá khứ và trong hiện tại" (Tổng Giám đốc UNESCO Federico Mayor Zanagoza).
Hai là, văn hoá là nghệ thuật ứng xử của con người với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội thông qua các mối quan hệ và phương thức giao tiếp khác nhau, hình thành các tập quán ứng xử.
Ba là,  văn hoá là những nét riêng biệt qua đó nhận biết sự khác nhau giữa các nhóm người, các dân tộc, thể hiện cách sống của họ. "Trong ý nghĩa rộng nhất, văn hoá là tổng thể những nét riêng biệt về tinh thần và vật chất, trí tuệ và cảm xúc quyết định tính cách của một xã hội hay của một nhóm người trong xã hội" (Tuyên bố của UNESCO về Thập kỷ thế giới phát triển văn hoá 1988-1997). Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu định nghĩa về văn hoá: "Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát mình ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn hộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá" .
2. Đặc trưng của văn hóa
- Mọi hoạt động của văn hóa đều vận động theo dòng chảy của thời gian.
Vận động của văn hóa không ngừng nghỉ nhằm sáng tạo cái mới, cái lạ để hấp dẫn và đáp ứng nhu cầu của con người trong mỗi thời khắc lịch sử, đồng thời nó không ngừng nghỉ đào thải cái cũ đã trở nên lỗi thời, lạc hậu, nhàm chán, cùng lúc nó kết tinh những giá trị đích thực tạo nên truyền thống, bản sắc và nó luôn luôn nhận thức lại những gì nó đã sản sinh ra định dạng thang bậc các giá trị theo một chuẩn mực được xã hội thừa nhận mà các chuẩn mực cao cả thúc đẩy sự vươn tới của mọi hoạt động văn hóa là các giá trị chân, thiện, mĩ.
- Văn hóa thuộc lĩnh vực sản xuất tinh thần, sản phẩm của nó có tính đặc thù khác với sản phẩm hàng hóa thuộc lĩnh vực sản xuất vật chất mà hiệu năng của nó lệ thuộc rất nhiều vào việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, kĩ thuật, công nghệ. Sản phẩm văn hóa ghi đậm dấu ấn của mỗi cá nhân, hiệu quả hoạt động văn hóa lệ thuộc vào tài năng của mỗi cá nhân, sự phấn khích, cộng cảm của cộng đồng.
- Sản phẩm văn hóa ngoài các giá trị, giá trị sử dụng, giá trị trao đổi, nó còn hàm chứa các giá trị khác liên quan đến chính trị-xã hội, như giá trị đạo đức, giá trị thẩm mĩ, giá trị lịch sử... Sản phẩm văn hóa có mục đích tự thân. Các Mác từng nói: "Nhà văn đương nhiên phải kiếm tiền mới có thể sống và viết, nhưng nhà văn tuyệt nhiên không được sống và viết để kiếm tiền ". Suy rộng ra mục đích của văn hóa không phải là kiếm ra được nhiều tiền mà mục đích của văn hóa là vì con người, làm cho con người tự tin, vươn tới chân, thiện, mĩ.
- Hoạt động văn hóa bao gồm nhiều sinh hoạt, nếp nghĩ được hình thành từ lâu đời có liên quan đến lối sống, tâm lý, phong tục, tập quán cá nhân, cộng đồng xã hội nên muốn thay đổi theo hướng tiến bộ là việc làm khó khăn, phức tạp, đòi hỏi kiên trì, không nóng vội.
3. Một số lĩnh vực văn hóa chủ yếu
Phạm vi vấn đề văn hóa rất rộng, bao gồm cả tư tưởng, giáo dục, khoa học, công nghệ, triết học, tôn giáo, pháp luật, truyền thống, văn học, nghệ thuật, thông tin… Chuyên đề này chỉ giới hạn vấn đề văn hóa ở các đối tượng do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn, quản lý. Một số lĩnh vực văn hóa chủ yếu như sau:
- Lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, trọng tâm là phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
- Lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc
- Lĩnh vực thư viện và văn hóa đọc
- Lĩnh vực thông tin cổ động, triển lãm, quảng cáo
- Lĩnh vực nhà văn hóa, câu lạc bộ, văn hóa quần chúng
- Lĩnh vực tổ chức và quản lý lễ hội
- Lĩnh vực xây dựng văn hóa gia đình
- Lĩnh vực văn hóa các dân tộc thiểu số
- Lĩnh vực quyền tác giả
- Lĩnh vực xuất nhập khẩu văn hóa phẩm
- Lĩnh vực tổ chức bộ máy, quản lý văn hóa
- Lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
- Lĩnh vực thanh tra
- Lĩnh vực giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa

Nguồn Tài liệu nghiệp vụ công tác văn hóa, văn nghệ của Ban Tuyên giáo Trung ương

 

Tin liên quan