Từ năm 2009 đến nay, Việt Nam có bảy di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, mang tính biểu trưng của di sản tư liệu thế giới, trong đó có ba di sản tư liệu thế giới (gồm: Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Bia Tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long); bốn di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương (Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Mộc bản trường học Phúc Giang, Hành trình đi sứ Trung Hoa). Ngoài giá trị về mặt lưu trữ thông tin, là kho tri thức dân gian cung cấp cái nhìn tổng quát, xuyên suốt và hệ thống về hành trình lập nước, bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải của quốc gia cũng như cách sắp xếp tổ chức, bộ máy điều hành của triều đại phong kiến và phản ánh toàn diện các vấn đề chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao, xã hội, văn hóa các thời kỳ... những di sản tư liệu này còn là tác phẩm nghệ thuật, trở thành cổ vật quý giá.
Căn cứ vào các tiêu chí của di sản tư liệu của UNESCO, Việt Nam đang sở hữu một kho di sản tư liệu độc đáo, phong phú, đồ sộ trải dài khắp đất nước. Những di sản tư liệu này đang được lưu trữ trong các trung tâm lưu trữ quốc gia, trung tâm di sản, thư viện, bảo tàng, các nhóm tư liệu sở hữu cá nhân, các di tích tư liệu trong dân gian, đình chùa, đền miếu. Ðiều này cho thấy tiềm năng nhiều di sản tư liệu khác sẽ tiếp tục được ghi danh rất lớn nếu chúng ta nhận thức rõ vai trò, giá trị kho tàng di sản tư liệu hiện có. Chẳng hạn, ở tỉnh Thừa Thiên Huế ngoài ba di sản tư liệu được UNESCO đưa vào Danh mục Di sản ký ức thế giới (gồm: Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế), thì hệ thống chùa chiền Phật giáo tại Huế đang lưu giữ gần 2.933 ván khắc kinh Phật các loại, trong đó chùa Từ Ðàm lưu giữ 1.319 bản khắc mộc bản, chùa Trúc Lâm lưu giữ bản kinh Kim Cang thời Tây Sơn thêu 7.000 chữ Hán bằng chỉ ngũ sắc. Ngoài ra, nhiều tư liệu Hán Nôm từ thời Lê đến thời Nguyễn hiện đang được lưu giữ cẩn thận trong các họ tộc, tư gia các gia đình hoàng tộc triều Nguyễn, là nguồn tư liệu quý giá phục vụ công tác nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử, tra cứu dữ liệu... Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng đang lưu giữ khoảng 5.000 tấm ván khắc Phật giáo và gần 70.000 tập sách cổ ghi chép các vấn đề tự nhiên, xã hội, con người Việt Nam truyền thống. Chưa kể còn có một lượng lớn di sản tư liệu tư nhân được lưu giữ trong các tư gia, dòng họ, thuộc sở hữu tư nhân và trong cộng đồng, rải rác trong cả nước.
Những số liệu này minh chứng tiềm năng cả về số lượng và chất lượng di sản tư liệu, khẳng định tầm quan trọng và giá trị của di sản tư liệu trong đời sống đương đại.
Ngày 12/1 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tổng kết việc thực hiện Luật Di sản văn hóa, trong đó đánh giá, sau 20 năm thực hiện, Luật bộc lộ những hạn chế, không còn phù hợp thực tiễn. Việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung luật là cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Với tính chất quan trọng và quy mô của hệ thống di sản tư liệu hiện hữu, việc bổ sung vấn đề bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu vào Luật Di sản văn hóa là cần thiết và cấp thiết. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần nghiên cứu ban hành quy định tiêu chí ghi danh, kiểm kê, phân loại, đánh giá, xếp hạng di sản tư liệu, sớm có những quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm quản lý về di sản tư liệu; cụ thể hóa quy trình hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu từ trung ương đến địa phương.