KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 06/02/2022 - Lượt xem: 132
Quảng bá văn hóa Tết Việt tại Liên bang Nga

Dù số người mắc Covid-19 hằng ngày tại Liên bang Nga đã lên 6 con số, song tại thủ đô Moskva và các vùng lân cận, nhiều hoạt động đón Tết cổ truyền của Việt Nam vẫn được tổ chức, thu hút sự quan tâm lớn của người dân sở tại. Nỗ lực quảng bá Tết Việt của cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga đã góp phần đưa nét đẹp văn hóa dân tộc đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Yumzhana Daneeva và Marina Timoshchenko bên những chiếc bánh chưng đầu tiên của mình. (Ảnh: Thanh Thể)

Trên một con phố trung tâm của thủ đô Moskva, quán Sông Lam đã được đổi tên thành Cá Sông Lam, với hy vọng năm mới làm ăn khấm khá. Anh Lưu Anh Tuấn, chủ nhà hàng, vừa trải qua một năm “giật gấu vá vai” để duy trì cơ sở của mình, bày tỏ mục tiêu bằng mọi cách phải tiếp tục phát triển nhà hàng thành một địa chỉ tin cậy phục vụ những món ăn truyền thống của Việt Nam.

Phở Việt, nem Việt đã có chỗ đứng trong lòng bạn bè người Nga. Sau nhiều năm kinh doanh trong ngành thực phẩm, anh Tuấn mong muốn, bánh chưng - biểu tượng ngày Tết Việt Nam, cũng được nổi tiếng và có vị trí tương tự. Với suy nghĩ đó, anh Tuấn cùng những người bạn đã tổ chức buổi gói bánh chưng ngay tại nhà hàng của mình.

Khách mời hôm đó có Yumzhana Daneeva và Marina Timoshchenko, hai cô gái người Nga đã nếm hàng chục món ăn Việt. Qua những phút đầu bỡ ngỡ, họ đã mạnh dạn tự gói những chiếc bánh chưng đầu tiên trong cuộc đời. Các vị khách cũng hào hứng lắng nghe câu chuyện về lá dong, gạo nếp, thịt lợn, những nguyên liệu chủ yếu làm nên món ăn biểu tượng của Tết cổ truyền Việt Nam.

Sự kiện gói bánh chưng tại nhà hàng Cá Sông Lam. (Ảnh: Thanh Thể) 

Những phát biểu tự nhiên của hai cô gái, như “không ngờ bánh chưng của Việt Nam được bọc bằng lá, chứ không phải bột mì”, hay “có cả bánh chưng hình vuông, cả hình ống. Hình vuông tượng trưng cho đất…”, khiến những thợ gói xuất thân từ miền quê Việt Nam cảm thấy một niềm vui giản đơn. Ngôn ngữ là khoảng cách, song nhìn những cô gái trẻ mãn nguyện với cặp bánh chưng trong tay cũng đủ để những đầu bếp chân chất cảm thấy ấm áp. Từ đây, những vị khách người Nga sẽ kể cho bạn bè họ về một loại bánh đặc biệt, gói bằng lá và đong đầy tình cảm của người Việt Nam.

Để tiễn năm cũ đi qua, đón chào mùa Xuân mới, nhiều quán ăn ở thủ đô Moskva cũng trang trí cây mai, cành đào trong dịp Tết. Quán “Madam Yến” thêm mâm cơm Việt ngày Tết trong thực đơn, với bánh chưng, dưa muối, giò… Nhiều chủ nhà hàng hy vọng, những thay đổi nhỏ có thể mang lại một hương vị Tết cổ truyền ấm cúng, cùng không khí rộn ràng khác lạ cho người dân sở tại.

Lễ hội đón Tết cổ truyền tại Incentra. (Ảnh: Thanh Thể) 

Trong những nỗ lực quảng bá văn hóa Việt, nổi bật có chương trình lễ hội truyền thống đón Tết cổ truyền do Tổ hợp đa chức năng Hà Nội-Moskva (Incentra) tổ chức dịp cuối tuần này. Khách đến kín khu ẩm thực của Tổ hợp, để tìm hiểu về Tết Việt và thưởng thức những món ăn truyền thống.

Có mặt ở Incentra từ sớm, song ông Ilya Belov vẫn phải đứng sau 2 hàng khán giả, bế con lên cao, hy vọng cô bé có thể thấy toàn bộ tiết mục múa hát của trẻ em Việt Nam trên sân khấu. Cũng như nhiều gia đình khác, ông Ilya Belov và con gái sau lần đầu tham dự chương trình đã hiểu hơn về phong tục đón Tết của người Việt, là dịp đoàn viên, con trẻ chúc ông bà, cha mẹ sống lâu trăm tuổi, người lớn mừng tuổi trẻ em, mong những điều tốt đẹp…

Ông Ilya Belov bế con gái đi khắp các gian hàng nặn tò he, hay cho chữ đầu năm. Những phong tục truyền thống được tái hiện một cách sống động, mang lại cho hai bố con người Nga những cảm xúc mới lạ.

Người Nga xin chữ đầu năm. (Ảnh: Thanh Thể) 

Trên sân khấu, những cô nhỏ cậu nhỏ Việt Nam với áo dài truyền thống, hồn nhiên biểu diễn những điệu múa dân gian. Các tiết mục được đầu tư cả về phần nhạc, lẫn trang phục biểu diễn khiến hàng chục trẻ em Nga hưng phấn lắc lư theo điệu nhạc. Tham gia chương trình năm nay, các vị khách được thưởng thức ẩm thực, các loại hoa quả Việt Nam. Ngoài ra, các trò chơi dân gian cũng thu hút sự tham gia của người dân Nga.

Ở ngoại ô thủ đô, những xưởng may của người Việt cũng rộn ràng tổ chức năm mới cổ truyền. Với cơ sở vật chất ngày càng khang trang, giấy tờ hợp pháp, nhiều xưởng may hiện nay đã tạo công ăn việc làm ổn định và cuộc sống đủ đầy hơn cho công nhân. Trong ngày đầu Xuân năm mới, họ mời nhiều bạn bè Nga đến chung vui, tự hào vì cơ sở sản xuất ngày càng phát triển, được chính quyền sở tại ủng hộ. Bên nhau trong cái Tết xa nhà, nỗi vất vả, nỗi nhớ quê hương như được vơi đi.

Nguồn: https://nhandan.vn

Tin liên quan