KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 05/12/2021 - Lượt xem: 145
Tạo lập môi trường văn hóa lành mạnh

Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập một số nhóm nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, trong đó có nội dung "Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân-thiện-mỹ".  

Ngày 9/5/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Cờ thi đua của Chính phủ cho các địa phương. (Ảnh VGP)
Ngay sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, đang bắt tay triển khai 11 nhiệm vụ, trong đó có nội dung tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh để tạo động lực phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế. Trong nội dung này, Bộ tập trung tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, qua đó để xây dựng bộ tiêu chí về chỉ số văn hóa quốc gia hướng tới sự phát triển bền vững. Ngày 2/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã tổ chức Tọa đàm "Xây dựng mô hình văn hóa ứng xử trong trường học". Vấn đề văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục và văn hóa học đường được các cán bộ quản lý, chuyên gia giáo dục nêu ra nhằm hướng tới xây dựng một môi trường học tập có chuẩn mực văn hóa, đạo đức được xã hội thừa nhận.
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú với những giá trị nhân văn, tiến bộ là nhiệm vụ trọng yếu để phát triển văn hóa dân tộc hiện nay. Những môi trường văn hóa mà mỗi cá nhân đã trải qua trong suốt cuộc đời chính là nơi mà họ được dạy dỗ, được học hỏi để phát triển nhân cách, để trở thành một con người xã hội. Từ gia đình, nhà trường, cơ quan, đoàn thể đến các cộng đồng dân cư,... đó là những môi trường bồi đắp cho mỗi con người không chỉ về tri thức, kinh nghiệm sống, kỹ năng sống mà còn là nơi trao gửi yêu thương, bồi dưỡng những xúc cảm thẩm mỹ, những giá trị văn hóa, đạo đức... Môi trường văn hóa lành mạnh sẽ vun đắp, hình thành cho con người những đức tính, phẩm chất tốt đẹp; đồng thời góp phần đẩy lùi cái lạc hậu, cái giả dối, cái xấu. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định: Có cơ chế, chính sách, giải pháp để xây dựng môi trường văn hóa thật sự trong sạch, lành mạnh, cải thiện điều kiện hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Trên thực tế, môi trường văn hóa, xã hội tiếp tục bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền còn lớn; đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Hiện tượng ô nhiễm môi trường văn hóa không chỉ xuất hiện ở một số cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp mà ngay cả một số không gian văn hóa vốn được coi là nơi nuôi dưỡng cho những giá trị tốt đẹp như gia đình, học đường... cũng có những dấu hiệu rạn vỡ, xuất hiện nhiều tiêu cực đáng lo ngại. Môi trường văn hóa bị ô nhiễm xuất phát từ nhiều nhân tố chủ quan và khách quan, nhất là những tác động của bối cảnh, tình hình phức tạp trong và ngoài nước, mặt trái của nền kinh tế thị trường, giao lưu hội nhập quốc tế; việc ban hành quy định, hướng dẫn về xây dựng môi trường văn hóa chưa đồng bộ, công tác kiểm tra, giám sát chưa nghiêm; các phong trào, chương trình hoạt động văn hóa diễn ra còn mang tính hình thức, thời vụ; nguồn lực đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng...
Để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ, là nền tảng tinh thần của xã hội, nhất thiết phải có hệ thống pháp luật hướng tới việc bảo vệ các giá trị, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa tốt đẹp, bảo vệ, tôn trọng quyền làm chủ của người khác, của cộng đồng. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động có ý nghĩa như: Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; thực hành nếp sống văn minh trong cưới, việc tang, lễ hội; xây dựng làng bản, khu phố, gia đình văn hóa... Thực hiện biểu dương, khen thưởng kịp thời những tấm gương tiêu biểu, những cơ quan, đoàn thể có cách làm hay sáng tạo, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng môi trường văn hóa để lan tỏa những giá trị tốt đẹp, đẩy lùi cái xấu... Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa đầy đủ, đồng bộ. Mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải là một môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống. Môi trường văn hóa giờ đây bên cạnh không gian hiện thực, còn có cả những không gian ảo, thông qua internet. Vì thế cần lưu ý các không gian này, xem xét bối cảnh xã hội số, kinh tế số, công dân số trong mối quan hệ với việc hình thành văn hóa số.
Việc xây dựng môi trường văn hóa phải là công việc của tất cả bộ, ngành, địa phương chứ không chỉ là công việc của riêng ngành văn hóa. Tất nhiên, phải có sự thống nhất giữa các bộ, ngành trong việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách cũng như sự phân công trách nhiệm rõ ràng trong quá trình cộng đồng trách nhiệm xây dựng môi trường văn hóa. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đồng bộ đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân.
Nguồn: https://nhandan.vn

 

Tin liên quan