Tại những khu vực có đông người Việt cư ngụ như quận Cam (Orange County, Nam California), San Jose (Bắc California), Houston (bang Texas),... không khí đón Tết còn đi vào các hoạt động văn hóa tại các cơ sở tôn giáo như nhà thờ, nhà chùa, thánh thất. Đông đảo nam phụ lão ấu thường tập trung về đó để gói và nấu bánh chưng, bánh tét, làm mứt, giò chả, tập hát văn nghệ... Dù hằng ngày rất tất bật, vất vả, nhưng công việc chuẩn bị đón Tết chiếm thêm một phần thời lượng cuộc sống của mỗi người. Tuy nhiên, sự bận rộn ấy cũng làm cho mọi người cảm nhận được rằng, vẫn luôn có quê hương gần kề.
Đối với giới trẻ, thế hệ thứ 2, thứ 3 lớn lên ở Mỹ, họ tham gia ngày Tết bằng việc đến dự những hội xuân, hội chợ Tết được tổ chức công phu và đầy màu sắc văn hóa Việt. Tổng Hội Sinh Viên miền Nam California có truyền thống tổ chức hội chợ Tết thành công nhất. Nhờ vào lực lượng nhân sự tham gia đông đảo, hầu hết là giới trẻ, sinh viên và giới chức, viên chức có lòng nhiệt tình, mỗi năm, các chủ đề của hội chợ Tết đều có nét đẹp văn hóa đặc sắc và sáng tạo. Những chủ đề chính làm nên không khí văn hóa của hội chợ xuân được lấy ý từ nét đẹp cổ truyền, truyền thống quê nhà, như “Xuân quê hương”, “Tết đoàn viên”, “Gia đình sum vầy”,... Tại đây, những hình ảnh thân thương, gần gũi được sử dụng làm hình thức trang trí cho các gian hàng như: Ao quê, cây đa, bến nước, làng quê, mái đình, mái chùa, cây rơm, nhà tranh, con trâu, đàn gà, hoa mai, hoa đào,... tạo nên khung cảnh đậm bản sắc Việt, giúp du khách thưởng ngoạn, chụp ảnh và thả hồn về quê hương. Nhiều trò chơi dân gian như bói Kiều, thả thơ, đố vui dân gian, thi đánh cờ tướng, thi đấu vật, thi trẻ em mặc quốc phục đẹp, thi hát dân ca, hát quan họ, hát ba miền, thi hoa khôi,... cũng được tổ chức với nhiều giải thưởng có ý nghĩa, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, những thí sinh đến từ mọi nơi. Người Việt ở quận Cam, Nam California còn có truyền thống làm lễ diễu hành Tết đầu năm rất trọng thể. Đây là dịp để các hội đoàn cùng chung niềm vui ngày đầu năm. Mỗi hội đồng hương đều chuẩn bị cho mình bộ lễ phục trang trọng nhất, những tà áo dài đẹp nhất để diễu hành qua đại lộ Bolsa dài hàng ki-lô-mét.
Cũng trong dịp này, các “hội đồng hương” lại gặp gỡ để bàn bạc về buổi tiệc tất niên. Các tập san, đặc san đủ mọi chủ đề liên quan đến Tết được các nhà in tấp nập xuất bản, phát hành, và bày bán như một chợ sách báo Tết.
Ở thành phố như Westminster, Garden Grove còn có các chợ hoa xuân được bày ra sớm, từ ngày 23 âm lịch. Vào những ngày cuối tuần, người bán kẻ mua tấp nập. Đây chính là hình ảnh các chợ phiên ở quê nhà. Địa điểm tổ chức chợ hoa, hay hội chợ xuân là bãi đậu xe của các trường trung học, đại học trong khu vực. Chợ hoa xuân mỗi thành phố cạnh tranh nhau về hình ảnh và tính thương mại, nên quy mô đầu tư rất lớn, nhằm tạo ra dáng vẻ và phong cách riêng. Các loại hoa trưng Tết như phong lan, hoa mai, hoa đào, hoa thược dược,... được đưa từ các nông trại, nhà vườn của người Việt từ các vùng như San Diego, hoặc từ Mexico qua, phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng. Có thể thấy chợ hoa xuân là một trong những điểm nhấn trong sinh hoạt văn hóa ngày Tết của bà con người Việt ở Mỹ đang sống xa quê.
Càng gần đến ngày Tết, không khí xuân càng thể hiện đến từng khu dân cư có người Việt sinh sống, nhất là các khu chung cư, mobile home (nhà tiền chế) tập trung đông người gốc Việt cư ngụ. Cũng chăng đèn kết hoa, bày biện, dọn dẹp nhà cửa đón xuân, kể cả hẹn hò nhau chung vui những bữa ăn uống, tụ tập nhân dịp tất niên, tân niên. Có câu nói “ăn Tết Việt ở Little Saigon” để phản ảnh một dịp nghỉ Tết rất vui, rất ấm áp khi muốn gặp gỡ đồng hương, chén thù chén tạc trong ngày đầu năm.
Đêm Giao thừa ở xứ người cũng mang một sắc thái khá đặc biệt. Các cơ sở tôn giáo như chùa, nhà thờ, thánh thất đều mở cửa tổ chức đón năm mới theo phong tục Tết cổ truyền. Thiện nam tín nữ, nam thanh nữ tú dập dìu đi lễ, hẹn hò gặp gỡ ở những điểm vui xuân. Vui nhất là tại các ngôi chùa lớn ở nơi có đông dân gốc Việt. Khách du xuân sớm làm lễ trước bàn thờ Phật, xin xăm, hái lộc, count down (đếm ngược), đốt pháo hoa, văn nghệ mừng xuân thật náo nhiệt từ đêm trừ tịch (đêm 30) đến tận rạng sáng ngày mồng 1.
Sang ngày đầu năm, hàng quán ở các khu thương mại đã mở cửa sớm đón khách. Không khí xuân tràn ngập trong những bài hát về Tết phát ra từ loa, đài của các cửa hàng thương mại rộn rã khắp nơi, gợi nhớ những hình ảnh quê hương vô cùng gần gũi. Chính quyền thành phố, mà hầu hết thành viên đều là các vị dân cử gốc Việt, tham gia rất tích cực vào các sự kiện văn hóa đầu năm bằng cách đi thăm hỏi, chào đón các cư dân, doanh nghiệp trong thành phố để tạo tình thân ái. Các chương trình phát thanh, truyền hình, báo chí tiếng Việt cũng hoạt động hết công suất, cho ra đời những chương trình Tết, đặc san xuân, phóng sự Tết vô cùng phong phú, đặc sắc. Hầu như các sản phẩm truyền thông này đều mang phong vị quê nhà, gợi nhớ hình ảnh các vùng miền cùng những phong tục, tập quán đặc sắc.
Đón Tết cổ truyền của người Việt ở Mỹ dù có mang đậm nét văn hóa quê hương, phong phú về hình thức, tuy nhiên trong sâu thẳm tâm tưởng nhiều người vẫn thấy đó là ăn Tết cùng ngoại cảnh, cùng cộng đồng. Không khí Tết chủ yếu mang tính cộng đồng mà ít vào trong từng gia đình. Bởi nhiều người vẫn phải đi làm, lo toan trong cuộc mưu sinh, cho nên hầu như ít có những bữa cơm đoàn viên trong đêm Giao thừa, hay ly rượu chúc mừng đầu năm. Do đó hiếm gặp hình ảnh cả gia đình tụ hội ngày đầu năm với ba thế hệ ông bà, cha mẹ, con cái cùng ngồi bên nhau, cạnh ly trà sớm để chúc tụng, trao phong bao mừng tuổi. Ông bà khó có dịp được nghe con, cháu chúc thọ mình vì ngôn ngữ bất đồng. Nhiều gia đình Việt có con cháu kết hôn với người nước ngoài, văn hóa khác biệt, dần dà cũng lãng quên hoặc thiếu nhiệt tình với ngày Tết âm lịch. Những bữa ăn đầu năm gia đình là hiếm hoi, ít được tổ chức. Như gia đình tôi chẳng hạn, sáu anh chị em sống ở Mỹ hơn 30 năm, nhưng chưa bao giờ có được một cuộc gặp gỡ đại gia đình vào ngày đầu năm, vì mỗi gia đình nhỏ đều có hoàn cảnh riêng, công việc riêng, sống rải rác ở nhiều tiểu bang trên nước Mỹ.
Nhân chuyện Tết ở trời Tây và Tết ở Việt Nam, lại nhớ năm 2011 qua Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), tôi được về Việt Nam tham dự một sự kiện văn hóa, rồi được mời ở lại chung vui sự kiện “Xuân quê hương” tổ chức tại Hà Nội, dành cho người Việt sống xa quê hương đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Lần đầu ăn Tết cùng nhiều đại biểu từ xa về dự, trong suốt những ngày giáp Tết, chúng tôi được hưởng một cái Tết cổ truyền đúng nghĩa. Tết từ trong nhà, Tết ra ngoài ngõ. Không khí Tết sum vầy trong mỗi gia đình, từng vùng miền, nơi chúng tôi được đưa đi tham quan, đi giao lưu. Chúng tôi được đưa đi thăm đền chùa, đi thăm làng văn hóa, tham dự các lễ hội đầu năm. Phải nói rằng, cách thức tổ chức của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đưa đại biểu người Việt sống xa quê trở về Việt Nam hưởng “Xuân quê hương” thật tuyệt vời. Rất chu đáo và đậm đà bản sắc dân tộc. Có thể nói là cái Tết ấn tượng nhất đối với tôi. Từ đó, năm nào tôi cũng được về Việt Nam ăn Tết. Cho đến nay, điều tôi mong mỏi nhất là được đón bố mẹ tôi về Việt Nam cùng ăn Tết, để được hưởng cái Tết cổ truyền trọn vẹn, vì không thể đâu bằng ở quê nhà.
Từ khi Việt Nam mở cửa giao thương, kinh tế phát triển, việc trở về Việt Nam ăn Tết giống như tôi đã trở thành một mặc định trong nhiều người Việt xa xứ. Ở các công sở, nhà máy, công ty, người gốc Việt cố gắng tránh nghỉ phép, nghỉ bệnh để dành thời gian nghỉ vào dịp Tết truyền thống của dân tộc. Vì thế, nhiều công ty, doanh nghiệp có đông lao động người Việt thường có khuyến cáo về việc phân bổ các ngày nghỉ lễ, Tết, hạn chế việc nhiều người nghỉ cùng một lúc, ảnh hưởng công việc. Năm nay, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, cả thế giới vẫn phải gồng mình đối phó với biến thể mới của vi-rút SARS-CoV-2, nên việc trở về đón Tết chào xuân của bà con ở khắp nơi buộc phải cân nhắc trong việc di chuyển. Những chuyến bay về từ nước ngoài, nhất là từ Mỹ, vẫn là niềm mong mỏi của nhiều người. Ai cũng muốn được về với gia đình, về với người thân, về với quê hương trên những chuyến bay cuối năm, song có lẽ không phải ai cũng may mắn có được chuyến đi đó. Hôm nay, xuân đã đến rất gần, trong thời khắc thiêng liêng đón chào năm mới, đông đảo người Việt xa xứ từ dù ở quốc gia, lãnh thổ nào cũng lại mong muốn được trở về với quê hương, trở về với nguồn cội. Dẫu có đến tận chân trời góc bể thì quê hương xứ sở vẫn luôn ghi khắc trong tâm khảm của mọi người Việt Nam.