Sự kiện được kỳ vọng mang ý nghĩa to lớn trong xây dựng mỗi tòa soạn là một điểm sáng văn hóa, mỗi người làm báo là một nhân cách văn hóa.
BÁO CHÍ TIÊN PHONG TRUYỀN CẢM HỨNG VÀ LAN TỎA VĂN HÓA
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Tôi tha thiết mong rằng, sau hội nghị này, công tác văn hóa của chúng ta sẽ có bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Báo chí là một phần của văn hóa và đội ngũ những người làm báo không thể nằm ngoài dòng chảy ấy. Mỗi tác phẩm báo chí là một sản phẩm văn hóa, mỗi nhà báo là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Mỗi nhà báo phải nỗ lực nâng cao chất lượng từng tác phẩm của mình, để xây dựng một nền báo chí vừa giàu tính chiến đấu vừa giàu tính nhân văn, như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng nói: “Muốn đi xa thì phải về gần. Hơn lúc nào hết báo chí cần quay về với những giá trị cốt lõi của mình”.
Báo chí văn hóa theo nghĩa đó chính là báo chí vì con người, lấy con người làm trung tâm và vì lợi ích của con người. Theo nhà báo Lại Thúy Hà, phóng viên Báo Văn hóa: “Văn hóa trong báo chí còn thể hiện ở tính tiên phong và góp phần khơi dậy khát vọng Việt Nam, lan tỏa năng lượng tích cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu và củng cố niềm tin xã hội”. Hai năm vừa qua, tinh thần cống hiến của báo chí trong đại dịch COVID-19 được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Những năm qua, nhiều tờ báo, nhiều chương trình, chuyên mục... đã góp phần tuyên truyền, cổ động các cuộc vận động xây dựng văn hóa ứng xử; phát hiện, cổ vũ cách làm hay, những gương người tốt, việc tốt điển hình, góp phần xây dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử tốt đẹp. Trong đó, có những chương trình tạo ra sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội, tiêu biểu như Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý" do Báo Quân đội nhân dân tổ chức và duy trì suốt 13 năm qua; Đài Truyền hình Việt Nam cũng duy trì đều đặn chuyên mục “Việc tử tế”, “Cặp lá yêu thương”... giàu ý nghĩa nhân văn.
ĐỀ CAO ĐẠO ĐỨC, VĂN HÓA BÁO CHÍ
Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới; Luật Báo chí; Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam... đều coi trọng việc nâng cao văn hóa, đạo đức nghề nghiệp người làm báo, coi đây là một trong những vấn đề sống còn trong hoạt động báo chí.
Nhận thức sâu sắc điều đó, những năm qua, nhiều cơ quan báo chí đã chú trọng xây dựng đội ngũ những người làm báo có lập trường chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp, ý thức phục vụ Đảng, đất nước và nhân dân; có dũng khí đấu tranh với cái sai, bảo vệ cái đúng; biết vượt qua cám dỗ, thực sự tâm huyết, công tâm, khách quan trong hoạt động nghiệp vụ báo chí. Điều này tạo nên nét đẹp văn hóa cho không chỉ người làm báo mà cả cơ quan báo chí.
Với số lượng nhà báo, phóng viên đông đảo, tác nghiệp trên khắp đất nước, Đài Truyền hình Việt Nam là một trong những cơ quan báo chí đặt ra yêu cầu cao về đạo đức, văn hóa của nhà báo. Nhà báo Tạ Bích Loan, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) chia sẻ: "Trên cơ sở Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành, Đài Truyền hình Việt Nam đã xây dựng Bản quy tắc tác nghiệp của VTV phù hợp với đặc thù của truyền hình và thực tế tác nghiệp. Bản quy tắc với 8 nguyên tắc tác nghiệp, đã trở thành cẩm nang đạo đức nghề nghiệp, công cụ tham chiếu trong quá trình tác nghiệp dành cho các hội viên, nhà báo của VTV".
Thời gian qua, tình hình thế giới, trong nước có nhiều biến động phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới bị tác động tiêu cực do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 kéo dài suốt hai năm, hoạt động báo chí đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng theo nhận định của nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: “Trong khó khăn, thử thách mới, đội ngũ những người làm báo cả nước càng thể hiện tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng, vì một nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ quan báo chí làm tốt công tác giáo dục đạo đức, chính trị tư tưởng cho người làm báo, đề cao văn hóa báo chí, vẫn còn một số tổ chức hội nhà báo chưa thực sự chú trọng công tác này. Đáng tiếc vẫn còn một bộ phận phóng viên thiếu tu dưỡng đạo đức, phẩm chất nghề nghiệp, có những hành vi tiêu cực, thậm chí vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự. Chỉ tính năm 2021, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp của Hội Nhà báo Việt Nam đã xử lý 20 trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Đó chỉ là con số rất nhỏ trong hàng vạn người làm báo, nhưng cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín nghề báo và danh dự của những người làm báo chân chính.
Vì vậy, việc phát động Phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” cũng không ngoài mục đích góp phần nhân lên những giá trị tiến bộ, nhân văn trong hoạt động báo chí; qua đó động viên, khích lệ mỗi tòa soạn báo phấn đấu trở thành những điểm sáng về văn hóa, đồng thời góp phần tăng cường, nâng cao “sức đề kháng” của cơ quan báo chí chống lại những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài xã hội. Hơn nữa, việc triển khai sâu rộng phong trào này còn là cú hích thúc đẩy đội ngũ những người làm báo Việt Nam thực hiện tốt hơn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - một người thầy vĩ đại đã khai sáng nền báo chí cách mạng Việt Nam./.