KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Tin tức trong tỉnh
Đăng ngày: 13/12/2022 - Lượt xem: 504
Khoái Châu: Hiệu quả kinh tế từ trồng cây dược liệu

Những năm qua, việc chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu ở huyện Khoái Châu đã nâng cao thu nhập canh tác.
Nông dân xã An Vĩ chăm sóc cây cỏ ngọt
Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình trồng cây dược liệu địa liền xen với các loại cây ăn quả như cam, bưởi, nhãn, táo..., đồng chí Đỗ Xuân Huấn, Chủ tịch UBND xã Tân Dân cho biết: Hiện nay, cả xã có tổng diện tích trồng cây dược liệu là 158 mẫu, trong đó có 138 mẫu địa liền. Cây địa liền thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, phát triển tốt, cho năng suất cao. Trung bình, một sào trồng địa liền xen canh cho năng suất từ 6 tạ đến 1 tấn củ/năm. Hiện nay, củ địa liền đang được thu mua với giá từ 8.000 đến 13.000 đồng/kg. Với mức giá này, mỗi sào sẽ cho thu nhập 5 - 10 triệu đồng/năm.
Địa liền là cây thân cỏ thuộc họ gừng, loại cây này có thể trồng xen kẽ với các loại cây khác, tốn ít công chăm sóc và củ sau khi thu hoạch thường bảo quản được lâu, trồng sau 10 - 11 tháng sẽ cho thu hoạch. Sau khi thu hoạch, củ địa liền được các thương lái từ các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương và thành phố Hà Nội đến thu mua. Chị Bùi Thị Ruồng ở thôn Bãi Sậy 1, xã Tân Dân cho biết: Gia đình tôi trồng 8 sào địa liền bên dưới tán bưởi Diễn, ngô. Trồng xen cây địa liền vừa tận dụng được phân bón, thuốc trừ sâu bón cho cây ăn quả, vừa hạn chế được cỏ dại và tăng thu nhập. Với cách làm này, mỗi năm gia đình tôi thu lợi nhuận từ 15 triệu đồng/sào trở lên.
Xã An Vĩ hiện có khoảng 25 mẫu trồng cây cỏ ngọt và là địa phương có diện tích trồng loại cây này lớn nhất huyện Khoái Châu. Đồng chí Nguyễn Ngọc Quân, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Vĩ cho biết: Dễ trồng, nhanh cho thu hoạch, sơ chế đơn giản, giá trị kinh tế cao... là những ưu điểm của cây cỏ ngọt. Giống cây này ưa nắng, sợ ngập úng nên phải trồng ở chân ruộng cao, thoát nước tốt. Khi trồng thì lên luống giống như trồng các loại rau màu, trước khi trồng chú ý làm đất sạch cỏ, diệt trừ các loại mối mọt, sâu bệnh trong đất. Tùy điều kiện thời tiết, cây cỏ ngọt sau khi trồng từ 45 đến 60 ngày, cây cao 8-10cm có thể cắt thu hoạch lứa đầu tiên và tiếp tục chăm sóc, mỗi năm thu hoạch được 6 lứa. Bình quân mỗi sào trồng cỏ ngọt thu hoạch được 5 – 6 tạ thành phẩm khô/năm. Giá bán cỏ ngọt hiện tại từ 70.000 đến 80.000 đồng/kg, mỗi sào cho lợi nhuận từ 20 đến 25 triệu đồng/năm. 
Gia đình chị Lê Thị Sáu ở thôn Trung, xã An Vĩ đã trồng cây cỏ ngọt từ cách đây 15 năm. Chị Sáu cho biết: Hiện nay gia đình tôi trồng 5,5 sào cây cỏ ngọt. Loại cây này thích hợp với chân ruộng cao, đất cát pha, dễ trồng, ít sâu bệnh, tốn ít công chăm sóc, vốn đầu tư thấp lại có thể thu hoạch quanh năm, nên có thể nói trồng cây cỏ ngọt thu “1 vốn 4 lời”. Với giá bán cỏ khô như hiện nay, mỗi năm gia đình tôi thu lãi trên 100 triệu đồng.
Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Khoái Châu, hiện nay, toàn huyện có trên 473ha trồng cây dược liệu gồm: Nghệ, địa liền, ngưu tất, cỏ ngọt, bạc hà, húng quế... tập trung ở các xã: Chí Tân, Tân Dân, Bình Minh, An Vĩ...
Thời gian qua, việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả nhất định, song nhìn chung diện tích trồng cây dược liệu vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, diện tích được liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp còn hạn chế. Vì vậy, để phát triển cây dược liệu hiệu quả, bền vững, hiện nay, các địa phương đang tích cực hướng dẫn nông dân sản xuất cây dược liệu, thực hiện liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị chuyên môn mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây dược liệu cho nông dân.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan