KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024); KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2024); KỶ NIỆM 134 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2024)
Kinh tế
Đăng ngày: 27/04/2024 - Lượt xem: 34
Ngăn chặn kịp thời việc đánh bắt cá mòi quá mức trên sông Hồng, sông Luộc

Cá mòi sinh sống ở vùng cửa biển và vùng nước lợ cửa sông, nhưng tới mùa sinh sản chúng lại ngược về sông Hồng, sông Luộc để đẻ trứng. Tuy nhiên, việc khai thác quá mức những năm gần đây khiến loài đặc sản này ngày càng giảm về số lượng…

Cá mòi được bày bán nhiều ở chợ Phố Hiến (thành phố Hưng Yên)
Với vị trí tiếp giáp sông Hồng nên người dân xã Đông Ninh (Khoái Châu) có nghề truyền thống đánh bắt thuỷ sản, hoạt động này diễn ra quanh năm nhưng sôi động nhất thường vào các tháng 2 – 4 (âm lịch) khi cá mòi về sông Hồng đẻ trứng. Hiện nay, ở khu vực bến đò Đông Ninh có 5 - 6 thuyền đánh bắt thủy sản (trong đó có cả người dân ở tỉnh khác đến khai thác, đánh bắt).
Ông Thành, một ngư dân ở bến đò Đông Ninh cho biết: Làm nghề chài lưới quanh năm nhưng vào mùa đánh bắt cá mòi cho thu nhập cao nhất. Loại đặc sản này đang được thương lái thu mua 30.000 – 50.000 đồng/kg, luôn trong tình trạng không đủ hàng để bán. Tuy nhiên, sản lượng cá mòi đánh bắt ngày càng giảm mạnh. Trước đây, mỗi ngày tôi thu lưới được khoảng 10 - 20kg cá mòi thì nay, mỗi ngày chỉ còn 3 - 5kg, những con cá có kích cỡ to cũng rất ít.
Những ngày này, tại bến đò Vũ Điện, xã Hoàng Hanh (thành phố Hưng Yên) có 15 - 17 thuyền đánh bắt thủy sản. Ngư dân khai thác cả ngày lẫn đêm, sau đó thu lưới về bến đò bán cá cho thương lái 2 lần/ngày, thường vào sáng sớm tinh mơ và 13 – 14h chiều.
Ông Nguyễn Văn Dân ở thôn An Châu 2, xã Hoàng Hanh cho biết: Tôi làm nghề khai thác thuỷ sản trên sông Hồng đã nhiều năm nay. Thời gian khai thác cá mòi thường từ cuối tháng Giêng đến hết tháng 4 âm lịch. Mùa cá mòi giúp tôi có thu nhập trung bình vài trăm nghìn đồng mỗi ngày, có thêm việc làm trong những tháng nông nhàn. Thế nhưng, việc các ngư dân đánh bắt dùng các loại lưới mắt nhỏ với mật độ dày đặc khiến lượng cá bắt được mỗi năm thêm sụt giảm. Cá mòi to nói riêng và các loại cá to khác trên sông nói chung ngày càng hiếm…
Thời gian này, tại các chợ trong tỉnh dễ dàng bắt gặp cá mòi được bày bán ở khu vực hàng thủy sản. Chị Nguyễn Thị Tươi, tiểu thương chợ Phố Hiến (thành phố Hưng Yên) cho biết: Tôi bán các loại thủy sản của ngư dân khai thác trên sông Hồng đã nhiều năm. “Mùa nào thức nấy”, thời điểm này tập trung vào cá mòi. Hằng ngày, tôi đến khu vực bến đò Vũ Điện thu mua cá đem về bán tại chợ Phố Hiến. Cao điểm, có ngày tôi thu mua 5 tạ cá, nhiều khi còn không đủ hàng cho khách.
Bà Mão, tiểu thương bán thủy sản tại chợ Hới, xã Hải Triều (Tiên Lữ) cho biết: Bên cạnh các loại cá thông thường, vào mùa cá mòi, tôi lấy thêm về bán lẻ với giá 30.000 – 40.000 đồng/kg. Là loài cá tự nhiên, giàu dinh dưỡng, mỗi năm chỉ có một mùa mà giá cả lại “bình dân” nên được nhiều người ưa chuộng. Nhiều người còn mua về làm quà biếu, chế biến thành nhiều món tích trữ ăn dần cả năm.
Theo thống kê của Phòng Thuỷ sản (Sở Nông nghiệp và PTNT), trung bình mỗi năm, người dân trong tỉnh đánh bắt được khoảng 500 - 600 tấn cá tự nhiên, riêng cá mòi chiếm khoảng 25 - 30% sản lượng. Do cá chỉ xuất hiện theo mùa, thị trường tiêu thụ thuận lợi nên người dân đã tập trung khai thác quá mức. Có thể khẳng định, trong khoảng thời gian này đối với tất cả những người mưu sinh trên sông đều tranh thủ tối đa về thời gian, huy động hết mức về nguồn lực khai thác đánh bắt cá mòi để thu về nguồn lợi cho riêng mình! Việc đánh bắt quá mức là nguyên nhân chính khiến cho sản lượng cá mòi mang lại giảm 10 - 20% qua mỗi năm.
Nhằm bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, trong đó có cá mòi, ngày 21/2/2024 Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Công văn số 279/SNN-PTS về việc tăng cường công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nghiêm cấm các hình thức đánh bắt, khai thác thuỷ sản trên sông Hồng, sông Luộc thuộc địa bàn tỉnh Hưng Yên trong thời gian từ ngày 1/3 đến 31/5 hằng năm nhằm bảo vệ đường di cư, bãi đẻ trứng của cá cháy, cá mòi cờ chấm, cá mòi cờ hoa.
Trước tình trạng khai thác cá mòi trong mùa sinh sản vẫn tiếp diễn tại nhiều địa phương trong tỉnh, đồng chí Vũ Văn Điệp, Trưởng phòng Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Thời gian qua, ngành chức năng đã phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các quy định nhằm bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, do người dân còn thiếu ý thức trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong khi đó công tác giám sát của các ngành chức năng còn hạn chế, khu vực “bãi đẻ trứng” của cá mòi thuộc phạm vi của nhiều tỉnh quản lý… Đến thời điểm này, tỉnh chưa xử phạt trường hợp nào khai thác cá mòi vi phạm thời gian đánh bắt.
Để góp phần bảo vệ, tái tạo nguồn lợi từ cá mòi cần sự vào cuộc đồng bộ của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, đặc biệt mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan