KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Đăng ngày: 19/11/2024 - Lượt xem: 15
Về nguồn nơi di tích Dục Thanh

Khu di tích Dục Thanh (thuộc Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh Bình Thuận) ghi dấu ấn lịch sử, là nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) từng dừng chân, dạy học trên hành trình ra đi tìm đường cứu nước. Khu di tích có vị trí tại trung tâm thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, hiện là một bảo tàng lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc. Nằm sát sông Cà Ty, khu di tích là điểm đến du lịch hấp dẫn vì vẫn giữ nguyên vẻ đẹp cổ kính, trang nghiêm.

Du khách đến tham quan, tìm hiểu về Khu di tích Dục Thanh.

Địa chỉ "đỏ" của Phan Thiết

Mỗi khi đến thành phố Phan Thiết, khu di tích Dục Thanh luôn là địa chỉ "đỏ" để du khách tham quan, tìm hiểu. Buổi tối, nhiều người dân chung quanh ra đây vui chơi, tập thể dục. Với khuôn viên rộng rãi thoáng mát, khu di tích còn là địa điểm của học sinh thành phố Phan Thiết sinh hoạt ngoại khóa, biểu diễn văn nghệ.

Trải nghiệm tại khu di tích, chúng tôi thấy tấm bảng ghi thông tin các đoàn đăng ký đến viếng, tham quan, giao lưu luôn dày đặc. Dù ngày thường hay ngày cuối tuần, nơi đây đều kín lịch của các đoàn khách đến. Nếu như tháng 5 thì du khách đến tham quan chủ yếu là vào ngày sinh nhật Bác Hồ. Còn trong tháng 10, 11 chủ yếu là học sinh, sinh viên, giáo viên. Vào những ngày cuối tuần, lượng khách đến đông, có những đoàn khách phải chờ xếp hàng để được nghe nhân viên thuyết minh về khu di tích.

Vừa mới kết nạp Đảng, sinh viên Trần Thanh Mẫn (Trường đại học Sài Gòn) bồi hồi chia sẻ: Khu di tích đã cho em thêm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là cuộc sống giản dị của Người. Đặc biệt, một số công trình được phục dựng lại mà gần giống hiện vật lịch sử đang được lưu giữ. Những bàn ghế học, tấm bảng, cùng với viết phấn rất cổ kính.

Phó Bí thư Đoàn Trường đại học Sài Gòn Đoàn Thu Thảo cho biết: Khu di tích là một địa điểm rất gần Thành phố Hồ Chí Minh cho nên rất thuận tiện cho những chuyến đi về nguồn. Năm nay, khu di tích có triển lãm tranh quá trình phát triển, du lịch của Bình Thuận để du khách có thể tìm hiểu thêm thông tin.

Chúng tôi đã gặp gỡ hơn 50 giáo viên, cán bộ trong ngành giáo dục huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương) đến tham quan, tìm hiểu khu di tích, bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bàu Bàng cho biết: Khu di tích có trường học Dục Thanh nơi mà Bác Hồ dừng chân, dạy học trong quá trình ra đi tìm đường cứu nước, cho nên chuyến tham quan càng ý nghĩa đối với giáo viên, nhất là đúng vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Từ thực tế chuyến tham quan, giáo viên sẽ được nâng cao kiến thức, làm phong phú thêm vào nội dung, kiến thức giảng dạy lịch sử và những câu chuyện về Bác Hồ. Để tăng thêm thông tin, trong chuyến tham quan còn có giao lưu, tìm hiểu về quá trình giảng dạy của Bác Hồ với nhân viên bảo tàng. Sau khi về, thành viên viết cảm nhận, bài thu hoạch.

Thầy giáo Trần Minh Thuận, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Lai Hưng (huyện Bàu Bàng) cho biết: "Khu di tích đã có lịch sử hơn 100 năm, nhưng hiện vật quý giá từ thời xưa vẫn còn y nguyên. Không gian bên ngoài được thay đổi tiểu cảnh, cây xanh, tạo sự thoải mái, thân thiện hơn so với trước kia. Nhưng những phòng học, bàn ghế đều giống như thời tôi từng đi học, khơi gợi lại ký ức tuổi thơ".

Ông Trần Công Bình, một khách du lịch đến từ Hà Nội cho biết: "Phải đến khu di tích tham quan mới có thể biết được những khung cảnh dạy học của Bác Hồ thời kỳ đó như thế nào. Đã đi tham quan, tìm hiểu nhiều địa điểm, khu di tích gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Bác, tôi nhận thấy mỗi di tích là một công trình mang ý nghĩa lịch sử vô cùng quý giá về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc như: Bến Nhà Rồng, Di tích lịch sử Pác Bó, Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào..., tất cả đều có một điểm chung là giúp chúng ta thêm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, được chiêm ngưỡng những hiện vật, công trình gắn với những dấu mốc quan trọng của cuộc đời Bác"...

Không ngừng đổi mới, tăng sức hấp dẫn

Khu di tích Dục Thanh bao gồm các di tích: Trường Dục Thanh, nhà Ngư, Ngọa Du sào, nhà thờ cụ Nguyễn Thông. Theo nhân viên Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh Bình Thuận, từ khi ra đời và đến nay, khu di tích đã trải qua nhiều lần tu sửa, tôn tạo. Trường Dục Thanh là nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành (tên gọi hồi trẻ của Bác Hồ) dạy học từ tháng 9/1910 đến tháng 2/1911. Thời điểm đó, thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy chủ yếu là môn thể dục và dạy thay các thầy giáo khác, trợ giảng ba môn Quốc ngữ, Hán văn và Pháp văn.

Hiện nay, Trường Dục Thanh vẫn còn hai bảng đen, 21 bộ bàn ghế học sinh. Khu di tích còn lưu giữ và trưng bày một số hiện vật gốc được thầy giáo Nguyễn Tất Thành sử dụng như: bộ họa đàng, trường kỷ, bộ phản gỗ, án thư, hai tủ đứng, thang gỗ, ba chén uống nước, tráp văn thư, nghiên mài mực. Trên cơ sở một phần di tích gốc còn lại và dựa theo lời kể, bản vẽ phác họa trước đây của các cụ, nguyên là học trò của Bác Hồ, khu di tích được trùng tu lại. Năm 1986, Trường Dục Thanh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia.

Trong một chuyến tham quan Di tích Dục Thanh, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Quốc Huy chia sẻ: "Mỗi lần đến đây, tôi đều cảm nhận được dấu ấn lịch sử của thầy giáo Nguyễn Tất Thành tại trường Dục Thanh. Đây cũng là một trung tâm nghiên cứu, tuyên truyền, giới thiệu về sự nghiệp của cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung tâm sinh hoạt chính trị văn hóa của Bình Thuận. Mỗi lần đến khu di tích tôi đều nhận thấy có sự đổi mới về cách trưng bày, cũng như sáng tạo trong công tác tuyên truyền, nghiên cứu. Nếu khu di tích biết khai thác một cách khoa học sẽ phát huy được tiềm năng, lợi thế của những giá trị truyền thống lịch sử ẩn chứa trong các di tích, góp phần giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước. Khu di tích nên áp dụng mở thêm bình luận trên trang mạng xã hội của bảo tàng để du khách ghi lại cảm xúc, check-in địa điểm nhằm tăng thêm tương tác trên không gian mạng. Từ đó, bảo tàng sẽ có được những đóng góp ý kiến từ người dân để ngày càng thay đổi, hoàn thiện thu hút du khách hơn".

Bà Nguyễn Thị Thu Nga, Trưởng phòng Nghiệp vụ thuyết minh Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh Bình Thuận cho biết: Những năm gần đây, khu di tích đã tích cực đổi mới nội dung, phương pháp, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi hình thức tuyên truyền, từ trực tiếp sang trực tuyến. Bảo tàng phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Phan Thiết xây dựng nội dung tuyên truyền online, đưa nội dung của khu di tích vào giảng dạy tại nhà trường, giúp các em học sinh tìm hiểu sâu sắc hơn về giá trị lịch sử, văn hóa, nhất là tấm gương mẫu mực của thầy giáo Nguyễn Tất Thành. Ngoài ra, bảo tàng đưa tin các hoạt động trên trang fanpage Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh Bình Thuận; viết bài đăng trên các báo, tạp chí, đặc san tư liệu, phối hợp với các đài truyền hình làm phim tư liệu. Bảo tàng xây dựng công nghệ 3D giới thiệu khu di tích trên https://binhthuan.hochiminh.vn để du khách tìm hiểu. Bên cạnh đó, thực hiện số hóa các tác phẩm về Hồ Chí Minh trong thời gian dạy học ở Trường Dục Thanh.

Được biết, 9 tháng năm 2024, Khu di tích Dục Thanh đã đón 1.914 đoàn với hơn 120.000 lượt người, trong đó có 195 lượt khách nước ngoài đến tham quan. Bảo tàng phục vụ 281 lễ viếng, tuyên dương, kết nạp Đảng, hội trại tòng quân, sinh hoạt chuyên đề... Tổ chức chiếu phim tư liệu và triển lãm bốn đợt với 280 hình ảnh. Với các giá trị văn hóa, lịch sử, nơi đây thật sự đã trở thành một "địa chỉ đỏ" của du lịch về nguồn.

Nguồn: https://nhandan.vn/

Tin liên quan