Sau hơn một tháng làm việc, ngày 4/4, khóa họp thường kỳ lần thứ 52 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc kết thúc với 43 nghị quyết được thông qua, trong đó có Nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA), do Việt Nam đề xuất và soạn thảo.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tham dự Khóa họp lần thứ 52 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Ảnh: TTXVN
Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dẫn đầu tham dự khóa họp trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 và đã có những đóng góp nổi bật.
Tích cực tham gia, đóng góp ý kiến tại nhiều phiên họp và thảo luận, đoàn Việt Nam nêu bật chủ trương nhất quán, nỗ lực và thành tựu của đất nước trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; khẳng định cam kết của Việt Nam về phát triển bền vững vì lợi ích của nhân dân, giải quyết tình trạng bất bình đẳng, bảo vệ những người dễ bị tổn thương...
Việt Nam cam kết tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền cho tất cả mọi người, trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế về quyền con người, bảo đảm chủ quyền quốc gia và các nguyên tắc khách quan, công bằng, đối thoại xây dựng và hợp tác.
Đoàn Việt Nam đã có một số phát biểu chung với các nước ASEAN về những chủ đề được các nước ASEAN cùng quan tâm và chia sẻ, như quyền phát triển, hợp tác kỹ thuật và xây dựng năng lực về quyền con người. Việt Nam cùng Bangladesh và Philippines có bài phát biểu chung về vấn đề biến đổi khí hậu và quyền con người, thu hút đông đảo các nước tham gia quan tâm và đồng bảo trợ. Đoàn Việt Nam cũng tích cực trao đổi, tham vấn với các đoàn; đồng bảo trợ một số sáng kiến trên tinh thần đối thoại và hợp tác.
Trong khi đó, tại phiên họp thường niên của Ủy ban Giải trừ quân bị Liên hợp quốc (UNDC) khai mạc ngày 4/4, Việt Nam tiếp tục đề cao các nguyên tắc về giải trừ quân bị, kêu gọi các nước thực hiện đầy đủ Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), sớm ký và phê chuẩn Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW), đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết giải quyết cân bằng cả ba trụ cột của vấn đề hạt nhân, gồm giải trừ vũ khí hạt nhân, không phổ biến vũ khí hạt nhân và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Với tư cách là thành viên của Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Việt Nam tích cực thúc đẩy áp dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình, không phổ biến vũ khí hạt nhân, bảo đảm an ninh, an toàn hạt nhân.
Cùng ngày, tại New York (Mỹ), Liên hợp quốc khai mạc Tuần lễ bom mìn nhân Ngày quốc tế Nhận thức và Hỗ trợ hành động bom mìn. Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng Việt Nam tham gia lễ khai mạc và có bài phát biểu tại phiên thảo luận, với chủ đề “Thành tựu và những khó khăn thách thức của Việt Nam trong khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh”.
Nguồn: https://nhandan.vn