Thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 04/3/2005 của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, những năm qua, tỉnh Hưng Yên đã chú trọng đầu tư phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tỉnh đã triển khai 30 đề tài/dự án ứng dụng CNSH trong nhân giống cây trồng, vật nuôi. Một số đề tài/dự án tiêu biểu như: “Duy trì hệ thống sản xuất lúa tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2001 - 2015” tiến hành khảo nghiệm, trình diễn một số giống lúa mới năng suất, chất lượng cao, đến nay đã chủ động đáp ứng trên 70% nhu cầu hạt giống cho nhân dân địa phương; “Nghiên cứu và xây dựng mô hình thâm canh nhãn để bổ sung hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản và chế biến nhãn lồng” với việc tiếp nhận công nghệ ghép mắt nhãn, hàng năm sản xuất trên 10 nghìn cây nhãn ghép từ những cây được bình tuyển để cung cấp cho nhân dân phục vụ chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng và cải tạo vườn tạp… Bên cạnh đó, tỉnh đã đẩy mạnh xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực CNSH phục vụ việc thâm canh tăng năng suất, chất lượng lúa, ngô, khoai tây, dưa hấu, các loại rau màu, hoa, cây cảnh, cây công nghiệp. Các mô hình/dự án tiêu biểu, như: Dự án “Xây dựng mô hình nhân giống nuôi cấy mô và sản xuất hoa lan Đai Châu và Địa lan tại huyện Văn Giang”; trồng dâu, nuôi tằm bằng giống mới và công nghệ tiên tiến (tại các huyện Tiên Lữ, Phù Cừ); mô hình thâm canh chuối tiêu hồng công nghệ cao (tại các huyện Khoái Châu, Phù Cừ, Kim Động, Văn Giang và thành phố Hưng Yên) từ Dự án “Ứng dụng Khoa học công nghệ In Vitro nhân giống cây chuối phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên”, từ đó chủ động được việc sản xuất giống chuối Tiêu Hồng sạch bệnh bằng công nghệ nuôi cấy mô cung cấp cho nông dân trong tỉnh…
Nhờ ứng dụng CNSH trong sản xuất, lĩnh vực trồng trọt đã có sự chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng và mùa vụ theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với điều kiện tự nhiên - xã hội của từng vùng; năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng liên tục tăng lên qua các năm. Năm 2019, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 85.290 ha; diện tích trồng lúa 62.983 ha, trong đó lúa chất lượng cao chiếm 67,3% diện tích; năng suất lúa bình quân 64,06 tạ/ha; sản lượng thóc trên 400 nghìn tấn. Sản lượng chuối tăng 31,86%, cam tăng 4,33%, bưởi tăng 24,83% so với năm 2018... Lĩnh vực chăn nuôi có sự phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, trở thành ngành sản xuất mũi nhọn. Việc thực hiện các chương trình “Nạc hoá đàn lợn”, “Sind hóa đàn bò”, “Chăn nuôi bò sữa”, “Chăn nuôi bò thịt cao sản giai đoạn 2012 - 2015”… đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều giống bò cao sản được đưa vào sản xuất, đưa tỷ lệ đàn bò lai cao sản chiếm gần 40% so với tổng đàn; thực hiện thành công chương trình nạc hóa đàn lợn, đưa giống mới thuần ngoại vào nuôi thích nghi tại địa bàn tỉnh, đưa tỷ lệ lợn lai trên tổng đàn chiếm 90%, rút ngắn chu kỳ nuôi, tăng năng suất và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đã lựa chọn và phát triển được một số giống gia cầm có năng suất cao, chất lượng tốt để triển khai đại trà như: gà Tam Hoàng, gà Lương Phượng, gà lông màu, gà Đông Tảo, gà Ai Cập, ngan Pháp, vịt siêu thịt, siêu trứng... Lĩnh vực thủy sản được duy trì ổn định, công nghệ nuôi cá sông trong ao nước tĩnh, nuôi cá lồng trên sông Hồng được đẩy mạnh. Tính hết năm 2019, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 5.695 ha, tăng 0,6%, sản lượng đạt 46,4 nghìn tấn, tăng 11,94% (so với năm 2018). Ngoài ra, tỉnh đã và đang phát triển kỹ thuật nhân giống lai tạo các loài cá nước ngọt, như: cá chép lai V1, cá lăng, cá chép giòn, trắm giòn… Triển khai và thực hiện thành công việc xây dựng các mô hình nuôi cá rô phi đơn tính với quy mô 300 ha, năng suất trung bình đạt 10 - 12 tấn/ha/năm, một số diện tích cho năng suất trên 13 tấn/ha, như ở các xã Xuân Quan, Mễ Sở (huyện Văn Giang), Phùng Hưng, Tứ Dân, Dạ Trạch (huyện Khoái Châu), Quang Vinh (huyện Ân Thi), tăng hiệu quả kinh tế lên 7 - 9 lần so với trước, cho lãi 80 - 120 triệu đồng/ha/năm.
Thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh ứng dụng CNSH vào sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; tạo ra sản phẩm có tính ưu việt, có giá trị kinh tế cao, tăng khả năng cạnh tranh, bảo vệ môi trường; nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững. Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật nhằm đưa nhanh các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất đại trà. Quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên sâu về CNSH. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, tạo môi trường, chính sách khuyến khích và thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tại Hưng Yên.
Hoàng Xuân Trường