KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 02/10/2019 - Lượt xem: 62
Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị

Thực hiện Chương trình phối hợp, Trang Thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đăng nội dung phối hợp tuyên truyền với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.

Bình đẳng giới là một trong những quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam, được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật và trong các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Khoản 3, Điều 5 Luật Bình đẳng giới quy định: “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó”.
Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị đã được quy định cụ thể tại Điều 11 Luật Bình đẳng giới, đó là:
“1. Nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội.
2. Nam, nữ bình đẳng trong tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức.
3. Nam, nữ bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
4. Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức.
5. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị bao gồm:
a) Bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới;
b) Bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.”
Để hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tỉnh Hưng Yên đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch về bình đẳng giới nhằm góp phần thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới và công tác phụ nữ trong tình hình mới.
Thực hiện mục tiêu “tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị”, tỉnh Hưng Yên đã đạt được một số kết quả như sau: Nhiệm kỳ 2015-2020, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy: Cấp tỉnh 9/53 người, chiếm 16,98% (tăng 4,78% so với nhiệm kỳ trước), trong đó nữ Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy là 2/15 người, chiếm 13,33%; cấp huyện, thành phố là 16,08% (tăng 0,68%), cấp cơ sở là 18,49% (tăng 2,69%). Tỷ lệ nữ tham gia đại biểu quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021: 3/7 người, chiếm 42.86%, vượt chỉ tiêu đề ra. Số nữ giới tham gia Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021: cấp tỉnh là 10/53 người (chiếm 18,87%); cấp huyện là 102/332 người (chiếm 30,72%); cấp xã là 956/4.079 người (chiếm 23,44%). Tỷ lệ nữ đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo chính quyền: cấp tỉnh là 12/58 người (chiếm tỷ lệ 20,69%), cấp huyện 3/28 người (chiếm 10,71%) và cấp xã 23/250 người (chiếm 9,2%).
Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (Khóa X), Chương trình hành động số 11-CTr/TW ngày 10/10/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể quan tâm triển khai, thực hiện. Nhận thức về vai trò,vị trí của phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, so với chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đề ra, tỷ lệ cán bộ nữ quản lý, lãnh đạo ở một số cơ quan quản lý nhà nước còn thấp.
Để đạt được mục tiêu “tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị”, cần tập trung thực hiện các giải pháp:
1. Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong việc cụ thể hóa các chủ trương và định hướng sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý.
2. Quan tâm xây dựng quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ, nâng cao năng lực của phụ nữ về mọi mặt nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan của hệ thống chính trị; thực hiện quy hoạch gắn với đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng cán bộ nữ, bảo đảm yêu cầu phát triển liên tục, bền vững đội ngũ cán bộ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tránh tình trạng khi đại hội, bầu cử mới tìm kiếm nhân sự đủ tiêu chuẩn.
3. Các sở, ngành, đoàn thể, chính quyền cần chú trọng thực hiện tốt công tác tham mưu, tạo nguồn đào tạo và quy hoạch cán bộ nữ theo từng lĩnh vực, địa phương để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trong thời gian tới.
 

 

Tin liên quan