KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Chỉ đạo - Hướng dẫn - Nghiệp vụ
Đăng ngày: 20/01/2015 - Lượt xem: 302
ĐỀ CƯƠNG BÀI GIẢNG: GIA ĐÌNH VÀ CÔNG TÁC XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VĂN HÓA

1. Khái niệm, vai trò, vị trí, chức năng của gia đình
1.1. Khái niệm
Gia đình là vấn đề lịch sử xã hội, có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống con người. Các học giả xưa nay, phương Đông hay phương Tây dù có khác nhau nhưng đều quan niệm chung rằng: Gia đình là một nhóm người ràng buộc với nhau bởi quan hệ huyết thống, đạo đức và pháp lý.
Theo điều 8-Luật Hôn nhân và Gia đình của Việt Nam: Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng làm phát sinh các nghĩa vụ và quyền giữa họ với nhau theo quy định Luật này; “Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng hình thành và giáo  dục nhân cách, góp phần vào xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc”.
1.2. Vai trò vị trí, chức năng của gia đình
a) Vai trò, vị trí của gia đình
- Lịch sử đã chứng minh: Cá nhân-gia đình-làng xã-tổ quốc là mối quan hệ hữu cơ không thể tách rời, yếu tố tích cực hay tiêu cực của mỗi nhân tố này đều ảnh hưởng không nhỏ đến sự hưng thịnh của mỗi quốc gia trong đó gia đình là một thiết chế xã hội quan trọng, là nền tảng của xã hội và quốc gia. Gia đình là một xã hội thu nhỏ, là tổng hợp các quan hệ giá trị nhân cách, tình cảm, đạo đức, danh dự, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với quốc gia, dân tộc.
- Gia đình là tế bào của xã hội do đó văn hóa gia đình đóng vai trò quan trọng trong vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Qua nhiều thời kỳ phát triển của đất nước, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng những giá trị truyền thống quý báu của gia đình Việt Nam, như: Lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động, bất khuất kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách… vẫn được giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước.
Vai trò của gia đình đối với các thành viên:
1. Chăm sóc và giáo dục trẻ em
2. Chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi
3. Thực hiện an sinh xã hội, chăm sóc người ốm, người tàn tật, khuyết tật
4. Phát triển kinh tế
5. Chăm sóc sức khoẻ, luyện tập thể dục thể thao
Vai trò của gia đình đối với cộng đồng và xã hội:
1. Giáo dục các thành viên thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước
2. Giữ gìn, kế thừa, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, hương ước, quy ước của địa phương
3. Giữ gìn trật tự an toàn xã hội và phòng chống tệ nạn xã hội
4. Thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình
5. Phối hợp với nhà trường, các tổ chức xã hội trong giáo dục con người
6. Giáo dục đạo đức và hướng nghiệp        
Vai trò của gia đình quan trọng như vậy; năm 1983 tổ chức UNESCO của Liên hợp quốc đã ra Nghị quyết và “Thập kỷ phát triển văn hoá thế giới” (1988- 1997), phát động lấy năm 1994 là “Năm quốc tế gia đình” với biểu tượng mái nhà và trái tim bên trong. Nước ta từ năm 2001 đã chọn ngày 28 tháng 6 hàng năm là “Ngày gia đình Việt Nam”.
b) Chức năng của gia đình
Gia đình gồm có các chức năng như sau:
- Chức năng sinh sản, tái sản xuất con người      
- Chức năng kinh tế
- Chức năng giáo dục, xã hội hoá cá nhân
- Chức năng thoả mãn nhu cầu tinh thần, tâm lý tình cảm
Từ các chức năng cơ bản đó mà gia đình có các vai trò rất quan trọng đối với con người và xã hội. Gia đình là đơn vị kinh tế nhỏ nhất, vừa là đơn vị văn hóa nhỏ nhất của xã hội, là tế bào của xã hội và là môi trường đầu tiên cho việc giáo dục và hình thành nhân cách con người.
    2. Văn hóa gia đình và xây dựng gia đình văn hóa, nội quan trọng trong công tác dựng đời sống văn hóa ở cơ sở
   2.1. Văn hoá gia đình - một bộ phận của văn hoá dân tộc
   Gia đình là tế bào của xã hội do đó văn hóa gia đình đóng vai trò quan trọng trong vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Quá trình hình thành văn hoá dân tộc cũng là quá trình hình thành văn hoá gia đình.  Chính gia đình là một thiết chế văn hoá góp phần tạo dựng nên một xã hội có văn hoá, văn hoá gia đình được hình thành trên cơ sở nền tảng của văn hoá dân tộc, là thước đo giá trị văn hoá dân tộc. Xã hội càng phát triển, càng phản ánh sự đa dạng phong phú trong cuộc sống gia đình, mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội phần nhiều được hình thành từ gia đình. Gia đình càng hoàn thiện, càng ổn định và có văn hoá sẽ góp phần xây dựng lối sống, nếp sống tốt đẹp cho xã hội. Khi gia đình và xã hội không gắn kết, đồng phát triển sẽ tạo nên sự trì trệ, xáo trộn và mất ổn định xã hội…
Hiện nay, Văn hoá gia đình Việt Nam đang đứng trước sự lựa chọn các giá trị như sau:
1. Giữ nếp văn hoá gia đình truyền thống nguyên dạng với kiểu gia đình tam tứ đại đồng đường, trong đó các thế hệ trong gia đình sống theo đạo lý “kính trên, nhường dưới”, “chị ngã, em nâng”… Người già quyết định tối cao và được chăm sóc chu đáo. Cá nhân không được quyền quyết định, ít được quyền dân chủ, có tính bảo thủ, có khi cản trở sự phát triển.
2. Xây dựng gia đình hiện đại chỉ có 2 thế hệ, đề cao tự do cá nhân một cách tuyệt đối, cắt rời ít liên hệ với quá khứ, cội nguồn. Do đó xảy ra tình trạng nhiều người già lâm vào tình trạng cô đơn ít được chăm sóc chu đáo.
3. Xây dựng gia đình hiện đại, giàu có, ít con, hạnh phúc trên cơ sở văn hóa gia đình truyền thống, có sự giúp đỡ, hỗ trợ giữa các thế hệ, bảo lưu có chọn lọc giá trị văn hoá gia đình truyền thống. Đây là xu thế phù hợp nhất tạo nên gia đình tiên tiến, vừa hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, đây chính là mô hình gia đình văn hoá chúng ta cần xây dựng.
2.2. Nội dung công tác xây dựng gia đình văn hoá
2.2.1. Quá trình hình thành và phát triển của phong trào xây dựng gia đình văn hoá
Cuộc vận động có tiền thân ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 20-3-1947 dưới bút danh Tân Sinh, Bác Hồ đã viết tác phẩm “Đời sống mới” Người viết: “Mỗi người làm đúng theo đời sống mới thì đời trong một nhà cũng dễ thôi. Cũng như mỗi viên đá trơn tru vững chắc, thì chỉ cần một ít vôi là đắp thành một bức tường tốt.
Về tinh thần thì phải trên thuận, dưới hoà, không thiên tư ai. Bỏ thói hành hạ mẹ chồng nàng dâu, gì ghẻ ghét bỏ con chồng.
Về vật chất, từ ăn mặc đến việc làm phải ăn đều, tiêu sài có kế hoạch, có ngăn nắp.
Cưới hỏi, giỗ, tết, nên giản đơn, tiết kiệm.
Trong nhà, ngoài vườn phải luôn sạch sẽ, gọn gàng.
Đối với xóm giềng phải thân mật và sẵn lòng giúp đỡ.
Đối với việc làng, việc nước phải hăng hái làm gương.
Người trong nhà, ai cũng biết chữ.
Luôn luôn cố gắng làm cho nhà mình thành một nhà kiểu mẫu trong làng, một nhà như thế nhất định sẽ phát đạt”
Năm 1960, 6 gia đình ở thôn Ngọc Tỉnh, xã Ngọc Long, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên (gồm gia đình ông Luyện Văn Để, Đinh Văn Để, Đinh Văn Khắc, Luyện Văn Ân, Nguyễn Văn Tục, Đỗ Văn Thức) đã thống nhất bàn bạc, giúp nhau trong sản xuất, dạy bảo con cái chăm ngoan học tập, giúp đỡ láng giềng lúc khó khăn. Đây được coi là mô hình gia đình văn hoá đầu tiên, Bộ Văn hoá (Nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) có chủ trương nhân rộng mô hình này.
Năm 1962, tại Hội nghị phổ biến nhân rộng mô hình xây dựng Gia đình văn hoá tại Hải Phòng, Bộ Văn hoá đã công nhận 6 gia đình văn hoá này và tặng cho thôn Ngọc Tình (tỉnh Hưng Yên) bức trướng, đề tặng chiếc nôi của phong trào xây dựng gia đình văn hoá, đồng thời phát động phong trào xây dựng gia đình văn hoá trên phạm vi cả nước. Mục đích của phong trào nhằm đoàn kết giúp đỡ để gia đình hoà thuận, bình đẳng, dân chủ, tiến bộ, hạnh phúc, góp phần đấu tranh giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Ngày 15-3-1975, Bộ Văn hoá Thông tin và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã ban hành Thông tư liên tịch về việc đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng Gia đình văn hoá mới (Nay là Gia đình văn hoá), tiêu chuẩn gia đình văn hoá mới thời kỳ này là:
- Xây dựng gia đình hoà thuận, dân chủ, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
- Thực hiện sinh đẻ có kế hoạch: Sản xuất, tiêu dùng tiết kiệm; đoàn kết xóm giềng tốt.
- Thực hiện đầy đủ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Từ năm 1975-1985: Phong trào phát triển rộng khắp trong toàn quốc.
Từ 1986 đến 1990: Thời kỳ đổi mới, thay đổi cơ chế từ bao cấp sang hạch toán, khiến cho nguồn chi cho phong trào giảm sút, ngành Văn hoá, Thông tin, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Nếp sống mới Trung ương vẫn cố gắng duy trì phong trào nhưng kết quả có hạn chế.
Từ 1990-2000: Ban Chỉ đạo Nếp sống mới Trung ương đã đề ra nội dung tiêu chuẩn gia đình văn hoá như sau:
Xây dựng gia đình no ấm, hoà thuận, tiến bộ, hạnh phúc
Thực hiện tốt kế hoạch hoá gia đình
Đoàn kết xóm giềng
Thực hiện nghĩa vụ công dân
Ngày 16-7-1998, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Vấn đề gia đình và xây dựng gia đình văn hoá đã được đề cập một cách cấp thiết: “Giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc cha mẹ. Coi trọng xây dựng gia đình văn hoá. Xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa Gia đình- Nhà trường-Xã hội”
Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá VIII) với 5 quan điểm chỉ đạo, 10 nhiệm vụ cụ thể và 4 nhóm giải pháp, trong đó: Cuộc vận động giáo dục chủ nghĩa yêu nước gắn với thi đua yêu nước và Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” là một trong 4 nhóm giải pháp thực hiện nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc. Phong trào này bao gồm 7 phong trào cụ thể, trong đó có Phong trào Xây dựng gia đình văn hoá do Bộ Văn hoá-Thông tin (Nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) chủ trì. Bộ Văn hoá-Thông tin đã ban hành Quyết định số 01/2002/QĐ-BVHTT ngày 2-1-2002 Quy chế công nhận danh hiệu “gia đình văn hoá”, “làng văn hoá”, “khu phố văn hoá”, tiêu chuẩn Gia đình văn hoá gồm:
Gia đình ấm no, hoà thuận, tiến bộ, khoẻ mạnh và hạnh phúc
Thực hiện tốt nghĩa vụ công dân
Thực hiện tốt kế hoạch hoá gia đình
Đoàn kết tương trợ cộng đồng dân cư
Năm 2011, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư 12/2011/TT-BVHTTDL quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận Danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và tương đương. Các tiêu chí xây dựng gia đình văn hoá hiện nay vẫn được kế thừa có chọn lọc với những yếu tố của gia đình truyền thống Việt Nam.
2.2.2. Tiêu chuẩn danh hiệu Gia đình văn hóa hiện nay
Thông tư 12/2011/TT-BVHTTDL ngày 10/10/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch quy định gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa phải đảm bảo 4 tiêu chuẩn sau:

1. Gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương:

a) Thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân; không vi phạm pháp luật Nhà nước, quy định của địa phương và quy ước, hương ước cộng đồng;

b) Giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; vệ sinh môi trường; nếp sống văn hóa nơi công cộng; bảo vệ di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan của địa phương; tích cực tham gia các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư;

c) Không vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; không sử dụng và lưu hành văn hóa phẩm độc hại; không mắc các tệ nạn xã hội; tham gia tích cực bài trừ tệ nạn xã hội và phòng chống các loại tội phạm;

d) Tham gia thực hiện đầy đủ các phong trào thi đua; các sinh hoạt, hội họp ở cộng đồng.

2. Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng:

a) Vợ chồng bình đẳng, thương yêu giúp đỡ nhau tiến bộ. Không có bạo lực gia đình dưới mọi hình thức; thực hiện bình đẳng giới; vợ chồng thực hiện sinh con đúng quy định, cùng có trách nhiệm nuôi con khỏe, dạy con ngoan;

b) Gia đình nề nếp; ông bà, cha mẹ gương mẫu; con cháu thảo hiền; giữ gìn các giá trị văn hóa gia đình truyền thống, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa mới về gia đình;

c) Giữ gìn vệ sinh phòng bệnh; nhà ở ngăn nắp; khuôn viên xanh-sạch-đẹp; sử dụng nước sạch, nhà tắm và hố xí hợp vệ sinh; các thành viên trong gia đình có nếp sống lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao;

d) Tích cực tham gia chương trình xóa đói, giảm nghèo; đoàn kết tương trợ xóm giềng, giúp đỡ đồng bào hoạn nạn; hưởng ứng phong trào đền ơn đáp nghĩa, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và các hoạt động nhân đạo khác ở cộng đồng.

2.2.3. Điều kiện, thủ tục công nhận Danh hiệu Gia đình văn hóa
Danh hiệu “Gia đình văn hóa” do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn công nhận.
1. Điều kiện công nhận:
a) Đạt các tiêu chuẩn quy định như trên
b) Thời gian đăng ký xây dựng danh hiệu “Gia đình văn hóa” là 01 năm.
2. Hồ sơ đề nghị gồm có:
a) Bản đăng ký xây dựng danh hiệu “Gia đình văn hóa”;
b) Biên bản họp bình xét ở khu dân cư kèm theo danh sách những gia đình được đề nghị công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá” (có từ 50% trở lên số người tham gia dự họp nhất trí đề nghị).
3. Căn cứ vào biên bản họp bình xét ở khu dân cư, Ban vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn ra quyết định công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” hàng năm.
4. Khu dân cư tổ chức công bố Quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” vào dịp “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư hàng năm (ngày 18/11) và ghi “Sổ vàng Gia đình văn hóa” ở khu dân cư.
5. Đối với gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” 3 năm liên tục, được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn trao Giấy chứng nhận 03 năm đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”
2.2.4. Một số nội dung về công tác chỉ đạo triển khai thực hiện xây dựng gia đình văn hoá trong giai đoạn hiện nay
- Xây dựng Gia đình văn hóa là một trong những phong trào xây dựng đời sống văn hóa đầu tiên, có quá trình phát triển thường xuyên, liên tục, ngày càng sâu rộng. Nội dung, tiêu chuẩn công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa được kế thừa và phát triển cả về lý luận và thực tiễn. Từ phong trào của quần chúng, danh hiệu Gia đình văn hóa cùng với danh hiệu Làng văn hóa đã trở thành danh hiệu thi đua Nhà nước, được Luật Thi đua khen thưởng ghi nhận. Tiêu chuẩn công nhận Gia đình văn hóa theo Điều 29 Luật Thi đua khen thưởng được Bộ Văn hóa-Thông tin cụ thể hóa trong Quy chế 62, đề cao vai trò của Gia đình văn hóa trong việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; gắn việc xây dựng gia đình hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc với đoàn kết, tương trợ xóm giềng; đề cao yếu tố văn hóa phát triển trong việc tổ chức xây dựng gia đình trở thành Gia đình văn hóa, đáp ứng yêu cầu về sự phát triển của gia đình trong thời đại hiện nay.Công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào xây dựng Gia đình văn hóa tập trung vào một số nội dung như sau:
- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, củng cố và nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn cấp xã về ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung của công tác gia đình nói chung, xây dựng Gia đình văn hóa nói riêng.
- Ban Chỉ đạo Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cấp xã và các Ban Vận động cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư, cần tổ chức điều tra, khảo sát, phân loại gia đình trên địa bàn, xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện phong trào phù hợp.
- Tổ chức việc học tập, nắm vững nội dung, tiêu chuẩn công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa đến từng hộ, từng thành viên của các hộ gia đình, đồng thời, tuyên truyền, cổ vũ phong trào xây dựng Gia đình văn hóa trên hệ thống truyền thanh công cộng, các hình thức tuyên truyền cổ động trực quan trên địa bàn.
- Tổ chức đăng ký xây dựng Gia đình văn hóa, trên cơ sở tự giác, tự nguyện của các gia đình, sự tuyên truyền, vận động của các đoàn thể quần chúng.
- Phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc, các ngành, đoàn thể quần chúng, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, các đoàn viên, hội viên, tạo thành lực lượng nòng cốt trong phong trào xây dựng Gia đình văn hóa.
- Tăng cường các hoạt động tự quản cộng đồng, các hoạt động tuyên truyền, vận động, thuyết phục, đôn đốc, nhắc nhở các gia đình đã đăng ký xây dựng Gia đình văn hóa, phấn đấu thực hiện tốt các tiêu chuẩn công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa.
- Gắn phong trào xây dựng Gia đình văn hóa với các phong trào thi đua yêu nước, với việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, đặc biệt là thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa hiện nay ở địa phương cơ sở.
- Xây dựng, biểu dương, tôn vinh và nhân rộng các gia đình văn hóa tiêu biểu, tạo nên mũi nhọn cho phong trào xây dựng Gia đình văn hóa.
- Tổ chức cho các gia đình tự đánh giá (hoặc chấm điểm) về kết quả thực hiện các tiêu chuẩn công nhận Gia đình văn hóa, trước khi đưa ra các cuộc họp ở khu dân cư, lấy ý kiến của nhân dân để bình bầu Gia đình văn hóa hàng năm.
- Ban Vận động ở khu dân cư tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cấp xã trình Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa hàng năm. Khu dân cư tổ chức công bố quyết định công nhận Gia đình văn hóa và ghi Sổ vàng Gia đình văn hóa vào dịp Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, 18/11 hàng năm.
- Các tiêu chí xây dựng gia đình văn hoá phải phù hợp và có ý nghĩa thiết thực với đời sống của người dân, đáp ứng được nguyện vọng tâm tư tình cảm mới tạo được sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân. Đây chính là yếu tố quyết định sự thành công của phong trào xây dựng gia đình văn hoá.
2.2.5. Về yêu cầu của công tác xây dựng gia đình văn hóa
- Được triển khai thường xuyên, liên tục trở thành nhiệm vụ quan trọng được các cấp các ngành quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện để thực hiện tốt.
- Phải có nội dung, tiêu chí phù hợp với đặc điểm bản sắc, phong tục, tập quán của mỗi dân tộc, của từng thời kỳ, giai đoạn phát triển xã hội của mỗi địa phương.
- Việc xây dựng gia đình văn hóa thuộc ý thức tự nguyện của mỗi gia đình, từng người dân do đó phải có phương pháp tuyên truyền vận động để nhân dân tự nguyện tham gia, tránh gò ép, cứng nhắc.
- Việc xây dựng gia đình văn hóa cần được phát triển rộng nhưng phải chú ý đến chiều sâu, chú trọng chất lượng thực chất của phong trào, chất lượng của mỗi gia đình văn hóa, không chạy theo hình thức, bệnh thành tích chủ nghĩa, làm giảm giá trị danh hiệu gia đình văn hóa, giảm ý nghĩa giáo dục và hiệu quả tích cực của phong trào.

Phòng VHVN
(Tổng hợp từ Trang tin điện tử Văn hóa - Thể thao và Du lịch)

 

Tin liên quan