Doãn Thế Cường Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh
Hưng Yên là vùng đất giàu truyền thống văn hiến, cách mạng; nhân dân cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, anh dũng, kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Nơi đây đã sinh ra nhiều nhân tài kiệt xuất, có công với dân tộc, nhất là trong lĩnh vực chính trị- quân sự và văn hoá, trong đó có đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh-Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người mở đường và có công lớn trong công cuộc đổi mới đất nước.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh với cách mạng Việt Nam
Đồng chí Nguyễn Văn Linh tên khai sinh là Nguyễn Đức Cúc, thường gọi là Nguyễn Văn Cúc, sinh ngày 01/7/1915, quê gốc thôn Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, trong một gia đình công chức nghèo. Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm (năm 1929), khi mới 14 tuổi. Năm 1930, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, kết án chung thân đầy ra Côn Đảo. Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp, đồng chí được trả tự do, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; với tri thức giác ngộ sâu sắc, chí khí kiên cường và lòng hăng hái của tuổi trẻ, đồng chí đã tham gia hoạt động sôi nổi ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Năm 1941, đồng chí bị địch bắt xử tù 5 năm đày ra Côn Đảo lần thứ hai. Sự tàn bạo của nhà tù đế quốc không khuất phục được ý chí sắt đá của đồng chí, mà trái lại, nhà tù là trường học đặc biệt tôi luyện đồng chí Nguyễn Văn Linh trở thành một chiến sĩ cách mạng kiên trung, dầy dạn kinh nghiệm và đầy bản lĩnh.
Cách mạng Tháng 8/1945 thành công, đồng chí được Đảng đón về và giao nhiệm vụ công tác tại miền Nam; kể từ đó, hơn nửa cuộc đời hoạt động cách mạng gắn bó với Miền Nam, trải qua nhiều cương vị khác nhau, đồng chí luôn kiên định đường lối cách mạng của Đảng, tận tâm, tận lực với Đảng, với dân và được sự tin tưởng của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1960, đồng chí Nguyễn Văn Linh được Đại hội lần thứ III của Đảng bầu vào Trung ương; đồng chí được Đảng giao trọng trách Bí thư Trung ương Cục miền Nam, cùng với Trung ương Cục đã lãnh đạo quân và dân miền Nam vượt qua biết bao gian khó, ác liệt của cuộc kháng chiến; đóng góp công lao to lớn cùng với toàn Đảng, toàn dân ta làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12/1976), đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tham gia Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (năm 1982), đồng chí tiếp tục được bầu tham gia Ban Chấp hành Trung ương. Tháng 6/1985, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8, đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị. Tháng 6/1986, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu vào Ban Bí thư, được phân công Thường trực Ban Bí thư. Từ năm 1975 đến năm 1986, đồng chí Nguyễn Văn Linh trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau như: Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh (từ năm 1975 đến năm 1976 và từ năm 1981 đến năm 1986); Trưởng ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa của Trung ương; Trưởng Ban dân vận Mặt trận Trung ương, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam… Đặc biệt, khi là Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh (lần thứ hai từ năm 1981-1986), đồng chí cùng Thành uỷ tiến hành đổi mới trong cơ chế quản lý ở một số doanh nghiệp; đó là những bước đột phá đầu tiên nhằm xoá bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp. Sự năng động, sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh và một số ngành, địa phương đã giúp Trung ương hoạch định đường lối, chính sách cho thời kỳ đổi mới.
Đến Đại hội VI của Đảng - Đại hội mở đầu công cuộc đổi mới đất nước, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Nhận trọng trách trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu và Liên Xô đang có những biến động lớn, đứng trước nguy cơ sụp đổ; đồng chí Nguyễn Văn Linh đã thể hiện sự kiên định, vững vàng, sáng tạo trong khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước.
Từ tổng kết thực tiễn trên các lĩnh vực, vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoàn cảnh cụ thể nước ta, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã đề ra khá toàn diện, có hệ thống quan điểm, nguyên tắc đổi mới. Đồng chí khẳng định, đổi mới toàn diện đất nước là tất yếu khách quan của cách mạng Việt Nam, là xu thế của thời đại; đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu mà phải giữ vững những nguyên tắc, định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dám nghĩ, dám làm, dám nhìn thẳng vào sự thật và đề ra những việc cần làm ngay. Đồng chí đã có những đóng góp quan trọng, tích cực và có hiệu quả vào xây dựng chủ trương, kiên trì triển khai, tổ chức thực hiện đường lối đổi mới của Đảng.
Thắng lợi của sự nghiệp đổi mới bắt đầu từ Đại hội VI có ý nghĩa lịch sử trọng đại, đặt nền móng cho Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đảng ta đã trân trọng đánh giá: “Trong suốt nhiệm kỳ Đại hội VI, với cương vị là Tổng Bí thư Ban Chấp hành trung ương, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể lãnh đạo nhạy bén, chủ động, sáng tạo, khôn khéo chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua những bước hiểm nghèo của thời kỳ xảy ra những biến động to lớn trên thế giới, đẩy mạnh công cuộc đổi mới và thu được những thành tựu rất quan trọng, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế- xã hội, củng cố quốc phòng- an ninh, cải thiện đời sống nhân dân”.
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (1991), đồng chí thôi giữ chức Tổng Bí thư và được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII, khoá VIII. Trên cương vị Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, theo sát từng diễn biến của cách mạng Việt Nam, tham gia nhiều ý kiến quan trọng với Đảng về những vấn đề lớn, trọng đại của đất nước.
Với những công lao và thành tích to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Ngày nay, Đảng và nhân dân ta tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công cuộc đổi mới và luôn trân trọng ghi nhớ công lao cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt ở cương vị Tổng Bí thư đầu tiên của thời kỳ đổi mới đất nước.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh với quê hương Hưng Yên
Sinh ra ở Hà Nội, tham gia cách mạng và trưởng thành từ Hải Phòng, phần lớn cuộc đời hoạt động cách mạng gắn bó với đồng bào và chiến sỹ miền Nam. Do nhiệm vụ cách mạng nên ít có dịp về thăm quê hương Hưng Yên, nhưng đồng chí Nguyễn Văn Linh thường xuyên quan tâm theo dõi từng bước phát triển của quê hương. Trong những năm tháng xa quê, đồng chí có sáu lần về thăm và làm việc, ba lần viết thư, gửi điện về quê hương; đồng chí luôn căn dặn, động viên và mong muốn Đảng bộ và nhân dân quê nhà phát huy truyền thống cách mạng, tăng cường đoàn kết, làm tốt công tác xây dựng Đảng, đẩy mạnh việc phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là chăm lo các đối tượng chính sách.
Cuối năm 1967, trong lần ra Bắc báo cáo với Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình hình cách mạng miền Nam, đồng chí đã tranh thủ về thăm quê hương và gặp gỡ họ hàng sau nhiều năm xa cách. Năm 1977, đồng chí về dự Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Văn Yên (huyện hợp nhất Văn Giang và Yên Mỹ). Chiều ngày 27/01/1987, đồng chí về thăm xã Giai Phạm, gặp gỡ, trò chuyện, động viên, gợi mở hướng phát triển cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã. Năm 1993, đồng chí cùng phu nhân về thăm thị xã Hưng Yên. Năm 1994, sau khi thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Hải Hưng (tỉnh hợp nhất Hưng Yên và Hải Dương), thăm huyện Mỹ Văn (gồm ba huyện Mỹ Hào, Yên Mỹ, Văn Lâm hợp nhất), đồng chí đã về thăm xã Giai Phạm và dự Lễ khởi công xây dựng Trường Tiểu học của xã. Năm 1995, nhân dịp Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Giai Phạm lần thứ XVIII, nhiệm kỳ (1995- 2000), do bận công việc, đồng chí không về dự được, đã gửi thư động viên nhắc nhở Đảng bộ và nhân dân xã Giai Phạm đoàn kết, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Năm 1996, sau khi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, đồng chí cùng gia đình về thăm xã Giai Phạm, thăm họ hàng và làng xóm; đây là lần cuối cùng đồng chí về thăm quê. Ngày 14/3/1997, đồng chí gửi thư cho xã Giai Phạm động viên Đảng bộ và nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng; đồng thời đồng chí khen ngợi thầy và trò Trường Tiểu học và Trường Trung học cơ sở mang tên Nguyễn Văn Linh đã giữ vững danh hiệu tiên tiến nhiều năm liền.
Ngày 01/01/1997, tỉnh Hưng Yên được tái lập. Tháng 11/1997, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIV vinh dự nhận điện chúc mừng của đồng chí Nguyễn Văn Linh, đồng chí viết: "Vì lý do sức khoẻ, đáng tiếc, tôi không thể về dự Đại hội đại biểu của tỉnh được. Xin gửi lời chúc mừng Đại hội đạt kết quả tốt đẹp. Tỉnh uỷ sẽ xây dựng mọi mặt của tỉnh nhà thật tốt, đưa Hưng Yên trở thành một tỉnh mạnh của toàn quốc Việt Nam"... Nội dung bức điện vừa thể hiện lòng mong muốn, vừa là lời căn dặn của đồng chí với quê hương, thôi thúc Đảng bộ, nhân dân Hưng Yên không ngừng phấn đấu, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Hưng Yên trở thành tỉnh khá trong cả nước.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và lời căn dặn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, nhiều năm qua, với sự nỗ lực phấn đấu, năng động và sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh; sự quan tâm giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Trung ương; sự phối hợp chia sẻ có hiệu quả của các tỉnh, thành phố trong cả nước, Hưng Yên đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội.
Ngay sau tái lập tỉnh, trên cơ sở đánh giá đúng đặc điểm tình hình: là tỉnh thuần nông, thuộc trung tâm đồng bằng sông Hồng, nghèo tài nguyên. Song, tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, gần cảng Hải Phòng và Quảng Ninh, có các Quốc lộ 5, 38, 39 đi qua…; tỉnh đã xác định khâu đột phá, đổi mới để phát triển nhanh về kinh tế, đó là: tập trung quy hoạch các khu, cụm công nghiệp để kêu gọi thu hút đầu tư phát triển công nghiệp và dịch vụ; ban hành nhiều cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư sản xuất kinh doanh; đồng thời, huy động mọi nguồn lực ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng, hệ thống giao thông kết nối tỉnh với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng, giữa các địa phương trong tỉnh, thúc đẩy giao thương kinh tế... Đến nay, Hưng Yên đã quy hoạch được 13 khu công nghiệp (KCN) tập trung, trong đó 4 KCN (KCN Phố Nối A, KCN Dệt may Phố Nối, KCN Thăng Long II, KCN Minh Đức) và hàng chục cụm công nghiệp vừa và nhỏ đã đi vào hoạt động; thu hút được 1.255 dự án (924 dự án trong nước, 331 dự án nước ngoài) với tổng vốn đầu tư đăng ký tương đương 7,1 tỷ USD; tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 vạn lao động.
Sau 19 năm tái lập, tỉnh Hưng Yên đã xây dựng được một nền tảng kinh tế-xã hội tương đối đồng bộ; kinh tế tăng trưởng khá nhanh và cao hơn bình quân chung của cả nước, giá trị sản xuất công nghiệp tăng gấp 89 lần, thu ngân sách tăng gấp 100 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 10 lần so với khi tái lập tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp hoá. Năm 1996, nông nghiệp chiếm tỷ trọng tới 60%, công nghiệp và dịch vụ 40%. Năm 2014, cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn hơn 13%, công nghiệp và dịch vụ đạt gần 87%; thu ngân sách đạt gần 7.300 tỷ đồng (trong đó thu nội địa đạt gần 5.000 tỷ đồng); xuất khẩu đạt gần 2,1 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 36 triệu đồng.
Cơ sở hạ tầng được tập trung đầu tư, nhất là hệ thống giao thông đối nội và đối ngoại của tỉnh đến nay đã cơ bản hoàn thiện, như: Quốc lộ 5, 38, 39; đường 200, đường đê tả sông Hồng, đường liên tỉnh Hà Nộ - Hưng Yên; cầu Triều Dương, cầu Yên Lệnh và tới đây khi đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường nối hai đường cao tốc: Hà Nội - Hải Phòng với Cầu Giẽ - Ninh Bình, cầu Hưng Hà... hoàn thành sẽ kết nối Hưng Yên gần với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong khu vực, thúc đẩy giao thương phát triển kinh tế- xã hội; nhiều công trình trọng điểm của tỉnh đã được đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả.
Tỉnh đã tập trung quy hoạch và đẩy mạnh chương trình phát triển đô thị. Đến nay, tỷ lệ đô thị hoá của tỉnh đạt 35%, thành phố Hưng Yên cơ bản đạt đô thị loại II, huyện Mỹ Hào được công nhận là đô thị loại IV; nhiều dự án khu đô thị đang được đầu tư xây dựng như: Khu đô thị thương mại- du lịch Văn Giang (Ecopark), khu đô thị Phố Nối, khu đô thị Dream City và nhiều dự án đô thị khác với quy mô hơn 2.000 ha sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình đô thị hoá của tỉnh, là động lực để phát triển công nghiệp, dịch vụ.
Nông nghiệp và nông thôn có thay đổi rõ nét. Từ một tỉnh thuần nông, sản xuất nhỏ manh mún, hiệu quả thấp; Hưng Yên đã tiến hành và hoàn thành dồn thửa đổi ruộng đất nông nghiệp để tập trung, tích tụ ruộng đất, xây dựng những cánh đồng chuyên canh sản xuất hàng hoá như: Hoa, cây cảnh, cây ăn quả, cây dược liệu…; đồng thời chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại giá trị và hiệu quả kinh tế ngày càng cao; nhiều sản phẩm hàng hoá đặc sản có thương hiệu và uy tín trên thị trường. Chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung đẩy mạnh, đã huy động từ các nguồn lực gần 40 nghìn tỷ đồng đầu tư cho nông thôn mới; đến nay trung bình toàn tỉnh đạt 13,4 tiêu chí/xã, có 20 xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Diện mạo nông thôn và đời sống của người nông dân ngày càng khởi sắc, số hộ giàu tăng nhanh, hộ nghèo giảm còn 3,2%.
Văn hóa có nhiều tiến bộ; các phong trào xây dựng đời sống văn hoá được phát động và đạt kết quả; nhiều di tích lịch sử- văn hoá được trùng tu, tôn tạo; quần thể di tích Phố Hiến được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt; cùng với nhiều lễ hội văn hoá truyền thống được khôi phục chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc; làm phong phú đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Giáo dục-đào tạo được mở rộng về quy mô, chất lượng giáo dục toàn diện ngày càng được nâng cao, từng bước đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Hưng Yên là một trong những tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở sớm của cả nước; chất lượng đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất trường lớp ở các bậc học được quan tâm đầu tư; Khu Đại học Phố Hiến đã được quy hoạch và đang triển khai thu hút các trường đại học vào đầu tư; tỉnh hiện có 03 trường đại học, 08 trường cao đẳng, hàng chục trường trung cấp dạy nghề và 06 trường đại học đang xây dựng là những cơ sở để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và khu vực. Sự nghiệp y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống và mạng lưới y tế ở 3 tuyến tỉnh, huyện, xã; đội ngũ y bác sỹ ngày càng được tăng cường về số lượng và nâng cao chất lượng, cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Cấp ủy, chính quyền các cấp làm tốt chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với nước và các đối tượng bảo trợ xã hội. Đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân được cải thiện, nâng cao. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh luôn được bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được củng cố, tăng cường; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên; việc nghiên cứu quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết Trung ương đạt được những kết quả thiết thực, nhất là tổ chức triển khai khắc phục các hạn chế nổi cộm sau kiểm điểm Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) đã giải quyết khắc phục căn bản tình trạng khiếu nại, tố cáo đông người vượt cấp ở các xã trong vùng Dự án Khu đô thị Thương mại-Du lịch Văn Giang kéo dài hơn 10 năm qua (từ 2004); xử lý và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vi phạm các công trình thủy lợi và ô nhiễm môi trường, góp phần quan trọng thống nhất nhận thức và hành động ở các cấp, các ngành, trong cán bộ, đảng viên, tạo sự đồng thuận trong nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ sở; có tác động tích cực tới tư tưởng, tình cảm và niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, góp phần xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Để tỏ lòng biết ơn đồng chí Nguyễn Văn Linh đối với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên; tỉnh đã xây dựng Khu tưởng niệm và Tượng đài Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh; đặt tên đồng chí gắn với những công trình quan trọng, như: Trường chính trị Nguyễn Văn Linh; Quảng trường Nguyễn Văn Linh và tuyến đường trục chính của thành phố mang tên Đường Nguyễn Văn Linh...
Hưng Yên hôm nay khang trang hơn và có nhiều khởi sắc hơn, đó là thành quả của gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, gắn liền với tình cảm và sự căn dặn của đồng chí Nguyễn Văn Linh. Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hưng Yên tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, những thành quả đã đạt được, khắc phục khó khăn, phát động các phong trào thi đua yêu nước để đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, quyết tâm xây dựng Hưng Yên thành tỉnh giàu mạnh, văn minh như mong muốn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh-Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiên định, sáng tạo, người con ưu tú của quê hương Hưng Yên.
DTC