Đỗ Hữu Nhân
Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và đào tạo, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 – NQ/TW, ngày 4 tháng 11 năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành Giáo dục đào tạo đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Ngành đã tiếp tục có những giải pháp để hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương, các cơ sở giáo dục đào tạo thực hiện tốt hơn. Các địa phương đã rà soát, quy hoạch lại mạng lưới giáo dục, sáp nhập các trường tiểu học, trung học cơ sở có quy mô nhỏ thành trường đa cấp có quy mô lớn hơn; Chất lượng đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục được nâng cao. Công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên chuẩn bị cho triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được triển khai tích cực, bài bản, toàn diện và hệ thống. Công tác bồi dưỡng thường xuyên, chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được thực hiện nghiêm túc và thường xuyên; Chất lượng giáo dục mầm non có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục phổ thông được nâng cao. Tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. Tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Công tác giáo dục hướng nghiệp và định huống phân luồng học sinh chất lượng hơn. Việc lựa chọn học nghề phổ thông của học sinh đã chuyển dần theo hướng phù hợp với nhu cầu phát triển kỹ năng, phục vụ nhu cầu lao động xã hội. Giáo dục đại học theo hướng phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao; Tăng cường các giải pháp giáo dục đạo đức lối sống và phòng chống bạo lực học đường trong học sinh, sinh viên; Chất lượng dạy học ngoại ngữ được nâng cao hơn, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học. Hoàn thành xây dựng khung năng lực giáo viên ngoại ngữ, bộ tiêu chí đánh giá các đơn vị tổ chức bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ.; Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý được đẩy mạnh. Cơ sở dữ liệu của các cấp học đã được thống kê. Cải cách hành chính được thục hiện một cách quyết liệt. Cơ sở vật chất bảo đảm cho giáo dục được quan tâm hơn; Hợp tác quốc tế được đẩy mạnh. Các hoạt động thúc đẩy, kết nối các nhà đầu tư, các cơ sở giáo dục, chia sẻ cơ hội đầu tư và hợp tác trong lĩnh vực giáo dục. Đến nay, cả nước có tổng số 455 dự án FDI thuộc lĩnh vực GDĐT trên tổng số 27.533 dự án đầu tư nước ngoài của 19 ngành kinh tế. Nhiều cơ sở giáo dục đã tích cực hội nhập quốc tế thông qua các chương trình liên kết đào tạo nước ngoài và các chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên và hợp tác nghiên cứu.
Bên cạnh những kết quả trên, ngành Giáo dục đào tạo vẫn còn một số hạn chế. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức việc quy hoạch mạng lưới trường, lớp học, còn thiếu đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là các thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu chế xuất. Một số địa phương vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Nhiều địa phương còn thiếu giáo viên mầm non theo định biên và chưa có giải pháp khắc phục triệt để. Tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm đạo đức lối sống đang được báo động. Công tác phân luồng, hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông chưa thật sự hiệu quả. Chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của thực tiễn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho giáo dục còn nhiều bất cập. Công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra còn hạn chế nhất định. Còn để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại một số địa phương như Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang.
Để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trong thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 29 – NQ/TW, ngày 4 tháng 11 năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó cần tập trung đồng bộ một số giải pháp sau:
Thứ nhất: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về giáo dục. Tuyên truyền về giáo dục có tác dụng tạo chuyển biến nhận thức và sự đồng thuận cho nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục. Đó là tuyên truyền về Nghị quyết 29 – NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cũng như các chủ trương, chính sách mới về giáo dục đào tạo; đổi mới chương trình, sách giáo khoa; giáo dục mầm non, giáo dục nghề…
Thứ hai: Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên các cấp. Đội ngũ giáo viên có vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Để thực hiện được nhiệm vụ cao cả này cần khắc phục những rào cản, bất cập hiện nay (biên chế, tiền lương…) để giáo viên yên tâm công tác, thực sự say sưa, tâm huyết với nghề. Giáo viên cần đảm bảo chuẩn theo quy định và thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng cập nhật và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Các khóa bồi dưỡng tránh dàn trải mà cần ngắn hạn, chuyên sâu và bồi dưỡng theo, sát nhu cầu thực tế, tạo động lực để giáo viên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Thứ ba: Nâng cao năng lực quản lý của cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Quản lý là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự kỷ cương, nề nếp. Cán bộ quản lý cần tổ chức thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, quy định, cũng như các chương trình, kế hoạch của cấp trên cũng như có những mô hình hay, phương pháp mới phù hợp với xu thế và tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả bộ tiêu chuẩn cán bộ quản lý cũng như đánh giá, phân loại, sử dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ quản lý theo tiêu chuẩn chức danh cụ thể.
Thứ tư: Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đào tạo. Cần tập trung rà soát lại và từ đó nghiên cứu quy định cơ cấu chi ngân sách nhà nước theo hướng ưu tiên cho giáo dục và đào tạo – với vị trí, vai trò là quốc sách hàng đầu; tăng cường xã hội hóa giáo dục, nâng cao hiệu quả, đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo. Cùng với đó, tăng cường đẩy mạnh thu hút các nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào giáo dục, trong đó khuyến khích thành lập các trường tư thục đa cấp chất lượng cao.
Thứ năm: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giáo dục đào tạo. Thanh tra, kiểm tra để giữ vững và duy trì kỷ cương, trật tự, nề nếp, sự ổn định trong giáo dục, đồng thời phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục như gian lận thi cử, dạy thêm học thêm tràn lan, vi phạm đạo đức lối sống trong đội ngũ giáo viên cũng như học sinh…Bên cạnh đó cũng cần kịp thời làm tốt công tác thi đua khen thưởng tạo động lực tốt cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên cũng như học sinh tích cực thi đua quản lý tốt, dạy tốt, học tốt.