KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Thông tin - Tổng hợp
Đăng ngày: 06/05/2024 - Lượt xem: 414
Họa sĩ Nguyễn Văn Mạc, người chủ trì thực hiện bức tranh Panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ”

Hùng tráng, kỳ vĩ và đầy cảm xúc tự hào là cảm nhận của bất cứ ai khi đứng trước bức tranh Panorama tái hiện toàn cảnh “Chiến dịch Điện Biên Phủ” tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên). Bức tranh được vẽ bằng chất liệu sơn dầu, dài 132m, cao 20,5m, đường kính 42m, tổng diện tích 3.225m2. Đây cũng là bức tranh tròn đầu tiên tại Việt Nam, quy mô lớn nhất Đông Nam Á, là bức tranh lớn thứ 3 trên thế giới, được hoàn thành vào dịp kỷ niệm 68 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 2022). Đặc biệt hơn, người “kiến trúc sư trưởng” của công trình nghệ thuật độc đáo này là họa sĩ Nguyễn Văn Mạc, một người con của quê hương Hưng Yên.
Họa sĩ Nguyễn Văn Mạc sinh năm 1954, quê tại tổ dân phố Phú Đa, phường Bần Yên Nhân (thị xã Mỹ Hào). Với năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh, ông Mạc có niềm đam mê hội họa từ khi còn nhỏ. Bằng sự tìm tòi, học hỏi, trau dồi kiến thức về văn hóa, nghệ thuật và lịch sử, ông đã có nhiều công trình, tác phẩm nổi tiếng đạt giải trong các cuộc thi sáng tác về tượng đài và công trình văn hóa. Ông cũng là người chủ trì thiết kế, thi công hệ thống trưng bày của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vào năm 2014. Ông Nguyễn Văn Mạc xúc động cho biết: Khi đến và làm việc tại mảnh đất Điện Biên, tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn về tầm vóc, ý nghĩa to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” không chỉ đối với lịch sử của đất nước mà còn là bước ngoặt trong lịch sử thế giới. Đó là niềm hứng khởi, là mạch nguồn sáng tạo thôi thúc tôi lựa chọn và quyết tâm thực hiện một tác phẩm hội hoạ hoành tráng - bức tranh Panorama toàn cảnh “Chiến dịch Điện Biên Phủ”.
Hoạ sĩ Nguyễn Văn Mạc (bên trái), người chủ trì thực hiện bức tranh
Panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ”
Để hoàn thành tác phẩm đồ sộ này, họa sĩ Nguyễn Văn Mạc cùng với các cộng sự của ông, bao gồm các nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực: Lịch sử, quân sự, mỹ thuật, các nhà văn, nhà báo, nhà biên kịch, đạo diễn phim, nhà điêu khắc có chuyên môn và kinh nghiệm đã miệt mài nghiên cứu, thu thập các tư liệu lịch sử tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, các Trung tâm lưu trữ quốc gia, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Họa sĩ Nguyễn Văn Mạc cho biết thêm: Chúng tôi cũng đi nhiều nơi, gặp các cựu chiến binh, đến nhiều gia đình có thân nhân là liệt sĩ hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ để thu thập thông tin, hình ảnh… Đặc biệt là chân dung các cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch và chân dung các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ngoài mặt trận. Do vậy, phần lớn chân dung các chiến sĩ Điện Biên Phủ xuất hiện trong tác phẩm này là chân dung thật. Sau đó, việc tổ chức viết đề cương nội dung bức tranh được tiến hành từ năm 2014 đến năm 2017. Năm 2018 thì phương án thực hiện bức tranh được phê duyệt. Tháng 11/2019, những nét vẽ đầu tiên được thực hiện tại tầng 2, công trình Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ với sự góp mặt của gần 200 họa sĩ và nhà điêu khắc trẻ tài hoa đến từ khắp các vùng miền đất nước. Quá trình vẽ tranh, ông Mạc luôn theo sát nhóm họa sĩ, chỉnh sửa từng chi tiết nhỏ bảo đảm thể hiện đúng nhất ý tưởng của tác giả cũng như nội dung lịch sử phù hợp.
Trải qua hơn 2 năm miệt mài, bức tranh với hơn 4.500 nhân vật và khung cảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ được tái hiện một cách chân thực, sống động. Bức tranh gồm 4 trường đoạn: Trường đoạn 1 - “Toàn dân ra trận” tái hiện khí thế hào hùng của bộ đội và Nhân dân ta với từng đoàn dân công hỏa tuyến phục vụ chiến trường, các đại đoàn quân kéo pháo vào trận địa. Trường đoạn 2 - “Khúc dạo đầu hùng tráng” với điểm nhấn là những trận đánh mở màn chiến dịch như trận đánh vào Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo với sự tham gia của hỏa lực pháo binh ta áp chế tiêu diệt trận địa pháo địch và cảnh bộ đội ta anh dũng chiến đấu với địch trong các công sự. Trường đoạn 3 - “Cuộc đối đầu lịch sử” với trung tâm là hình ảnh khối bộc phá nổ trên đồi A1 và bộ đội ta vây lấn, tiến công như vũ bão khắp chiến trường. Trường đoạn 4 - “Khúc khải hoàn mừng chiến thắng” với hình ảnh lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” tung bay trên nóc hầm tướng De Castries và hàng đoàn tù binh Pháp ra đầu hàng. Các giai đoạn của chiến dịch được thể hiện liên hoàn, kết hợp với các khối nổi và nhiều vật dụng trong chiến tranh được sắp đặt hợp lý đã tạo nên một không gian hùng tráng, gây ấn tượng mạnh mẽ không chỉ về thị giác và xúc cảm thẩm mỹ. Đặc biệt hơn, khi xem tranh, du khách tìm hiểu đến trường đoạn nào thì đoạn đó sẽ sáng lên với các âm thanh của tiếng súng, máy bay, niềm vui chiến thắng… Hình ảnh, ánh sáng, âm nhạc hòa quyện với nhau mang đến nhiều cảm xúc, đưa du khách về ký ức vẻ vang, hào hùng của dân tộc. 
Bà Vũ Thị Tuyết Nga, Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cho biết: Bức tranh Panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” là một tác phẩm nghệ thuật hoành tráng, độc đáo, ấn tượng, kiệt tác quý giá của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Bức tranh như là một lời tri ân những anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu anh dũng vì độc lập, tự do của dân tộc. Hầu hết người dân đến xem đều cảm thấy xúc động và tự hào. Thậm chí có rất nhiều cựu chiến binh đã khóc khi nhìn thấy bức tranh này.
Họa sĩ Nguyễn Văn Mạc chia sẻ: Bức tranh không chỉ giúp người xem cảm thụ nghệ thuật đơn thuần mà còn truyền tải thông điệp về khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam, giúp chúng ta hiểu thêm những hy sinh gian khổ của người lính trên trận chiến Điện Biên Phủ 70 năm về trước. Đây cũng là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan