KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 06/04/2021 - Lượt xem: 89
Hưng Yên đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Trong những năm qua, việc thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 04/3/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng  công nghệ sinh học (CNSH) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh và đạt được các kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn về vị trí và vai trò của CNSH đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được nâng cao. Kết quả các chương trình, chính sách đã hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành, đơn vị và người sản xuất được ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thành tựu CNSH vào sản xuất và đời sống, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, CNSH đã được ứng dụng rộng rãi trong nhân giống cây trồng, vật nuôi tạo năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; đã áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo đối với một số loài gia súc; góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường. Ngành chăn nuôi đã có nhiều chuyển biến cả về cơ cấu, chất lượng cũng như những thay đổi về phương thức tập quán chăn nuôi. Nhiều giống cây trồng, vật nuôi đã được nghiên cứu, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực, như: các giống lúa, giống nhãn, các loại rau màu, hoa, cây cảnh; bò lai sind, lợn siêu nạc, vịt siêu trứng; các giống cá… Ứng dụng CNSH để phòng chống sâu bệnh trên cây trồng, vật nuôi và nuôi trồng thuỷ sản được thực hiện hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi cho việc dập dịch, tiêu độc khử trùng… Qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Từng bước nâng cao tính ổn định, giảm dần tính phụ thuộc vào thời tiết trong sản xuất nông nghiệp; nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác; góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Việc ứng dụng CNSH trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được áp dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh. Từ các nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, của các tổ chức phi chính phủ và nguồn kinh phí địa phương, tỉnh đã phối hợp với các đơn vị khoa học công nghệ, các sở, ngành chức năng, các tổ chức hội, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh thực hiện nhiều đề tài, dự án, chương trình ứng dụng CNSH vào lĩnh vực bảo vệ môi trường nhằm hạn chế, ngăn chặn và xử lý có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường. Cụ thể: Dự án “Ứng dụng chế phẩm EM (Effective Microoranisms) trong việc xử lý rác thải sinh hoạt ở các bãi rác thải của tỉnh”; Dự án “Ứng dụng chế phẩm sinh học TD BIOXIDE và TD CLEANER để xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản”; mô hình “Phân loại xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn”; Chương trình “Xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng công nghệ biogas”, “Kết quả của việc sử dụng biogas trong chăn nuôi”. Từ năm 2005 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã chuyển giao công nghệ, hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng được 5.944 hầm khí biogas quy mô hộ gia đình, quy mô trang trại ở hầu hết các xã trong tỉnh. Các mô hình này đang tiếp tục được mở rộng, góp phần tích cực vào việc giữ gìn và bảo vệ môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh.
Ngành Y tế tỉnh đã triển khai ứng dụng công nghệ xử lý nước thải bệnh viện tại các Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố. Trong những năm qua, ngành Y tế tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc ứng dụng CNSH trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Đã có nhiều đề tài, dự án mang lại lợi ích thiết thực, ứng dụng nhiều phương thức mới trong khám và điều trị bệnh, qua đó cải thiện đáng kể điều kiện chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Cụ thể là: Đề tài “Đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp phục hồi chức năng y học cho người khuyết tật tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2014 - 2020”; Đề tài “Thực trạng và đề xuất giải pháp hạn chế bệnh đái tháo đường type II, tiền đái tháo đường trên địa bàn tỉnh Hưng Yên”; “Xây dựng mô hình can thiệp tại huyện Khoái Châu”; triển khai hiệu quả công tác tiêm phòng các bệnh: lao, ho gà, bại liệt, sởi, bạch hầu, uốn ván, sốt rét…
Tuy nhiên, việc ứng dụng CNSH trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế, như: Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ ứng dụng CNSH còn thiếu; đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ chậm được bổ sung; những kết quả nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNSH vào các lĩnh vực sản xuất, đời sống ở các ngành, các cấp hiệu quả chưa cao, chưa phát triển được sản phẩm CNSH đặc thù và thế mạnh của địa phương; đời sống của nhân dân đa số còn nhiều khó khăn nên việc đầu tư áp dụng CNSH vào sản xuất, chăn nuôi còn hạn chế, chủ yếu nhờ sự hỗ trợ của các chương trình, dự án ngân sách nhà nước…
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, xây dựng cơ chế chính sách để thu hút, bồi dưỡng, đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực CNSH; đào tạo mới và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, đội ngũ kỹ thuật chuyên ngành trong lĩnh vực CNSH để triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất; phối hợp, liên kết để tập huấn nghiệp vụ và tiếp nhận ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật về CNSH; đa dạng hoá các nguồn đầu tư cho phát triển và ứng dụng CNSH; có cơ chế ưu đãi cho phát triển nhanh các doanh nghiệp CNSH vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh.
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của nhân dân về việc ứng dụng CNSH vào cuộc sống; vận động, hướng dẫn áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp như chọn giống, chế biến thức ăn và phòng trừ dịch bệnh…
Ba là, trên cơ sở Chiến lược Khoa học và Công nghệ của đất nước, tỉnh xây dựng kế hoạch khoa học & công nghệ 5 năm và hàng năm tập trung đầu tư cho các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng CNSH. Trong đó đặc biệt chú trọng lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực môi trường và lĩnh vực y tế.
Bốn là, tăng cường hợp tác với các địa phương trong cả nước về nghiên cứu và ứng dụng, để từng bước hình thành hoặc tiếp nhận và làm chủ được một số lĩnh vực CNSH, ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất, phù hợp với điều kiện của địa phương; đồng thời, tăng cường đầu tư và đa dạng hóa các nguồn vốn để thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng CNSH vào phát triển kinh tế - xã hội.
Phạm Minh Hoàng
 
 
 

 

Tin liên quan