Trong 5 năm qua, việc thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 06/6/2014 của Ban Bí thư (khóa XI) về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao” trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã đạt được một số kết quả quan trọng. Giai đoạn 2014 - 2018, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề cho 239.371 người, riêng đào tạo nhân lực tay nghề cao là 23.651 người, chiếm khoảng 10%; số người có việc làm sau đào tạo đối với trình độ cao là 19.121 người, chiếm tỷ lệ 96,9%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2018 đạt 60%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 45%...
Có được kết quả như trên trước hết là do Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã quan tâm, tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị. Sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp trong tỉnh nghiêm túc triển khai nghiên cứu, quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện. Theo đó, 100% các huyện ủy, thành ủy, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện, đồng thời ban hành nhiều văn bản để thể chế hóa việc tổ chức thực hiện; đưa nội dung đào tạo nghề vào nghị quyết của đảng bộ và đưa vào chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ công tác hằng năm.
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tuyên truyền nội dung Chỉ thị số 37-CT/TW tại Hội nghị báo cáo viên cấp tỉnh; đưa nội dung về kết quả tuyển sinh đào tạo và giải quyết việc làm vào Bản tin Thông báo nội bộ; đăng tải kịp thời các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác đào tạo nghề trên Trang Thông tin điện tử của Ban (tuyengiaohungyen.vn). Báo Hưng Yên, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh... đăng tải nhiều tin, bài, văn bản của trung ương, của tỉnh về công tác đào tạo nghề; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, phóng sự về đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực, công tác chuyển giao kỹ thuật-công nghệ. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cán bộ làm công tác lao động thương binh và xã hội về kỹ năng tuyên truyền, tư vấn đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động cho người lao động; các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề. Đồng thời, phối hợp với Báo Nông thôn ngày nay, Báo Đời sống và Pháp luật, Tạp chí Vietnam Business Forum, Kênh Truyền hình VTC14,…đưa tin, tuyên truyền về chủ trương chính sách của của tỉnh trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao. Hệ thống truyền thanh cơ sở các huyện, thành phố xây dựng được nhiều bản tin, chuyên mục tuyên truyền trên sóng phát thanh về công tác đào tạo nghề và những chính sách hỗ trợ phát triển, đào tạo nghề. Nhờ vậy, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao được nâng lên rõ rệt.
Công tác sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được hoàn thiện theo hướng đồng bộ, tập trung, tinh gọn. Hết năm 2018, toàn tỉnh có 45 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 10 trường cao đẳng, 08 trường trung cấp, 15 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, còn lại là các đơn vị, doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Công tác dự báo nguồn nhân lực được quan tâm thực hiện. Hằng năm, tỉnh tiến hành các cuộc điều tra, dự báo nhu cầu học nghề và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp làm cơ sở để xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng kịp thời phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Theo kết quả điều tra, rà soát năm 2018, số lao động trên địa bàn tỉnh có nhu cầu học nghề là 78.465 người, trong đó nông, lâm, ngư nghiệp là 37.389 người, chiếm 47,5%; công nghiệp, xây dựng là 33.410 người, chiếm 42,5%; dịch vụ, thương mại là 7.657 người chiếm 10%. Dự báo nhu cầu sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh năm 2020 là 146.470 người, trong đó lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp là 1.920 người, chiếm tỷ lệ 1,31%; công nghiệp, xây dựng là 78.100 người, chiếm tỷ lệ 53,32%; thương mại, dịch vụ là 66.450 người chiếm tỷ lệ 45,37%. Đến năm 2025, dự kiến nhu cầu sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh là 157.940 người, tăng 7,83% so với năm 2020.
Cùng với đó tỉnh luôn xác định chất lượng của giáo dục nghề nghiệp là hết sức quan trọng, là thước đo cho sản phẩm đào tạo và thành công của cuộc cách mạng công nghiệp, nhất là vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao. Đến nay, 100% các cơ sở trên địa bàn tỉnh đã tự tiến hành kiểm định chất lượng đào tạo ở cả 3 cấp đào tạo. Từ năm 2015 đến năm 2018, có 15 người tham gia các lớp đào tạo kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức và cấp chứng chỉ; 50 người được bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác kiểm định do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức.
Việc rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thường xuyên quan tâm triển khai, thực hiện. Theo đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở chuẩn đầu ra, có sự tham gia của doanh nghiệp, cơ quan sử dụng lao động; tích hợp các nội dung đào tạo một cách hợp lý về kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học. Giai đoạn 2014-2018, công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh được các tổ chức, cá nhân đánh giá cao, chỉ số đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh luôn đạt điểm cao trong bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của VCCI. Hiện nay, Hưng Yên có 03 trường được lựa chọn nghề trọng điểm với 10 nghề trọng điểm, trong đó có 02 nghề trọng điểm khu vực ASEAN và 08 nghề trọng điểm quốc gia.
Cơ cấu tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từng bước được bổ sung về số lượng, nâng cao về chất lượng. Toàn tỉnh hiện có 294 cán bộ quản lý và 1.696 giáo viên đào tạo nghề, trong đó có 9 tiến sỹ, 603 thạc sỹ, 935 đại học, 43 cao đẳng và 106 trung cấp...Ngoài ra, để nâng cao chất lượng giảng dạy, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp huy động được các cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao, nghệ nhân tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia đào tạo nghề.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động giáo dục nghề nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được đầu tư tương đối đồng bộ, hiện đại, từng bước đáp ứng đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động. Đến nay, tổng diện tích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khoảng 971.000 m2, trong đó diện tích các trường cao đẳng khoảng 676.000 m2; các trường trung cấp khoảng 194.000 m2; các trung tâm giáo dục nghề nghiệp khoảng 44.000 m2; các cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp khoảng 57.000 m2.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên. Giai đoạn 2014-2018, đã tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên 100 lượt cơ sở nhằm đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn, giải quyết những vướng mắc và biểu dương những cá nhân, tập thể có thành tích cao.
Song nhìn vào kết quả thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao trên địa bàn tỉnh những năm qua vẫn còn những hạn chế, bất cập. Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp đã được triển khai nhưng nội dung, hình thức tuyên truyền chưa đủ sức lan tỏa cao. Công tác dạy nghề và giới thiệu việc làm có thời điểm chưa thực sự theo sát với nhu cầu thực tế của xã hội, doanh nghiệp và người dân, nhất là việc cung ứng lao động có tay nghề. Việc triển khai xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp chậm. Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu. Học viên sau khi tốt nghiệp nghề còn yếu về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm như tác phong công nghiệp, thái độ nghề nghiệp, khả năng làm việc theo tổ, nhóm. Sự phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp về đào tạo lao động có tay nghề cao chưa được thường xuyên; các doanh nghiệp chưa thật sự vào cuộc, đồng hành với công tác giáo dục nghề nghiệp của tỉnh…
Để từng bước giải quyết những hạn chế, bất cập đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao, trong thời gian tới tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện những nội dung Chỉ thị số 37-CT/TW và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến giáo dục nghề nghiệp; gắn đào tạo lao động có tay nghề cao với triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình, dự án, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, đổi mới, đa dạng các hình thức, phương pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân về đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Tiếp tục rà soát, sắp xếp hệ thống mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo; chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy nghề đáp ứng yêu cầu thực tế. Thường xuyên cập nhật, đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo theo hướng tăng thực hành, giảm lý thuyết; kết hợp giữa đào tạo tại chỗ với thực hành tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; kết hợp đào tạo kỹ năng nghề với giáo dục đạo đức, tác phong nghề nghiệp, tạo điều kiện cho người lao động thích nghi với môi trường lao động tiên tiến, hiện đại. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư nguồn lực Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh tự đào tạo nghề cho người lao động và phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh trong liên kết đào tạo và giới thiệu việc làm. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về thị trường lao động, dự báo nhu cầu và xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới...
Nguyễn Điệp