KỶ NIỆM 135 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2025)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 22/01/2019 - Lượt xem: 165
Hưng Yên: Nhanh chóng, minh bạch trong kiểm soát chi NSNN

Để đáp ứng mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước (NSNN) và giúp giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị khi giao dịch với hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN), từ đầu năm 2018, KBNN Hưng Yên áp dụng thực hiện các dịch vụ công trực tuyến cho các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư có mở tài khoản giao dịch với KBNN trên địa bàn tỉnh. 

Hoạt động nghiệp vụ tại Kho bạc Nhà nước Hưng Yên
Đến nay, về cơ bản hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoạt động thông suốt, bảo đảm an toàn, quy định chi tiết cho từng dịch vụ, dễ dàng cho các đơn vị tham gia dịch vụ.
 
Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của dịch vụ công trực tuyến, ngay từ đầu năm, KBNN Hưng Yên đã triển khai thí điểm vận hành và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Các đơn vị KBNN trong tỉnh đã báo cáo UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố và tổ chức tuyên truyền đến các đơn vị sử dụng ngân sách về kế hoạch triển khai và lợi ích của việc tham gia dịch vụ công trực tuyến KBNN. 
 
Phó Giám đốc KBNN Hưng Yên Tô Thanh Minh cho biết: “Lợi ích của dịch vụ công trực tuyến là tạo sự công khai, minh bạch hóa thủ tục hành chính, hướng tới tăng độ hài lòng, thuận lợi và giảm thời gian, chi phí đi lại, giảm chi phí hoạt động của các đơn vị sử dụng ngân sách. Theo đó, các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện gửi hồ sơ và nhận kết quả với kho bạc ngay tại đơn vị”. 
 
Các dịch vụ công trực tuyến KBNN cung cấp gồm: Thông báo tham gia hệ thống dịch vụ công trực tuyến của KBNN; đăng ký sử dụng bổ sung tài khoản tại KBNN và thay đổi mẫu dấu, mẫu chữ ký; kê khai và giao nhận hồ sơ kiểm soát chi; đăng ký rút tiền mặt với KBNN. 
 
Khi giao dịch với KBNN, các đơn vị có thể thực hiện kê khai và tải hồ sơ pháp lý, hồ sơ đăng ký mở và sử dụng tài khoản định dạng .pdf và lập chứng từ thanh toán, bảng kê thanh toán, đăng ký rút tiền mặt theo mẫu trên dịch vụ công, ký số gửi KBNN mà không phải đến KBNN để gửi hồ sơ (trừ hồ sơ pháp lý của dự án đầu tư). 
 
Đồng thời trên hệ thống dịch vụ công cung cấp các thông tin về thời gian, quá trình tiếp nhận hồ sơ, kiểm soát thanh toán thông qua các trạng thái như: “KBNN từ chối hoặc tiếp nhận hồ sơ”; “KBNN đang xử lý hồ sơ”; “KBNN đã thanh toán hoặc từ chối thanh toán”... Theo đó góp phần tăng tính minh bạch trong việc kiểm soát hồ sơ thanh toán của KBNN, các đơn vị chủ động biết được tình trạng và kết quả xử lý hồ sơ thanh toán của đơn vị mình. 
 
Để tham gia dịch vụ công trực tuyến KBNN, các đơn vị sử dụng ngân sách cần có những điều kiện sau: Có máy tính và kết nối với mạng internet, có máy scan, có địa chỉ thư điện tử liên lạc với KBNN để nhận thông báo chấp nhận đăng ký sử dụng dịch vụ công và một số thông báo khác của KBNN trong quá trình sử dụng dịch vụ công trực tuyến; có chứng thư số đang còn hiệu lực do một trong số các tổ chức sau cung cấp: Chứng thư số được cấp bởi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị hoặc chứng thư số được cấp bởi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.
 
Tính đến hết ngày 31.12.2018, hệ thống KBNN trong tỉnh đã hoàn thành 100% kế hoạch. Toàn tỉnh có 1.002 đơn vị đã gửi yêu cầu và chính thức tham gia dịch vụ công trực tuyến,  đạt 92% so với tổng số 1.091 đơn vị mở tài khoản giao dịch, còn lại 89 đơn vị chưa triển khai hầu hết là các đơn vị có quan hệ không thường xuyên với ngân sách, ít giao dịch; sắp sáp nhập, giải thể hoặc sắp kiện toàn lại chủ tài khoản, kế toán trưởng. 
 
Qua gần 3 tháng triển khai chính thức, KBNN Hưng Yên đã thực hiện thanh toán qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến trên 23,3 nghìn hồ sơ (tại KBNN tỉnh: trên 9,8 nghìn hồ sơ; tại KBNN các huyện: trên 13,5 nghìn hồ sơ), chiếm 64% so với tổng số trên 36,3 nghìn hồ sơ thanh toán gửi đến KBNN. 
 
Nhận xét về việc tham gia dịch vụ công trực tuyến tại KBNN, anh Lê Gia Bảo, kế toán Trường THCS An Viên (Tiên Lữ) cho biết: “Trước đây khi giao dịch chứng từ giấy, phải mất nhiều thời gian để theo dõi xem chứng từ đã được ký duyệt chưa, nhưng khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, ngay khi đưa chứng từ lên hệ thống, kế toán có thể nắm rõ bộ hồ sơ đang ở khâu nào, có sai sót gì không và khi có sai sót, ngay lập tức được hệ thống báo trả. Hầu như chứng từ đưa lên hệ thống được xử lý, giải quyết ngay trong ngày. Thông tin nhanh, chứng từ lưu thông an toàn. Đây là một quy trình khoa học và chính xác. Cách thức giao dịch này vừa nhanh chóng vừa giúp tăng tính trách nhiệm của đơn vị sử dụng ngân sách trong việc hoàn tất các hồ sơ để gửi KBNN…
 
Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến góp phần hiện đại hóa công tác kiểm soát chi, công tác mở và sử dụng tài khoản của KBNN theo hướng hồ sơ, chứng từ của đơn vị được ký số và gửi trực tiếp cho KBNN; KBNN thực hiện kiểm tra, kiểm soát và trả kết quả thông qua dịch vụ công. 
 
Thực hiện dịch vụ này bảo đảm hồ sơ được xử lý nhanh chóng, rút ngắn thủ tục hành chính, quy trình, hồ sơ chứng từ thanh toán và nội dung kiểm soát mang tính minh bạch. Đồng thời, lãnh đạo KBNN các cấp có thể kiểm tra được ngay tình trạng xử lý hồ sơ, chứng từ; từ đó sẽ làm tăng thêm ý thức trách nhiệm của cán bộ chuyên môn nghiệp vụ khi tiếp nhận, kiểm tra và trả kết quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi ngân sách.
 
Thực hiện dịch vụ công trực tuyến là một nội dung quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020. Sau khi hoàn thành việc triển khai trong năm 2018, năm 2019, KBNN Hưng Yên tiếp tục tổ chức vận hành, khai thác có hiệu quả hệ thống dịch vụ công trực tuyến KBNN với mục tiêu cải cách hành chính, hiện đại hóa hoạt động KBNN, hình thành KBNN điện tử.
Nguồn: baohungyen.vn

 

Tin liên quan