Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, nhân dân ta đã vượt qua muôn vàn gian nan thử thách để bảo vệ đất nước và xây dựng non sông gấm vóc Việt Nam. Quá trình dựng xây và gìn giữ đất nước cũng đã tạo lập nên truyền thống nhân văn, nhân ái của dân tộc, tinh thần đoàn kết, gắn bó, đùm bọc yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ người hoạn nạn, khó khăn. Phát huy những truyền thống tốt đẹp đó của dân tộc, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngay sau khi thành lập đến nay, với tinh thần tự nguyện cao cả, phấn đấu không mệt mỏi trong hoạt động nhân đạo, giành nhiều thành tựu to lớn, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp nhân đạo cao cả của đất nước.
Sự ra đời của Hội chữ thập đỏ Việt Nam
Cách mạng tháng 8/1945 thành công, chính quyền cách mạng còn non trẻ và đứng trước tình thế hiểm nghèo.Thực dân Pháp lại rắp tâm gây chiến hòng bắt dân ta trở lại cuộc đời nô lệ. Chính trong những ngày sục sôi khí thế cách mạng ấy, một số nhân sĩ, trí thức yêu nước đứng ra vận động và xin phép thành lập Ban Hồng Thập tự Việt Nam (tổ chức tiền thân của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày nay).
Một ngày đầu xuân năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và làm việc với đại biểu Ban vận động thành lập Hồng Thập tự Việt Nam. Bác đã hỏi về tình hình lớp cứu thương đang mở, về việc lập Hội, tôn chỉ mục đích và dự kiến chương trình hoạt động, Bác giảng giải về hoạt động của một số Hội Hồng thập tự các nước và một vài tổ chức nhân đạo khác, Bác chỉ dẫn phương hướng hoạt động của Hồng thập tự nước ta và khuyên: “Phải xuất phát từ tình thương yêu nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”.
Ngày 23/11/1946, tại Đại hội đại biểu Hồng thập tự Việt Nam lần thứ nhất diễn ra tại Đình làng Thanh Ấm, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội), Hội Hồng thập tự Việt Nam chính thức được thành lập. Đại hội suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch danh dự của Hội và Người là Chủ tịch danh dự của Hội trong suốt 23 năm từ ngày thành lập Hội tới khi Người qua đời. Bác sĩ Vũ Đình Tụng được bầu làm Hội trưởng.
Sự ra đời của Hội Hồng thập tự Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu góp phần chăm sóc sức khỏe và đời sống nhân dân, kịp thời phục vụ cho công cuộc toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, bước đầu đặt nền tảng cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực nhân đạo.
Kể từ đó, ngày 23/11/1946 đã đi vào lịch sử của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam như một mốc son đánh dấu sự ra đời của một tổ chức xã hội nhân đạo quần chúng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và làm Chủ tịch danh dự đầu tiên. Đây là niềm vinh dự lớn lao đối với cán bộ, hội viên, thanh, thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ Việt Nam mà không phải tổ chức nào cũng có được.
Hội là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Hội hoạt động trên phạm vi cả nước với 7 lĩnh vực trọng tâm đã được quy định trong Luật hoạt động chữ thập đỏ, bao gồm: Cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo; Chăm sóc sức khoẻ; sơ cấp cứu ban đầu; Hiến máu nhân đạo, hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác; Tìm kiếm tin tức thân nhân thất lạc do chiến tranh, thiên tai, thảm họa; Tuyên truyền các giá trị nhân đạo; Tham gia phòng ngừa ứng phó thảm hoạ. Hội hoạt động vì mục tiêu nhân đạo - hòa bình - hữu nghị, với 4 tính chất đặc thù: tính xã hội sâu sắc, tính chuyên nghiệp, tính hệ thống, tính quốc tế cao cả.
Quá trình xây dựng và trưởng thành
Ngay sau khi thành lập, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, hầu hết các hội viên Hồng thập tự đã tích cực tham gia phục vụ tại các mặt trận, tổ chức các trạm cấp cứu, bệnh viện dã chiến, bệnh viện hậu phương. Cũng trong thời gian này, Hội Hồng thập tự Việt Nam phối hợp với Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế tiến hành các hoạt động trao trả tù binh chiến tranh theo đúng tinh thần Luật Nhân đạo quốc tế, góp phần thực hiện chính sách nhân đạo của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Từ năm 1955 - 1975, Hội hoạt động trong bối cảnh cả nước tập trung cho hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đã có 15 tỉnh, thành phố có tổ chức Hội. Đến cuối năm 1970, toàn Hội có 170.000 hội viên, trong đó có 40.000 thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ. Hội viên tích cực tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống sốt rét, sốt xuất huyết, vệ sinh môi trường, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, vận động trồng cây thuốc nam, trợ giúp nhân đạo, tiếp nhận hồi hương kiều bào, vận động giúp nhân dân sơ tán, đào hầm hào để phòng tránh bom đạn Mỹ, tham gia cứu chữa, vận chuyển thương binh, nạn nhân chiến tranh.
Ngày 5/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Công hàm tới Chính phủ Liên bang Thụy Sĩ tuyên bố gia nhập 4 Công ước Giơ-ne-vơ về việc bảo hộ nạn nhân chiến tranh. Ngày 4/11/1957, tại cuộc họp của Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế họp ở Niu-đê-li (Ấn Độ), Hội Hồng thập tự Việt Nam chính thức được công nhận là thành viên của Phong trào.
Ngày 19/11/1960, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Hồng thập tự Việt Nam lần thứ II diễn ra tại Hà Nội với 150 đại biểu từ Trung ương đến các tổ chức Hội cơ sở. Bác sĩ Vũ Đình Tụng tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội. Ngày 27/2/1961, Hội Hồng thập tự Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam được thành lập do Bác sĩ Phùng Văn Cung làm Chủ tịch Hội.
Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Hồng thập tự Việt Nam lần thứ III diễn ra ngày 15/12/1965. Tại Đại hội này, Hội Hồng thập tự Việt Nam chính thức đổi tên thành Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Bác sĩ Vũ Đình Tụng tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội.
Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ IV đã được tổ chức từ ngày 10-11/12/1971. Đại hội khẳng định vai trò của tổ chức Hội trong các hoạt động trợ giúp nhân đạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tham gia cấp cứu thương binh, nạn nhân chiến tranh, vệ sinh phòng bệnh, hoạt động hợp tác quốc tế. Ghi nhận cống hiến của Hội, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Huân chương Lao động hạng nhì. Bác sĩ Vũ Đình Tụng tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội.
Tháng 6/1973, Đại hội Hội Hồng thập tự cộng hòa miền Nam Việt Nam. Bác sĩ Nguyễn Văn Thủ được bầu làm Chủ tịch Hội.
Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã quét sạch quân xâm lược trên đất nước ta, Bắc Nam thống nhất một nhà. Đồng hành cùng đất nước trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng xã hội mới, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tích cực phát triển tổ chức, đẩy mạnh mọi mặt hoạt động của Hội, tham gia trợ giúp những người khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Ngày 31/7/1976, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị hợp nhất Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hội Hồng thập tự cộng hòa miền Nam Việt Nam thành Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Bác sĩ Nguyễn Văn Thủ được bầu làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Ngày 07/9/1987, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW về “Củng cố tổ chức, phát huy tác dụng tích cực của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam”, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội và mở ra thời kỳ phát triển mới của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Ngày 10-12/3/1988, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ V được tổ chức tại Hà Nội với sự có mặt của 368 đại biểu. Đây là Đại hội diễn ra khi đất nước ta bước vào công cuộc đổi mới. Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân được bầu làm Chủ tịch Hội. Nhân dịp này, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vinh dự được tặng Huân chương Độc lập hạng nhất.
Từ ngày 15-17/3/1995, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ VI diễn ra tại Hà Nội. Tổng Bí thư Đỗ Mười làm Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội.
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 14 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá VI “Về việc củng cố tổ chức, phát huy tác dụng tích cực của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam” ngày 7-8/4/1998, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vinh dự đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Hội cũng là sự ghi nhận những cống hiến xuất sắc của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong sự nghiệp nhân đạo.
Ngày 09/6/1998, Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam trực thuộc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ra đời. Đặc biệt, tháng 12/1999, Ban Chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam bắt đầu phát động Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”.
Ngày 7 - 9/8/2001 diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ VII. Chủ tịch nước Trần Đức Lương làm Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội. Ngày 31/7/2003, tại kỳ họp thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Hội đã bầu Giáo sư Nguyễn Văn Thưởng làm Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Ngày 28-29/6/2007, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2007-2012 với chủ đề “Chung sức vì nhân đạo” diễn ra tại Hà Nội. Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương tiếp tục làm Chủ tịch danh dự của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Tiến sĩ Trần Ngọc Tăng - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương được cử là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Ngày 23/11/2011, nhân kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Hội cũng là sự ghi nhận những cống hiến xuất sắc của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong sự nghiệp nhân đạo.
Ngày 4-5/7/2012, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được suy tôn là Chủ tịch danh dự của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Ông Nguyễn Hải Đường - Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương được bầu là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Ngày 15-16/8/2017, tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X Hội Chữ thập đỏ Việt Nam với sự tham gia của 487 đại biểu đại diện hơn 8 triệu cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ cả nước. Chủ tịch nước Trần Đại Quang được suy tôn là Chủ tịch danh dự của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu được bầu lại giữ chức Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Những truyền thống vẻ vang của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam
Tính đến tháng 6/2017, toàn Hội có gần 8,5 triệu cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh, thiếu niên chữ thập đỏ, hoạt động tại hơn 17.000 tổ chức Hội cơ sở. Trị giá hoạt động toàn Hội năm 2016 đạt 3.367 tỷ 966 triệu đồng (tăng hơn 197 tỷ 586 triệu đồng so với năm 2015), trợ giúp 21.810.705 lượt người có hoàn cảnh khó khăn. |
Trải qua 71 năm xây dựng và trưởng thành, công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ có những đóng góp tích cực, nhiều khởi sắc; vị trí, vai trò của Hội từng bước được khẳng định; tổ chức 4 cấp của Hội được củng cố, kiện toàn; số lượng, chất lượng cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ được nâng lên một bước; hoạt động hợp tác quốc tế của Hội được mở rộng; công tác vận động nguồn lực và trợ giúp đối tượng ngày càng có hiệu quả; công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo công tác nhân đạo có kết quả rõ rệt.
Lịch sử phát triển của Hội từ ngày thành lập đến nay là biểu hiện sinh động của sự kết nối truyền thống nhân văn, nhân ái của dân tộc với lịch sử phát triển của một tổ chức nhân đạo chuyên nghiệp, gắn bó với lợi ích dân tộc, hòa đồng với cuộc sống của nhân dân. Suốt quá trình 71 năm xây dựng và phát triển, sự cống hiến, hy sinh của lớp lớp cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ đã hun đúc lên những truyền thống vẻ vang, đó là:
Truyền thống cống hiến, hy sinh hết mình vì những người nghèo, nạn nhân chiến tranh, nạn nhân thiên tai, thảm họa, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, người già cô đơn, trẻ em lang thang và những người dễ bị tổn thương khác trong xã hội. Chúng ta có quyền tự hào rằng, tổ chức Hội Chữ thập đỏ là một trong số tổ chức lập ra không phải chỉ vì lợi ích của cán bộ, hội viên của mình, mà quan trọng hơn và trên hết là vì lợi ích của những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội cần sự giúp đỡ.
Truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái và nhân đạo cao cả; đoàn kết trong tổ chức Hội, đoàn kết với các tổ chức xã hội trong nước, các tổ chức quốc tế trong các hoạt động nhân đạo, vì hòa bình, hữu nghị và phát triển. Chúng ta tự hào về sự phát triển không ngừng của tổ chức Hội trong suốt hơn 71 năm qua và càng tự hào hơn về mối quan hệ hợp tác ngày càng rộng mở của Hội với các tổ chức trong nước và quốc tế; mục tiêu: "Chung sức vì nhân đạo", góp phần khơi dậy, phát huy truyền thống nhân văn, nhân đạo cao quý của dân tộc.
Truyền thống sáng tạo, có ý chí vượt khó, dám nghĩ, dám làm, luôn luôn đổi mới phương thức hoạt động, nắm chắc tính đặc thù của tổ chức Hội, tham mưu có hiệu quả cho Đảng và Nhà nước lãnh đạo công tác Hội và thể chế hóa các chủ trương của Đảng về công tác nhân đạo, tăng cường phối hợp với các ngành, đoàn thể, hướng về cơ sở, quan tâm đến những người khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo, góp phần xây dựng đất nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
***
Với 71 năm xây dựng và trưởng thành, cùng với những thăng trầm của lịch sử đất nước, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã và đang phấn đấu vươn lên thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu “Phải xuất phát từ tình thương yêu nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”. Những nỗ lực của các cấp Hội, của toàn thể cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ Việt Nam trong việc từng bước hiện thực hóa Chiến lược Phát triển Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến năm 2020 chắc chắn không chỉ góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, mà còn góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, mang lại niềm tin, hạnh phúc cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.
* Trong 5 năm qua, Hội CTĐ tỉnh Hưng Yên và các cấp hội trong tỉnh đã tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; xây dựng và triển khai thực hiện đề án: Hỗ trợ kinh tế- xã hội việc làm cho người khuyết tật. Các cấp hội đã tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức nhân đạo, tham gia xây dựng các quỹ nhân đạo vận động được 117 tỷ đồng, tăng 23,2 tỷ đồng so với nhiệm kỳ trước. Hội chữ thập đỏ các cấp đã trợ giúp được trên 12 vạn lượt người nghèo, nạn nhân nhân chất độc màu da cam , góp phần giúp các đối tượng vượt qua khó khăn, hoạn nạn, sớm ổn định và vươn lên trong cuộc sống. Hội đã vận động và phối hợp tổ chức được 126 đợt khám bệnh, tư vấn chăm sóc sức khỏe, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho trên 85 nghìn lượt người. Tổ chức được 127 buổi hiến máu với trên 26 nghìn đơn vị máu, tăng so với nhiệm kỳ trước 12 nghìn đơn vị máu. * Với những kết quả trên, Hội CTĐ tỉnh Hưng Yên đã được khen thưởng như sau: – Huân chương lao động hạng 3, huân chương lao động hạng 2, huân chương lao động hạng Nhất. – Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. – Cờ thi đua của Trung ương Hội CTĐ Việt Nam, cờ thi đua của UBND tỉnh Hưng Yên. – Kỷ niệm chương của Trung ương Hội CTĐ Việt Nam và nhiều bằng khen của Trung ương Hội CTĐ Việt Nam; Bằng khen của UBND tỉnh Hưng Yên; Bằng khen của các bộ, ngành. |
Một số hình ảnh hoạt động của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hưng Yên trong thời gian qua:






.jpg)
.jpg)
.jpg)
TM (sưu tầm và tổng hợp)