Bắt nhịp được với xu thế tiêu dùng của thị trường, anh nông dân Đỗ Văn Chuyên ở Thôn Trai Trang (thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ) đã mạnh dạn đầu tư theo hướng sản xuất các mặt hàng nông sản sạch. Từ sự táo bạo và ý chí quyết tâm vượt khó làm giàu, anh Chuyên đã không chỉ mở ra một hướng làm giàu cho nông dân địa phương mà còn góp phần tạo ra những sản phẩm nông nghiệp thân thiện.
Trước nguy cơ thực phẩm bẩn đang là một trong những nguyên nhân chính gây ra nhiều bệnh tật cho người tiêu dùng hiện nay, nhiều đơn vị, cá nhân đã chuyển hướng sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm sạch. Tuy nhiên, để sản xuất thực phẩm sạch thì phải đầu tư số vốn ban đầu khá lớn, lại tốn nhiều công sức và cả trí tuệ để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Bắt nhịp được với xu thế tiêu dùng của thị trường, anh nông dân Đỗ Văn Chuyên ở Thôn Trai Trang (thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ) đã mạnh dạn đầu tư theo hướng sản xuất các mặt hàng nông sản sạch. Từ sự táo bạo và ý chí quyết tâm vượt khó làm giàu, anh Chuyên đã không chỉ mở ra một hướng làm giàu cho nông dân địa phương mà còn góp phần tạo ra những sản phẩm nông nghiệp thân thiện.
Là người gắn bó từ ấu thơ với ruộng đồng nên tuy còn trẻ, nhưng về độ “tri điền” của anh nông dân Đỗ Văn Chuyên đã được các lão nông trong làng đánh giá cao. Thấy khu ruộng đồng Bài (thôn Trai Trang, thị trấn Yên Mỹ) chỉ gieo cấy được một vụ lúa xuân, còn vụ mùa thường hay bị ngập úng, nhiều gia đình bỏ ruộng không sản xuất, anh đã nhiều ngày trăn trở, nhiều đêm đau xót trước những mảnh ruộng bị bỏ hoang. Năm 2003, nhân trong toàn tỉnh đang thực hiện phong trào dồn điền đổi thửa, anh Chuyên đã mạnh dạn đề nghị với thôn, chi hội nông dân dồn thửa đổi ruộng cho gia đình nhà anh về khu ruộng đồng Bài. Đồng thời, anh xin nhận đấu thầu ruộng công điền của Ủy ban nhân dân thị trấn để làm trang trại với tổng diện tính là 39.000 m2. Hiểu được kinh nghiệm của các cụ “nhất canh trì, nhì canh điền”, với lòng say mê làm kinh tế trang trại, phát triển kinh tế hộ và làm giàu chính đáng, từ khu ruộng xa, hay ngập úng gieo cấy bấp bênh không có lợi nhuận, anh đã lập dự án chuyển đổi thành khu trang trại, có khu thả cá, chăn nuôi và khu trồng trọt theo mô hình VAC. Được cấp trên cho phép, anh Chuyên đã đào ao thả cá 18.000m2, lấy đất làm vườn trồng cây 19.000m2, làm chuồng chăn nuôi 2.000m2. Trên khu đất vườn, anh trồng cây hàng năm để lấy ngắn nuôi dài. Đồng thời, anh trồng cây ăn quả, thả cá, nuôi lợn hướng nạc... Từ lúc kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn do phải đầu tư ban đầu đến nay, trang trại của anh dần vào ổn định và ngày một phát triển.
Thấy những triển vọng từ một nhân tố mới, năm 2010 Hội Nông dân và Lãnh đạo thị trấn Yên Mỹ đã tạo điều kiện cho anh đi dự hội thảo, tập huấn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Cùng với những kiến thức được tập huấn, anh Đỗ Văn Chuyên còn tìm hiểu qua các sách báo, tài liệu và trên mạng Internet về mô hình cây, con giống mới chất lượng cao. Khi đã tập hợp đủ kiến thức, theo khả năng kinh tế và cơ sở vật chất của mình, anh đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình nuôi cá theo hướng VietGAP và nuôi lợn theo hướng an toàn thực phẩm. Với diện tích 18.000 m2 thủy sản gia đình anh sử dụng 15.000 m2 thả các loại cá trắm; chép; trôi, mè... 3.000 m2 còn lại, anh dành để nuôi cua. Năm 2014, được sự khuyến khích của Trung tâm Khuyến nông và Hội Nông dân Thị trấn, gia đình anh Chuyên tiếp tục tham gia chương trình nuôi cá rô phi theo tiêu chuẩn VietGAP. Về nuôi lợn, anh Chuyên đã đầu tư xây dựng 01 khu chuồng nuôi khép kín với diện tích 450 m2, đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật tân tiến, mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát, có nguồn nước sạch để tắm và cho lợn ăn, uống. Số lượng lợn trong chuồng cũng luôn giữ ổn định, 20 con lợn nái, 30 con lợn thịt, 30 con lợn choai, 100 lợn con. Quy trình nuôi thực hiện theo hướng an toàn thực phẩm, được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn một, lợn nái chửa, đẻ, lợn con tách mẹ nuôi đến 50- 60 kg/con được nuôi bình thường. Chế độ ăn, uống đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo về tiêm chủng theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Đến giai đoạn hai, chính là giai đoạn nuôi theo hướng An toàn thực phẩm, cho ra thịt lợn sạch. Đó là lúc đàn lợn được nuôi dưỡng bằng nguồn thức ăn chế biến thủ công, theo công thức riêng mà chính anh Chuyên đã mày mò điều chế ra. Đó là hỗn hợp cám và thuốc bắc. Riêng cám đã có 4 loại: Cá, cám gạo, ngô, đậu tương. Thảo dược cũng phải đủ 10 vị: Kim ngân hoa, Thổ phục linh, Mạch nha, Sơn tra, Thần khúc, Sử quân, Sa tứu, Ngưu tất, Nghệ vàng, Tỏi ta. Tất cả được trộn đều, nghiền nhỏ, sử dụng làm thức ăn hàng ngày cho đàn lợn. Sau giai đoạn đầu, từ 3 tháng đến 3,5 tháng sau, mỗi con lợn đạt khoảng từ 100 kg đến 120 kg anh Chuyên mới xuất lợn thịt thương phẩm. Thời gian nuôi một con lợn kéo dài thêm khoảng 60 ngày so với nuôi bình thường, nhưng chất lượng thịt rõ ràng sạch hơn hẳn. Quy trình chế biến thịt lợn sạch của anh Chuyên cũng được khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thịt lợn thành phẩm được đưa vào nhà lạnh pha chế, khử độc và đóng túi, cung cấp hàng đến tận tay người tiêu dùng theo đơn đặt hàng của khách. Giá thịt lợn an toàn của anh Chuyên không cao, lại khá ổn định. Thời điểm hiện tại giá một ki-lô-gam thịt móc hàm là 85.000 đồng, giá này bình ổn một năm, nếu giá nguyên liệu tăng hoặc thị trường có biến động mới có sự điều chỉnh.
Mô hình nuôi lợn An toàn thực phẩm tham gia dự án phát triển chăn nuôi lợn hướng nạc theo tiêu chuẩn VietGAP của anh Chuyên đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hưng Yên kiểm tra và mang mẫu đi kiểm nghiệm. Theo thông báo kết quả phân tích mẫu, hoàn toàn không có chất cấm trong thức ăn chăn nuôi và không tồn dư chất độc hại trong thịt lợn.
Bên cạnh việc thả cá, chăn nuôi lợn, anh Chuyên còn tập trung trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như bưởi Diễn, chuối tây. Dưới 500 gốc bưởi Diễn và 2000 gốc chuối tây ấy, anh kết hợp trồng xen các loại thảo dược: Kim ngân; Thổ phục linh; Mạch nha; Sơn cha; Thần khúc... dùng làm nguyên liệu chế biến thức ăn trong chăn nuôi. Trong doanh thu trong toàn mô hình VAC tại trang trại một năm khoảng 2.315 triệu đồng, thu nhập từ bưởi diễn và chuối tây của anh góp phần khoảng 250 triệu đồng.
Hạch toán chung, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình anh Đỗ Văn Chuyên thu về khoảng từ 650 đến 700 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, mô hình trang trại của anh Chuyên còn tạo việc làm thường xuyên cho 3-5 lao động và lao động thời vụ cho 20-30 lao động với thu nhập ổn định 3-4 triệu đồng/tháng.
Làm ăn có hiệu quả, tạo được một hướng làm giàu riêng, nhưng anh Chuyên không giấu nghề mà rất tích cực truyền đạt phổ biến hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi đặc biệt là kinh nghiệm chăn nuôi lợn sạch cho hội viên của Câu lạc bộ chăn nuôi của Hội Nông dân thị trấn. Không những thế, với khả năng của gia đình, hàng năm anh Đỗ Văn Chuyên còn tư vấn giúp cho từ 7 - 10 hội viên nông dân về cây, con giống, kinh nghiệm sản xuất để giúp họ thoát nghèo, có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu.
Phòng Văn hóa - Văn nghệ