Năm 2012, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên đã tiến hành triển khai thí điểm Dự án phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Câu chuyện ghi nhận và nhân rộng mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Hưng Yên được bắt đầu từ đó, đến nay trở thành một phong trào lớn dưới sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, được nhân dân khắc các địa phương hưởng ứng.
Rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn chủ yếu là từ thực phẩm thải, chất thải làm vườn và phần lớn trong số đó là chất thải hữu cơ. Trước nay, rác thải sinh hoạt ở nông thôn chủ yếu được thu gom và xử lý bằng biện pháp chôn lấp, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân địa phương. Nhận diện được những vấn đề còn bất cập và nhận thấy có thể giải quyết được bài toán đó, năm 2012, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên đã tiến hành triển khai thí điểm Dự án phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Câu chuyện ghi nhận và nhân rộng mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Hưng Yên được bắt đầu từ đó, đến nay trở thành một phong trào lớn dưới sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, được nhân dân khắc các địa phương hưởng ứng.
Từ một mô hình hay ở địa phương…
Bước đầu, Dự án được triển khai thí điểm trong phạm vi 100 hộ dân của thôn Tiên Cầu, xã Hiệp Cường. Mỗi hộ dân tham gia được hỗ trợ 01 thùng phuy nhựa compisit có dung chứa 200 lít, xung quanh khoan nhiều lỗ tròn, đường kính 0,5cm, bên dưới có cánh cửa khoảng 20cm2; được cấp miễn phí 02 túi chế phẩm vi sinh. Đồng thời, được tham gia các hội nghị tập huấn, trang bị tài liệu hướng dẫn phân loại rác thải sinh hoạt và cách sử dụng chế phẩm.
Trao đổi với chúng tôi, một người dân thôn Tiên Cầu, cho biết: Trước đây, nhân dân địa phương thường có thói quen tiện đâu vứt rác đó, rác thải vứt bừa bãi ra đường, ra sông, hồ và những khu đất trống, tạo thành bãi rác tự phát ở khu dân cư, ảnh hưởng lớn đến môi trường cảnh quan và sức khỏe người dân. Song thời gian qua, được sự quan tâm của chính quyền huyện, gia đình tôi và một số hộ gia đình trong thôn được tham gia Dự án này và nhận thấy hiệu quả tích cực mà Dự án đem lại. Hộ dân đã được trang bị kiến thức cơ bản về môi trường, hiểu biết về các loại chất thải, rác thải, cách thức phân loại, thu gom, xử lý rác ngay tại nhà. Khi Dự án thôn kết thúc, chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện, đồng thời tuyên truyền, vận động các hộ gia đình khác trong thôn, xã áp dụng mô hình.
Theo đánh giá của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, Dự án được cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương đánh giá cao bởi tính khả thi, tính ứng dụng và tính xã hội hóa của mô hình. Thực hiện Dự án không những góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn mà còn đem lại lợi ích kinh tế từ việc tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải và nhất là cung cấp một lượng phân bón giàu dinh dưỡng cho sản xuất nông nghiệp. Các loại rau, củ, quả như cà chua, cà rốt, bắp cải, đậu tương khi sử dụng phân hữu cơ này đã có quá trình sinh trưởng nhanh, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn, không có kí sinh trùng gây bệnh như run, sán. Với cách làm đó, tính toán sơ bộ, 100 hộ gia đình thực hiện đã tiết kiệm được 43,8 triệu đồng/năm phí vận chuyển, xử lý rác và thu được khoảng 30 tấn phân bón vi sinh, trị giá 60 triệu đồng.
Nhân dân huyện Kim Động thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình
Trên cơ sở đánh giá kết quả thử nghiệm mô hình tại thôn Tiên Cầu, huyện Kim Động tiếp tục thử nghiệm mô hình mới là không sử dụng thùng thùng phuy nhựa compisit trong xử lý rác thải tại 300 hộ dân ở thôn Động Xá, thị trấn Lương Bằng. Mô hình mới này được đánh giá có nhiều ưu điểm vượt trội, được xem là quy trình xử lý rác khá độc đáo, phù hợp với mô hình cải tạo vườn tược trồng cây ăn trái.
Về kỹ thuật phân loại rác thải, pha chế và sử dụng chế phẩm vi sinh tương tự như mô hình tại thôn Tiên Cầu. Song ở mô hình này, người dân không cần sử dụng thùng phuy nhựa compisit mà tiến hành đào hố rác với kích thước 70cm x 70cm, sâu khoảng 1m và đặt lắp đậy di động bằng tôn không rỉ do huyện hỗ trợ. Hàng ngày, các hộ cho những loại rác hữu cơ vào hố đến khi đầy thì tháo lắp đậy ra và lấp đất lại. Sau 1 thời gian, rác thải sẽ phân hủy thành phân hữu cơ rất tốt cho cây trồng. Nhân dân có thể trồng trực tiếp một loại cây ăn trái vào đúng vị trí hố rác hoặc lấy phân hữu cơ này mang đi bón cho các loại cây trồng khác.
... đến chủ trương nhân rộng khắp địa phương
Việc xây dựng thành công mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón vi sinh tại hộ gia đình ở huyện Kim Động đã mở ra một hướng đi mới, một giải pháp bền vững huy động sự tham gia của mọi người, cộng đồng dân cư, nhất là người dân nông thôn vốn chiếm số đông dân số của tỉnh cùng chung tay bảo vệ môi trường nông thôn sanh - sạch - đẹp.
Từ hiệu quả bước đầu của dự án tại thôn Tiên Cầu và thôn Động Xá, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên đã ban hành Chương trình hành động số 51/CTr-UBND ngày 26/4/2013 về thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 21/3/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường quản lý, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh, trong đó xác định và chỉ đạo các ban, sở, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp cần “tiếp tục nghiên cứu triển khai nhân rộng các mô hình thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn; mô hình phân loại rác thải tại nguồn trên toàn tỉnh”. Từ đó, đến hết năm 2014, toàn tỉnh đã có trên 1.320 hộ thực hiện hiệu quả mô hình này, trong đó huyện Kim Động 820 hộ, Phù Cừ 100 hộ, Tiên Lữ 100 hộ, Mỹ Hào 100 hộ, Văn Giang 50 hộ và thành phố Hưng Yên 200 hộ.
Xác định việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới, ngày 14/4/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 63/KH-UBND. Ngay trong năm 2015, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu huyện Kim Động triển khai ở tất cả các xã, thị trấn, các huyện còn lại và thành phố thực hiện ở 50% số xã, thị trấn, trong đó đều phải đảm bảo ít nhất phải có 2/3 số thôn của xã, thị trấn và ít nhất phải có trên 60% số hộ dân của thôn tham gia thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Thực hiện Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, thời điểm này dù chưa hoàn thành mục tiêu đề ra song bước đầu đã có 21.802 hộ gia đình nông thôn tham gia, trong đó một số huyện có số hộ tham gia cao là: Phù Cừ 4.977 hộ; Văn Giang 3.676 hộ; Khoái Châu 3.445 hộ; Kim Động 3.260 hộ…
Sau đó, ngày 04/10/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 2128/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Nâng cao hiệu quả thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn giai đoạn 2016 – 2020, với mục tiêu đến năm 2020 có 80% rác thải sinh hoạt nông thôn được thu gom, vận chuyển; 50% số hộ gia đình trên địa bàn tỉnh thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình; xây dựng và thực hiện tốt hương ước, quy ước về bảo vệ môi trường ở các xã, thị trấn, trong đó có quy định về phân loại, tái chế, tái sử dụng, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải tại hộ gia đình, thôn, xóm, khu dân cư.
Để mục tiêu sớm được hoàn thành, ngay từ năm 2015, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng hướng dẫn triển khai kế hoạch phân loại xử lý rác thải tại các huyện, thành phố; hướng dẫn về quy trình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình và các tài liệu tuyên truyền, mẫu cam kết của các hộ gia đình tham gia; thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc, giám sát, hướng dẫn việc triển khai ở các huyện, thành phố; phối hợp với sở, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, tập huấn về phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình.
Nhân dân thị xã Mỹ Hào thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình
Với sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, toàn tỉnh Hưng Yên đã có 89.305 hộ gia đình, chiếm 26,06% số hộ gia đình của tỉnh (tăng 67.503 hộ gia đình so với thời điểm phê duyệt Đề án) tại 153/161 xã, phường, thị trấn thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình được các địa phương triển khai với nhiều hình thức phù hợp với điều kiện của địa phương, cụ thể: Huyện Phù Cừ vận động nhân dân tự đào hố, tận dụng vật liệu sẵn có để chế tạo nắp đậy hố xử lý rác hữu cơ. Huyện Kim Động có 214 hộ gia đình xây và tận dụng bể xây hiện có để xử lý rác thải. Xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang và một số địa phương khác sử dụng thùng nhựa 20 lít để phân loại, xử lý rác thải hữu cơ... Việc nhân rộng mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình cùng với thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh ngày một nền nếp, từ đó, tỷ lệ rác thải sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh được thu gom, xử lý đạt trên 70%.
Trong thời gian tới, để bảo vệ môi trường khu vực nông thôn, cấp ủy, chính quyền, ngành Tài nguyên và Môi trường cùng với nhân dân trong tỉnh tiếp tục triển khai tổng hợp các biện pháp quản lý, huy động tối đa mọi nguồn lực, tăng cường đầu tư cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, đặc biệt là nhân rộng những mô hình điểm, nhất là tiếp tục triển khai mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững và xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên.
HC
ảnh 2. Nhân dân thị xã Mỹ Hào thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình