Thực hiện Chương trình phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với các sở, ngành trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân năm 2019, Trang Thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đăng nội dung phối hợp tuyên truyền với Sở Tư pháp.
Một số điểm mới của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018
Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, gồm gồm 10 chương, 96 điều. Luật Phòng, chống tham nhũng quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2019.
Luật Phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo
Luật số 01/2007/QH12 và
Luật số 27/2012/QH13 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 có nhiều điểm mới rất quan trọng để bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ, hiệu quả trong công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng… Theo đó, Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực tư; khắc phục hạn chế, bất cập được phát hiện qua tổng kết thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng 2005, từ quy định về biện pháp phòng ngừa cho tới các quy định về phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.
Trong phòng ngừa, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 có những sửa đổi về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn khác; định mức, tiêu chuẩn, chế độ; việc tặng quà, nhận quà tặng; việc thanh toán qua tài khoản; kiểm soát xung đột lợi ích (là việc kiểm soát một tình huống mà khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ có thể liên quan đến lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức dẫn đến việc thực hiện nhiệm vụ đó không vô tư, không khách quan); kiểm soát thu nhập.
Trong đấu tranh chống tham nhũng, chủ thể tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cũng phải chịu trách nhiệm nếu không phát hiện ra sai phạm trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Bên cạnh quy định về trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, Luật cũng bổ sung quy định về giảm hoặc miễn trách nhiệm cho người đứng đầu đã áp dụng tốt biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Luật cũng quy định xử lý rất nghiêm với người kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình tài sản tăng thêm không trung thực. Cụ thể, nếu là người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thì sẽ bị xóa tên khỏi danh sách ứng cử, danh sách bầu cử; người được dự kiến bổ nhiệm, đề bạt thì sẽ không được bổ nhiệm, đề bạt nữa; nếu là đối tượng khác thì sẽ bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức. Luật cũng bổ sung quy định khuyến khích người không đủ năng lực, uy tín, trình độ từ chức.
Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 cũng được sửa đổi, bổ sung theo hướng đồng bộ với hệ thống pháp luật và phù hợp với các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam ký kết, gia nhập, mới đây nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Quốc hội vừa phê chuẩn cũng có nội dung yêu cầu về phòng chống tham nhũng.
Về chế định kiểm soát thu nhập trong Luật Phòng, chống tham nhũng 2018: Vấn đề kiểm soát thu nhập được nhắc tới từ Pháp lệnh chống tham nhũng năm 1998 với việc quy định về nghĩa vụ kê khai tài sản; Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 phát triển chế định kê khai tài sản thành chế định minh bạch tài sản, thu nhập. Đến Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 thì vấn đề được phát triển thêm một bước thành chế định kiểm soát tài sản, thu nhập, coi trọng việc kiểm soát tính xác thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập.
Luật đã quy định hoàn thiện hơn hệ thống cơ quan thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tài sản, thu nhập theo hướng tập trung, thu gọn đầu mối, bảo đảm tính chuyên nghiệp, độc lập trong kiểm soát tài sản thu nhập. Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập được bổ sung nhiều thẩm quyền hơn, trong đó có thẩm quyền yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm, như: các ngân hàng, tổ chức tín dụng, cơ quan thuế, công an, hải quan, những cơ quan tổ chức khác phải cung cấp thông tin có liên quan để phục vụ cho việc xác minh tài sản, thu nhập. Căn cứ xác minh, trình tự, thủ tục xác minh tài sản, thu nhập được quy định rõ ràng, mở rộng hơn. Hình thức kê khai, phương thức kê khai tài sản cũng có đổi mới để bảo đảm tính hiệu quả cao hơn. Có nhóm đối tượng sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn như nhóm giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên sẽ buộc phải kê khai hằng năm. Những nhóm đối tượng tuy không giữ chức vụ cao nhưng công tác ở những vị trí dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng cũng sẽ phải kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập một cách ngặt nghèo hơn. Cùng với đó, công nghệ thông tin sẽ được phát huy tác dụng trong kiểm soát tài sản, thu nhập. Luật đã có quy định về việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập theo hướng chặt chẽ, cụ thể hơn./.