KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 27/06/2024 - Lượt xem: 103
Một số điểm mới về quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên

Thực hiện Chương trình phối hợp năm 2024 giữa Ban Tuyên giáo với các cơ quan nhà nước cùng cấp phổ biến tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước… Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đăng tải nội dung “Một số điểm mới về quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên” của Sở Tư Pháp.

1. Độ tuổi bị xử lý vi phạm hành chính

Thứ nhất, về độ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính

Theo quy định tại Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính thì chỉ người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi mới bị xử phạt vi phạm hành chính, và chỉ bị xử phạt đối với vi phạm hành chính do cố ý; chỉ người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi trở lên mới bị xử phạt vi phạm hành chính đối với mọi vi phạm hành chính do mình gây ra, kể cả vi phạm hành chính do cố ý và vô ý.

Thứ hai, về độ tuổi bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính

Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định cụ thể về độ tuổi bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại các Điều 90, 92, 94, 96 của Luật này (các biện pháp xử lý hành chính không áp dụng đối với người nước ngoài), cụ thể: Độ tuổi áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn là từ đủ 12 tuổi trở lên. Độ tuổi áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng là từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. 

2. Các nguyên tắc xử lý 

Theo quy định tại Điều 134 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), ngoài những nguyên tắc được quy định tại Điều 3 của Luật, việc xử lý đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính cần tuân thủ các nguyên tắc: Việc xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội; Việc xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính còn căn cứ vào khả năng nhận thức của người chưa thành niên về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm, nguyên nhân và hoàn cảnh vi phạm để quyết định việc xử phạt hoặc áp dụng biện pháp xử lý hành chính phù hợp; Việc áp dụng hình thức xử phạt, quyết định mức xử phạt đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính phải nhẹ hơn so với người thành niên có cùng hành vi vi phạm hành chính; Trong quá trình xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính, bí mật riêng tư của người chưa thành niên phải được tôn trọng và bảo vệ; Các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính phải được xem xét áp dụng khi có đủ các điều kiện quy định. Việc áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính không được coi là đã bị xử lý vi phạm hành chính.

3. Các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả

Các hình thức xử phạt áp dụng đối với người chưa thành niên bao gồm: Cảnh cáo; Phạt tiền; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Các biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với người chưa thành niên bao gồm: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại; Buộc nộp lại khoản thu bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái với quy định của pháp luật.

4. Các biện pháp xử lý hành chính

Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được áp dụng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật theo quy định. Người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải được cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý, trường hợp không có nơi cư trú ổn định thì phải ở tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em; được đi học hoặc tham gia các chương trình học tập hoặc dạy nghề khác; tham gia các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống tại cộng đồng.

Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng được áp dụng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật theo quy định.

5. Các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính

Các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên bao gồm:

Thứ nhất, biện pháp nhắc nhở

Nhắc nhở là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính để chỉ ra những vi phạm do người chưa thành niên thực hiện, được thực hiện đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính mà theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính khi có đủ các điều kiện sau: Vi phạm hành chính theo quy định bị phạt cảnh cáo;  Người chưa thành niên vi phạm đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình. 

Căn cứ quy định trên, người có thẩm quyền xử phạt quyết định áp dụng biện pháp nhắc nhở. Nhắc nhở được thực hiện bằng lời nói, ngay tại chỗ.

Thứ hai, biện pháp quản lý tại gia đình

Quản lý tại gia đình là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính áp dụng đối với người chưa thành niên thuộc đối tượng: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép; Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành

chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, chiếm giữ trái phép tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép nhưng không phải là tội phạm; Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi sử dụng trái phép chất ma túy.

Điều kiện áp dụng biện pháp: Đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình; Có môi trường sống thuận lợi cho việc thực hiện biện pháp này; Cha mẹ hoặc người giám hộ có đủ điều kiện thực hiện việc quản lý và tự nguyện nhận trách nhiệm quản lý tại gia đình.

Căn cứ quy định nêu trên, Chủ tịch UBND cấp xã quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình. Thời hạn áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình từ 03 tháng đến 06 tháng. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình có hiệu lực, Chủ tịch UBND cấp xã nơi đã ra quyết định phải gửi quyết định cho gia đình và phân công tổ chức, cá nhân nơi người đó cư trú để phối hợp, giám sát thực hiện. Người chưa thành niên đang quản lý tại gia đình được đi học hoặc tham gia các chương trình học tập hoặc dạy nghề khác; tham gia các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống tại cộng đồng. Trong thời gian quản lý tại gia đình, nếu người chưa thành niên tiếp tục vi phạm pháp luật thì Chủ tịch UBND cấp xã quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp này và xử lý theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng

Giáo dục dựa vào cộng đồng là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính áp dụng đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự, có nơi cư trú ổn định, đang theo học tại cơ sở giáo dục và cha mẹ, người giám hộ cam kết bằng văn bản về việc quản lý, giáo dục.

Căn cứ quy định nêu trên, Tòa án nhân dân quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng. Thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng từ 06 tháng đến 24 tháng. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng có hiệu lực, Tòa án nhân dân nơi đã ra quyết định phải gửi quyết định cho cha mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên và UBND cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em, cơ sở bảo trợ xã hội để phối hợp, giám sát thực hiện. Người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng được đi học hoặc tham gia các chương trình học tập hoặc dạy nghề khác; tham gia các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống tại cộng đồng./.

Xem chi tiết Đề cương tuyên truyền tại đây:

Tin liên quan