KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 12/03/2020 - Lượt xem: 78
Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo trong giai đoạn hiện nay

Đội ngũ nhà giáo là nhân tố quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới giáo dục. Trong mọi thời kỳ, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Việt Nam đang tiến hành công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT,  điều quan trọng là cần phát triển đội ngũ nhà giáo có chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

 Theo số liệu của Bộ GD và ÐT năm học 2018 - 2019, cả nước có hơn 1,16 triệu giáo viên mầm non, phổ thông, hơn 72 nghìn giảng viên đại học. Về cơ bản đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo (tỷ lệ chuẩn và trên chuẩn đối với mầm non 96,6%, tiểu học 99,7%, THCS 99%, THPT 99,6%, đại học 82,7%). Để nâng cao chất lượng đội ngũ và đổi mới chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non, Bộ GDĐT đã xây dựng tài liệu hướng dẫn hỗ trợ đánh giá sự phát triển của trẻ, phát triển chương trình giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non. Các địa phương đã áp dụng đa dạng các hình thức và phương pháp tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm “ lấy trẻ làm trung tâm” phù hợp với điều kiện thực tế của trường, lớp. Giáo dục phổ thông tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá. Công tác bồi dưỡng giáo viên chuẩn bị cho việc triển khai chương trình mới, bồi dưỡng thường xuyên, chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Quá trình triển khai, toàn ngành tích cực tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên theo các yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp. Vì vậy, những bất hợp lý trong cơ cấu đội ngũ nhà giáo đã dần được khắc phục. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên ở nước ngoài tiếp tục được quan tâm đầu tư góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giảng viên đại học, cao đẳng của Việt Nam.

Theo kết quả khảo sát của trường Đại học sư phạm Hà Nội, Nhìn chung, các nhà giáo có tinh thần trách nhiệm cao, tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Giáo viên đã có những năng lực cần thiết để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đội ngũ giáo viên đã nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp “trồng người”, thể hiện tâm huyết với nghề nghiệp, tận tụy với công việc trên tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Trong công tác nghiên cứu, đã thể hiện tính tích cực, đi sâu khám phá cái mới, nắm chắc vận dụng sáng tạo các nguyên tắc, phương pháp dạy học, nghiên cứu khoa học vào quá trình dạy học, giáo dục, nhất là những yêu cầu mới của chương trình cải cách giáo dục mà Bộ GD&ĐT đưa ra.

Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ giáo viên còn có những bất cập. Thực tế vẫn còn giáo viên thiếu tâm huyết với nghề, còn vi phạm chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp nhà giáo như nhận phong bì, chạy trường, chạy điểm, thu tiền quỹ, thậm chí gây khó khăn, xúc phạm, bạo hành đối với học sinh…Trong công tác chuyên môn, còn không ít giáo viên có biểu hiện sa sút về ý chí, cống hiến, ngại học tập nâng cao trình độ chuyên môn, chưa thực sự công tâm, chưa đánh giá đúng thực chất kết quả học tập của học sinh; có biểu hiện bệnh thành tích trong giáo dục, còn nhiều tiêu cực, làm giảm uy tín, niềm tin của học sinh, phụ huynh và cộng đồng xã hội đối với đội ngũ nhà giáo. Theo kết quả khảo sát của trường Đại học sư phạm Hà Nội, số giáo viên có năng lực vững chắc chỉ đạt 20%, những giáo viên đã có năng lực nhưng chưa vững chắc chiếm tỷ lệ cao. Tỷ lệ giáo viên chưa có năng lực dạy học theo yêu cầu đổi mới còn khá nhiều. Trên cơ sở vấn đề liên quan, xét về năng lực dạy học tích hợp, lồng ghép, liên môn thì có tới 60% giáo viên không vững chắc. Những hiện tượng như giáo viên không giải quyết được hết các bài toán trong sách giáo khoa, rời sách giáo khoa thì không biết lấy gì để dạy và dạy như thế nào đã không còn hiếm. Những bất cập trên có nhiều nguyên nhân, trong đó việc đào tạo sư phạm trong những năm qua chưa đáp ứng nhu cầu xã hội, không sát với thực tế do việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh chủ yếu dựa trên năng lực của cơ sở đào tạo, chưa gắn với nhu cầu đào tạo giáo viên theo từng cấp học, môn học, vùng miền, địa phương dẫn đến cung vượt cầu; chưa có quy hoạch tổng thể về nhu cầu đào tạo và phát triển nhân lực sư phạm theo từng giai đoạn; các trường chưa quan tâm đến các điều kiện đảm bảo chất lượng; công tác kiểm định còn hạn chế, số lượng trường có đào tạo sư phạm được kiểm định còn ít. Mặt khác, với chính sách tiền lương như hiện nay khó thu hút được người tài vào làm việc trong các cơ sở giáo dục, phòng giáo dục và đào tạo, sở giáo dục và đào tạo hoặc có người tài nhưng họ chưa toàn tâm, toàn ý tập trung vào thực thi nhiệm vụ công vụ, dẫn đến tình trạng chất lượng công việc có phần bị hạn chế, chưa góp phần thu hút, giữ chân người tài vào ngành sư phạm. Thực tế có rất nhiều người tâm huyết với nghề dạy học, thậm chí mong muốn đóng góp công việc chung của đất nước, tuy nhiên, với mức lương như hiện nay khiến họ chưa yên tâm công hiến cho ngành. Bên cạnh đó, chính sách tiền lương còn nhiều bất cập dẫn đến khó duy trì nghiêm được tính kỷ luật và không tạo được tính cạnh tranh trong đội ngũ cán bộ, công chức, nhà giáo.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất: Tập trung quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở đào tạo sư phạm. Cần xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống trường sư phạm với tiêu chuẩn trường sư phạm hiện đại, năng động, tự chủ; sử dụng các tiêu chuẩn này để kiểm định, phân tầng, xếp hạng các trường sư phạm và sắp xếp lại mạng lưới các trường sư phạm đảm bảo tránh số lượng, ít nhưng chất lượng. Các trường sư phạm cần được hỗ trợ hình thành các dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu cung ứng nguồn nhân lực của ngành sư phạm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng đối với các trường sư phạm. Thường xuyên đánh giá, kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng cùng với công bố kịp thời những thông tin liên quan đến quá trình đào tạo để người học và xã hội giám sát. Đổi mới hoạt động đào tạo giáo viên dựa theo chuẩn đầu ra cho sinh viên sư phạm gắn với chuẩn nghề nghiệp.

Thứ hai, đào tạo sư phạm gắn với nhu cầu xã hội. Tuyển sinh của các trường sư phạm tránh ồ ạt, cần đảm bảo nguyên tắc chỉ tiêu tuyển sinh gắn với nhu cầu của từng địa phương, vùng, miền để đảm bảo khi sinh viên ra trường được tuyển dụng làm việc, giảng dạy trong các cơ sở giáo dục.

Thứ ba, tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Bồi dưỡng thường xuyên giáo viên là hoạt động vô cùng quan trọng, giúp nâng cao năng lực nhà giáo và đảm bảo chuẩn nghề nghiệp như Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; Năng lực tìm hiểu đối tượng và môi trường giáo dục; Năng lực dạy học; Năng lực giáo dục; Năng lực hoạt động chính trị, xã hội và Năng lực phát triển nghề nghiệp với những tiêu chí cụ thể. Bồi dưỡng thường xuyên để đảm bảo giáo viên được cập nhật các kiến thức sư phạm mới, tiên tiến trên thế giới. Định hướng đổi mới giáo dục “ lấy người học làm trung tâm”, nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh đòi hỏi giáo viên phải thay đổi mới có thể đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Ngoài bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên để nâng cao trình độ chuyên môn, nhất thiết cần bồi dưỡng giáo viên về Phương pháp dạy học để giáo viên có đầy đủ khả năng hướng dẫn học sinh phải tự học nhiều hơn, phải biết huy động tổng thể kiến thức, kĩ năng, tiềm lực, năng lực sáng tạo.

Thứ tư, tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ sáu khoá XII trong việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên; xác định số giáo viên thừa, thiếu từng cấp học, môn học; thực hiện tốt việc đánh giá, xếp loại giáo viên và thực hiện tinh giản biên chế đối với giáo viên không đáp ứng được yêu cầu mới đặt ra.

Thứ năm: Xây dựng hệ thống thang bảng lương riêng cho đội ngũ giáo viên để thu hút người giỏi vào sư phạm. Cần có hệ thống thang bảng lương riêng được xác định theo các vị trí việc làm, trả lương trên cơ sở mức độ phức tạp và chất lượng, hiệu quả của công việc. Trong đó, lương nhà giáo được thực hiện đúng chủ trương của Đảng được nêu tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất với Chính phủ thực hiện những giải pháp để nâng cao đời sống đối với đội ngũ giáo viên qua đó thu hút nhân tài và khuyến khích các em học sinh giỏi thi vào các trường sư phạm. Nghiên cứu chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm trong thời gian học và sau khi ra trường. Nghiên cứu, rà soát và đề xuất chế độ, chính sách tuyển dụng, sử dụng, lương, phụ cấp và thu nhập của giáo viên,...

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là nhiệm vụ xuyên suốt của ngành Giáo dục và cần có thời gian và lộ trình. Giáo viên là nhân tố quyết định thành công của của sự nghiệp giáo dục. Thực tiễn đã chỉ ra rằng, nếu được quan tâm đào tạo tại các trường sư phạm, được tạo điều kiện tốt về công ăn việc làm, về  thu nhập, được trân trọng những cống hiến trong công việc thì chất lượng giáo viên sẽ được tăng lên rõ rệt. Trách nhiệm của ngành Giáo dục và của toàn xã hội sẽ tạo ra điều kiện, môi trường tốt nhất để giáo viên được yên tâm, ổn định, phát triển và cống hiến góp phần quan trọng trong sự phát triển chung của đất nước.

   Đỗ Hữu Nhân

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin liên quan