KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Gương điển hình
Đăng ngày: 03/11/2017 - Lượt xem: 146
Nghị lực vươn lên của người phụ nữ có đôi chân tật nguyền

Chỉ vào chiếc máy khâu cũ kỹ kê ngay ngắn ở góc tường chị bảo“Đó chính là tài sản quý giá, gắn bó máu thịt với anh chị những ngày đầu gian khổ. Bởi thế, dù năm lần, bảy lượt chuyển nhà, đi tới đâu anh chị cũng mang theo như một người bạn tri kỷ không thể xa rời. Nó gợi nhớ về quãng thời gian bộn bề lo lắng nhưng tràn đầy tình yêu thương, chia sẻ vợ chồng và quan trọng hơn, chiếc máy khâu luôn nhắc nhở chị phải nghị lực vươn lên cho dù cuộc sống có khó khăn tới đâu.

Chị Nguyễn Thị Nhờ (ảnh trái) chụp ảnh lưu niệm với Chủ tịch Hội LHPN xã Nhân Hòa, Mỹ Hào (Ảnh do nhân vật cung cấp)
 

Chị Nguyễn Thị Nhờ sinh năm 1958 tại thôn Yên Tập, xã Nhân Hòa, huyện Mỹ Hào. Khi sinh ra, chị Nhờ cũng lành lặn như bao đứa trẻ bình thường khác. Năm 2 tuổi, tai họa bất ngờ ập đến, cơn sốt bại liệt kéo dài mấy ngày làm hai chân chị bị teo cứng không thể di chuyển bình thường được. Thương con, bố mẹ cõng chị chạy vạy khắp nơi tìm cách chữa trị nhưng bệnh tình cũng không thuyên giảm. Đôi chân của cô bé Nhờ cứ ngày một teo dại, co quắp theo thời gian. Ở cái tuổi ngây thơ, hiếu động ấy, Nhờ chưa hiểu nỗi đau mình phải gánh chịu. Đôi chân cứ nhào ra phía trước như muốn chạy nhảy, vậy là, sẹo lớn, sẹo bé cứ ngày một chồng chéo lên nhau.

Mỗi bước đi là cả sự khó nhọc nhưng cô bé có đôi chân tật nguyền ấy vẫn khát khao được cùng chúng bạn đến trường. Hình ảnh cô bé Nhờ với những bước đi xiêu vẹo đã trở nên quen thuộc với nhiều người trong xóm, với bạn bè và thày cô. Chăm chỉ học hành nhưng hết cấp II, Nhờ phải nghỉ học, quãng đường từ nhà đến trường cấp III thì xa mà sức khỏe của Nhờ lại yếu dần. Khoảng thời gian đó là những chuỗi ngày dài với những giọt nước mắt, cô bé Nhờ hồn nhiên, lạc quan yêu đời bỗng sống thu mình, nhất là khi Nhờ bắt đầu hiểu về cuộc sống và cảm nhận được sự khiếm khuyết trên cơ thể mình. Nhưng mỗi ngày quanh quẩn ở nhà, bất kể nắng mưa, sớm tối, nhìn bố mẹ oằn lưng với ruộng đồng, lại làm thuê làm mướn đủ nghề để kiếm miếng cơm, manh áo cho 9 đứa con, Nhờ không còn khóc nữa. Nhờ tự động viên mình phải sống lạc quan, có ích để không là gánh nặng của gia đình.

Đến tuổi trưởng thành, người con gái nhỏ bé ấy cũng khao khát một mái ấm gia đình và những tiếng cười trẻ thơ. Khát khao là thế nhưng cứ mỗi lần nghĩ đến hạnh phúc chị lại nhìn đôi chân yếu ớt, mềm nhũn của mình. Đôi chân tật nguyền là mặc cảm, là rào cản lớn nhất chị để đến với hạnh phúc.

Thế nhưng, duyên trời như gắn kết, chị gặp anh, một chàng trai nghèo cũng với đôi chân tật nguyền. Với sự cảm thông, chia sẻ giữa những người cùng cảnh ngộ, anh chị quyết định đến với nhau, vượt qua số phận, vượt qua khó khăn để đi tìm hạnh phúc của đời mình. Quyết định là thế, nhưng anh chị gặp phải sự phản đối kịch liệt của hai bên gia đình. Bởi với họ, hai con người ấy sống riêng lẻ thôi đã khó khăn rồi, đến với nhau biết làm gì mà sống, tương lai cũng chỉ mịt mù, bế tắc mà thôi.

 Vượt qua sự ngăn cấm đó, anh chị đến với nhau bằng tất cả tình yêu thương, sự cảm thông. 23 tuổi, chị lấy anh khi hai người chỉ có bàn tay trắng, không nhà cửa, không ruộng vườn. Cuộc sống mưu sinh của đôi vợ chồng trẻ bắt đầu là những ngày dài đầy gian khó. Biết hoàn cảnh của mình, chị động viên chồng lấy tay làm chân, tự tìm cách mưu sinh bằng chính sức lực của mình.

Có sự động viên của chị, anh từ chỗ đi lại phải có sự giúp đỡ hoàn toàn của người khác đã luyện tập di chuyển bằng chính đôi tay của mình. Những lúc mệt nhoài, đau đớn, những lúc tưởng chừng không thể vượt qua được nhưng cứ nhìn đôi mắt dõi theo của vợ anh lại cố gắng tập lê từng bước. Trời chẳng phụ lòng người, sau một thời gian luyện tập kiên trì và gian khổ, anh đã có thể di chuyển trên chính đôi tay của mình.

Chị bàn với anh mua chiếc máy may, nhận may, sửa chữa quần áo cho người dân trong xóm. Không có đôi chân nhanh nhẹn, khỏe mạnh, nhưng bù lại chị có đôi bàn tay khéo léo và sự cần cù. Những bộ quần áo chị cặm cụi cắt may, sửa chữa được người dân trong xóm đón nhận. Với những người bình thường ngồi lâu làm việc cũng đã vất vả, với những người đau yếu như chị việc ngồi lâu lại càng khó khăn hơn. Đôi bàn chân yếu ớt đạp từng vòng máy nhiều khi đau đến tê dại nhưng lúc nào chị cũng tự động viên mình phải cố gắng vượt qua. Tuy thu nhập cũng chẳng đáng là bao nhưng anh chị cũng có thể sống qua ngày bằng chính sức lao động của mình.

Không dừng lại, chị mạnh dạn bàn với anh xin chính quyền cho dựng một túp lều nhỏ ven đường. Số tiền anh chị chắt chiu dành dụm được từ nghề may được đầu tư vào hàng tạp hóa. Thêm vào đó, anh chị còn mua máy làm đá, làm kem. Dưới mái lều nhỏ, đôi vợ chồng chịu thương chịu khó ấy chẳng quản nắng mưa, ngày đêm tần tảo với máy may, làm đá, làm kem phục vụ bà con trong xóm. Cảm thương với hoàn cảnh khó khăn, yêu quý sự thật thà, mau mắn, đôn hậu của vợ chồng chị, sản phẩm của anh chị làm ra được bà con trong xóm ủng hộ rất nhiều.

Hai mảnh đời ghép lại mang đến hạnh phúc cho nhau, ngày chị sinh cô con gái khỏe mạnh, xinh xắn là ngày anh chị vỡ òa trong hạnh phúc. Bà con kéo đến chia vui, túp lều nhỏ bé, tuềnh toàng rộn rã tiếng nói cười. Chị biết, có con cuộc sống của anh chị sẽ phải lo toan rất nhiều. Nhưng cả anh và chị đều hiểu rõ, con gái là món quà vô giá, là nguồn động lực to lớn giúp anh chị vượt qua mọi khó khăn. Nhớ về quãng thời gian cùng cực đó, chị kể: có đợt anh đau ốm triền miên, con nhỏ nhưng chị vẫn phải đi làm đồng, về nhà thấy con đói khóc lả đi, chồng ốm liệt giường chỉ biết ôm con mà không đủ sức bế, giữu lúc ấy, ngôi nhà đi ở nhờ lại bị chủ nhà đòi. Rồi khi chuyển ra túp lều, có những đêm mưa bão tốc hết mái, anh chị phải ôm con nép vào gầm giường trú mưa…những lúc ấy chị cũng thấy kiệt quệ, nhưng chị không than thân trách phận, bởi chị hiểu, bản thân mình chính là điểm tựa quan trọng nhất với chồng con.

Đã thấm thía nỗi khổ của người không cửa không nhà nay đây mai đó, đã phải trải qua hết ở nhờ, ở trọ, ở lều, số tiền tích cóp dành dụm được bao năm được anh chị quyết tâm xây một ngôi nhà nhỏ. Nhận thấy địa bàn xã Nhân Hòa tập trung nhiều trường học, doanh nghiệp, lại còn chút vốn liếng trong tay, anh chị mua thêm đất xây phòng trọ cho sinh viên, công nhân thuê. Hàng tháng, số tiền thu được từ nhà trọ anh chị đầu tư vào mở rộng cửa hàng. Từ chỗ không nhà, đến nay, anh chị đã có 3 suất đất, hàng tháng nguồn thu nhập từ cửa hàng tạp hóa và nhà trọ giúp cuộc sống của anh chị ổn định hơn.

Cuộc sống khó khăn là vậy nhưng quyết tâm  lớn nhất của anh chị làm sao để chăm sóc, nuôi dạy con gái ăn học nên người. Thương bố mẹ, cô con gái duy nhất của anh chị ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành. Hiện nay, con gái chị đang công tác tại trường cấp II xã Phan Đình Phùng.

Đã trải qua những ngày gian khổ, cùng cực nên anh chị rất thấu hiểu và chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ. Chị bảo: Cuộc sống không chỉ dừng lại ở đồng tiền bát gạo mà cần có tình thương và lòng nhân ái, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Bởi vậy, giúp đỡ được ai trong khả năng chị cũng gắng làm. Chị giúp đỡ trẻ em mồ côi, người già cơ nhỡ; cho nhiều hộ nghèo trong xã vay vốn làm ăn không lấy lãi; mọi phong trào ủng hộ, quyên góp của địa phương anh chị đều tích cực tham gia. Hơn nữa, hàng ngày gần gũi, thân thiết với các cháu sinh viên ở trọ, anh chị luôn động viên, chia sẻ khuyên bảo với các cháu chuyện học hành, chuyện cuộc sống. Có em vướng mắc chuyện tình cảm đều tìm đến anh chị sẻ chia và được anh chị chỉ bảo ngọn ngành; có em bị mất máy tính anh chị sẵn sằng không thu tiền nhà mấy tháng, lại nuôi ăn để tạo điều kiện cho em có tiền mua lại máy. Tấm lòng nhân hậu của anh chị được mọi người trong xóm làng yêu quý, kính trọng, nhiều em sinh viên ra trường vẫn hay gọi điện về hỏi thăm, động viên sức khỏe vợ chồng chị.

Chị chia sẻ: Chuỗi ngày dài đeo đẳng với đau yếu, nhọc nhằn vất vả rồi cũng nguôi ngoai, niềm hạnh phúc lớn nhất của chị giờ đây là gia đình khỏe mạnh, con cái ngoan ngoãn và hai đứa cháu ngoại học hành giỏi giang. Nhìn con gái tất bật nấu bữa cơm sum họp cuối tuần, tiếng cười đùa của mấy ông cháu, chị biết hạnh phúc không còn là mơ ước, nó đang hiện hữu từng ngày, từng giờ trong ngôi nhà nhỏ đầy yêu thương này. Và dù phía trước còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng nhất định chị cũng sẽ mạnh mẽ vượt qua.

Hiện tại, ngoài thời gian bán hàng, chị còn tích cực tham gia hoạt động của hội phụ nữ thôn, câu lạc bộ hát chèo huyện, câu lạc bộ người cao tuổi. Chị cười bảo: Ngày còn trẻ chị cũng say mê văn nghệ, anh giỏi đàn hát nhưng mải lo cuộc sống chưa có thời gian tham gia. Giờ đây, khi cuộc sống đã ổn định, được tham gia các hoạt động tập thể đó chị thấy cuộc sống vui vẻ và có ý nghĩa lên nhiều.

Nhìn nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của người phụ nữ đã trải qua quá nhiều khó khăn, tôi càng cảm phục nghị lực, sự lạc quan, yêu đời của chị.

Chia tay anh chị ra về, trong lòng tôi không khỏi xúc động về câu chuyện cuộc đời anh chị. Tôi tin rằng, trong ngôi nhà nhỏ ấm áp ấy, hai con người tưởng chừng nhỏ bé, yếu ớt vẫn sẽ mạnh mẽ vươn lên, sẽ luôn ở cạnh nhau, dựa vào nhau, yêu thương, che chở cho nhau như đúng cái tên đầy duyên phận của anh chị “Cậy- Nhờ”.

Tôi đã từng nghe ai đó nói rằng: Ngọn nến cong, ngọn nến thẳng khi thắp lên đều sáng lung linh. Và khi gặp chị, nghe câu chuyện về cuộc đời chị, tôi càng thấm thía hơn câu nói đó. Tôi chợt nhận ra rằng, chị - một “ngọn nến cong” vẫn đang rực rỡ cháy hết mình.

Nguyễn Thị Liên

Tin liên quan