KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Gương điển hình
Đăng ngày: 27/10/2015 - Lượt xem: 130
Người phụ nữ làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình hạnh phúc

Sinh ra và lớn lên tại thôn Yên Xá, xã Phan Đình Phùng, huyện Mỹ Hào, năm 1990, chị Trần Thị Cảnh về làm dâu trong điều kiện gia đình nhà chồng gặp nhiều khó khăn. Biết hoàn cảnh gia đình bên chồng nghèo, lại đông anh em, không có đất làm nhà riêng, anh chị đã cố gắng vay mượn được mấy trăm nghìn đồng để mua một mảnh đất. Từ đôi bàn tay trắng, đôi vợ chồng trẻ chẳng quản nắng mưa, tần tảo sớm chiều với ruộng vườn. Đất chẳng phụ công người, sau mấy mùa thu hoạch, lại biết tiết kiệm trong chi tiêu, vợ chồng chị đã tích cóp được ít vốn xây ngôi nhà nhỏ.

Hạnh phúc đến với đôi vợ chồng trẻ khi chị sinh con gái đầu lòng, nhưng cũng từ đây kinh tế của gia đình ngày càng khó khăn hơn, trong khi đó nguồn thu nhập chính của vợ chồng chị chỉ trông chờ vào 2 vụ lúa. Trăn trở với cuộc sống bộn bề lo toan trước mắt, chị mạnh dạn bàn với chồng nhận thêm 1,5 mẫu ruộng cấy lúa với mong muốn có thêm thu nhập để cuộc sống bớt khốn khó. Nhưng thu nhập từ lúa cũng chẳng đáng là bao trong khi làm nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên.
Cuộc sống gia đình càng khó khăn hơn khi năm sau chị sinh thêm con gái thứ hai. Ngày ngày vợ chồng chị “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” những cái khó, cái khổ vẫn cứ đeo đẳng. Không bằng lòng với cuộc sống hiện tại, vợ chồng chị quyết tâm phải làm gì đó để cuộc sống gia đình bớt khó khăn. Nhận thức được người dân quê chị chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nhu cầu về các sản phẩm vật tư nông nghiệp cao, trong khi đó ở xã có rất ít cửa hàng cung ứng vật tư nông nghiệp, người dân muốn mua phải đi sang các xã khác. Hơn thế, đã từng rơi vào hoàn cảnh phải chạy vạy khắp nơi để vay tiền mua phân bón, chị Cảnh thấu hiểu được nỗi khổ của những người nông dân quê mình. Bởi thế, sau một thời gian học hỏi, tham khảo kinh nghiệm từ nhiều nơi, cuối cùng anh chị cũng quyết định vay 6 triệu đồng với lãi suất 3% để mở cửa hàng cung ứng phân bón trả chậm và vật tư nông nghiệp. Người nông dân vốn chỉ quen với cây ngô, cây lúa như vợ chồng chị khi bước chân vào kinh doanh không tránh khỏi nhiều ngỡ ngàng. Anh chị phải kiên trì vừa học, vừa làm và rút kinh nghiệm. Do đáp ứng được nhu cầu của người dân trong xã nên việc buôn bán của vợ chồng chị bước đầu thuận lợi.

Chị Trần Thị Cảnh
 

Khi công việc kinh doanh dần đi vào ổn định, có được ít vốn trong tay, anh chị lại mạnh dạn đầu tư kinh doanh thêm mặt hàng gạo. Do biết tính toán lấy công làm lãi, phục vụ nhiệt tình, có uy tín với mọi người, khách hàng của gia đình chị không chỉ là những người dân trong xã mà còn mở rộng ra cả các xã lân cận. Sau 2 năm gia đình chị đã hoàn trả hết số vốn vay ban đầu, số tiền lãi thu được vợ chồng chị lại tiếp tục đầu tư mở rộng cửa hàng.
Không dừng lại ở đó, đến năm 1996, vợ chồng chị mở thêm cửa hàng cung cấp vật liệu xây dựng, mua xe công nông chở hàng. Người phụ nữ chăm chỉ, năng động ấy cũng chẳng quản ngại công việc nặng nhọc, thậm chí có những khi chồng bận việc, chị còn thay anh lái công nông chở vật liệu xây dựng cho khách hàng.
Khi trong tay có được nguồn vốn tương đối dồi dào, không chỉ tập trung vào kinh doanh vật tư  nông nghiệp, kinh doanh gạo, kinh doanh vật liệu xây dựng, với sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm, chị lại tiếp tục đầu tư vốn để mở rộng thêm của hàng điện tử. So với số vốn ban đầu bỏ ra, hiện nay nguồn vốn đầu tư của vợ chồng đã lên tới trên 1 tỷ đồng. Hàng năm, trừ chi phí vợ chồng chị Cảnh đã tích lũy được khoảng trên 200 trăm triệu đồng. Kinh tế gia đình khá giả, vợ chồng chị xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm nhiều trang thiết bị hiện đại và đầu tư cho 2 con học hành chu đáo.
Với anh chị Cảnh, việc kinh doanh dù bận rộn đến đâu thì việc gia đình vẫn phải ưu tiên hàng đầu. Chị đã tận tình chăm sóc mẹ chồng nhiều năm ốm đau cho tới khi mất, bố chồng bị tai biến 6 năm nay chị cũng ân cần phụng dưỡng tận tình. Bởi thế, chị được anh chị em trong gia đình, họ hàng và hàng xóm tin tưởng, yêu mến. 
Vượt qua được áp lực sinh hai cô con gái, bởi chồng chị còn gánh vác cả công việc của cả gia đình và dòng họ, chị luôn tâm niệm nuôi dạy con trở thành người có ích mới là điều quan trọng. Chị tâm sự: Có đôi lúc thấy cũng phiền lòng nhưng có chồng luôn ở bên cạnh, quan tâm, động viên chị thấy có thêm động lực để cố gắng nhiều hơn nữa. Hiểu được nỗi vất vả của bố mẹ, hai cô con gái của anh chị ngoan ngoãn, học hành giỏi giang và đều có công việc ổn định. Hiện nay, con gái lớn của vợ chồng chị đã tốt nghiệp thạc sĩ trường Đại học Văn hóa Hà Nội và công tác tại Viện Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, con gái thứ hai đã tốt nghiệp trường Y và công tác tại Viện nhiệt đới Trung ương.
Đi lên từ những khó khăn, vất vả nên gia đình chị Cảnh rất hiểu và cảm thông với những gia đình còn nhiều khó khăn. Bởi thế, vợ chồng chị đã chủ động giúp đỡ các hộ gia đình khác vươn lên thoát nghèo bằng cách cho vay vốn, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, với vai trò là một hội viên phụ nữ tại địa phương, chị Cảnh luôn tích cực tham gia, hưởng ứng các hoạt động do Hội cơ sở tổ chức, nhiệt tình giúp đỡ các chị em hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Ủng hộ các phong trào của Hội. Trong nhiều năm liền, chị Cảnh được Hội Liên hiệp phụ nữ xã Phan Đình Phùng công nhận là hội viên xuất sắc, tiêu biểu; mặt khác, gia đình chị nhiều năm liền được nhận danh hiệu gia đình Văn hóa, mẫu mực, luôn chấp hành tốt chủ chương chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương đề ra, gương mẫu trong cuộc sống hàng ngày.
Chị Trần Thị Cảnh là tấm gương điển hình về tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, biết vươn lên làm giàu chính đáng và xây dựng gia đình hạnh phúc. Những thành quả có được ngày hôm nay của chị thật đáng trân trọng. Chị đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ nông thôn, xứng đáng là tấm gương sáng để chị em phụ nữ học tập và noi theo.

Phòng Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
 

Tin liên quan