KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Gương điển hình
Đăng ngày: 17/09/2015 - Lượt xem: 180
Những điển hình tiên tiến tỉnh Hưng Yên (2010 - 2015)

Trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 - 2015, trên địa bàn tỉnh ta đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến. Từ trong công việc hàng ngày, mỗi người đều có những hành động đẹp, sáng kiến hay, thành tích cao đem lại giá trị về vật chất, tinh thần cho tập thể, góp sức cho sự phát triển của quê hương, đất nước.  Tuyengiaohungyen.vn trân trọng giới thiệu 5 điển hình tiên tiến đã được vinh dự báo cáo thành tích tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Hưng Yên lần thứ VIII (2015 - 2020).

Xã Đình Cao: Phát huy truyền thống, xây dựng quê hương giàu mạnh, xứng đáng với lời Bác Hồ khen ngợi, động viên

Trong 5 năm (2010-2015), phát huy truyền thống của quê hương, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự điều hành của chính quyền và sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đình Cao đạt nhiều kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững trật tự trị an, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị…Hầu hết các chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội đều vượt và đạt so với chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 13,83% (tốc độ tăng trưởng bình quân của huyện Phù Cừ là 13,55%); thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt 31,3 triệu đồng/người/năm, tăng 13,9 triệu đồng so với năm 2010; giá trị thu trên 1 ha đất canh tác đạt 92,815 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,98%. Xã có 5/5 thôn giữ vững danh hiệu làng văn hóa sau 3 năm liên tục; 95% số gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xã đã chỉ đạo quyết liệt đổi mới cơ cấu cây trồng, cơ cấu trà vụ. Đến năm 2015, 100% diện tích lúa vụ xuân được gieo cấy trà xuân muộn theo đúng sự chỉ đạo của tỉnh và của huyện; năng suất lúa đạt cao và được giữ ổn định, năm 2014 đạt 125,8 tạ/ha. Xã có 43 trang trại với diện tích 14 ha theo mô hình sản xuất VAC, giá trị thu nhập của 1 ha đất trang trại đạt trên 200 triệu đồng/năm.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tiếp tục dồn thửa, đổi ruộng đất nông nghiệp thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế, thực hiện việc dồn thửa đổi ruộng; làm bờ vùng, bờ thửa, hệ thống mương máng nội đồng được trên 100 km, tổng kinh phí thực hiện trên 5,8 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 4,6 tỷ đồng; làm được trên 20 km đường giao thông nông thôn bằng bê tông theo tiêu chí nông thôn mới, tổng kinh phí trên 21 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 18 tỷ đồng. Đến tháng 6/2015, xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận đạt Chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015.

Phát huy thế mạnh của địa phương trong phát triển ngành, nghề phụ, Đảng ủy, Uỷ ban nhân dân xã đã quan tâm tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích, động viên các thành phần kinh tế, đầu tư phát triển các ngành nghề sản xuất đa dạng có qui mô vừa và nhỏ gắn với phát triển nông thôn như: Sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất chế biến gỗ, gò, hàn, xây dựng, may mặc, chế biến thực phẩm. Công ty may Phú Hưng đóng trên địa bàn xã thu hút, tạo công ăn việc làm cho từ 600 đến 800 lao động của địa phương, thu nhập từ 3 triệu đến 5 triệu đồng/người/tháng. Hợp tác xã mây tre đan xuất khẩu chuyển đổi hình thức kinh doanh sang sản xuất hương xuất khẩu, tạo việc làm cho 100 đến 200 lao động, thu nhập từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng/người/tháng. Giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp liên tục tăng: Năm 2010 đạt 47 tỷ 105 triệu đồng, năm 2014 đạt 109 tỷ 200 triệu đồng, tăng 62 tỷ 095 triệu đồng, tăng bình quân 23,5%/năm.

Các chính sách của Đảng và Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, xã hội được Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã tập trung lãnh đạo, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là đối với những hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 12% năm 2010 xuống còn 2,98% năm 2014. Giáo dục, đào tạo được quan tâm, 100% số cháu 6 tuổi vào lớp 1; từ năm 2010 đến năm 2014, xã có 4 em học sinh giỏi cấp Quốc gia; 30 em học sinh giỏi cấp tỉnh và 135 em học sinh giỏi cấp huyện; trung bình mỗi năm, có 55-60 học sinh trung học phổ thông thi đỗ đại học. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác y tế, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác gia đình và trẻ em được chú trọng, nhiều năm, trên địa bàn không có dịch bệnh xảy ra. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ ổn định. Thực hiện tốt công tác huấn luyện, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên; triển khai tốt công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ đảm bảo 100% chỉ tiêu giao quân.

Với những kết quả đạt được trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đình Cao được nhiều cấp, ngành khen thưởng, tiêu biểu như: Được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Cờ tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu 5 năm liền (2008 - 2012); được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận danh hiệu chính quyền trong sạch vững mạnh tiêu biểu cấp tỉnh 10 năm liền; được Tỉnh ủy tặng Bằng khen có thành tích trong 10 năm thực hiện Nghị quyết TW 5 (khoá IX) về đổi mới nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở và Bằng khen có thành tích trong thực hiện Nghị quyết TW 5 (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc...

Phòng TTCTTG

Công đoàn Công ty TNHH VAP với việc động viên công nhân và lao động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; chăm lo cải thiện đời sống của công nhân

Công đoàn Công ty TNHH sản xuất phụ tùng ô tô xe máy Việt Nam (VAP) đóng trên địa bàn huyện Văn Lâm có tổng số đoàn viên công đoàn/công nhân viên chức lao động: 2113/2320. Trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện của Liên đoàn Lao động huyện Văn Lâm, Ban Giám đốc Công ty, đặc biệt là sự cố gắng không ngừng của toàn thể các đoàn viên, hoạt động Công đoàn và phong trào công nhân lao động của Công ty đã đạt nhiều thành tích, góp phần quan trọng hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch của Công ty đề ra.

  Hàng năm, Công đoàn phối hợp với chuyên môn tổ chức tốt Hội nghị người lao động, tiến hành sửa đổi... theo quy định, tổ chức đối thoại định kỳ góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp. Công đoàn phối hợp với Ban Giám đốc Công ty phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất như phong trào “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”…Phong trào “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”... Vì vậy, từ năm 2010 đến nay đã có trên 327 sáng kiến, cải tiến của người lao động làm lợi cho Công ty trên 25 tỷ đồng. Tiêu biểu là đồng chí Trịnh Thị Phi Nhíp- nhân viên phòng Kỹ thuật, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty: Năm 2011, đồng chí đã có sáng kiến làm lợi 2,3 tỷ đồng/năm được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo, năm 2012 đồng chí được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh, năm 2015 đồng chí được tham dự Đại hội thi đua Tổng Liên đoàn và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Đồng chí Nguyễn Văn Tuân - nhân viên Phòng Kỹ thuật có 03 sáng kiến làm lợi gần 700 triệu đồng/năm được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo năm 2011. Đồng chí Nguyễn Văn Hiến - Nhân viên bộ phận máy Công ty: năm 2014 đồng chí đã có sáng kiến làm lợi 793 triệu đồng cho doanh nghiệp, năm 2015 được Liên đoàn Lao động tỉnh biểu dương “Lao động giỏi” và đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo.

  Phong trào hoạt động nhóm nghiên cứu đề tài, sáng kiến (NHC) không chỉ mang lại hiệu quả cao cho Công ty mà còn được tham dự và đạt giải nhất tại Đại hội NHC Châu Á, đồng thời được mời đại diện đi tham dự Đại hội NHC toàn Thế giới do Tập đoàn Honda tổ chức.

  Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Công đoàn đã tham mưu đề xuất với Lãnh đạo Công ty hỗ trợ 9 máy bơm nước công suất lớn, 07 giếng khoan, 16 bộ bàn ghế, vi tính, 20 xe chở rác cho các xã nghèo thuộc địa bàn huyện Văn Lâm với số tiền trị giá trên 600 triệu đồng.

Đại diện Công ty VAP trao tiền hỗ trợ môi trường cho huyện Văn Lâm

Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ là sản xuất, kinh doanh, các hoạt động công đoàn được Ban giám đốc Công ty rất quan tâm, chú trọng nên đạt nhiều thành tích.

Trong những năm qua, tình hình kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, kinh tế thế giới suy thoái, công việc ngày một giảm dần, đời sống công nhân lao động gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Ban Chấp hành Công đoàn đã tham mưu với Ban Giám đốc công ty tạo kinh phí hỗ trợ công nhân lao động khắc phục khó khăn (phụ cấp đặc biệt), thường xuyên tổ chức đối thoại tại nơi làm việc nhằm giải quyết những ý kiến, kiến nghị của công nhân lao động, tính trượt giá để bình ổn lương cho người lao động, đảm bảo mức thu nhập của người lao động ổn định từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Phối hợp với Ban Giám đốc Công ty ký kết thoả ước lao động tập thể với công nhân lao động với nhiều quy định có lợi cho người lao động như: Bổ sung trợ cấp xăng xe, trợ cấp nuôi con nhỏ... Thực hiện kiểm tra giám sát bữa ăn công nghiệp định kỳ.

Hàng năm Công đoàn Công ty tham mưu với Ban Giám đốc tổ chức và duy trì thường xuyên các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tham gia giải bóng đá doanh nghiệp, đăng cai tài trợ cho giải bóng chuyền do Liên đoàn Lao động huyện Văn Lâm tổ chức, chăm lo đời sống, tinh thần cho đoàn viên như: Thăm hỏi đoàn viên ốm đau; tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, ngày 8/3 và 20/10 cho nữ công nhân lao động; cho các cháu thiếu nhi là con đoàn viên nhân ngày 1/6, các cháu đạt học sinh giỏi, tiên tiến... đặc biệt đã tổ chức hiệu quả Ngày gia đình Việt Nam hàng năm với sự tham gia của hàng ngàn lượt công nhân lao động.

Ngoài ra hàng năm Ban Chấp hành Công đoàn còn phối hợp với chuyên môn tổ chức thăm, tặng quà cho nạn nhân chất độc màu da cam mỗi năm hàng chục xuất quà trị giá hàng trăm triệu đồng, tặng quà cho các gia đình thương binh liệt sỹ, cho các cháu thiếu nhi nghèo trong huyện nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, xây nhà tình nghĩa cho 1 hộ nghèo huyện Văn Lâm tại thôn Hành Lạc, thị trấn Như Quỳnh, nhận trợ cấp lâu dài cho 01 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng với số tiền trợ cấp 4 triệu đồng/1 năm.

Với những kết quả trên, năm 2011, Công đoàn Công ty được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Cờ thi đua, năm 2012, 2013 được Liên đoàn Lao động tỉnh tặng Bằng khen, năm 2014 được Tổng Liên đoàn Lao động tặng Bằng khen.

Phòng GDLLCT

Anh Đỗ Văn Chuyên làm giàu từ sản phẩm nông nghiệp sạch

Trước nguy cơ thực phẩm bẩn đang là một trong những nguyên nhân chính gây ra nhiều bệnh tật cho người tiêu dùng hiện nay, nhiều đơn vị, cá nhân đã chuyển hướng sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm sạch. Tuy nhiên, để sản xuất thực phẩm sạch thì phải đầu tư số vốn ban đầu khá lớn, lại tốn nhiều công sức và cả trí tuệ để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Bắt nhịp được với xu thế tiêu dùng của thị trường, anh nông dân Đỗ Văn Chuyên ở Thôn Trai Trang (thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ) đã mạnh dạn đầu tư theo hướng sản xuất các mặt hàng nông sản sạch. Từ sự táo bạo và ý chí quyết tâm vượt khó làm giàu, anh Chuyên đã không chỉ mở ra một hướng làm giàu cho nông dân địa phương mà còn góp phần tạo ra những sản phẩm nông nghiệp thân thiện.

Là người gắn bó từ ấu thơ với ruộng đồng nên tuy còn trẻ, nhưng về độ “tri điền” của anh nông dân Đỗ Văn Chuyên đã được các lão nông trong làng đánh giá cao. Thấy khu ruộng đồng Bài (thôn Trai Trang, thị trấn Yên Mỹ) chỉ gieo cấy được một vụ lúa xuân, còn vụ mùa thường hay bị ngập úng, nhiều gia đình bỏ ruộng không sản xuất, anh đã nhiều ngày trăn trở, nhiều đêm đau xót trước những mảnh ruộng bị bỏ hoang. Năm 2003, nhân trong toàn tỉnh đang thực hiện phong trào dồn điền đổi thửa, anh Chuyên đã mạnh dạn đề nghị với thôn, chi hội nông dân dồn thửa đổi ruộng cho gia đình nhà anh về khu ruộng đồng Bài. Đồng thời, anh xin nhận đấu thầu ruộng công điền của Ủy ban nhân dân thị trấn để làm trang trại với tổng diện tính là 39.000 m2. Hiểu được kinh nghiệm của các cụ “nhất canh trì, nhì canh điền”, với lòng say mê làm kinh tế trang trại, phát triển kinh tế hộ và làm giàu chính đáng, từ khu ruộng xa, hay ngập úng gieo cấy bấp bênh không có lợi nhuận, anh đã lập dự án chuyển đổi thành khu trang trại, có khu thả cá, chăn nuôi và khu trồng trọt theo mô hình VAC. Được cấp trên cho phép, anh Chuyên đã đào ao thả cá 18.000m2, lấy đất làm vườn trồng cây 19.000m2, làm chuồng chăn nuôi 2.000m2. Trên khu đất vườn, anh trồng cây hàng năm để lấy ngắn nuôi dài. Đồng thời, anh trồng cây ăn quả, thả cá, nuôi lợn hướng nạc... Từ lúc kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn do phải đầu tư ban đầu đến nay, trang trại của anh dần vào ổn định và ngày một phát triển.

Thấy những triển vọng từ một nhân tố mới, năm 2010 Hội Nông dân và Lãnh đạo thị trấn Yên Mỹ đã tạo điều kiện cho anh đi dự hội thảo, tập huấn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Cùng với những kiến thức được tập huấn, anh Đỗ Văn Chuyên còn tìm hiểu qua các sách báo, tài liệu và trên mạng Internet về mô hình cây, con giống mới chất lượng cao. Khi đã tập hợp đủ kiến thức, theo khả năng kinh tế và cơ sở vật chất của mình, anh đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình nuôi cá theo hướng VietGAP và nuôi lợn theo hướng an toàn thực phẩm. Với diện tích 18.000 m2 thủy sản gia đình anh sử dụng 15.000 m2  thả các loại cá trắm; chép; trôi, mè... 3.000 m2  còn lại, anh dành để nuôi cua. Năm 2014, được sự khuyến khích của Trung tâm Khuyến nông và Hội Nông dân Thị trấn, gia đình anh Chuyên tiếp tục tham gia chương trình nuôi cá rô phi theo tiêu chuẩn VietGAP. Về nuôi lợn, anh Chuyên đã đầu tư xây dựng 01 khu chuồng nuôi khép kín với diện tích 450 m2, đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật tân tiến, mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát, có nguồn nước sạch để tắm và cho lợn ăn, uống. Số lượng lợn trong chuồng cũng luôn giữ ổn định, 20 con lợn nái, 30 con lợn thịt, 30 con lợn choai, 100 lợn con. Quy trình nuôi thực hiện theo hướng an toàn thực phẩm, được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn một, lợn nái chửa, đẻ, lợn con tách mẹ nuôi đến 50- 60 kg/con được nuôi bình thường. Chế độ ăn, uống đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo về tiêm chủng theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Đến giai đoạn hai, chính là giai đoạn nuôi theo hướng An toàn thực phẩm, cho ra thịt lợn sạch. Đó là lúc đàn lợn được nuôi dưỡng bằng nguồn thức ăn chế biến thủ công, theo công thức riêng mà chính anh Chuyên đã mày mò điều chế ra. Đó là hỗn hợp cám và thuốc bắc. Riêng cám đã có 4 loại: Cá, cám gạo, ngô, đậu tương. Thảo dược cũng phải đủ 10 vị: Kim ngân hoa, Thổ phục linh, Mạch nha, Sơn tra, Thần khúc, Sử quân, Sa tứu, Ngưu tất, Nghệ vàng, Tỏi ta. Tất cả được trộn đều, nghiền nhỏ, sử dụng làm thức ăn hàng ngày cho đàn lợn. Sau giai đoạn đầu, từ 3 tháng đến 3,5 tháng sau, mỗi con lợn đạt khoảng từ 100 kg đến 120 kg anh Chuyên mới xuất lợn thịt thương phẩm. Thời gian nuôi một con lợn kéo dài thêm khoảng 60 ngày so với nuôi bình thường, nhưng chất lượng thịt rõ ràng sạch hơn hẳn. Quy trình chế biến thịt lợn sạch của anh Chuyên cũng được khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thịt lợn thành phẩm được đưa vào nhà lạnh pha chế, khử độc và đóng túi, cung cấp hàng đến tận tay người tiêu dùng theo đơn đặt hàng của khách. Giá thịt lợn an toàn của anh Chuyên không cao, lại khá ổn định. Thời điểm hiện tại giá một ki-lô-gam thịt móc hàm là 85.000 đồng, giá này bình ổn một năm, nếu giá nguyên liệu tăng hoặc thị trường có biến động mới có sự điều chỉnh.

Mô hình nuôi lợn An toàn thực phẩm tham gia dự án phát triển chăn nuôi lợn hướng nạc theo tiêu chuẩn VietGAP của anh Chuyên đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hưng Yên kiểm tra và mang mẫu đi kiểm nghiệm. Theo thông báo kết quả phân tích mẫu, hoàn toàn không có chất cấm trong thức ăn chăn nuôi và không tồn dư chất độc hại trong thịt lợn.

Bên cạnh việc thả cá, chăn nuôi lợn, anh Chuyên còn tập trung trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như bưởi Diễn, chuối tây. Dưới 500 gốc bưởi Diễn và 2000 gốc chuối tây ấy, anh kết hợp trồng xen các loại thảo dược: Kim ngân; Thổ phục linh; Mạch nha; Sơn cha; Thần khúc... dùng làm nguyên liệu chế biến thức ăn trong chăn nuôi. Trong doanh thu trong toàn mô hình VAC tại trang trại một năm khoảng 2.315 triệu đồng, thu nhập từ bưởi diễn và chuối tây của anh góp phần khoảng 250 triệu đồng.

Hạch toán chung, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình anh Đỗ Văn Chuyên thu về khoảng từ 650 đến 700 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, mô hình trang trại của anh Chuyên còn tạo việc làm thường xuyên cho 3-5 lao động và lao động thời vụ cho 20-30 lao động với thu nhập ổn định 3-4 triệu đồng/tháng.

Làm ăn có hiệu quả, tạo được một hướng làm giàu riêng, nhưng anh Chuyên không giấu nghề mà rất tích cực truyền đạt phổ biến hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi đặc biệt là kinh nghiệm chăn nuôi lợn sạch cho hội viên của Câu lạc bộ chăn nuôi của Hội Nông dân thị trấn. Không những thế, với khả năng của gia đình, hàng năm anh Đỗ Văn Chuyên còn tư vấn giúp cho từ 7 - 10 hội viên nông dân về cây, con giống, kinh nghiệm sản xuất để giúp họ thoát nghèo, có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu.

Phòng VHVN

Anh Nguyễn Văn Quynh quên mình vì nhiệm vụ

Năm 2004, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, anh Nguyễn Văn Quynh đã tích cực tham gia vào các hoạt động của địa phương. Tháng 5/2005, khi mới 24 tuổi, anh đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, được phân công về công tác tại Trung đội dân quân thường trực xã Thắng Lợi, huyện Văn Giang. Quá trình tham gia trong lực lượng dân quân, anh luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và được Đảng uỷ - Ủy ban nhân dân xã, Ban Chỉ huy Quân sự xã tin tưởng, bổ nhiệm làm Trung đội trưởng, Trung đội dân quân cơ động; đến tháng 10/2008, anh được bổ nhiệm làm Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã.

Là cán bộ quân sự xã, anh đã thường xuyên nghiên cứu, học tập và triển khai có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên; không ngừng đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bản thân anh đã nhận thức rằng: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác phải được thể hiện bằng những việc làm cụ thể hằng ngày, trước hết là phải luôn thực hiện và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Trong công tác, anh luôn trăn trở tìm tòi, nắm chắc các hướng dẫn, các văn bản chỉ đạo của cấp trên và đặc điểm tình hình công tác quốc phòng, quân sự của xã; kịp thời đề xuất với Đảng uỷ, Ủy ban nhân dân xã và Ban Chỉ huy Quân sự xã những chủ trương, biện pháp nhằm không ngừng nâng cao chất lượng các mặt hoạt động công tác quân sự, quốc phòng của địa phương.

Trên cơ sở nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng, quản lý, huấn luyện dân quân tự vệ, thấm nhuần lời dạy của Bác: "Dân quân tự vệ và du kích là một lực lượng vô địch, là bức tường sắt của Tổ quốc, vô luận kẻ thù hung bạo thế nào, hễ đụng đến lực lượng đó, bức tường đó thì địch nào cũng phải tan rã". Vì thế, trong việc tổ chức huấn luyện một số nội dung quân sự cho lực lượng dân quân nòng cốt, anh đã tìm hiểu, nắm chắc và chủ động đề xuất các nội dung, biện pháp để bồi dưỡng nâng cao trình độ, kiến thức quân sự, quốc phòng cho người học, nhất là những yếu lĩnh, động tác chiến thuật cá nhân, từng người trong chiến đấu. Trên cương vị được giao, anh đã tích cực nghiên cứu tài liệu, vận dụng các kiến thức đã được học tập, bồi dưỡng tại các nhà trường và kiến thức quân sự có được trong thời gian quân ngũ để không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng dân quân của xã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Hàng năm, xã được Ban Chỉ huy Quân sự huyện Văn Giang đánh giá là đơn vị huấn luyện giỏi, dẫn đầu trong khối thi đua lực lượng vũ trang huyện.

Trong công tác tuyển quân, anh đã chủ động quán triệt, tham mưu thực hiện tốt các khâu, các bước từ việc đăng ký tuổi 17, xây dựng kế hoạch, dự báo cho thanh niên trong độ tuổi đến đăng ký và làm đơn để bảo đảm đến khi khám tuyển có mặt đầy đủ; phối hợp với Công an xã quản lý, nắm chắc hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng của thanh niên trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ; chủ động đến từng hộ gia đình vận động, tuyên truyền viết bản cam kết, động viên con em thực hiện đúng Luật nghĩa vụ Quân sự. Ngoài ra, anh đã thường xuyên phối hợp tốt với các ban, ngành, đoàn thể của xã tiến hành tuyên truyền đến từng hộ gia đình, vận động, thuyết phục các gia đình có con em đi làm ăn xa về địa phương để thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự. Vì thế, những năm gần đây, xã Thắng Lợi luôn đạt và vượt chỉ tiêu giao quân, được Ủy ban nhân dân huyện khen thưởng. Một trong những nhiệm vụ nữa mà Ban Chỉ huy Quân sự xã giao, đó là tổ chức, duy trì hoạt động sẵn sàng chiến đấu thường xuyên của lực lượng dân quân thường trực xã, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, anh đã phối hợp tốt với Công an xã xây dựng kế hoạch tuần tra canh gác vào những ngày lễ, tết, những thời điểm có tính chất quan trọng; phân công cắt cử lực lượng đảm bảo tốt quân số, vũ khí trang bị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Do vây, những năm qua, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn xã đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Khi hỏi về “chiến tích” nổi bật trong công tác giữ gìn an ninh trật tự địa phương, anh bồi hồi kể lại: Vào khoảng 11 giờ ngày 07/3/2012, khi đang làm việc tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, chúng tôi nhận được tin báo của Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở xã Thắng Lợi: một số đối tượng sử dụng hung khí gây sự, tấn công học sinh và giáo viên của nhà trường. Anh nhanh chóng báo cáo với lãnh đạo xã và được Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã giao nhiệm vụ, anh phụ trách một lực lượng dân quân, phối hợp với lực lượng Công an xã, nhanh chóng tới hiện trường. Lúc này ở trong sân trường có khoảng 7 - 8 tên, trong tay đều có hung khí đang dượt đuổi học sinh và giáo viên nhà trường. Đứng trước tình thế phức tạp, nguy hiểm, có thể sẽ không an toàn cho bản thân, vì đang ở tình thế tay không đơn độc, anh em đồng đội còn đang ở phía sau, chưa đến kịp... Không chần chừ, do dự, anh hạ quyết tâm phải kịp thời ngăn chặn, bởi nếu không sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng các cháu học sinh và các thầy, cô giáo. Được sự giúp sức của quần chúng nhân dân và đồng đội đến hỗ trợ, các anh đã nhanh chóng khống chế, bắt được một số tên và điều quan trọng nhất là bảo đảm được an toàn cho học sinh và các thầy, cô giáo. Với quyết tâm là phải bắt giữ, ngăn chặn hành động côn đồ của bọn chúng để bảo vệ các em học sinh và các thầy, cô giáo, anh đã cùng với đồng đội tiếp tục bắt giữ những tên còn lại, khi đó có hai tên dùng kiếm tấn công lăn xả, quyết liệt anh để giải cứu những tên bị bắt. Trong quá trình đánh lộn để bắt giữ bọn côn đồ, anh đã bị chúng chém 2 vết thương vào má và gáy. Sau đó, anh được các thầy, cô giáo, học sinh nhà trường và quần chúng nhân dân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. Sau gần 2 tháng điều trị, vết thương của anh đã dần bình phục. Qua giám định thương tật của cơ quan chức năng, vết thương ở má phải của anh dài 7 cm, vết thương sau gáy dài 12 cm, 2 răng hàm bị gẫy, mất trên 44% sức khỏe. Sau đó, anh được công nhận là thương binh hạng 3/4.

Những hành động, việc làm cụ thể đã thể hiện bản lĩnh kiên định, cương quyết, khôn khéo của người quân nhân cách mạng. Anh Nguyễn Văn Quynh đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương dũng cảm; Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 tặng Bằng khen; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên tặng Bằng khen; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh tặng Giấy khen; ngoài ra, anh còn nhận được nhiều hình thức khen thưởng khác của các cấp trong thực hiện nhiệm vụ và trong phong trào Thi đua Quyết thắng.

Phòng TT

Lê Văn Chính người đội trưởng tài năng của FR1

Cuộc thi sáng tạo robot do Hiệp hội Truyền hình Châu Á Thái Bình Dương tổ chức hàng năm dành cho sinh viên khối ngành kỹ thuật của các trường đại học và cao đẳng là sân chơi cho những sinh viên có niềm đam mê nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, mong muốn được khám phá và làm chủ công nghệ trong tương lai.

Sau khi nghiên cứu thể lệ cuộc thi và nhận được sự định hướng của các thầy cô trong khoa, vận dụng những kiến thức đã học ở trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, Lê Văn Chính, sinh viên khoa Điện – Điện tử đã cùng các bạn nghiên cứu chế tạo robot đánh cầu lông theo luật chơi của nước chủ nhà Indonesia. Đội tuyển dự thi của các bạn lấy tên là FR1 với 9 thành viên, Chính được phân công làm đội trưởng.

Sau một thời gian nghiên cứu và làm việc theo nhóm, với tư cách đội trưởng, Chính đã hoàn thành trọng trách đoàn kết toàn đội, xác định ý thức được trách nhiệm của từng thành viên và tuân thủ thời gian biểu làm việc thật nghiêm túc. Đội tuyển FR1 đã xuất sắc vượt qua hơn 70 đội tuyển của vòng loại khu vực miền Bắc, giành một suất vào tranh tài tại vòng chung kết toàn quốc được tổ chức tại thành phố Cần Thơ vào tháng 5 - 2015. Tại đây, FR1 đã vượt qua các đối thủ mạnh đến từ các trường đại học, cao đẳng trong cả nước, như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghiệp Hà Nội và đương kim vô địch Đại học Lạc Hồng để được đứng trên bục vinh quang nhận chức vô địch robocon Việt Nam 2015; trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự vòng chúng kết cuộc thi sáng tạo Robot Châu Á Thái Bình Dương được tổ chức tại Indonesia vào tháng 8 vừa qua.

Tại vòng thi này, có 19 đội tuyển đến từ 18 nước trong khu vực, Đội tuyển Việt Nam phải đối đầu với các nước có thế mạnh về khoa học công nghệ như Nhật Bản và Trung Quốc, nhưng một lần nữa lại đến đích vinh quang, giành giải Vô địch cuộc thi Sáng tạo Robocon Châu Á Thái Bình Dương dành cho sinh viên ngành kỹ thuật. Kết quả này thêm một lần nữa chứng minh khả năng sáng tạo của sinh viên Việt Nam không hề thua kém khả năng sáng tạo của sinh viên các nước trong khu vực; đất nước Việt Nam tuy nhỏ bé nhưng trí tuệ, sự sáng tạo, bản lĩnh và sự kiên cường của con người Việt Nam thì không hề nhỏ bé. 

Phòng VHVN

Tin liên quan