Dương Tiến Lâm sinh năm 2009, hiện đang là học sinh lớp A, Trường Tiểu học Nguyễn Huệ, thành phố Hưng Yên. Cả bố và mẹ em đều công tác tại Nhà hát chèo Hưng Yên. Mẹ vừa hát hay lại chơi đàn tam thập lục giỏi, bố hát chèo ngọt ngào, chị gái cũng say mê văn nghệ. Cuộc sống của Lâm ngập tràn thanh âm của các làn điệu văn nghệ dân gian, sắc màu của ánh đèn sân khấu những buổi theo cha mẹ đi tập luyện và biểu diễn. Tình yêu nghệ thuật truyền thống được ươm mầm và lớn dần trong em từ khi nào không rõ. Cùng với việc học nói, em đã học luôn cả những âm điệu hát chèo, hát ca trù. Biết con yêu thích dòng nhạc dân gian, bố mẹ Lâm rất vui mừng nhưng cũng không đặt nhiều kỳ vọng vì nghi ngại rằng con chịu ảnh hưởng của môi trường giáo dục từ gia đình và các đồng nghiệp, lớn lên rồi sẽ nguội bớt hứng thú đó thôi. Song khi Lâm lên 3 tuổi, em càng thể hiện rõ hơn niềm yêu thích các làn điệu truyền thống và đặc biệt say mê trống chầu. Thế nên món quà mà cha mẹ tặng là bộ trống chầu được mua tận làng trống Đọi Tam (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) khiến em vô cùng vui sướng.
.jpg)
Dương Tiến Lâm (bên trái) với tiết mục ca trù “Tỳ bà hành” tại Chung kết
Liên hoan Dân ca Việt Nam lần thứ VI năm 2015 khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc bộ
Nhưng việc tập trống chầu không hề đơn giản. Giữa yêu trống chầu với tập luyện để thuần thục, làm chủ được chiếc roi chầu là rất nhiều thách thức. Vì muốn sử dụng trống để chấm câu sau mỗi câu hát, khổ đàn, và cũng để khen chê ca nương, kép đàn phải có hiểu biết về văn học, về các làn điệu ca trù qua tiếng đàn, tiếng hát và khổ phách. Khát khao trở thành một “quan viên” giỏi trong canh hát ca trù, không có ngày nào Lâm không ngồi tập cầm chầu, có khi quên cả giờ ăn ngủ. Những lúc không có bố mẹ ở bên hướng dẫn, em vẫn hì hụi tập, hết nghe băng đĩa ca trù, miệng hát, tay tập theo nhịp, em lại tự mình hát nhịp và điểm trống. “Có công mài sắt có ngày nên kim”, học trống chầu khó là thế mà lâu dần, Lâm đã có phản ứng nhanh nhạy hơn, cảm thụ giọng hát tinh tường hơn. Em cũng đã nắm bắt được từng cách thức, quy luật của một canh chầu.
Niềm đam mê đánh trống chầu của Lâm càng được thỏa nguyện hơn khi bố mẹ cho em tham gia tập luyện cùng các cô chú, anh chị trong Câu lạc bộ ca trù Đào Đặng (xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên). Được thế hệ đi trước, trực tiếp là mẹ em, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hạnh truyền dạy, cộng với sự nỗ lực luyện tập, Lâm đã biết điểm tiếng trống của mình đúng lúc, đúng chỗ và đánh rất chuẩn. Tiếng trống của em không còn bị lấn dàn nhạc, hoặc át lời hát của ca nương. Dưới đôi bàn tay Lâm, chiếc dùi trống như có phép lạ, lúc khoan thai, đĩnh đạc, lúc dồn dập, vui tươi, lúc lại mộng mơ, bay bổng. Trong mỗi tiết mục biểu diễn, dường như tuổi nhỏ không ảnh hưởng gì tới khả năng cảm thụ âm nhạc của Lâm, em trở thành một “quan viên” thực thụ, hòa nhập trọn vẹn vào nhịp phách, tiếng đàn, câu hát. Em điểm trống, khen đàn rất tự nhiên: hết câu thì điểm, thấy hay thì khen. Tiếng trống chầu của em kích thích tinh thần của không chỉ khán giả, mà của cả ca nương, kép đàn, để lời hát, tiếng đàn bay bổng, luyến láy hơn.
Yêu ca trù, say nhịp phách, tiếng đàn và tiếng trống chầu, cộng với sự chững chạc, thần thái tự tin mỗi lúc hạ roi chầu nên dù tuổi còn nhỏ, Lâm vẫn được các cô chú trong Câu lạc bộ ca trù Đào Đặng tin tưởng cử là đại diện cầm trống chầu của Câu lạc bộ trong nhiều tiết mục biểu diễn phục vụ nhân dân và tham dự các liên hoan văn nghệ do các cấp, các ngành tổ chức. Và cũng không phụ công cha mẹ, các bác, các cô chỉ dạy cùng những tháng ngày miệt mài tập luyện, những tiết mục em tham gia biểu diễn đều được khen ngợi về chuyên môn và nhận những tràng pháo tay cổ vũ của đông đảo khán giả. Tháng 7/2014, Lâm tham gia cầm chầu trong tiết mục “Chuông vàng chùa Chuông” cùng với ca nương Nguyễn Thị Hạnh (mẹ em Lâm) và kép đàn Xuân Thể (nghệ nhân dân gian) tại Liên hoan hát chèo, ca trù và trống quân tỉnh Hưng Yên lần thứ 2 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên tổ chức. Tiết mục này đã được Ban tổ chức Liên hoan trao giải xuất sắc. Tại Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2014 do Viện Âm nhạc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh có di sản ca trù tổ chức tại Hà Nội, Lâm lại được tham gia điểm trống trong tiết mục ca trù “Ả phiền 36 giọng” cùng mẹ và nghệ nhân dân gian kép đàn Xuân Thể. Tiết mục này đã đạt giải Ba và được trao Huy chương Đồng cho tập thể, riêng Dương Tiến Lâm được trao giải thành viên nhỏ tuổi nhất, được tiến sỹ Nguyễn Bình Định, Viện trưởng Viện Âm nhạc lên sân khấu tặng hoa và nhận xét “Qua nhiều lần tổ chức các cuộc liên hoan, lần đầu tiên tôi thấy có một tài năng nhỏ tuổi, một năng khiếu hiếm có. Mặc dù tiết mục ca trù “Ả phiền 36 giọng” là một bài thể cách rất khó, trống chầu không chỉ điểm trống theo khổ đàn mà người đánh trống còn phải thể hiện nhiều cách đánh như nhịp một, hát văn, trống quân thay đổi liên tục chứ không đơn giản. Vậy mà em đã thành công ngoài sự mong đợi của giới chuyên môn chúng tôi”.
Tháng 3/2015, Dương Tiến Lâm tiếp tục tham gia Liên hoan Dân ca Việt Nam lần thứ VI năm 2015 khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc bộ tổ chức tại Bắc Ninh với tiết mục ca trù “Tỳ bà hành” cùng ca nương Đỗ Thị Thanh Nhàn, kép đàn Xuân Thể. Tiết mục được công diễn trong đêm chung kết 28/3 và được truyền hình trực tiếp trên VTV2.
Trong cuộc sống hiện đại, dòng nhạc dân gian với chèo, trống quân, cải lương, xẩm... vốn đã khó khăn trong việc giữ được người nghe, người xem, thì việc thu hút được người học và có thể biểu diễn ca trù càng khó khăn hơn gấp bội. Bởi lẽ, ca trù rất kén người thưởng thức. Để học, biểu diễn được ca trù phải hết lòng đam mê, khổ luyện. Song những “vốn liếng” ban đầu từ những buổi cần mẫn tự học và những kinh nghiệm, kỹ năng biểu diễn sân khấu trong các lần tham gia liên hoan, giao lưu văn nghệ chắc chắn sẽ là hành trang, là tiền đề quan trọng để Dương Tự Lâm vững bước theo đuổi đam mê của mình.
Theo Sách giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên tỉnh Hưng Yên