KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Tin tức trong tỉnh
Đăng ngày: 19/07/2022 - Lượt xem: 343
Quyết liệt xử lý nợ đọng thuế

Công tác quản lý nợ thuế, thu hồi nợ thuế đã được cơ quan Thuế các cấp quan tâm, chú trọng thực hiện. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm do hậu quả của dịch Covid-19 tác động xấu đến nền kinh tế, ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp, cùng với việc giá xăng, dầu tăng cao khiến hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, dẫn tới số nợ thuế có xu hướng tăng, tác động bất lợi đến việc thực hiện xử lý thu hồi nợ thuế.
Hoạt động nghiệp vụ tại Cục Thuế tỉnh
Nợ thuế có chiều hướng tăng
Với quyết tâm giảm tình trạng nợ đọng thuế, các đơn vị trong toàn ngành triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý thuế. Cơ quan thuế lồng ghép công tác thu nợ thuế trong tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ các đối tượng nộp thuế, cải tiến mạnh mẽ cách làm thông qua các hình thức tiếp xúc trực tiếp, điện thoại, thư điện tử để nhắc nhở các tổ chức, cá nhân chấp hành nghĩa vụ thuế.
Công tác rà soát phân loại tiền thuế nợ được thực hiện thận trọng, chính xác, bảo đảm việc phân loại phải đầy đủ hồ sơ, phản ánh đúng bản chất của khoản tiền thuế nợ, của từng trường hợp nợ thuế, để áp dụng các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế cũng như các biện pháp khác phù hợp, thu hồi nợ thuế vào ngân sách nhà nước (NSNN)... 
Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh yêu cầu bộ phận quản lý nợ phải thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, quan tâm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn khách quan cho người nộp thuế (NNT), để NNT ổn định sản xuất và hoàn thành tốt nghĩa vụ với NSNN. Qua đó, cơ quan thuế nắm chắc các nguồn thu phát sinh và khả năng trả nợ của NNT trên địa bàn mình quản lý; phân tích cụ thể nguyên nhân tác động làm tăng hoặc giảm nợ thuế theo từng địa bàn, từng lĩnh vực và từng đối tượng, dự báo khả năng trả nợ hàng tháng, hàng quý sát với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của NNT. Cùng với đó là triển khai xử lý nợ, khoanh nợ, xóa nợ không còn khả năng nộp NSNN; tăng cường công tác quản lý thu hồi nợ thuế vào ngân sách, hạn chế thấp nhất số nợ mới phát sinh. 
Ngành Thuế tập trung ban hành thông báo nợ thuế bằng phương thức điện tử gửi người nộp thuế để đôn đốc, nhắc nhở nộp tiền thuế nợ và cung cấp thông tin cảnh báo tình hình nợ thuế cho người nộp thuế. Theo thống kê, trong 6 tháng qua đã ban hành 180.016 lượt thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp, đạt 100% số lượng phải ban hành. Bên cạnh đó, nêu tên công khai những đối tượng có nợ thuế, nhất là đối tượng dây dưa, chây ỳ nợ thuế trên cổng thông tin điện tử của ngành và trên các phương tiện thông tin đại chúng. 
Với những đối tượng nợ đọng chây ỳ, ngành Thuế phối hợp với các chi nhánh ngân hàng thương mại, Kho bạc Nhà nước phong tỏa tài khoản và trích tiền từ tài khoản của các đối tượng nợ thuế chuyển nộp ngân sách; thông báo hóa đơn không có giá trị. 
Trong 6 tháng đầu năm, ngành Thuế tỉnh đã ban hành 439 quyết định cưỡng chế, trong đó bao gồm 412 quyết định trích tiền từ tài khoản, 27 quyết định thông báo hoá đơn không còn giá trị sử dụng. 
Tính đến ngày 31.5.2022, tổng nợ thuế trên địa bàn tỉnh là trên 1.338 tỷ đồng, trong đó, nợ có khả năng thu là trên 1.272 tỷ đồng, tăng 17,36% so với cùng kỳ năm trước. Đối với nợ thuế của khu vực ngoài quốc doanh, đến hết ngày 31.5.2022, số thuế nợ  là trên 1.155 tỷ đồng, trong đó, nợ có khả năng thu là trên 1.110 tỷ đồng, tăng 11,83% so với cùng kỳ năm trước.
Đồng bộ giải pháp thu hồi nợ đọng thuế
Mặc dù đã rất quyết liệt trong công tác quản lý nợ thuế, đôn đốc thu hồi nợ thuế nhưng tỷ lệ nợ thuế vẫn còn cao. Nguyên nhân là do vẫn còn ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ những năm trước, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ, mất khả năng thanh toán, tài sản đã thế chấp tại ngân hàng, dẫn đến chưa nộp kịp thời tiền thuế phát sinh vào NSNN. Một số khoản tiền thuế, tiền thuê đất đã hết thời gian gia hạn nộp thuế, cơ quan Thuế đã thực hiện biện pháp đôn đốc thu nhưng người nộp thuế vẫn còn khó khăn về dòng tiền, chưa nộp tiền thuế đã được gia hạn. Ngoài ra, còn nhiều doanh nghiệp không chấp hành tốt nghĩa vụ nộp thuế, cố tình chây ỳ nợ, chiếm dụng tiền thuế, dẫn đến nợ cũ chưa nộp hết thì nợ mới lại phát sinh. 
Thời gian tới, ngành Thuế tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thu nợ. Ngoài các giải pháp như chuẩn hóa, phân loại nợ, thực hiện các biện pháp xử lý, thu nợ thuế theo quy định, cơ quan Thuế các cấp tiếp tục phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của Ban chỉ đạo chống thất thu, thu hồi nợ đọng tại địa phương; phối hợp chặt chẽ, tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn để cơ quan thuế và các ngành, các cấp cùng phối hợp trong việc thu hồi nợ đọng thuế. Xử lý quyết liệt đối với các đơn vị nợ đọng lớn, nợ đọng kéo dài thông qua việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ đọng. Đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép đầu tư, thu hồi dự án đối với những đơn vị nợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất kéo dài; chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an những doanh nghiệp có dấu hiệu chiếm đoạt tiền thuế hoặc trốn thuế để giải quyết, xử lý theo quy định của pháp luật. Tiến hành xử lý dứt điểm nợ lưu cữu, báo cáo Tổng cục Thuế để tháo gỡ các “điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách liên quan đến nợ, nhất là các khoản liên quan đến đất. Thực hiện đôn đốc các khoản được gia hạn: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp; thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân của hộ kinh doanh và tiền thuê đất theo thời hạn quy định. Đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan truyền thông để tuyên truyền, vận động người nộp thuế tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế, công khai những đơn vị cố tình chây ỳ không nộp thuế đúng hạn vào NSNN. Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xoá nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với NNT không còn khả năng nộp NSNN.
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan