CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ VẺ VANG 190 NĂM TỈNH HƯNG YÊN (1831 - 2021)
-----
Tỉnh Hưng Yên nằm ở tả ngạn sông Hồng, thuộc trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Phía đông giáp tỉnh Hải Dương; phía tây và tây bắc giáp thủ đô Hà Nội; phía tây nam giáp tỉnh Hà Nam; phía nam giáp tỉnh Thái Bình; phía bắc giáp tỉnh Bắc Ninh. Đây là vùng đất phù sa màu mỡ, mang đậm nét truyền thống, văn hiến của nước ta.
I. VÙNG ĐẤT VÀ CON NGƯỜI HƯNG YÊN
1. Điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên
Với địa hình nghiêng từ tây bắc xuống đông nam, Hưng Yên có độ cao trung bình so với mặt nước biển là +4m, điểm cao nhất +10m thuộc khu đất bãi xã Xuân Quan (huyện Văn Giang); điểm thấp nhất là +0,9m thuộc xã Tiên Tiến (huyện Phù Cừ). Trước kia, trên địa bàn tỉnh thường xuyên xảy ra hạn hán và úng ngập.
Đến năm 2020, Hưng Yên có diện tích đất tự nhiên 93.019,70 ha1, trong đó: đất nông nghiệp: 58.876,90 ha (đất trồng cây hằng năm: 35.090,80 ha; đất trồng cây lâu năm: 16.187,50 ha; đất nuôi trồng thủy sản: 4.911,20 ha; đất nông nghiệp khác: 2.687,50 ha); đất phi nông nghiệp: 34.012,40 ha; đất chưa sử dụng: 130,40 ha. Đất nơi đây được sông Hồng, sông Luộc bồi tụ nên rất màu mỡ, tầng canh tác dày, phù hợp để gieo trồng lúa, hoa màu, cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu...
Hưng Yên không có biển, không có rừng nhưng nhiều sông ngòi. Sông Hồng chảy qua tỉnh dài xấp xỉ 60 km. Sông Luộc, chi lưu của sông Hồng - bắt nguồn từ xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên), đoạn chảy qua địa phận tỉnh Hưng Yên dài khoảng 21 km. Sông Nghĩa Trụ (còn gọi là sông Tử Dương), chảy đến giữa tỉnh thì chia làm hai chi lưu là Hoan Ái và Thổ Hoàng rồi đổ vào sông Văn Trương (huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương). Sông Cửu Yên (Cửu An) là dòng sông cũ đã bị bồi lấp, dòng mới chảy từ phía đông huyện Phù Cừ đến phía đông huyện Ân Thi, qua cầu Sặt sang tỉnh Hải Dương. Sông Kim Ngưu từ xã Vĩnh Xá (huyện Kim Động) chảy ra sông Hồng.
Để phục vụ cho sản xuất, hệ thống đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải được khởi công vào tháng 10/1958, khởi đầu là công trình đầu mối cống Xuân Quan. Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, dòng chính Bắc - Hưng - Hải từ cống Xuân Quan đã hòa cùng hệ thống sông ngòi tạo thành một hệ thống thủy nông phong phú. Đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải có hai kênh chính (kênh chính Bắc và kênh chính Nam). Các sông cũ đều được mở rộng, khơi sâu, nạo vét nên lưu lượng lớn, thoát lũ nhanh, phục vụ kịp thời cho chống hạn, tiêu nước.
Hưng Yên được bao bọc bởi sông Hồng và sông Luộc nên có nguồn nước ngọt dồi dào. Nguồn nước ngầm của Hưng Yên có trữ lượng lớn, ở dọc khu vực Quốc lộ 5A, từ thị trấn Như Quỳnh (huyện Văn Lâm) đến Quán Gỏi (tỉnh Hải Dương) có những túi nước ngầm với trữ lượng hàng triệu m3, không chỉ cung cấp nước cho các khu công nghiệp và đô thị trong tỉnh mà còn có thể cung cấp khối lượng nước lớn cho các khu vực lân cận. Ngoài ra, Hưng Yên còn có trên 4.000 ha mặt nước ao, đầm, hồ phù hợp với nuôi thả tôm, cá, trồng sen, thả ấu...
Về khoáng sản, Hưng Yên có nguồn cát đen với trữ lượng lớn phân bố ven sông Hồng, sông Luộc, đáp ứng nhu cầu xây dựng, san lấp mặt bằng, làm đường giao thông... Cùng với cát là nguồn đất sét để sản xuất vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, nguồn khoáng sản năng lượng với mỏ than nâu thuộc bể than đồng bằng sông Hồng có trữ lượng khoảng 30 tỷ tấn.
Đường bộ: Quốc lộ 5A, 5B (đường cao tốc) chạy qua địa phận tỉnh Hưng Yên. Đường 39A từ Phố Nối đi qua các huyện: Yên Mỹ, Khoái Châu, Kim Động tới thành phố Hưng Yên, huyện Tiên Lữ, qua cầu Triều Dương sang tỉnh Thái Bình. Đường 38B từ thành phố Hưng Yên đi qua các huyện: Tiên Lữ, Phù Cừ sang tỉnh Hải Dương. Đường 38 từ thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) đến Quán Gỏi (tỉnh Hải Dương), qua huyện Ân Thi đến huyện Kim Động nối với đường 39A, đi thành phố Hưng Yên qua cầu Yên Lệnh đến Đồng Văn (tỉnh Hà Nam) thông với quốc lộ 1A. Đường 376 từ huyện Yên Mỹ qua huyện Ân Thi đến huyện Tiên Lữ gặp đê sông Luộc và đường 39A. Tuyến đường liên tỉnh Dân Tiến - Khoái Châu đi Thanh Trì - Hà Nội. Đường nối 2 đườngcao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với Hà Nội - Hải Phòng và cầu Hưng Hà (Thái Bình). Các đường tỉnh lộ và hàng trăm km đường đê đã liên kết các xã, phường, thị trấn, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và hình thành tuyến đường ngắn nhất qua địa bàn tỉnh Hưng Yên, nối quốc lộ 1A với quốc lộ 5A, 5B ra thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, thuận tiện cho sự giao lưu kinh tế giữa tỉnh Hưng Yên với các tỉnh, thành phố, đồng thời giảm tải mật độ giao thông cho Thủ đô Hà Nội. Ngoài ra, tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng chạy qua địa phận tỉnh Hưng Yên, từ thị trấn Như Quỳnh tới xã Lương Tài (huyện Văn Lâm).
Đường thủy: Tỉnh Hưng Yên có ba phía đều được bao bọc bởi các con sông. Phía tây là sông Hồng (giáp Thủ đô Hà Nội và tỉnh Hà Nam), phía nam là sông Luộc (giáp tỉnh Thái Bình), phía đông là sông Cửu An (giáp tỉnh Hải Dương), phía bắc giáp hai huyện ven sông Đuống của tỉnh Bắc Ninh. Trong nội tỉnh có hệ thống sông cổ và sông đào mới, từ thành phố Hưng Yên có thể ngược sông Hồng lên Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai; theo sông Hồng, sông Luộc xuôi Thái Bình, Nam Định rồi ra biển, hoặc ngược sông Thái Bình, sông Kinh Thầy qua Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh. Giao thông thuận lợi là tiềm năng lớn để Hưng Yên phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội.
2. Dân cư và hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội
Hưng Yên có con người cư trú từ thời các Vua Hùng dựng nước. Các di tích như: Mộ cũi khai quật được tại Nội Mai (xã An Viên, huyện Tiên Lữ); mộ thuyền tại Đống Lương (huyện Kim Động); trống đồng tại Cửu Cao (huyện Văn Giang) cùng các huyền tích - huyền sử về Chử Đồng Tử - Tiên Dung trải khắp vùng Khoái Châu (Ông Đình, Đa Hòa, Đông Tảo, Chợ Thám)... đã minh chứng điều này.
Về thành phần dân tộc và tôn giáo, ở Hưng Yên hầu hết là người dân tộc Kinh, số đông theo tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, một số ít theo Phật giáo hoặc Công giáo, phân bố rải rác, không tập trung. Người dân Hưng Yên có truyền thống cần cù lao động, ngoài trồng trọt, đánh bắt thủy sản còn có nhiều ngành nghề thủ công. Nhờ chính sách trọng nông của nhà nước phong kiến, vùng đất Hưng Yên được khai thác rất sớm. Thế kỷ XIII, nhà Trần đã cho phép vương, hầu được chiêu mộ dân phiêu tán đến khai hoang, lập ấp, dựng điền trang dọc theo sông Hồng. Hệ thống đê quai vạc dọc sông Hồng được xây đắp cùng với việc đào nắn nhiều mương ngòi dẫn nước để tiêu úng, chống hạn. Thời Lê (thế kỷ XV), đội ngũ Hà đê chánh, phó sứ giúp nhiều cho công việc đê điều, thủy lợi.
Tuy nhiên, do việc độc canh cây lúa và phụ thuộc vào thiên nhiên khắc nghiệt, sản xuất nông nghiệp không đủ đảm bảo cuộc sống hằng ngày của người dân. Do đó, nhiều nghề phụ đã ra đời, tạo thành các làng thủ công, phường thủ công nổi tiếng. Về rèn đúc kim loại có nghề đúc đồng (xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm), nghề làm khuôn đúc ở Đông Mai (xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm), nghề khai thác nguyên liệu ở Yên Lịch (huyện Khoái Châu), nghề làm bừa ở Muồng (xã Hòa Phong, thị xã Mỹ Hào). Việc chăn tằm, ươm tơ, dệt lụa trở nên nổi tiếng ở các làng Vân Phương (huyện Tiên Lữ); Phú Thị, Như Lân, Cửu Cao (huyện Văn Giang); Phương Tòng, Duyên Yên (huyện Kim Động). Một số làng lại có nghề trồng chàm nhuộm thâm như: Đồng Tỉnh, Huê Cầu (huyện Văn Giang); Nghĩa Trang, Sài Trang (huyện Yên Mỹ). Việc làm nhà cửa nổi tiếng có thợ làng Vị (xã Phương Chiểu, thành phố Hưng Yên) và sản xuất vật liệu xây dựng ở Mai Viên (huyện Kim Động), Dốc Lã (xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên), Mễ Sở (huyện Văn Giang). Cùng với đó là nghề trồng thuốc nam ở Nghĩa Trai (huyện Văn Lâm), nghề sơn mài ở Bình Sơn (huyện Yên Mỹ), nghề làm quạt ở Hới (huyện Tiên Lữ), Đào Xá (huyện Ân Thi), nghề nặn nồi ở Đạo Khê (huyện Yên Mỹ), nghề làm tương ở Bần Yên Nhân (thị xã Mỹ Hào), nghề đan thuyền ở Nội Lễ (huyện Tiên Lữ), nghề trồng mía nấu mật ở Phú Cường, Hùng Cường (thành phố Hưng Yên), nghề nấu rượu ở Trương Xá (huyện Kim Động), nghề đan lờ, đó ở Thủ Sỹ (huyện Tiên Lữ)... Ngày nay, tỉnh Hưng Yên đã tiến hành điều tra, quy hoạch làng nghề truyền thống, xây dựng thành những khu sản xuất tập trung để thuận tiện cho việc trang bị kỹ thuật, nâng cấp sản phẩm và bảo vệ môi trường.
Hoạt động thương mại, dịch vụ của Hưng Yên phát triển khá mạnh mẽ. Truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung được coi như Tổ sư nghề buôn bán, thương nghiệp. Hưng Yên xuất hiện nhiều làng chuyên buôn bán, giao thương bên bờ sông Hồng từ xã Mễ Sở xuống thành phố Hưng Yên. Đặc biệt với Phố Hiến - tiền cảng, cảng sông, cảng chợ của Thăng Long vô cùng sầm uất với thượng chí Tam Đằng2, hạ chí Tam Hoa3, đã biến vùng đất này thành một trung tâm buôn bán và đô hội từ rất sớm. Đầu thế kỷ XIII, nơi đây mới xuất hiện làng Hoa Dương của quan dân nhà Tống lánh nạn Mông - Nguyên. Đến thế kỷ XVII, dưới thời Lê - Trịnh đã trở thành Phố Hiến với cảng sông Vạn Lai Triều, tấp nập tàu thuyền của ngoại quốc vào ra buôn bán. Các nước Hà Lan, Bồ Đào Nha, Pháp... đã dựng nhiều thương điếm làm cho phố xá càng tấp nập đông vui, đúng như câu ca “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.
Hưng Yên là vùng đất có truyền thống văn hiến, nhất là về giáo dục - khoa cử. Trong 845 năm Hán học (1075 - 1919), cả tỉnh có 228 vị thi đỗ đại khoa, đó là chưa kể những nhân vật huyền thoại như Tống Trân, người thôn An Đỗ, huyện Phù Dung (nay là thôn An Cầu, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ) đã từng giành học vị Trạng nguyên, đi sứ sang Trung Quốc, được phong Lưỡng quốc Trạng nguyên. Đội ngũ nho sĩ Hưng Yên có nhiều đóng góp trong sự nghiệp xây dựng đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, tiêu biểu như: Đỗ Thế Diên người Cổ Liêu, huyện Đường Hào (nay thuộc xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mỹ) thi đỗ đầu đời Lý Cao Tông (1185), làm đến Triều nghị đại phu; Phạm Ngũ Lão (1255 - 1320) quê ở Phù Ủng, huyện Ân Thi, một danh tướng thời Trần, một thi sĩ nổi tiếng; Nguyễn Trung Ngạn (1289 - 1370) người Thổ Hoàng, huyện Ân Thi, 12 tuổi đỗ Thái học sinh, 16 tuổi đỗ Hoàng giáp đi sứ Bắc, soạn sử Nam, làm quan trải qua 5 đời vua Trần; Đào Công Soạn quê Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ, văn chương chính sự nổi tiếng một thời; Đỗ Nhân, người Lại Ốc, huyện Văn Giang làm đến Thượng thư kiêm Đông Các đại học sĩ; Đoàn Thị Điểm - còn gọi là Hồng Hà nữ sĩ, quê ở Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, dịch giả Chinh phụ ngâm nổi tiếng; danh y Lê Hữu Trác người Liêu Xá, huyện Yên Mỹ; Chu Mạnh Trinh quê ở Phú Thị, huyện Văn Giang, nhà thơ nổi tiếng...
Vào thế kỷ XX, đội ngũ nhân tài của tỉnh Hưng Yên ngày càng đông đảo và có đóng góp to lớn cho đất nước, nhất là trong lĩnh vực văn hóa và khoa học. Làng Phú Thị (xã Mễ Sở, huyện Văn Giang) với các tên tuổi của nhà giáo, soạn giả Dương Quảng Hàm; nhà văn, dịch giả Dương Tự Quán và danh họa Dương Bích Liên. Xã Thụy Lôi (huyện Tiên Lữ) có Nguyễn Đình Nghị - người cải cách cho sân khấu chèo. Làng Trà Bồ (xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ) có nhà khoa học Nguyễn Công Tiễu. Làng Xuân Cầu (xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang) có nhà văn Nguyễn Công Hoan, danh họa Tô Ngọc Vân. Xã Liêu Xá (huyện Yên Mỹ) có nhà văn Vũ Trọng Phụng. Xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên) có nhạc sĩ Mai Văn Chung. Làng Đào Xá (huyện Ân Thi) có nhà thơ, nhà hoạt động xã hội, nhà khoa học Phạm Huy Thông... Đặc biệt trong lịch sử hiện đại, Hưng Yên có nhiều lãnh đạo tiền bối của cách mạng Việt Nam như: Tô Hiệu, Lê Văn Lương, Nguyễn Văn Linh...; các chiến sĩ anh hùng cách mạng như: Tô Chấn, Trung tướng Nguyễn Bình, Bùi Thị Cúc, Trần Thị Khang... Đó là những người con ưu tú của tỉnh Hưng Yên, góp phần làm rạng danh quê hương.
Hưng Yên là địa phương có nhiều lễ hội đặc sắc (hơn 400 lễ hội), trong đó có nhiều loại hình như: lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo, lễ hội tín ngưỡng... Mật độ di tích dày với 1.802 di tích văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng. Tính đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 172 di tích và cụm di tích được xếp hạng cấp quốc gia; 257 di tích và cụm di tích được xếp hạng cấp tỉnh; 03 di tích được xếp hạng “Di tích quốc gia đặc biệt”: Khu di tích Phố Hiến (thành phố Hưng Yên), chùa Thái Lạc (xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm), đền An Xá (tức đền Đậu An, xã An Viên, huyện Tiên Lữ); 05 bảo vật quốc gia: Tượng sư tử đá (lưu giữ tại chùa Hương Lãng, xã Minh Hải, huyện Văn Lâm), Bia “Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi minh” (lưu giữ tại chùa Cảnh Lâm, xã Tân Việt, huyện Yên Mỹ), tượng Phật Quan âm thiên thủ thiên nhãn (lưu giữ tại chùa Mễ Sở, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang), sưu tập bộ đĩa vàng hoa sen Cộng Vũ (lưu giữ tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Hưng Yên), hệ thống thành bậc đá chùa Hương Lãng (lưu giữ tại chùa Hương Lãng, xã Minh Hải, huyện Văn Lâm). Hưng Yên là tỉnh đứng thứ ba trong cả nước (sau thủ đô Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh) về số lượng di tích cấp quốc gia. Các di tích đã và đang được quy hoạch tổng thể để bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử - văn hoá.
Hưng Yên có Nhà lưu niệm Bác Hồ, Khu tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Nhà tưởng niệm các đồng chí: Tô Hiệu, Lê Văn Lương, Trung tướng Nguyễn Bình, Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Thị Kính (tức Trần Thị Khang), Hoàng Hoa Thám, Đền thờ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều đền, chùa khác như: Đền Chử Đồng Tử, đền Tống Trân, đền Trần, đền Phù Ủng, đền Mẫu, đền An Lạc...; chùa Chuông, chùa Hiến, chùa Nễ Châu, chùa Thái Lạc... Mỗi đền, chùa là một kho tàng lịch sử, mỹ thuật sống động với rất nhiều cổ vật quý hiếm. Đó là những không gian văn hóa truyền thống, không gian tâm linh hiện hữu nét đẹp văn hóa vật thể, phi vật thể, đặc biệt hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi sự hài hòa giữa thiên nhiên và hình khối kiến trúc, nghệ thuật chạm khắc tinh xảo.
Về ẩm thực, Hưng Yên có những đặc sản nổi tiếng như: Nhãn lồng Phố Hiến, gà Đông Tảo (xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu), tương Bần (thị xã Mỹ Hào), sen Nễ Châu, bún thang Thế Kỷ (thành phố Hưng Yên), bánh cuốn nóng làng Sài Thị (xã Thuần Hưng, huyện Khoái Châu), ếch om Phượng Tường (huyện Tiên Lữ), bánh dày làng Gàu (xã Cửu Cao, huyện Văn Giang)...
3. Thay đổi hành chính qua các thời kỳ lịch sử
Hưng Yên thời Hùng Vương thuộc bộ Giao Chỉ; thời Hán đô hộ thuộc huyện Chu Diên, quận Giao Chỉ; thời Đường đô hộ thuộc Châu Giao. Khi Ngô Quyền giành độc lập năm 938, Hưng Yên có tên là Châu Đằng; thời Tiền Lê (cuối thế kỷ thứ X) được đổi thành phủ Thái Bình; thời Lý Cao Tông (1176 - 1210) đổi tên là Đằng Châu và Khoái Châu; thời Trần (1226 - 1400) đổi thành Khoái lộ và Long Hưng lộ; thời nhà Minh đô hộ, Hưng Yên là địa phận của hai phủ Trấn Man và Kiến Xương. Sau khi giành được độc lập, Lê Lợi chia nước ta thành 5 đạo, các phủ trên thuộc Nam đạo. Đến thời Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 7 (1466), nước ta chia thành 12 thừa tuyên, vùng đất trên thuộc thừa tuyên Thiên Trường. Năm Quang Thuận thứ 10 (1469) - năm đầu tiên vua cho vẽ bản đồ, thừa tuyên Thiên Trường đổi thành thừa tuyên Sơn Nam. Năm Hồng Đức thứ 21 (1490), thuộc xứ Sơn Nam (trấn Sơn Nam). Thời Lê Tương Dực, niên hiệu Hồng Thuận (1509 - 1516), thuộc trấn Sơn Nam. Thời Mạc, thuộc trấn Hải Dương. Thời Lê Trung Hưng, niên hiệu Quang Hưng (1578 - 1599) đổi lại như thời Lê Sơ. Năm Cảnh Hưng thứ 2 (1741), trấn Sơn Nam chia làm hai gồm Khoái Châu thuộc trấn Sơn Nam Thượng, Tiên Hưng (Kiến Xương) thuộc trấn Sơn Nam Hạ...
Như vậy, sau nhiều lần thay đổi, đến cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, phủ Khoái Châu thuộc trấn Sơn Nam Thượng (Hưng Yên, Thái Bình), còn phủ Tiên Hưng thuộc trấn Sơn Nam Hạ (Nam Định). Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), tỉnh Hưng Yên được thành lập. Đây là một sự kiện quan trọng, chứng tỏ vùng đất này đã phát triển đến mức trở thành một đơn vị hành chính trực thuộc chính quyền Trung ương. Khi thành lập, tỉnh Hưng Yên gồm có hai phủ: Phủ Khoái Châu (gồm các huyện Đông Yên, Kim Động, Ân Thi, Phù Cừ, Tiên Lữ) của trấn Sơn Nam và phủ Tiên Hưng (gồm các huyện Thần Khê, Hưng Nhân, Diên Hà) của trấn Nam Định. Như vậy, trước khi thực dân Pháp xâm lược, địa bàn tỉnh Hưng Yên nằm ở cả hai bên bờ sông Luộc.
Ngày 25/02/1890, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập đạo Bãi Sậy - một đơn vị hành chính mang tính chất quân quản để đối phó với cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo. Đạo Bãi Sậy gồm 4 huyện: Yên Mỹ, Mỹ Hào, Cẩm Lương, Văn Lâm, thủ phủ của đạo Bãi Sậy đặt tại Bần Yên Nhân, huyện Mỹ Hào (nay là phường Bần Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào).
Yên Mỹ được thành lập từ một số tổng thuộc các huyện Đông Yên, Ân Thi (tỉnh Hưng Yên); một số tổng thuộc huyện Mỹ Hào (tỉnh Hải Dương) và một số tổng thuộc huyện Văn Giang (tỉnh Bắc Ninh).
Mỹ Hào gồm các tổng còn lại sau khi cắt sang huyện Yên Mỹ.
Cẩm Lương gồm một số tổng thuộc huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương), một số tổng thuộc các huyện Lương Tài và Siêu Loại (tỉnh Bắc Ninh).
Văn Lâm gồm một số tổng của ba huyện Văn Giang, Gia Lâm và Siêu Loại (tỉnh Bắc Ninh).
Chưa đầy một tháng sau khi thành lập đạo Bãi Sậy, ngày 21/3/1890, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập tỉnh Thái Bình. Huyện Thần Khê, tỉnh Hưng Yên cùng hai phủ Thái Bình và Kiến Xương của tỉnh Nam Định thuộc tỉnh Thái Bình.
Sau khi đánh chiếm và áp đặt bộ máy cai trị trên địa phận tỉnh Hưng Yên, thực dân Pháp nhiều lần tiến hành thay đổi đơn vị hành chính. Trong năm 1891, hai lần Toàn quyền Đông Dương ra hai bản Nghị định (ngày 12/4/1891) và Quyết định (ngày 23/11/1891) để bãi bỏ đạo Bãi Sậy, nhập các huyện: Yên Mỹ, Mỹ Hào, Văn Lâm vào tỉnh Hưng Yên. Riêng huyện Cẩm Lương, phần thuộc Cẩm Giàng trả về nơi cũ, phần thuộc Lương Tài - Siêu Loại đưa vào Văn Lâm, Mỹ Hào.
Ngày 28/11/1894, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định chuyển huyện Tiên Lữ từ phủ Tiên Hưng sang phủ Khoái Châu; hai huyện còn lại là Hưng Nhân và Diên Hà sáp nhập vào tỉnh Thái Bình. Kể từ đây, sông Luộc trở thành ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình. Ngoài địa dư của vùng Sơn Nam cũ, Hưng Yên đã có thêm phần đất của tỉnh Hải Dương và tỉnh Bắc Ninh, cho đến Cách mạng tháng Tám năm 1945. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Hưng Yên vẫn là đơn vị hành chính cấp tỉnh trực thuộc Ủy ban hành chính Bắc Bộ.
Ngày 15/8/1946, Ủy ban hành chính Bắc Bộ ra Nghị định số 1216 về việc thành lập thị xã Hưng Yên. Thị xã Hưng Yên có hai khu phố: Đẩu Lĩnh và Đằng Giang; phía bắc giáp các làng Xích Đằng, Nhân Dục, huyện Kim Động (nay thuộc thành phố Hưng Yên); phía tây giáp sông Hồng; phía nam giáp các làng Mậu Dương, Lương Điền, huyện Kim Động (nay thuộc phường Hồng Châu, thành phố Hưng Yên); phía đông giáp làng An Vũ, huyện Kim Động (nay thuộc thành phố Hưng Yên). Để phù hợp với điều kiện mới, ngày 6/6/1947, Liên bộ Nội vụ - Quốc phòng ra Nghị định số 79-NV-QP/NgĐ chỉ rõ về phương diện kháng chiến và hành chính, huyện Văn Giang trước thuộc tỉnh Bắc Ninh, Khu XII, nay thuộc Khu III. Huyện Văn Lâm trước thuộc tỉnh Hưng Yên, Khu III, nay thuộc Khu XII. Tuy nhiên, để thực hiện nhiệm vụ kháng chiến, ngày 20/10/1947, Liên bộ Nội vụ - Quốc phòng ra Nghị định số 167-NV-QP/NgĐ, quy định huyện Văn Lâm trước thuộc quyền của Ủy ban kháng chiến Khu XII, nay sáp nhập vào tỉnh Hưng Yên và dưới quyền kiểm soát của Ủy ban kháng chiến Khu III về phương diện kháng chiến và hành chính.
Đến ngày 28/11/1948, Chủ tịch nước ban hành Sắc lệnh số 263-SL sáp nhập huyện Gia Lâm (kể cả xã Ngọc Thụy) thuộc tỉnh Bắc Ninh vào tỉnh Hưng Yên. Do yêu cầu tình hình mới, ngày 17/11/1949, Chủ tịch nước ban hành Sắc lệnh số 127/SL đưa toàn bộ huyện Gia Lâm và xã Ngọc Thụy trở lại tỉnh Bắc Ninh. Tỉnh Hưng Yên lúc này gồm 117 xã, chia làm 9 huyện (Văn Giang, Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ, Khoái Châu, Ân Thi, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ) và thị xã Hưng Yên thuộc Liên khu III.
Ngày 26/01/1968, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 504-NQ/ TVQH phê chuẩn việc hợp nhất hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương thành tỉnh Hải Hưng, đặt tỉnh lỵ tại thị xã Hải Dương.
Để phù hợp với tình hình mới, một số huyện được hợp nhất để có quy mô lớn hơn. Ngày 11/3/1977, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 58-CP về việc hợp nhất một số huyện thuộc tỉnh Hải Hưng: Hợp nhất huyện Văn Giang và Yên Mỹ thành huyện Văn Yên; huyện Văn Lâm và Mỹ Hào thành huyện Văn Mỹ.
Đến ngày 24/02/1979, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 70/CP, hợp nhất huyện Kim Động và Ân Thi thành huyện Kim Thi; huyện Văn Mỹ và Văn Yên (trừ các xã cũ của huyện Văn Giang) thành huyện Mỹ Văn; huyện Khoái Châu, 9 xã của huyện Văn Giang cũ và 5 xã của huyện Yên Mỹ cũ thành huyện Châu Giang; huyện Phù Cừ và Tiên Lữ thành huyện Phù Tiên.
Ngày 27/01/1996, Chính phủ ra Nghị định số 05/CP tách huyện Kim Thi thành hai huyện: Kim Động và Ân Thi.
Ngày 06/11/1996, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX, đã phê chuẩn việc chia tỉnh Hải Hưng thành 2 tỉnh Hải Dương và Hưng Yên. Ngày 01/01/1997, tỉnh Hưng Yên được tái lập, có diện tích tự nhiên là 894,79 km2, gồm 6 đơn vị hành chính cấp huyện (thị xã Hưng Yên và các huyện: Mỹ Văn, Châu Giang, Ân Thi, Kim Động, Phù Tiên); 159 xã, phường, thị trấn.
Nhằm hoàn chỉnh các đơn vị hành chính sau khi tỉnh Hưng Yên được tái lập, ngày 24/02/1997, Chính phủ ra Nghị định số 17/NĐ-CP chia huyện Phù Tiên thành hai huyện Phù Cừ và Tiên Lữ.
Ngày 24/7/1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 60/NĐ- CP tách huyện Mỹ Văn và Châu Giang thành 5 huyện: Văn Lâm, Văn Giang, Mỹ Hào, Yên Mỹ và Khoái Châu. Riêng huyện Văn Giang gồm 9 xã của Châu Giang và 2 xã của Mỹ Văn; huyện Yên Mỹ gồm 12 xã của Mỹ Văn và 5 xã của Châu Giang.
Ngày 19/01/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 04/ NĐ-CP về việc thành lập thành phố Hưng Yên trực thuộc tỉnh Hưng Yên. Đến năm 2021, thành phố Hưng Yên có 17 đơn vị hành chính gồm 7 phường, 10 xã.
Ngày 13/3/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 656/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập thị xã Mỹ Hào thuộc tỉnh Hưng Yên. Từ ngày 01/5/2019, thị xã Mỹ Hào được thành lập trên cơ sở toàn bộ 79,36 km2 diện tích tự nhiên và dân số 158.673 người của huyện Mỹ Hào. Thị xã Mỹ Hào gồm có 7 phường và 6 xã.
Sau nhiều lần điều chỉnh về địa giới hành chính, đến năm 2021, tỉnh Hưng Yên có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: Văn Giang, Văn Lâm, Yên Mỹ, Khoái Châu, Ân Thi, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ, thị xã Mỹ Hào và thành phố Hưng Yên; 161 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 139 xã, 14 phường và 8 thị trấn với diện tích 930.22 km2, dân số 1.269.090 người, mật độ dân số 1.364 người/km2.
II. 190 NĂM - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN TỈNH HƯNG YÊN (1831 - 2021)
1. Hưng Yên từ khi thành lập tỉnh (năm 1831) đến Cách mạng tháng Tám năm 1945
Sau khi tỉnh Hưng Yên được thành lập (năm 1831), dưới thời Nguyễn, nhân dân Hưng Yên hăng hái tham gia các cuộc đấu tranh chống phong kiến thực dân của Phan Bá Vành, Cao Bá Quát (năm 1854), Lê Duy Cự (năm 1854) và Cai Vàng (năm 1862).
Ngày 28/11/1873, thực dân Pháp đánh chiếm Hưng Yên lần thứ nhất, đây là đợt xâm lược Việt Nam lần thứ hai của thực dân Pháp nhằm gây sức ép buộc triều đình Huế phải nhân nhượng, ký Hiệp ước “Hòa bình và An ninh” thừa nhận chủ quyền của thực dân Pháp phần đất từ Bình Thuận trở vào.
Ngày 27/3/1883, thực dân Pháp tấn công Hưng Yên lần thứ hai. Ngày 28/3/1883, thành Hưng Yên bị hạ. Căm phẫn trước hành vi xâm lược của thực dân Pháp, Đinh Gia Quế (thôn Thọ Bình, xã Tân Dân, huyện Khoái Châu) tự xưng là “Đổng Nguyên Nhung” đã nổi dậy lập căn cứ Bãi Sậy chống thực dân Pháp. Giữa năm 1885, Đinh Gia Quế lâm bệnh nặng và qua đời thì tướng quân Nguyễn Thiện Thuật (xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, nay là thị xã Mỹ Hào) đứng ra tập hợp được nhiều tướng lĩnh xuất sắc như: Nguyễn Thiện Kế, Nguyễn Thiện Dương, Đốc Tít, Đốc Cọp cùng các tướng lĩnh khác đứng ra chỉ huy nghĩa quân, xây dựng được nhiều xóm làng thành các pháo đài, cung cấp quân lương, cứu chữa thương binh. Nghĩa quân đã đánh thắng được nhiều trận lẫy lừng ở các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh...
Cuối năm 1889, khi cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy gặp khó khăn, Nguyễn Thiện Thuật sang Trung Quốc tổ chức lực lượng kháng chiến mới. Ở quê nhà, Nguyễn Thiện Kế cùng các tướng lĩnh tiếp tục duy trì cuộc khởi nghĩa. Năm 1892, nghĩa quân của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy gia nhập cuộc khởi nghĩa Yên Thế (Bắc Giang) do Hoàng Hoa Thám (xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ) lãnh đạo và các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp khác.
Những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nhân dân Hưng Yên liên tục đứng lên đấu tranh dưới nhiều hình thức, chống thực dân Pháp, chống quan lại cường hào cướp ruộng đất, chống sưu cao, thuế nặng, chống bắt phu, tạp dịch.
Điển hình là các cuộc đấu tranh kéo dài 3 năm liền (1890 - 1892) của nhân dân các xã: Phù Ủng, Bãi Sậy, Xuân Trúc, Vân Du, Đa Lộc (huyện Ân Thi) chống lại tên thực dân Cooc Nu, đã cướp 948 mẫu ruộng ở cánh đồng Tam Thiên Mẫu. Trước sự đấu tranh của nhân dân Hưng Yên, riêng năm 1891, Thống sứ Bắc Kỳ phải 5 lần thay công sứ Hưng Yên, song không làm dịu được tinh thần đấu tranh của nhân dân.
Tháng 02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và đồng chí Nguyễn Ái Quốc, quần chúng cách mạng ở Hưng Yên đã tham gia tích cực vào phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ, đòi cơm áo hòa bình, tham gia Tổng khởi nghĩa, làm nên thắng lợi vĩ đại trong Cách mạng tháng Tám năm 1945. Quá trình khởi nghĩa, giành chính quyền ở tỉnh, chúng ta đã tiến hành nhanh chóng, chớp thời cơ kịp thời. Cuộc biểu tình ngày 22/8/1945 giành chính quyền ở tỉnh lỵ Hưng Yên được coi là ngày thắng lợi chung của cao trào khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Hưng Yên trong Cách mạng tháng Tám.
2. Hưng Yên từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến năm 2021
Sau ngày độc lập (ngày 02/9/1945), cùng với cả nước, nhân dân Hưng Yên bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ngày 01/4/1946, quân và dân tỉnh Hưng Yên nổ súng kháng chiến chống thực dân Pháp đánh chiếm địa bàn tỉnh. Từ đó đến ngày có lệnh ngừng bắn (8 giờ ngày 27/7/1954), cuộc chiến đấu diễn ra liên tục 7 năm 6 tháng trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ, ác liệt song đây là những năm tháng hào hùng, kiên cường, dũng cảm, thông minh, sáng tạo của quân và dân Hưng Yên - vùng đất văn hiến và cách mạng, giành nhiều thắng lợi, lập nên những kỳ tích vẻ vang.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi cho thấy sự vận dụng sáng tạo đường lối, chính sách kháng chiến của Đảng vào thực tiễn địa phương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, phong trào toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt của phong trào toàn dân đánh giặc được đẩy lên cao với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Bước vào thời kỳ mới, Hưng Yên cũng như các tỉnh ở miền Bắc có nhiều thuận lợi, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thử thách. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Hưng Yên phát huy những nhân tố mới, tận dụng những sức mạnh và điều kiện mới... luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ nhằm xây dựng và bảo vệ vững chắc hậu phương, hết lòng hết sức chi viện tiền tuyến đánh thắng đế quốc Mỹ và tay sai, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Từ phong trào “Tứ hóa”, Hưng Yên trở thành tỉnh dẫn đầu miền Bắc nhiều năm về thủy lợi, giao thông nông thôn, xây dựng hợp tác xã và sản xuất nông nghiệp, bổ túc văn hóa, xây dựng làng văn hóa và gia đình văn hóa, đóng góp lương thực, thực phẩm cho Nhà nước, đưa nhân dân đi xây dựng vùng kinh tế mới... Hưng Yên sớm xây dựng địa phương thành một tỉnh vững về chính trị, kinh tế - văn hóa phát triển, quốc phòng - an ninh được củng cố, từng bước cải thiện đời sống của nhân dân.
Tỉnh Hưng Yên vinh dự 10 lần được đón Bác Hồ về thăm và làm việc, chỉ tính riêng 2 năm 1958-1959, Bác đã về thăm Hưng Yên sáu lần, cả sáu lần Bác đều căn dặn cán bộ và nhân dân Hưng Yên tập trung làm thuỷ lợi. Thực hiện những lời dạy của Bác, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, trên khắp các địa phương, nhân dân sôi nổi thi đua làm thuỷ lợi, quyết tâm “thay trời làm mưa”. Chỉ sau một thời gian ngắn, Hưng Yên đạt được những kết quả đáng mừng, đẩy lùi một bước quan trọng của nạn hạn hán, mở rộng diện tích canh tác, tăng sản lượng lúa và hoa màu. Từ một tỉnh đói nghèo, 18 năm đê vỡ trong thời Pháp thuộc, cấy mười vụ thì mất mùa bảy, tám vụ vì hạn hán..., đến đầu những năm 1960, Hưng Yên không những đủ gạo ăn, còn thừa thóc bán cho Nhà nước, (riêng trong vụ mùa 1960 thừa 2 vạn tấn thóc), toàn tỉnh quyết tâm “đuổi kịp trung nông” trong kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1961 - 1965). Với những thành tích nổi bật trong công tác thuỷ lợi, Hưng Yên vinh dự đón Bác về thăm và được Bác tặng Cờ luân lưu “Làm thủy lợi khá nhất” tại Hội nghị tổng kết công tác thuỷ lợi toàn miền Bắc. Niềm vinh dự lớn lao càng góp phần nhân lên sức mạnh, sự quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, liên tục 4 năm 1961 - 1964, Hưng Yên đều được Bác Hồ gửi thư khen và được tặng Cờ thưởng luân lưu “Làm thuỷ lợi khá nhất”.
Năm 1968, tỉnh Hưng Yên sáp nhập với tỉnh Hải Dương thành tỉnh Hải Hưng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Hải Hưng, nhân dân trong tỉnh đã phát huy những kết quả và thuận lợi; tiếp tục đề cao tinh thần tự lực, tự cường, khai thác tốt hơn những khả năng sẵn có; đồng thời tích cực tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương và sự hỗ trợ của các tỉnh bạn.
Năm 1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Để đường lối đổi mới của Đảng đi vào cuộc sống, Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy đảng tổ chức cho cán bộ, đảng viên học tập nghiên cứu các văn kiện Đại hội, xây dựng chương trình hành động phù hợp với từng đảng bộ, tập trung lãnh đạo thực hiện ba chương trình kinh tế lớn, gồm: Lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự điều hành của các cấp chính quyền, cùng sự cố gắng của nhân dân trong tỉnh đã đem lại những kết quả ban đầu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, bộ mặt nông thôn từng bước đổi mới, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện...
Năm 1997, tỉnh Hưng Yên được tái lập, điểm xuất phát của tỉnh thấp, GDP bình quân là 180 USD/người/năm, kết cấu hạ tầng chưa phát triển, hệ thống giao thông vận tải khó khăn. Xác định thế mạnh về vị trí, nhân lực dồi dào, tỉnh tập trung đột phá phát triển công nghiệp, thực hiện những chính sách thu hút đầu tư công nghiệp và dịch vụ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất, kinh doanh. Huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, kết nối giao thông, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội.
Năm 2017, tỉnh Hưng Yên đã tự cân đối được ngân sách, có đóng góp một phần cho Trung ương. Đến hết năm 2020, Hưng Yên đã xây dựng được nền tảng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ; kinh tế tăng trưởng khá nhanh và cao hơn bình quân chung của cả nước, giá trị sản xuất công nghiệp và tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 21.500 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng trưởng cao, đạt giá trị 8,5 tỷ USD, tăng 9,5-10%/năm. Hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng mạnh và từng bước được đa dạng loại hình. Chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung đẩy mạnh, đời sống của người nông dân ngày càng khởi sắc, số hộ giàu tăng nhanh. Các chính sách xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Năm 2020, Hưng Yên được công nhận là tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn.
Từ buổi bình minh lịch sử cho đến ngày nay, cư dân trên “miền đất phù sa” Hưng Yên ngày càng đông đúc, xóm làng trù mật, dân yên, vật thịnh trong tổng thể chung của không gian lịch sử, không gian văn hóa đồng bằng Bắc Bộ. Giữ vai trò chiến lược gắn kết với trung tâm lớn của đất nước, trong tiến trình lịch sử dân tộc, Hưng Yên là một vùng quê “văn hiến”, vùng đất “địa linh”, đóng góp cho đất nước những “tuấn kiệt” làm rạng danh Tổ quốc, đó là những thành tố quan trọng dựng xây lên những truyền thống tốt đẹp của nhân dân Hưng Yên:
Một là, truyền thống yêu nước nồng nàn và ý chí kiên cường bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Từ thời Hùng Vương, trải qua 1000 năm Bắc thuộc và các triều đại phong kiến cho đến Cách mạng tháng Tám (năm 1945), đại thắng mùa Xuân (năm 1975)... quân và dân Hưng Yên luôn sát cánh cùng quân và dân cả nước, đóng góp cho Tổ quốc những anh hùng dân tộc, lập nên nhiều chiến công hiển hách.
Hai là, truyền thống đoàn kết, hòa nhập với thiên nhiên, chế ngự thiên tai, dịch họa, dựng xây quê hương, đất nước. Trong lịch sử, vùng đất Hưng Yên từng phải oằn mình vượt qua những khắc nghiệt từ hiểm họa của thiên nhiên, đặc biệt là lũ lụt, hạn hán và dịch bệnh. Hòa bình lập lại, thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân càng được củng cố. Một trong những nét đẹp tiêu biểu cho tinh thần đại đoàn kết toàn dân của người Hưng Yên hiện nay, đó là hiệu quả từ phong trào xây dựng nông thôn mới.
Ba là, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, trọng nhân tài. Hưng Yên - vùng đất địa linh nhân kiệt là điểm sáng của truyền thống hiếu học, tinh thần ham học hỏi, nhất là về cử nghiệp và thi thư. Vùng đất này thời nào cũng có nhân tài, cũng có người thành danh khoa bảng; có những gia đình, cha con, ông cháu đều văn võ kiêm toàn, trở thành danh nhân văn hóa, danh nhân lịch sử của đất nước; có những làng, xã có truyền thống khoa cử lâu đời, nhiều dòng họ đỗ đạt cao như làng Thổ Hoàng (huyện Ân Thi), làng Xuân Cầu, Lại Ốc (huyện Văn Giang), làng Liêu Xá (huyện Yên Mỹ)...
Bốn là, truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, vượt khó vươn lên. Hưng Yên là vùng đất có lịch sử phát triển với dấu tích của nền văn minh lúa nước có từ rất sớm. Quá trình phát triển của vùng đất này gắn liền với quá trình cải tạo đầm lầy lau sậy, đắp đê chống lụt, làm thủy lợi... biến vùng đất hoang thành ruộng đồng tốt tươi, xóm làng trù phú. Ngoài nghề trồng trọt là nghề chính, nhiều nghề phụ đã ra đời như một minh chứng cho đức tính cần cù, sáng tạo của người Hưng Yên. Trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, truyền thống lao động cần cù, vượt khó vươn lên càng được củng cố và phát huy.
Năm là, truyền thống nhân nghĩa, tương thân tương ái, sống có nghĩa tình, thủy chung. Mang trong mình cùng nhịp đập dòng máu con Lạc cháu Hồng, vùng đất và con người Hưng Yên rất đậm ân tình với chủ nghĩa nhân văn sâu sắc. Trong đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng khi vừa giành được chính quyền (năm 1945), nhân dân Hưng Yên đã tự nguyện san sẻ thóc, gạo, ngô, khoai trợ giúp đồng bào cứu đói. Tình người của vùng đất nơi đây còn được thể hiện rất sâu đậm trong lửa đạn chiến tranh của hai cuộc kháng chiến: Ngoài bảo đảm lương thực, thực phẩm cho Nhà nước, Hưng Yên đã tiếp tế cho nhân dân các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Lạng Sơn... và thóc gạo cho Trung Bộ; đồng thời đã chi viện sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước... Hiện nay, hàng loạt chính sách an sinh xã hội được tỉnh quan tâm chăm lo, hoạt động có hiệu quả; nâng mức hỗ trợ cho các đối tượng bảo trợ xã hội; thực hiện chính sách ưu đãi, chăm sóc người có công, tri ân các anh hùng và gia đình liệt sỹ, nhận phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng...
---------------------
1 Cục Thống kê tỉnh Hưng Yên: Niên giám thống kê tỉnh Hưng Yên năm 2020
2 Gồm Xích Đằng, Man Đằng, Châu Đằng.
3 Gồm Hoa Dương, Hoa Cái, Hoa Điền
Nguồn: https://baohungyen.vn