KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 07/06/2017 - Lượt xem: 602
Tài liệu tuyên truyền về công tác giải tỏa các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi; hoạt động bến bãi, khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

Xem chi tiết Công văn tại đây

Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương; một số cấp ủy, chính quyền cấp xã còn buông lỏng quản lý, tự ý giao đất, cho thuê, thầu trái quy định; còn nhiều tổ chức sử dụng đất kém hiệu quả, tự ý cho thuê lại đất và tài sản gắn liền với đất không đúng quy định; chậm xử lý, xử lý không kiên quyết hành vi lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi; nhiều hộ gia đình, cá nhân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng các công trình trái phép, đào, vượt lấp làm biến dạng bề mặt đất nông nghiệp, nhất là đối với phần diện tích tiếp giáp với trục đường giao thông vừa mới xây dựng và diện tích đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng; tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra (mới cấp được 86,3% đất sản xuất nông nghiệp, 54,2% đất ở; 52,58% đất của các tổ chức tôn giáo); công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính mới được 73,28% diện tích và cơ sở dữ liệu đất đai chưa được cập nhật thường xuyên, đầy đủ; việc giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.

Công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai, khoáng sản, về đê điều, khai thác và bảo vệ các công trình giao thông, thủy lợi chưa thường xuyên, sâu rộng trong nhân dân; một bộ phận cán bộ và nhân dân nhận thức chưa đúng, đủ các quy định của pháp luật về đất đai, khoáng sản, giao thông, thủy lợi, xây dựng nên việc chấp hành pháp luật tại một số nơi còn chưa nghiêm; việc xử lý đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai còn nhiều hạn chế, chưa phát hiện kịp thời và giải quyết dứt điểm, chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc lập biên bản vi phạm và xử phạt hành chính; việc xử lý vi phạm hành chính về đê điều theo Nghị định 139/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ chưa được các cấp chính quyền địa phương thực hiện kiên quyết, chưa có tính răn đe cao đối với các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều; công tác bảo vệ công trình thủy lợi, tự tháo dỡ các vi phạm như yêu cầu theo nội dung Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 21/3/2013 của Ban thường vụ Tỉnh ủy còn hạn chế, chưa phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm công trình thủy lợi ngay từ khi mới manh nha; việc cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi còn hạn chế; tình trạng xe quá tải chạy trên đê vào thời điểm chiều tối và đêm vẫn còn xảy ra…

Việc chấp hành sự chỉ đạo, điều hành của cấp trên ở một số cơ quan, tổ chức, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa nghiêm; còn một số ít đơn vị chậm triển khai thực hiện nhiệm vụ Ủy ban nhân dân tỉnh giao, chất lượng chưa đảm bảo theo yêu cầu. Công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chưa được quan tâm đúng mức; việc phát hiện vi phạm, xác định trách nhiệm và xử lý chưa kịp thời, chưa nghiêm. Công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý của nhiều sở, ngành, địa phương về kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa thường xuyên, còn biểu hiện nương nhẹ, thậm chí bao che.

Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động chưa chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính; thực hiện nhiệm vụ được giao chưa tốt, vẫn còn tình trạng để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; đùn đẩy trách nhiệm, né tránh công việc; vi phạm các quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của người cán bộ, công chức, viên chức;…

I. THỰC TRẠNG VÀ KẾT QUẢ XỬ LÝ CÁC TRƯỜNG HỢP VI PHẠM

1. Các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp

Các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tích cực kiểm tra, rà soát các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, kết quả xử lý như sau:

1.1. Huyện Phù Cừ

Có 1.111 trường hợp xây dựng các công trình trái phép trên đất nông nghiệp (xây dựng nhà tạm, lều lán, nhà kho, chuồng trại chăn nuôi) với diện tích là 5,28 ha (từ trước ngày 05/6/2004 đến ngày 20/3/2017). Các xã, thị trấn đã lập 1.664 biên bản, ban hành 279 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tổng số tiền nộp phạt 593 triệu đồng. Áp dụng biện pháp tháo dỡ công trình vi phạm, san gạt trả lại hiện trạng đất như ban đầu 17 trường hợp tại các xã: Đoàn Đào, Đình Cao, Tam Đa, Minh Hoàng.

Trong tháng 4/2017, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ vi phạm tự giác giải tỏa, tháo dỡ các công trình xây dựng vi phạm trên đất nông nghiệp, đến nay đã có 19 hộ đang tiến hành tự giác tháo dỡ công trình và phần công trình vi phạm.

1.2. Huyện Tiên Lữ

Có 145 trường hợp vi phạm đất đai với diện tích 9,84 ha (chủ yếu là cho thuê đất trái thẩm quyền 10 trường hợp, lấn chiếm đất đai 3 trường hợp, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp 29 trường hợp, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất 58 trường hợp). Trong 29 trường hợp xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp với diện tích 0,25 ha, đã tự tháo dỡ và giải tỏa 13 trường hợp (nhà tạm, chuồng trại), còn 16 trường hợp đang tuyên truyền, vận động để giải tỏa.

1.3. Thành phố Hưng Yên

Có tổng 2.546 trường hợp vi phạm (xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, công trình giao thông, lấn chiếm đất đai, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất) với tổng diện tích 186,42 ha (từ ngày 01/7/2004 đến 25/3/2016), trong đó: 440 trường hợp xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp giai đoạn 2004 - 2014 với tổng diện tích 3,05 ha (cơ bản cấp xã đã lập biên bản vi phạm, xử phạt hành chính đối với các hộ vi phạm tuy nhiên chưa xử lý triệt để và yêu cầu các hộ hoàn trả lại mặt bằng); 217 trường hợp lấn, chiếm đất công, đất hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đất hành lang giao thông với diện tích 2,99 ha; 1.889 trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích 180,38 ha.

UBND xã, phường đã lập biên bản đình chỉ công trình vi phạm, ban hành  quyết định xử phạt hành chính và yêu cầu khôi phục lại hiện trạng ban đầu đối với những trường hợp vi phạm tuy nhiên vẫn còn tồn tại những trường hợp tái vi phạm.

1.4. Huyện Ân Thi

Có 286 trường hợp vi phạm ở 20 xã, thị trấn, trong đó: năm 2014 có 35 trường hợp; năm 2015 có 156 trường hợp; năm 2016 có 95 trường hợp (từ ngày 01/01/2016 đến ngày 16/3/2016 có 42 trường hợp, sau ngày 16/3/2016 có 53 trường hợp vi phạm).

1.5. Huyện Kim Động

Có 1.267 trường hợp vi phạm với diện tích 212,36 ha; trong đó, 08 trường hợp bán đất trái thẩm quyền với diện tích 0,98 ha; 34 trường hợp xây nhà trên đất nông nghiệp với diện tích 0,67 ha; 52 trường hợp xây dựng lều, lán tường rào trái phép trên đất nông nghiệp với diện tích 1,14 ha; 31 trường hợp xây dựng chuồng trại chăn nuôi với diện tích 0,06 ha; 1.142 trường hợp chuyển đổi sai mục đích sử dụng đất nông nghiệp với diện tích 209,5 ha.

1.6. Huyện Yên Mỹ

Từ ngày 01/7/2014 đến ngày 10/4/2017: có 154 trường hợp lấn chiếm, xây dựng nhà ở, chuồng trại, lều, lán và các công trình trên đất sản xuất nông nghiệp, hàng lang giao thông, thủy lợi; đã xử lý 111 trường hợp, còn 43 trường hợp chưa xử lý.

1.7. Huyện Khoái Châu

Có 59 trường hợp lấn chiếm, xây dựng nhà ở, chuồng trại, lều, lán và các công trình trên đất sản xuất nông nghiệp, hành lang giao thông, thủy lợi, mặt nước chuyên dùng, với diện tích 1,0118 ha. Các xã để xảy ra nhiều trường hợp vi phạm như: Bình Minh, Dân Tiến, Hàm Tử, Tứ Dân, Dạ Trạch, Đại Tập với diện tích là 0,7633 ha. Tổng diện tích vi phạm của các xã còn lại là 0,2458 ha. Trong các vi phạm, xây dựng chuồng trại trên đất sản xuất nông nghiệp là phổ biến nhất tại các xã Dạ Trạch, Đông Kết, Tứ Dân, Việt Hòa với tổng diện tích xây dựng là 0,6054 ha; nhiều xã còn để các hộ dân tự ý xây nhà trên đất sản xuất nông nghiệp như: Tứ Dân, Đại Tập và Dạ Trạch với diện tích là 0,0226 ha.

1.8. Huyện Văn Giang

Có 1.283 trường hợp vi phạm (Vi phạm lấn chiếm đất đai có 387 trường hợp; Vi phạm chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp 896 trường hợp), đã lập biên bản vi phạm 1.245 trường hợp, xử phạt 222 trường hợp, cưỡng chế giải tỏa 118 trường hợp.

1.9. Huyện Văn Lâm

Có 409 trường hợp vi phạm với diện tích 6,16 ha, trong đó: 37 trường hợp lấn chiếm đất công, diện tích 0,7484 ha; 222 trường hợp lấn chiếm hành lang an toàn giao thông với diện tích 0,4536 ha; 32 trường hợp lấn chiếm hành lang thủy lợi với diện tích 0,096 ha; 99 trường hợp sử dụng đất sai mục đích (xây xưởng, nhà ở, chuyển đổi cây trồng trái phép) với diện tích 4,5216 ha; giao đất, cho thuê đất trái thẩm quyền 19 trường hợp với diện tích 0,3426 ha.

UBND các xã, thị trấn đã lập biên bản xử lý vi phạm và ra quyết định xử lý, buộc tháo dỡ công trình, trả lại hiện trạng sử dụng đất ban đầu, còn 32 trường hợp đang hoàn chỉnh hồ sơ để xử lý theo quy định.

1.10. Huyện Mỹ Hào

Có 5.679 trường hợp vi phạm (chủ yếu cấp đất, bán đất, cho thuê trái thẩm quyền, lấn chiếm đất đai, xây dựng công trình trái phép, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất) với diện tích 629,09 ha, cụ thể:

- Vi phạm về cấp đất, bán đất, cho thuê đất trái thẩm quyền có 4.484 trường hợp, với diện tích 562,78 ha. Trong đó: từ năm 1993 đến 2004 có 3.449 trường hợp, với diện tích 546,44 ha; từ năm 2004 đến trước ngày 01/7/2014 có 1.035 trường hợp, với diện tích 16,34 ha. Đã xử lý được 07 trường hợp, với diện tích 0,0l ha.

- Vi phạm về lấn, chiếm đất đai có 550 trường hợp, với diện tích 6,56 ha; trong đó: từ trước ngày 16/3/2016 có 541 trường hợp, với diện tích 6,42 ha; từ sau ngày 16/3/2016 có 09 trường hợp, với diện tích 0,14 ha. Đã xử lý được 135 trường hợp, với diện tích 0,81 ha.

- Vi phạm về xây dựng công trình trái phép có 345 trường hợp, với diện tích trên 2,36 ha; trong đó: từ trước ngày 16/3/2016 có 336 trường hợp, với diện tích 2,28 ha; từ sau ngày 16/3/2016 có 09 trường hợp, với diện tích 0,08 ha; có 06 trường hợp đã tự tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, diện tích khoảng 0,63 ha, các trường hợp còn lại đã lập biên bản vi phạm hành chính.

- Vi phạm về tự ý chuyển mục đích sử dụng đất có 300 trường hợp, với diện tích gần 57,39 ha; trong đó: từ trước ngày 16/3/2016 có 287 trường hợp, với diện tích 56,77 ha; từ sau ngày 16/3/2016 có 13 trường hợp, với diện tích 0,62 ha. Đã lập biên bản vi phạm hành chính các trường hợp vi phạm.

2. Vi phạm hành lang bảo vệ các công trình giao thông

Theo số liệu tổng hợp của Tổ công tác liên ngành trong đợt ra quân năm 2016, UBND các huyện, thành phố đã ra quân giải tỏa được 3.681 m2 lều lán; 12.788 m2 mái che, mái vẩy; tường rào 2.357 m2; vật liệu với diện tích 4.397 m2, khối lượng 8.502 m3; 8.404 m2 san lấp mặt bằng; 4.305 biển hiệu, biển quảng cáo; 1.208 hộ bày bán hàng hóa; thu giữ 10 xe hàng, 351 bạt che, 329 hàng hóa các loại; chặt, phát quang 12.750 cây. Từ năm 2016 đến nay Sở Giao thông vận tải đã xử phạt 03 trường hợp với số tiền 53 triệu đồng.

Sở Giao thông vận tải đã rà soát, thống kê các trường hợp vi phạm trong hành lang đủ điều kiện để giải tỏa (phạm vi thống kê: Trong khu vực đông dân cư tính từ mép ngoài rãnh dọc hoặc mép vỉa hè; đối với khu vực ngoài khu dân cư thì trên đất chưa được cấp quyền sử dụng đất ở). Theo đó, trên các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý của Sở Giao thông vận tải có 313 trường hợp vi phạm hành lang, cụ thể có 213 trường hợp nhà kiên cố; 40 trường hợp mái che; 12 trường hợp xây tường rào; 111 trường hợp dựng lều, lán; biển quảng cáo 57 trường hợp.

Theo báo cáo của các huyện, thành phố, kết quả rà soát, thống kê các công trình vi phạm trong hành lang an toàn giao thông đường bộ cần giải tỏa, cụ thể gồm: huyện Khoái Châu: 88 trường hợp; Kim Động: 159 trường hợp; Thành phố Hưng Yên: 06 trường hợp; Tiên Lữ: 20 trường hợp; Ân Thi: 13 trường hợp; Văn Lâm: 09 trường hợp; Yên Mỹ: 08 trường hợp; Mỹ Hào, Văn Giang, Phù Cừ: 10 trường hợp.

3. Vi phạm công trình thủy lợi

Hưng Yên có khoảng 6.289 km kênh mương các loại, nằm trải khắp trên địa bàn tỉnh, xen kẽ qua các khu dân cư, thị trấn, thị tứ, làng mạc, khu đô thị và khu công nghiệp nên công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi gặp nhiều khó khăn, tình trạng lấn chiếm đất đai trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi để xây nhà, lều quán, lán trại… xảy ra ở hầu hết các địa phương và diễn biến phức tạp. Theo thống kê trên địa bàn tỉnh có 6.491 vi phạm.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, các địa phương nên công tác ngăn chặn, xử lý, giải tỏa vi phạm công trình thủy lợi đã đạt được những kết quả nhất định, cơ bản ngăn chặn được vi phạm mới phát sinh; hệ thống kênh mương thông thoáng, đáp ứng được yêu cầu tưới tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh; ý thức của cán bộ và nhân dân về trách nhiệm bảo vệ công trình thủy lợi được nâng lên một bước, góp phần hạn chế vi phạm mới trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh còn tồn tại nhiều vi phạm phức tạp có liên quan đến xây dựng nhà kiên cố; đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho thuê đất sai phạm, trái thẩm quyền; một số trường hợp là đất thổ cư qua nhiều thế hệ sinh sống. Năm 2016, có phát sinh vi phạm mới nhưng giải tỏa chưa triệt để (ngăn chặn, giải tỏa 76 vi phạm trong 121 vi phạm mới phát sinh).

Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra việc ngăn chặn, xử lý giải tỏa vi phạm công trình thủy lợi của các huyện, thành phố với nhiều hình thức. Qua đó, trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở các địa phương kiên quyết xử lý giải tỏa vi phạm, tuyệt đối không để phát sinh vi phạm mới. Đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phối hợp với Thanh tra Sở tiến hành 04 cuộc thanh tra việc chấp hành pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi (03 cuộc tại 03 Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi và 01 cuộc tại 03 xã của huyện Khoái Châu).

UBND các huyện, thành phố đã phối hợp với các công ty khai thác công trình thủy lợi chỉ đạo các xã, phường, thị trấn và các xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi rà soát lại, thống kê, phân loại và thiết lập hồ sơ chi tiết các vi phạm công trình thủy lợi, đồng thời tập trung ngăn chặn, xử lý, giải tỏa vi phạm.

Đến nay, việc rà soát, thống kê, phân loại và thiết lập hồ sơ vi phạm cơ bản đã hoàn thành; việc giải tỏa các vi phạm gây cản trở dòng chảy đã đảm bảo, kênh mương thông thoáng đáp ứng được yêu cầu tưới tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh trên địa bàn tỉnh.

Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai ký cam kết không vi phạm về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi tới từng hộ gia đình có liên quan tại các xã: Phú Cường, Trung Nghĩa, Bảo Khê, Liên Phương, Hồng Nam, Tân Hưng thuộc thành phố Hưng Yên; xã Phùng Hưng, huyện Khoái Châu.

Việc cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi đã được Công ty triển khai và đã cắm mốc chỉ giới được 105 tuyến kênh trọng điểm với tổng chiều dài 142,3 km.

- Tổng số vi phạm đã được rà soát, thống kê, lập hồ sơ 6.491 trường hợp vi phạm, gồm: làm nhà, công trình phụ:    2.602 vi phạm; làm lều quán, lán trại:  606 vi phạm; san lấp: 393 vi phạm; trồng cây: 1.218 vi phạm; vi phạm khác: 1.349 vi phạm; ách tắc dòng chảy: 323 vi phạm.

- Tổng số vi phạm đã được giải tỏa đến 31/12/2016: 2.964 vi phạm (đạt 45,7%), gồm: làm nhà, công trình phụ: 64 vi phạm; làm lều quán, lán trại: 282 vi phạm; san lấp: 319 vi phạm; trồng cây: 1.137 vi phạm; vi phạm khác: 839 vi phạm; ách tắc dòng chảy: 323 vi phạm.

- Tổng số vi phạm còn tồn tại đến 31/12/2016: 3.527 vi phạm, gồm: làm nhà, công trình phụ: 2.538 vi phạm; làm lều quán, lán trại: 324 vi phạm; san lấp: 74 vi phạm; trồng cây: 81 vi phạm; vi phạm khác: 510 vi phạm

4. Vi phạm về đê điều, xây dựng bến bãi tập kết vật liệu xây dựng và khai thác cát trái phép trên sông

4.1. Vi phạm hành lang bảo vệ đê điều

Tổng số vi phạm còn tồn đọng đến nay là 416 vụ. Các vụ vi phạm chủ yếu là xây nhà, sửa chữa nhà, xây công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi, làm lán bán hàng và một số vi phạm khác.

a) Vi phạm pháp luật về đê điều trong giai đoạn 2011 - 2015:

Trong giai đoạn 2011- 2015, trên địa bàn tỉnh có 352 vụ vi phạm pháp luật về đê điều còn tồn đọng, cụ thể như sau: các huyện: Văn Giang: 67 vụ; Khoái Châu: 71 vụ; Kim Động: 43 vụ; Tiên Lữ: 87 vụ; Phù Cừ: 50 vụ và thành phố Hưng Yên: 34 vụ.

 

 

b) Vi phạm pháp luật về đê điều năm 2016:

Trong năm 2016, trên địa bàn tỉnh có 68 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, trong đó xử lý được 04 vụ, còn tồn đọng 64 vụ, cụ thể như sau: các huyện: Văn Giang: 25 vụ; Khoái Châu: 13 vụ, giải tỏa 01 vụ; Kim Động 06 vụ, giải tỏa 01 vụ; Tiên Lữ: 17 vụ, giải tỏa 01 vụ; Phù Cừ: 07 vụ, giải tỏa 01 vụ.

Khi có vi phạm xảy ra, lực lượng quản lý đê các huyện, thành phố đã phát hiện, lập biên bản và báo chính quyền địa phương xử lý theo quy định. Đối với các vụ vi phạm chưa được chính quyền địa phương quan tâm xử lý, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh đã có văn bản đề nghị chính quyền địa phương xử lý dứt điểm. Trường hợp vi phạm có tính chất chây ỳ, coi thường pháp luật, có tính chất nghiêm trọng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo địa phương, các ngành liên quan xử lý.

Trong giai đoạn 2011 - 2015 và trong năm 2016, chính quyền địa phương và Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đê điều theo Nghị định số 139/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ 27 vụ, với số tiền phạt là 78.500.000 đồng.

4.2. Các vi phạm xe quá khổ, quá tải trên đê

Trong những năm gần đây, do sự phát triển kinh tế, nhu cầu san lấp của các dự án và các công trình xây dựng nên tình trạng các xe quá khổ, quá tải đi trên đê diễn ra nghiêm trọng và phức tạp nhất là trên địa bàn các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, gây hư hỏng mặt đê, làm cho mặt đê bị lún, nứt, gãy làm ảnh hưởng đến an toàn đê điều và làm mất an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông. UBND tỉnh đã chỉ đạo chính quyền địa phương, các ngành chức năng xử lý, tình trạng xe quá khổ, quá tải đã giảm đi; tuy nhiên vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là ở khu vực các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động và Tiên Lữ.

4.3. Vi phạm của các bến, bãi kinh doanh vật liệu xây dựng

Tổng số các bến chứa chất vật liệu xây dựng và cát đen đến thời điểm hiện tại là 59 bến, trong đó có 14 bến được UBND tỉnh cấp giấy phép xây dựng bến bốc xếp và kinh doanh vật liệu xây dựng, 01 đơn vị.

Các bến, bãi bốc xếp, kinh doanh vật liệu xây dựng vi phạm với các lỗi chủ yếu là: không xây dựng hệ thống tiêu, thoát nước; không làm nền cứng chống thấm, không kè mái bảo vệ bờ sông; chứa chất vật liệu xây dựng sai quy định, chứa chất cao, sát mép bờ sông; đào, khai thác đất, hạ thấp khu vực bãi; sang tên, chuyển đổi chủ không đúng quy định; một số bến bãi có trong quy hoạch nhưng các doanh nghiệp không làm thủ tục để cấp phép hoạt động; một số bến bãi chưa có phép nhưng vẫn hoạt động.

Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản để xử lý kiên quyết, dứt điểm tình hình vi phạm các bến, bãi kinh doanh vật liệu xây dựng, đặc biệt là Thông báo số 194/TB-UBND ngày 29/6/2016 về ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp về nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông; bến, bãi bốc xếp, kinh doanh vật liệu xây dựng; việc sản xuất gạch, khai thác đất làm gạch trên bãi sông Hồng, sông Luộc trên địa bàn tỉnh; trong đó đề nghị UBND các huyện, thành phố xử lý dứt điểm các bến bãi vi phạm tại nội dung Thông báo. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tình hình xử lý các bến, bãi chứa chất, kinh doanh vật liệu xây dựng chưa triệt để, việc xử phạt còn mang tính hình thức; chưa chấp hành nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Thông báo số 194/TB-UBND ngày 26/9/2016 của UBND tỉnh về việc chấm dứt hợp đồng cho thuê đất đối với các bến bãi.

Trong năm 2016, chính quyền địa phương và Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh mới chỉ xử phạt các bến, bãi kinh doanh vật liệu xây dựng vi phạm hành chính về lĩnh vực đê điều theo Nghị định số 139/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ 21 vụ, với tổng sổ tiền phạt là 77.500.000 đồng.

4.4. Vi phạm của các điểm khai thác cát

Khoáng sản của tỉnh Hưng Yên với số lượng không nhiều, chủ yếu có hai loại: cát làm vật liệu xây dựng và đất sét phục vụ công tác làm gạch, gói. Đến nay, UBND tỉnh đã cấp phép khai thác cát trên lòng sông, bãi sông cho các đơn vị tại 10 vị trí.

Trong những năm gần đây, UBND tỉnh, chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã tập trung chỉ đạo quyết liệt nên tình trạng khai thác cát trái phép ở lòng sông, bãi sông cơ bản đã được ngăn chặn. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng các thuyền khai thác cát trái phép vẫn còn xảy ra, chủ yếu vào ban đêm và sáng sớm, gây mất an toàn hệ thống đê điều, gần đây nhất là sạt lở kè Lam Sơn, kè Phú Hùng Cường thuộc thành phố Hưng Yên; chính quyền các địa phương đã tổ chức các đợt truy bắt, xử phạt các phương tiện khai thác trái phép, tuy nhiên kết quả còn hạn chế. Nguyên nhân do các đối tượng khai thác cát thường xuyên di động trên sông không theo thời gian và địa điểm nhất định, các đối tượng thường lợi dụng thời điểm đêm tối để hoạt động, nhằm cố tình tránh né sự kiểm soát của đoàn kiểm tra nên cũng gây nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, ngăn chặn xử lý tình trạng này. Các phương tiện khai thác là những tàu, thuyền, khi thu giữ cũng rất khó bởi không bố trí được bến, bãi tạm giữ tàu, thuyền vi phạm và lực lượng trông coi. Đa số trên các phương tiện là người làm thuê trực tiếp khai thác, chủ phương tiện thường vắng mặt nên việc xử lý, tạm giữ phương tiện lâu ngày là khó khăn.

Đối với các đơn vị, doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép cho khai thác cát trên lòng sông, việc quản lý, giám sát khai thác cát gặp nhiều khó khăn do nhận thức pháp luật về khoáng sản của các tổ chức, cá nhân, kể cả cán bộ quản lý và một bộ phận người dân chưa được cao, chưa ý thức được trách nhiệm trong công tác bảo vệ, sử dụng khoáng sản.

 

 

II. CHỦ TRƯƠNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI

Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật đất đai năm 2013, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 16/3/2016 và Kế hoạch số 93A/KH-UBND ngày 31/3/2017, trong đó đề ra một số chủ trương và giải pháp thực hiện trong thời gian tới như sau:

1. Nghiêm cấm việc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất trồng lúa chuyển sang mục đích khác khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; không được tự ý đào, đắp, xây dựng nhà ở và các công trình trên đất nông nghiệp trái quy định của pháp luật hoặc làm ảnh hưởng đến lớp đất canh tác và biến dạng mặt đất. Trường hợp có nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải tuân thủ theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được UBND tỉnh phê duyệt và theo quy định của pháp luật.

2. Xử lý nghiêm chính quyền ở những nơi buông lỏng quản lý đất đai, để phát sinh tình trạng bán đất, cấp đất trái phép; để tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, lấn, chiếm đất hành lang các công trình giao thông, thủy lợi, xây dựng nhà ở, công trình trái phép trên đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Phải kiên quyết tháo dỡ những công trình xây dựng trái phép trên đất trồng lúa, đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là vi phạm hành lang bảo vệ các công trình giao thông, thủy lợi, đường điện...

Tập trung kiểm tra, rà soát và kiên quyết xử lý thu hồi đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng, chậm đưa vào sử dụng, sử dụng lãng phí, đầu cơ đất hoặc sử dụng sai mục đích, trái pháp luật, không đăng ký quyền sử dụng đất, kể cả trường hợp không đăng ký biến động về quyền sử dụng đất; lấn, chiếm hành lang bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi. Tổ chức rà soát việc sử dụng đất của các tổ chức được giao đất không thu tiền sử dụng đất, yêu cầu phải chuyển sang thuê đất theo quy định của pháp luật; tiếp tục xử lý đất dôi dư gắn với việc đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định và cấp giấy chứng nhận (GCN).

3. Khẩn trương hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, lập hồ sơ địa chính và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai; đẩy nhanh tiến độ cấp GCN, trong đó tập trung cấp GCN cho các cơ sở tôn giáo, cơ quan hành chính, đất ở và hoàn thiện hồ sơ cấp đổi GCN đất nông nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân sau dồn thửa đổi ruộng để đảm bảo thực hiện các quyền của người sử dụng đất. Đề xuất cơ chế xử lý cấp GCN đối với các trường hợp bán đất, cho thuê đất trái thẩm quyền, đất sử dụng không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, về hạn mức đất ở.

4. Chủ động và tích cực thực hiện nhanh công tác giải phóng mặt bằng theo kế hoạch sử dụng đất và các dự án đầu tư được duyệt theo quy định; đẩy mạnh cải cách hành chính, nghiêm cấm mọi biểu hiện gây phiền hà trong giải quyết các thủ tục đất đai, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh nhằm đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

5. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của công trình giao thông, thủy lợi và về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm quản lý sử dụng đất, công trình công cộng để nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, nhất là cơ sở trong việc quản lý đất đai, bảo vệ công trình công cộng, việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm. Xây dựng bản tin, các nội dung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyên bằng lồng ghép hội nghị, sinh hoạt cộng đồng.

6. Xây dựng kế hoạch rà soát, giải tỏa các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; vi phạm hành lang bảo vệ các công trình giao thông, thủy lợi; xây dựng các bến bãi chứa và kinh doanh vật liệu xây dựng không đúng quy định và xử lý các hoạt động khai thác cát trái phép trên sông.

6.1. Giữ nguyên hiện trạng các công trình xây dựng thuộc đất hành lang giao thông, thủy lợi đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, sử dụng đất trước thời điểm quy định về hành lang; các công trình trên đất giao trái thẩm quyền trước khi có quy định về hành lang giao thông, thủy lợi.

6.2. Buộc dỡ bỏ các công trình xây dựng trên đất giao trái thẩm quyền sau khi có quy định về hành lang, vi phạm hành lang công trình giao thông, thủy lợi; các công trình, lều, lán, mái vẩy, mái che, biển quảng cáo đặt hoặc xây dựng trên đất hành lang, lòng, lề đường do Nhà nước đang quản lý, các trường hợp làm cản trở dòng chảy, cản trở lưu thông, hạn chế tầm quan sát.

6.3. Phải kiên quyết dỡ bỏ các công trình nhà ở xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

- Bước 1 (Từ nay đến hết tháng 6/2017): Các công trình xây dựng nhà ở kể từ khi UBND ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 16/3/2016 đến nay.

- Bước 2 (Từ tháng 7/2017 trở đi): Các công trình nhà ở xây dựng vượt quy mô cho phép ở trước thời điểm ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 16/3/2016 (diện tích 36 m2 theo quy định tại Quyết định số 46/2005/QĐ-UB ngày 15/6/2005 của UBND tỉnh ban hành quy định tạm thời về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại).

6.4. Các bến, bãi thuê thầu của xã, của người sử dụng đất nông nghiệp, không phù hợp với quy hoạch phải thanh lý ngay các hợp đồng và không cho phép hoạt động. Các bến bãi phù hợp với quy hoạch, chưa được cấp phép và chưa được cấp có thẩm quyền cho thuê đất phải hoàn thiện hồ sơ cấp phép, thuê đất trong năm 2017 (thời gian cấp phép không quá 02 năm).

6.5. Xử phạt hành chính, truy thu các khoản lợi bất hợp pháp, tịch thu toàn bộ các phương tiện khai thác và yêu cầu khôi phục nguyên hiện trạng đối với các trường hợp khai thác cát trái phép; cương quyết xử lý hình sự đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác cát trái phép trên sông gây hậu quả nghiêm trọng hoặc làm hủy hoại môi trường, làm sạt lở đất bãi, ảnh hưởng đến công trình đê điều.

7. Xác định và xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân các cơ quan có liên quan tại thời điểm để xảy ra các vi phạm, đặc biệt những nơi để xảy ra tái phạm. Xử lý nghiêm việc chuyển mục đích, cho thuê, thầu đất công ích không đúng thẩm quyền quy định.

8. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao vai trò quản lý về đất đai, đê điều, thủy lợi, giao thông đường bộ, xây dựng, quản lý tài nguyên khoáng sản cho cán bộ và nhân dân: Chú trọng nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng đất thông qua các phương tiện truyền thông, đài, báo và tại các hội nghị, cuộc họp cấp xã, thôn, xóm; nâng cao tinh thần trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, nghiêm túc kiểm điểm đối với lãnh đạo cấp xã buông lỏng công tác quản lý nhà nước về đất đai, giao thông, thủy lợi, khoáng sản, không quyết liệt xử lý các vi phạm tại địa phương.

9. Thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản, đê điều, giao thông, thủy lợi có biện pháp kiên quyết, hiệu quả xử lý các vi phạm pháp luật về đất đai, khoáng sản, đê điều, giao thông còn tồn đọng. Chính quyền địa phương, bố trí lực lượng tăng cường công tác quản lý để ngăn chặn việc tái vi phạm; kiên quyết không để phát sinh những trường hợp vi phạm mới; tập trung giải quyết các vi phạm đã xảy ra theo đúng quy định của pháp luật.

10. Các địa phương tăng cường phối hợp với các Công ty khai thác công trình thủy lợi chỉ đạo quyết liệt xử lý, giải tỏa vi phạm công trình thủy lợi, ngăn chặn tình trạng tái vi phạm và tuyệt đối không để phát sinh vi phạm mới; triển khai ký cam kết không vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi tới từng hộ gia đình có liên quan.

11. Tiếp tục rà soát, tổng hợp các vi phạm; xử lý theo thẩm quyền quy định của pháp luật về đất đai đối với những trường hợp liên quan đến việc đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho thuê đất sai phạm, trái thẩm quyền. Đối với những trường hợp khó khăn, không giải quyết được thì tổng hợp báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính để thẩm định và tham mưu trình UBND tỉnh xem xét cho hướng giải quyết.

12. Xử lý nghiêm khắc các bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng bằng các hình thức và thời gian cụ thể; có chế tài nghiêm khắc đối với các chủ bến, bãi vi phạm về tải trọng khi xuất bến. Đồng thời hướng dẫn các tổ chức thực hiện đúng thời gian được hoạt động bến bãi theo quy định đã nêu trong Giấy phép, trong Giấy chứng nhận đầu tư. Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện nếu trên địa bàn quản lý để tình trạng khai thác cát sông, đất làm nguyên liệu và sử dụng đất sai mục đích cho việc tập kết khoáng sản trái phép; gây bức xúc trong dư luận, tác động xấu đến cảnh quan môi trường, an ninh trật tự và đời sống của người dân địa phương.

13. Tăng cường công tác kiểm tra việc cho thuê đất của UBND cấp xã và có kế hoạch xử lý cụ thể đối với các hợp đồng cho thuê đất trái phép, sử dụng đất sai mục đích; có biện pháp cương quyết xử lý kỷ luật đối với tổ chức, cá nhân, nhất là đối với lãnh đạo UBND cấp xã đã ký các hợp đồng cho thuê đất trái phép, sử dụng đất sai mục đích.

14. Đẩy mạnh việc kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp dùng xe quá tải để chuyên chở vật liệu trên đê; các trường hợp khai thác đất, cát trái phép; xem xét, đề nghị điểu chỉnh, bổ sung những vị trí phù hợp vào các quy hoạch của tỉnh.

15. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác cát liên quan đến đê điều, quản lý chặt chẽ về số lượng tàu thuyền, khối lượng khai thác theo đúng công suất cho phép trong giấy phép khai thác của đơn vị. Yêu cầu các chủ bến, bãi phải ký cam kết với Chủ tịch UBND các huyện, thành phố về việc không được bốc xếp vật tư, vật liệu xây dựng cát đen lên phương tiện quá khổ, quá tải. Thời gian hoạt động bốc xếp lên phương tiện chỉ từ 6 giờ sáng đến 18 giờ chiều trong ngày.

16. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về khoáng sản đến người dân, các tổ chức để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành và ý thức chấp hành pháp luật về khoáng sản của các tổ chức, cá nhân.

17. Nâng cao chất lượng điều tra địa chất khoáng sản, đánh giá đúng thực trạng trữ lượng cát sông, đất làm nguyên liệu sản xuất gạch trên địa bàn tỉnh. Thẩm định chặt chẽ việc cấp phép khai thác cát, đất làm nguyên liệu cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu và có đủ năng lực khai thác.

18. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những vi phạm trong việc khai thác và sử dụng cát sông, đất làm gạch ngói; quy trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản (cát, đất) trái phép tái diễn trên địa bàn.

19. Nâng cao vai trò trách nhiệm và đẩy mạnh hoạt động phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương trong quản lý nhà nước về khoáng sản. Chấm dứt tình trạng khai thác cát, đất làm nguyên liệu sản xuất gạch ngói trái phép.

20. UBND các huyện, thành phố rà soát, xác định các vị trí cần phải bố trí tổ tự quản tập trung tại những khu đông dân cư, khu chợ cóc, chợ tạm thường xuyên lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và hành lang giao thông, đề xuất với Tổ công tác liên ngành xem xét báo cáo UBND tỉnh.

21. Thời gian thực hiện

- Trong tháng 4/2017, thành lập Ban Chỉ đạo các cấp, xây dựng kế hoạch giải tỏa, tiến hành rà soát, phân loại và tiến hành tuyên truyền để người dân, tổ chức, người vi phạm tự giác giải tỏa các công trình vi phạm.

- Tháng 5, 6/2017, các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn tiến hành cưỡng chế, giải tỏa các công trình vi phạm, bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý.

- Từ tháng 7/2017 trở đi, tiến hành kiểm tra, sơ kết và rút kinh nghiệm và thực hiện bước 2 và tiếp tục thực hiện thường xuyên, liên tục, không có điểm dừng.

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY HƯNG YÊN

Tin liên quan