KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 10/06/2019 - Lượt xem: 43
Tăng cường xử lý rác thải nhựa trong giai đoạn hiện nay

                                                                                            Đỗ Hữu Nhân                                              Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên

 Ô nhiễm rác thải nhựa đang trở nên ngày càng trầm trọng, đã trở thành vấn nạn, đe dọa sự phát triển vững bền của xã hội và cuộc sống trên trái đất. Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, thế giới mỗi năm sử dụng 500 tỷ túi nylon, chai, lọ nhựa và khoảng 40% nhựa được sản xuất dùng để đóng gói. Ước tính mỗi năm lượng rác thải nhựa do con người thải ra phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất. Mỗi năm có đến 8 triệu tấn rác thải nhựa trôi ra các đại dương. Cứ tình trạng rác thải như hiện nay thì đến năm 2030 có khoảng 300 triệu tấn rác thải trong đại dương, và có từ 80-90% nguồn đến từ đất liền và có trên 240 loài sinh vật biển bị vướng phải rác thải nhựa hoặc ăn phải rác thải nhựa. Đối với Châu Á: 90% rác thải nhựa trên biển đến từ 10 con sông thì 8 con sông đến từ Châu Á. Hiện có 05 quốc gia có rác thải nhựa lớn nhất thế giới là trung Quốc, Indonexia, Philippin, Việt Nam và Thái Lan, chiếm 55-60% tổng lượng rác thải nhựa ra đại dương.
 
Theo báo cáo của Hiệp hội nhựa, năm 2015, Việt Nam sản xuất và tiêu thụ khoảng 5 triệu tấn nhựa, trong đó, khoảng 80% nguyên liệu nhập khẩu sử dụng từ nhựa phế liệu. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh từ 3,8kg/năm/người năm 1990, tăng lên 41kg/năm/người vào năm 2015. Bộ TN&MT ước tính, trung bình mỗi người sử dụng, thải bỏ 1 túi nilon/ngày, mỗi năm có khoảng hơn 31,4 tỉ túi nilon bị thải ra nhưng chỉ có khoảng 17% trong số này được tái sử dụng. Nếu trung bình khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm, đây là gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn tới thảm họa "ô nhiễm trắng". Theo đó, phải mất hàng trăm, hàng nghìn năm thì các chất thải từ nhựa và ni lông mới bị phân hủy. Chúng cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động thực vật, làm tắc nghẽn hệ thống hạ tầng phục vụ dân sinh, thu hẹp không gian sống của sinh vật và gây độc cho môi trường
 
Những con số thống kê kinh hoàng trên chứng tỏ rác thải nhựa đã được báo động từ lâu, đang báo động và sẽ tiếp tục được báo động lớn, là hiểm họa lớn của môi trường toàn cầu. Cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra với 3 định hướng chính sách nổi bật là: Cải thiện môi trường pháp lý; Đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho bảo vệ môi trường và định hướng phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh. Chính phủ ban hành nhiều văn bản quản lý vấn đề này, như Quyết định 73/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng CP về danh mục phế liệu được phép nhập khẩu theo hướng chỉ cho phép nhập các loại nhựa có giá trị tái chế cao; Nghị định số 38/2015/NĐ- CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu; Quyết định số 582/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020, trong đó xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ về kinh tế, xã hội cũng như xử lý ô nhiễm môi trường với mục tiêu “Năm 2020 giảm 65% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010”… Chúng ta có những kế hoạch để thực hiện chủ trương ngăn ngừa, giảm thải chất thải nhựa, túi ni lông vào môi trường tự nhiên và đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, việc loại bỏ chất thải nhựa và túi ni lông là không dễ dàng do chúng ta chưa tìm được sản phẩm rẻ hơn, tiện dụng hơn để thay thế. Mặc dù nhận thức của phần lớn nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng đã được cải thiện do hiệu quả của tuyên truyền, nhắc nhở, nhưng thói quen sử dụng chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy của cộng đồng vẫn rất khó bỏ. Túi nilon là vật dụng hết sức gần gũi với mọi người, mọi nhà. Việc sử dụng túi nilon đã thành thói quen của mỗi người vì sự tiện lợi của nó. Bên cạnh đó, giá thành của mỗi chiếc túi nilon khá rẻ khiến cho việc tiêu thụ loại túi này ngày càng lớn. Ngoài ra, cơ chế chính sách cũng như công nghệ tái chế và sử dụng xử lý chất thải nhựa cũng còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ tái chế rác thải nhựa của chúng ta còn rất khiếm tốn do được thực hiện chủ yếu tại các làng nghề, công nghệ lạc hậu. Việc phân loại rác tại nguồn chưa được thực hiện rộng khắp và đồng bộ cũng là nguyên nhân khiến việc tái chế rác, nhất là rác thải nhựa chưa hiệu quả. Hiện nay việc xử lý chất thải nhựa và túi nilon phát sinh từ các hộ gia đình, chợ, khu vực công cộng chủ yếu được xử lý cùng với chất thải rắn sinh hoạt được thu gom rồi đem chôn lấp, đốt. Chỉ một số ít được tái chế nhưng việc tái chế cũng tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi rường.
 
Để hạn chế rác thải nhựa và tiến tới xóa bỏ hẳn, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau đây:
 
Thứ nhất: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của cộng đồng, thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa một lần của người dân để người dân ý thức được trách nhiệm của mình với cộng đồng. Các cơ quan, đơn vị không mua sắm, sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong hoạt động của mình; phát động mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hành động và vận động người thân cùng thực hiện việc giảm thiểu, tiến tới chấm dứt sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần. Bên cạnh đó, phát động phong trào huy động doanh nghiệp, cơ sở sản xuất,  cộng đồng dân cư tham gia thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi nilon và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định. Cùng với đó, Nhà nước cần sớm có quy định cấm các loại túi nilon không thân thiện với môi trường. Đầu tư nghiên cứu sản xuất ra các sản phẩm nhựa sinh học thân thiện với môi trường, sử dụng nhiều lần, những sản phẩm này phân huỷ 100% và trở thành hữu cơ, có tác dụng phục vụ sinh hoạt cho con người.
 
Thứ hai: Tiếp tục hoàn thiện và triển khai có hiệu quả hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó những chế tài xử phạt phải thực sự đủ mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn, nhất là giữa lực lượng thanh tra môi trường với lực lượng cảnh sát môi trường các cấp để có thể phát hiện, ngăn chặn và xử lí kịp thời, triệt để những hành vi gây ô nhiễm môi trường của các tổ chức, cá nhân.
 
Thứ ba: Đầu tư sử dụng công nghệ mới trong xử lý, tái chế chất thải nhựa. Đây là những việc rất quan trọng, đóng góp vào giảm thải RTN, túi ni lông nói riêng và rác thải nói chung. Cần áp dụng công nghệ xử lý rác thải không gây ô nhiễm môi trường. Theo các chuyên gia, xu hướng thế giới đang lựa chọn công nghệ đốt phát điện và nhiệt phân. Đây là 2 giải pháp tối ưu để thu hồi được những giá trị từ rác thải và giảm ô nhiễm môi trường hiệu quả, mang lại nhiều giá trị và lợi ích lâu dài cho sự phát triển của các khu công nghiệp và đô thị.
 
Để cuộc chiến chống rác thải nhựa có hiệu quả, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên. Cần tăng cường tuyên truyền để người dân thấy tác hại lớn của rác thải nhựa, từ đó hạn chế và tiến tới không dùng sản phẩm từ nhựa. Hoàn thiện và tổ chức hiệu quả pháp luật về bảo vệ môi trường. Sử dụng công nghệ mới trong xử lý, tái chế chất thải nhựa. Chỉ có như vậy ô nhiễm từ rác thải nhựa mới được khống chế và góp phần xây dựng, bảo vệ môi trường trong sạch.
 
Tin liên quan