KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Đăng ngày: 27/08/2024 - Lượt xem: 80
'Theo dấu chân Người': Hành trình 30 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

Với tập truyện ký "Theo dấu chân Người," nhà văn Trình Quang Phú đã tái hiện hành trình bôn ba năm châu bốn bể, đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1911-1941).

Cuốn sách viết về hành trình 30 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Với rất nhiều tâm huyết và lao động văn chương bền bỉ trong nhiều năm qua, Giáo sư-Tiến sỹ, nhà văn Trình Quang Phú đã hoàn thành và cho ra mắt bạn đọc cuốn sách “Theo dấu chân Người” viết về hành trình 30 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.

Ngày 26/8, Nhà xuất bản Hội Nhà văn – đơn vị phát hành đã tổ chức tọa đàm giới thiệu cuốn sách tại Hà Nội.

Cuốn sách dày gần 600 trang kể về hành trình của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành, kể từ khi rời bến Nhà Rồng ngày 5/6/1911, trong suốt những năm tháng bôn ba năm châu bốn bể, tìm hiểu phong trào đấu tranh cách mạng ở nhiều nước như Pháp, Mỹ, Anh, Liên Xô, Trung Quốc, Hồng Kông... rồi về Pác Bó (Cao Bằng) trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (ngày 28/1/1941).

Tác giả đi đến những nơi Bác Hồ từng đến rồi tái hiện hành trình tìm đường cứu nước của Bác bằng ký và truyện ký.

Theo tác giả Trình Quang Phú, sau khi tác phẩm “Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng” in lần đầu ở Nhà xuất bản Văn học năm 1996, ông đã mang sách đến tặng Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người ông vẫn thường gọi một cách thân thương là “chú Tô.”

Trong cuộc trao đổi thân mật đó, chú Tô dặn tác giả: “Cháu nên dành thì giờ nghiên cứu về 30 năm Bác ở nước ngoài. Ba mươi năm tính từ ngày Bác rời Sài Gòn cho đến ngày Bác về nước là một kho tàng rất hấp dẫn đó cháu.”

Vậy là suốt một phần tư thế kỷ, ông Trình Quang Phú đã đến Pháp, Anh, Mỹ, Nga, Trung Quốc..., có những nước như Pháp, như Nga, ông đã đến hàng chục lần. Ông đi sưu tầm tư liệu và ghi chép, rồi đối chiếu.

Nhà văn xúc động và thấy được khích lệ khi đi đến nước nào, ở thể chế chính trị nào, ông cũng cảm nhận được rằng người dân ở đó đều tôn trọng Bác, dành sự trân quý với Bác và họ tự hào khi đất nước họ in dấu chân Bác.

“Với tất cả tình cảm cao cả với Bác, với sự thôi thúc của một nhà văn, tôi đã xây dựng nên tập truyện ký ‘Theo dấu chân Người.’ Hy vọng sẽ mang đến cho bạn đọc những thông tin, tư liệu bổ ích và qua những trang sách này người đọc sẽ hiểu thêm, sẽ yêu, sẽ học tập phong cách, ý chí cao cả của Bác kính yêu,” nhà văn Trình Quang Phú chia sẻ.

Nhà văn Trình Quang Phú đã dành một phần tư thế kỷ để hoàn thành cuốn sách này. (Ảnh: vanvn.vn)

Tác giả đã đi đến những nơi Bác Hồ từng ở để sưu tập, ghi chép và đối chiếu rồi viết những câu chuyện dưới góc nhìn mới, truyền tải sinh động về cuộc sống, sự nghiệp của Bác những năm tháng ở nước ngoài.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho hay ngày càng có nhiều nhà văn mạnh dạn sáng tác về các vĩ nhân trong lịch sử, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần làm cho khoảng cách giữa các nhà văn và danh nhân lịch sử gần lại.

“Các nhà văn đã xóa đi những nghi ngại, lo lắng khi viết về nhân vật lịch sử. Họ đã viết một cách đầy rung động và cảm xúc. Họ không chỉ dựng một bức tượng vĩ nhân bằng ngôn ngữ mà còn làm cho nhân vật đó trở lại trong đời sống đương đại. Văn chương mở ra biên độ khác, sâu sắc hơn và tràn đầy hơi thở cuộc sống,” ông Thiều nói./.

Giáo sư-Tiến sỹ, nhà văn Trình Quang Phú sinh năm 1940 tại quê Phú Yên, hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông.

Trong sự nghiệp văn chương của mình, ông có 6 tác phẩm viết về Bác Hồ, gồm: “Miền Nam trong trái tim Người,” “Người là niềm tin,” “Đường Bác Hồ đi cứu nước,” “Theo Bác Hồ đi kháng chiến,” “Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng” và “Theo dấu chân Người.”

 

Tin liên quan