Ngày 1/8, tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội đã dự lễ truy tặng và trao danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho Mẹ Ngô Thị Lý, thân mẫu của liệt sỹ Tô Chấn và liệt sỹ Tô Hiệu.
Cùng dự, có các đồng chí: Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; đại diện lãnh đạo tỉnh Sơn La, thành phố Hải Phòng. Về phía tỉnh Hưng Yên có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Doãn Thế Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh; lãnh đạo huyện Văn Giang, xã Nghĩa Trụ và đại diện gia đình, dòng họ, nhân dân thôn Xuân Cầu.
.jpg)
Đại diện gia đình Mẹ Ngô Thị Lý nhận danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng do đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội trao tặng
Diễn văn ôn lại những đóng góp của Mẹ Ngô Thị Lý với cách mạng, quê hương và dòng họ Tô do đồng chí Đặng Ngọc Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đọc tại buổi lễ, đã nhấn mạnh việc truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho mẹ Ngô Thị Lý là sự ghi nhận của Tổ quốc đối với công lao trời biển và sự hy sinh vô bờ bến của mẹ. Cuộc đời và sự cống hiến to lớn của mẹ mãi mãi là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập và noi theo. Mẹ là biểu tượng đẹp của người phụ nữ đảm đang, tảo tần, là tấm gương cao đẹp, trong sáng, tiêu biểu của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, những người có công sinh thành, nuôi dạy và hiến dâng cho dân tộc lớp lớp các thế hệ anh hùng.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ lòng thành kính, biết ơn sâu sắc đến mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Lý đã sinh thành, nuôi dưỡng, hiến dâng những người con ưu tú cho sự nghiệp giải phóng dân tộc; đóng góp công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước; là người phụ nữ tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam. Đồng chí mong muốn quê hương Hưng Yên tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tăng cường đoàn kết, nhất trí trong Đảng, chính quyền và nhân dân để thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức thành công đại hội Đảng bộ tỉnh; đóng góp to lớn hơn nữa vào sự nghiệp cách mạng của Đảng; quan tâm, chăm lo tốt hơn nữa đối với những gia đình chính sách, gia đình có công với nước. Đồng thời bày tỏ niềm tin tưởng các thệ hệ sau này mãi mãi nhớ ghi và tiếp nối truyền thống cha ông để lại, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng liệt sỹ, người có công với cách mạng.
Mẹ Ngô Thị Lý, sinh năm 1877, tại thôn An Lạc, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Thân phụ của Mẹ là tướng quân Ngô Quang Huy (1835-1889) là một trong những lãnh tụ chủ chốt của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy lừng danh chống Pháp cuối thế kỷ XIX. Mẹ Ngô Thị Lý kết duyên cùng với cháu nội Tô Y của cụ Đốc Nam. Năm 29 tuổi, chồng mất, Mẹ một nách nuôi 5 con: Tô Tu, Tô Chấn, Tô Hiệu, Tô Thị Xuyến, Tô Thị Phúc ăn học. Phát huy truyền thống quê hương và noi gương ông ngoại của mình, Tô Chấn và Tô Hiệu đã tham gia các phong trào yêu nước cách mạng từ rất sớm, trở thành những nhà cách mạng nổi tiếng và đều hy sinh khi mới 32 tuổi: Tô Chấn hy sinh khi vượt ngục Côn Đảo năm 1936, Tô Hiệu hy sinh tại nhà ngục Sơn La mùa xuân năm 1944.
Trước cách mạng năm 1945, nhà Mẹ Lý là nơi nuôi giấu các nhà hoạt động cách mạng tiền bối như: Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt. Trường Chinh, Trần Huy Liệu, Trần Tử Bình, Nguyễn Bình… Mẹ chăm sóc các ông như con đẻ của mình nên các ông rất thương Mẹ và nhận là mẹ nuôi.
Cách mạng tháng Tám thành công, Mẹ Lý mới biết hai người con là Tô Chấn và Tô Hiệu đã hy sinh. Thương con, mẹ khóc nhiều nên 2 mắt gần như bị lòa. Năm 1946, mẹ được Hồ Chủ tịch mời ra Hà Nội thăm hỏi và tặng quà. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng Mẹ dứt khoát không chịu ở lại vùng tề, một mực đòi theo các con cháu đi kháng chiến lên Việt Bắc tản cư.
Mẹ mất ngày 8/8/1952 (tức ngày 18 tháng 6 năm Nhâm Thìn). Sau năm 1954, hài cốt của Mẹ được chuyển về khu mộ gia đình tại nghĩa trang Tam Kỳ, Nghĩa Trụ, Văn Giang, Hưng Yên.
MT