KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Đăng ngày: 29/08/2024 - Lượt xem: 93
Tư tưởng Hồ Chí Minh - Nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho nhiều quốc gia trên thế giới

Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kết hợp nhuần nhuyễn, biện chứng giữa truyền thống văn hóa dân tộc, chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, lòng quả cảm, sự hy sinh anh dũng.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, phát biểu tại Hội thảo “Chủ tịchHồ Chí Minh và quan hệ Việt Nam-Mỹ Latinh” tổ chức tại thủ đô Brasilia, Brazil (Ảnh: Diệu Hương/Vietnam+)

Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil vừa phối hợp với Đảng Cộng sản và Đảng Lao động Brazil tổ chức Hội thảo mang tên “Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan hệ Việt Nam-Mỹ Latinh” tại thủ đô Brasilia.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam tại Brazil, do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dẫn đầu, với sự tham gia của hơn 60 đại biểu đến từ Đảng Cộng sản Brazil, Đảng Lao động, Đảng Lao động dân chủ, nhiều nhà nghiên cứu, học giả, sinh viên và bạn bè yêu mến Việt Nam.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, Trưởng Ban Đối ngoại Đảng Cộng sản Brazil (PcdoB) Ana Prestes; Tổng Thư ký Hội hữu nghị Brazil-Việt Nam (ABRAVIET) Pedro Olivera, đại sứ nhiều nước, trong đó có Nga, Ấn Độ, Malaysia và Lào, cũng có mặt tại hội thảo, được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chào mừng 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (2/9/1945-2/9/2024) và 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Brazil.

Các tham luận và ý kiến trình bày tại hội thảo đã thống nhất cho rằng Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kết hợp nhuần nhuyễn, biện chứng giữa truyền thống văn hóa dân tộc, chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, lòng quả cảm, sự hy sinh anh dũng trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, với Chủ nghĩa Marx-Lenin, trọng tâm là lý luận về sự phát triển các hình thái kinh tế-xã hội.

Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như trải nghiệm và khảo cứu các cuộc cách mạng tiêu biểu trên thế giới thời kỳ cận đại, các phong trào cách mạng trong nước của các bậc tiền bối, Người đã đúc kết rằng con đường cách mạng của Việt Nam đó là cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Tổng Thư ký Hội hữu nghị Brazil-Việt Nam (ABRAVIET), Pedro Olivera, phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Diệu Hương/Vietnam+)

Phát biểu tại hội thảo, nhà sử học Olivera, Tổng Thư ký ABRAVIET, xúc động nhắc lại vào năm 1912, trên hành trình đi tìm đường cứu nước, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã tới cảng Rio de Janeiro và sống tại thành phố này trong 6 tháng. Khi đó, Nguyễn Tất Thành đã làm việc trong một nhà hàng ở Lapa, gần Santa Teresa.

Chính trong thời kỳ này, lần đầu tiên Người đã tiếp xúc với tinh thần cách mạng của công nhân Brazil khi tiếp xúc với các thủy thủ từng tham gia vào một cuộc khởi nghĩa. Đây là thời điểm ghi dấu ấn quan trọng đối với Hồ Chí Minh, khi Người bắt đầu tham gia các phong trào cách mạng bên ngoài Việt Nam.

Chính Hồ Chí Minh là người đã đặt nền móng cho mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Nhà văn Oliveira, 76 tuổi, hồi tưởng lại trong những năm cuối thập kỷ 60 của thế kỷ 20, phong trào ủng hộ hòa bình, phản đối chiến tranh của nhân dân Việt Nam diễn ra vô cùng sôi động trong giới thanh niên, sinh viên Brazil, bất chấp các cuộc đàn áp của chính phủ độc tài quân sự thời đó.

Các tổ chức thanh niên thường trình chiếu các bộ phim, do Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam gửi đến, tố cáo hành động tàn bạo của quân đội Mỹ, trong đó có việc sử dụng bom napal và chất độc da cam xuống các làng quê và khu rừng ở Việt Nam.

Trưởng ban Đối ngoại Đảng Cộng sản Brazil, Ana Prestes, phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Diệu Hương/Vietnam+)

Trong tham luận đề cập tới quan hệ Brazil và Việt Nam, Trưởng Ban Đối ngoại Đảng Cộng sản Brazil Prestes nhấn mạnh mối quan hệ giữa hai nước bắt nguồn từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi nhân dân Brazil đã có nhiều hành động thể hiện sự ủng hộ, đoàn kết với cuộc đấu tranh giải phóng, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam.

Trong 35 năm qua, mối quan hệ giữa hai nước phát triển tích cực với quan hệ chính trị tin cậy, hiểu biết và hợp tác lẫn nhau ngày càng gia tăng.

Hai bên duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc song phương, trao đổi thương mại có những bước phát triển tích cực, trong đó Brazil là đối tác thương mại chính của Việt Nam ở Mỹ Latinh và Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn của Brazil ở Đông Nam Á.

Năm 2023, thương mại song phương đạt hơn 6,7 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Brazil đạt 714,8 triệu USD. Brazil nhập khẩu sản phẩm điện tử, thiết bị viễn thông, bao gồm cả linh kiện, phụ kiện.

Hai nước vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển, đặc biệt là khả năng ký kết hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur).

Quang cảnh Hội thảo “Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan hệ Việt Nam-MỹLatinh.” (Ảnh: Diệu Hương/Vietnam+)

Phát biểu bế mạc hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cảm ơn tình đoàn kết, hữu nghị, sự ủng hộ vô cùng to lớn của nhân dân các nước Mỹ Latinh, đặc biệt là nhân dân Brazil, trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam, cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi cách mạng Việt Nam là bộ phận của cách mạng thế giới, gắn bó mật thiết với phong trào cách mạng và tiến bộ trên thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh vận dụng sáng tạo tư tưởng ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

Đảng Cộng sản Việt Nam hiện có quan hệ với 253 đảng thuộc 115 quốc gia trên thế giới.

Bên cạnh đó, Việt Nam có quan hệ với 193 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 3 nước quan hệ đặc biệt, 7 nước đối tác chiến lược toàn diện.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa kết luận những giá trị trong Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đang được hiện thực hóa ở Việt Nam sẽ tiếp tục được lan tỏa và là nguồn cổ vũ, động viên mạnh mẽ cho các quốc gia trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội./.

Các đại biểu tham dự Hội thảo “Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan hệ ViệtNam-Mỹ Latinh” chụp ảnh lưu niệm (Ảnh: Diệu Hương/Vietnam+)

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn

Tin liên quan